Sunday, April 4, 2010

Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô


Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô  của D. Wahrheit được hiệu đính từ một tập sách rất khó đọc dạng ronéo. Sau một thời gian dài tìm tác giả cũng như người dịch, tôi được Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Giám Đốc Đài Chân Lý  Á Châu, cho biết: các sách có tên tác giả D. Wahrheit là những tác phẩm của Đài Chân Lý Á Châu đã phát thanh, được thính giả ghi lại trong thời gian khó khăn khi chưa có internet (D: Đài; Wahrheit: Chân Lý); và nay, được phép ngài cho phổ biến, tôi chân thành giới thiệu tập sách bổ ích Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô này cùng các bạn trẻ, cách riêng những bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân.
Lễ Thánh Mônica, 27.8.2009
Lm. Minh Anh (Gp. Huế) 
MỤC LỤC   
Lời ngỏ 
Tập sách này không trình bày một nghiên cứu khoa học hay những suy tư uyên bác hoặc một lý thuyết cao xa.
Đây chỉ là những mẩu chuyện tâm tình, đơn sơ, vắn gọn và rất thực tế. Xin gởi đến:
Các bạn thanh niên nam nữ đã bắt đầu nghĩ đến cuộc sống hôn nhân,
Các bạn đang chuẩn bị lập gia đình,
Các bạn mới bước vào cuộc sống lứa đôi hay đã trải qua cuộc sống ấy từ nhiều năm.
Ước mong sao những mẩu chuyện này sẽ giúp phần làm cho đời sống hôn nhân và gia đình các bạn hiện thời hoặc trong tương lai gia tăng niềm vui, phấn khởi, hạnh phúc và thành công. Đó là những gì mà các bạn có quyền hưởng nhận trong tư cách là những Kitô hữu, những người con của Thiên Chúa.
Cũng xin được gửi những trang sách này tới quý Linh mục và tất cả những ai thiết tha góp phần xây dựng những gia đình Kitô thánh thiện, gương mẫu làm nền tảng vững chắc cho Giáo Hội và dân tộc.
Ước mong quý vị sẽ gặp được nơi đây đôi điều hữu ích cho sứ mệnh cao quý của mình.
A. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ ...............................................        7
B. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN..........................................        160


Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập) 

 
Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng, được vun xới trong chân lý và bác ái. Trong chân lý nghĩa là chấp nhận và chịu đựng những khuyết điểm, những thiếu sót của nhau, cũng như những khác biệt trong bản chất của mỗi người. Trong bác ái, nghĩa là không ngừng cảm thông và tha thứ.


Người vợ nên nhớ rằng, những cách biểu lộ tình cảm của người đàn ông khác với người đàn bà. Tình yêu thương người đàn ông dành cho gia đình, vợ con thường được biểu lộ qua sự chú tâm, những hy sinh, sự cặm cụi làm việc. Cho dẫu người đàn ông có thiếu tế nhị và lịch sự, cho dẫu cung cách của người đàn ông có thiếu sự tinh tế và tình cảm, thì điều đó không có nghĩa là người đàn ông không biết yêu hay không có tình yêu.


Một người đàn bà yêu chồng và tha thiết với hạnh phúc gia đình phải là một người đàn bà sống trọn vẹn cho chồng. Bà hãy xem những tham vọng, những sở thích, những hoạt động của chồng như của chính mình.


Hôn nhân là một công trình xây dựng chung của hai vợ chồng. Hai tâm lý khác nhau, hai lối suy nghĩ khác nhau, hai biểu lộ khác nhau, hai sở thích khác nhau. Đó là kho tàng quí giá nhất của đời sống vợ chồng. Sự khác biệt đó không phải là hố ngăn cách hai người, mà trái lại, bổ túc cho nhau, làm cho nhau nên phong phú hơn.


Hôn nhân là một cách sống ơn gọi làm người. Chính nhờ đời sống hôn nhân mà con người nên người hơn, nên phong phú hơn, nên thành toàn trong nhân cách hơn. Và để đạt được ơn gọi ấy, hai người phối ngẫu phải biết tiếp nhận nhau, biết xem những khác biệt của nhau như những giá trị giúp nhau nên phong phú. Nói tóm lại, nên một với nhau, hoà lẫn với nhau, nhưng không đánh mất chính mình. Đó là vẻ đẹp của đời sống vợ chồng.


Cái duyên dáng của người đàn bà chính là sự dịu dàng kín đáo.


Một người vợ tốt, cốt yếu phải là một sự trợ giúp, một nơi nương tựa thiết thực cho chồng.


Người vợ trẻ nên đọc lại lời cầu chúc mà Giáo Hội dành cho họ trong nghi thức hôn phối:


“Xin cho họ được âu yếm nồng nàn với chồng như nàng Rakhen. Xin cho họ được khôn ngoan như Rebeca, sống lâu trường thọ và thủy chung như bà Sara”.


Lòng chung thuỷ đối với nhau được thể hiện không chỉ bằng sự đam mê gắn bó với nhau, mà nhất là bằng lòng quảng đại, khoan dung, tha thứ, quên mình. Nói cho cùng, tình bác ái Kitô giáo chính là thể hiện của sự chung thuỷ và là chìa khoá của hạnh phúc hôn nhân.


Không ai sinh ra đã là một con người hoàn hảo có thể trưởng thành và tự đủ cho mình mà không cần có sự trợ giúp của người khác. Hôn nhân là môi trường cơ bản nhất để con người trưởng thành và kiện toàn trong ơn gọi làm người của mình. Do đó, điều cần thiết và quan trọng nhất mà hai người phối ngẫu phải nhận thức và tôn trọng chính là sự khác biệt và bổ túc cho nhau giữa hai người. Bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy. Cả hai người trao đổi cho nhau những gì mình có. cả hai tăng cường cho nhau những gì mình có ít, để từ đó giúp nhau được nên người hơn.


Về phía người vợ, những đức tính cần thiết cho một người vợ phải là nhạy cảm để thấy được những nhu cầu, chú ý và quan tâm đến những nét đặc thù của con người, cảm thông với những khổ đau của người khác, tế nhị trong cách đối xử, lắng nghe và nhất là không lãng quên. Nói chung, những đức tính mà người vợ cần trau dồi là những đức tính nói lên sự hiện diện thường xuyên của một quả tim đang yêu.


Khi cuộc sống là một cuộc sống yêu thương, quảng đại, hy sinh quên mình, thì đó chính là lúc mỗi người đang phát triển những đức tính của riêng mình và giúp cho người phối ngẫu cũng được lớn lên trong những đức tính của họ.


Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất để bảo đảm hạnh phúc chính là lòng chân thành với nhau. Chỉ có lòng chân thành mới giúp cho hai người tôn trọng nhau, và sự tôn trọng nhau chính là nền tảng của sự hoà thuận trong gia đình.


Người nắm giữ bí quyết hạnh phúc gia đình, người đóng vai chủ động trong việc xây dựng hạnh phúc hôn nhân chính là người vợ. Dĩ nhiên sự thành công của hôn nhân là do sự hợp tác của hai vợ chồng. Nhưng người vợ vẫn là người đóng vai trò chủ yếu.


Trong những hoàn cảnh khó khăn, người vợ cần phải tỏ ra là cột trụ của gia đình, là chỗ dựa của người chồng, là người đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ sự vững chắc của gia đình.


- Hơn cả trong thời gian quen biết và đính hôn, người vợ cần phải không ngừng làm đẹp lòng chồng. Những lúc người chồng gặp khó khăn trong công ăn việc làm là những lúc họ cần được vợ nâng đỡ chiều chuộng hơn cả. Trong mọi sự, người vợ hãy cư xử với chồng như một người tình.


- Người vợ phải luôn tạo ra một bầu khí ấm cúng trong gia đình. Một căn nhà trật tự sạch sẽ, một bữa ăn chuẩn bị chu đáo, đó là hơi ấm mà người vợ mang lại cho chồng sau một ngày lao động vất vả hay sau những giờ phút căng thẳng vì bổn phận.


- Người vợ phải luôn biết khuyến khích cổ võ chồng trong công việc, dù công việc có tăm tối và khiêm tốn đến đâu. Ai cũng muốn được khen tặng. Trong lời khen tặng ấy, không ai có thể thành thật cho bằng người vợ.


- Việc bếp núc là một trong những chìa khóa để bảo vệ hạnh phúc hôn nhân.


- Người vợ nên nhớ, mình là người bạn đường của chồng, người mà chồng cảm thấy được thoải mái để tâm sự. Điều này cũng có nghĩa là người vợ phải không ngừng chú ý đến những khó khăn của chồng. Chú ý không có nghĩa là theo dõi, kiểm soát, mà chính là luôn dành tất cả yêu thương cho chồng. Tựu trung, tình yêu là chìa khóa của hạnh phúc.


Tình yêu lứa đôi là một công trình xây dựng suốt đời. Mãi mãi tình yêu lứa đôi cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ bằng chính sự lãng mạn mà hai người đã trao cho nhau ngay từ ban đầu.


Chính qua ánh mắt mà con người biểu lộ nội tâm sâu kín của mình. Điều này càng đúng hơn trong tình yêu vợ chồng. Qua ánh mắt tình tứ, hai người trao đổi cho nhau những gì mà họ không thể trao đổi với người khác. Riêng với người vợ, ánh mắt tình tứ của người chồng là một bảo đảm: người vợ được yêu thương, được bao bọc, được chở che. Ánh mắt ấy như nói với người vợ rằng: chồng luôn ở bên cạnh mình. Ánh mắt ấy như nói với người vợ rằng, lúc nào chồng cũng tán thành những việc làm và luôn cảm thông những lầm lỡ thiếu sót của mình. Ánh mắt ấy là một khuyến khích người vợ trong những công việc đơn điệu và phiền toái mỗi ngày. Một người chồng luôn biết giữ được ánh mắt tình tứ ấy là người biết nắm chắc hạnh phúc lứa đôi.


Lịch sự là hoa quả của bác ái. Mà không nơi nào đòi hỏi bác ái cho bằng chính môi trường thân thuộc của mình. Càng thiết thân với nhau, người ta lại càng cần lịch sự với nhau hơn.


Người ta không chỉ nói để bày tỏ tư tưởng, để bộc lộ nỗi lòng hay để loan truyền sứ điệp cho người khác mà còn để thiết lập quan hệ với người khác. điều này càng có giá trị hơn trong tương quan vợ chồng. Người chồng chào hỏi và chuyện vãn với vợ, trước hết là để thắt chặt sự liên kết của mình với vợ.


Sự hiện diện của những người bạn trong cuộc đời của họ là điều không thể thiếu nếu người đàn ông muốn giữ sự quân bình nội tâm. Do đó, thiết tưởng người vợ không những không ngăn cản mà còn phải tạo điều kiện để mối quan hệ của chồng với bạn bè luôn được tốt đẹp. Mối quan hệ với người chung quanh càng tốt đẹp thì tình yêu vợ chồng càng được củng cố. Niềm vui có thêm một người bạn mới, niềm vui được sống hài hoà với người chung quanh, phải chăng không làm gia tăng niềm vui sướng trong gia đình?


Tình yêu vợ chồng, hay đúng hơn, sự diễn tả tình yêu cần được thay đổi và mới mẻ luôn.Các đôi vợ chồng phải tổ chức đời sống thế nào để giữ cho tình yêu luôn được tươi trẻ.


Trong việc gìn giữ cho tình yêu vợ chồng được tươi trẻ, hẳn người vợ phải là người đóng vai trò quan trọng nhất. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến vẻ đẹp mà người đàn bà luôn giữ gìn, chăm sóc. Vẻ đẹp của người đàn bà chính là quyền lực của họ đối với chồng. Đó cũng là bí quyết để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.


Dĩ nhiên, vẻ đẹp tâm hồn là yếu tố quan trọng hơn cả. Một vẻ đẹp thể lý dù lộng lẫy kiêu sa đến đâu cũng sẽ trở thành vô duyên khi người đàn bà không có vẻ đẹp trong tâm hồn. Và dĩ nhiên, vẻ đẹp của tâm hồn không nhất thiết phải là sự thông minh, cũng không hẳn là cái duyên dáng của những điệu bộ, mà chính là tấm lòng quảng đại, yêu thương, tha thứ, phục vụ, quên mình của người đàn bà.


Trang điểm, làm đẹp, giữ cho thân xác luôn tươi tắn là một trong những bí quyết quan trọng để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Làm đẹp là một cách thế để nói lên tình yêu đối với chồng.


Một bí quyết để xây hạnh phúc gia đình: người vợ chỉ có thể chinh phục được chồng bằng tình yêu thương và sự dịu dàng mà thôi. Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ tốt nhất chính là thích nghi với hoàn cảnh, thích nghi có nghĩa là hành động với tất cả kiên nhẫn dịu dàng và yêu thương. Đó là cách thế duy nhất có thể giúp sửa đổi được chồng. Sự bạo động của người vợ trong lời nói hay trong cách cư xử sẽ không bao giờ thuyết phục được chồng; trái lại, chỉ có tình yêu, sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn mới có thể lay động được trái tim của họ.


Thiết tưởng lời của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô chương 13 đáng cho chúng ta tâm niệm mỗi ngày. “Bác ái thì khoan dung, nhân hậu, bác ái không ghen tương, bác ái không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất, không giận dữ, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật. Trong muôn sự, bác ái hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn”.


Văn sĩ Pháp André Maurois đã nói, “Tình yêu chân thật chỉ có khi những khuyết điểm trở thành kỳ diệu”, nghĩa là khi người ta biết chấp nhận chúng với khoan dung dịu dàng và óc khôi hài. Hạnh phúc đích thực chỉ có được khi người ta không cảm thấy ước muốn thay đổi điều gì nơi người mình yêu. Lời vàng ngọc sau đây của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cần phải được những người vợ trẻ đem ra tâm niệm:


“Bác ái đích thực là chịu đựng mọi khuyết điểm của tha nhân, là không ngạc nhiên về những yếu hèn của tha nhân, và biết xây dựng tha nhân bằng những hành động nhân đức. Nhưng nhất là, bác ái đích thực không được che giấu trong đáy lòng, bởi vì không đốt đèn rồi để dưới đáy thùng. Nhưng để trên giá đèn hầu soi sáng tất cả mọi người trong nhà”.


Thánh nữ Têrêxa muốn nói rằng, người ta chỉ chữa trị được những khuyết điểm của người khác bằng gương sáng; hay đúng hơn, bằng tình yêu mà thôi. Điều này hẳn phải là chân lý trong đời sống vợ chồng.


Chìa khóa mà một người vợ phải nắm vững, đó là luôn sống vui tươi, linh hoạt và có đời sống tinh thần sâu sắc.


Biết lắng nghe một cách nghiêm chỉnh và thích thú khi chồng nói đến những vấn đề chính trị, triết học hay bất cứ những gì mà chồng cho là quan trọng và lý thú. Thỉnh thoảng, nên đọc một quyển sách hay và trao đổi nội dung cuốn sách với chồng.


Ít nhất mỗi tuần một lần, dành trọn thời giờ cho chồng, để cho chồng thấy rằng: chồng là nơi nương tựa cần thiết của mình. Quên đi những phiền toái hằng ngày để luôn tạo ra cho chồng bầu khí vui tươi, lành mạnh. Luôn đề cao chồng trước mặt con cái. Sống và hành động như thế nào để không có gì phải giấu diếm với chồng. Hãy tránh hạch hỏi chồng. Người chồng nào cũng luôn muốn được sống trong bầu khí tin tưởng.


Thỉnh thoảng, nên lặp lại cho chồng nghe những lời dịu ngọt, những kỷ niệm của thời mới quen nhau hay đính hôn với nhau. Đừng quá thường xuyên hỏi chồng có còn yêu mình nữa không. Đừng lặp đi lặp lại với chồng về những hy sinh của mình cho gia đình.


Sự nâng đỡ và cảm thông là điều mà người chồng cần nhất trong cuộc sống. Cần phải luôn nâng đỡ và cảm thông với chồng. Đó là qui luật cơ bản trong đời sống vợ chồng mà một lần nữa chúng tôi xin được nhắn gửi đến những người vợ trẻ. Đời sống vợ chồng là trường luyện nhân cách, và đức tính chủ yếu và cần thiết cho hạnh phúc lứa đôi là sự cảm thông và chịu đựng của người vợ.


Nếu người vợ không đặt vào công việc nội trợ tất cả yêu thích và tình thương cộng với tinh thần hy sinh thì quả thực, họ phải vác một gánh nặng khủng khiếp suốt đời. Tình yêu và sự hy sinh là liều thuốc giúp người vợ thắng vượt sự nhàm chán và tìm thấy ý nghĩa trong công việc hàng ngày của mình. Tình yêu và sự hy sinh cũng giúp cho người vợ thấy được sự cảm thông mà họ cần phải có đối với chồng mình.


Dĩ nhiên một người chồng yêu thương vợ thật sự luôn có đủ nhạy cảm để nhận ra những vất vả hy sinh của vợ. Một người chồng có trách nhiệm thật sự đối với đời sống gia đình sẽ không để cho người vợ đầu tắt mặt tối với công việc trong nhà mà không hề lấy một ngón tay để giúp đỡ. Khi giữa hai người đã tâm đồng ý hợp và yêu thương thật sự, thì công việc trong nhà dù nhỏ nhặt và vô danh đến đâu sẽ không còn là việc riêng của người vợ mà phải là công việc chung của hai người.


Tuy nhiên, người vợ cần phải luôn nhớ rằng, thiên chức của họ chính là kiên nhẫn chịu đựng trước những phiền toái và khó khăn của cuộc sống.


Người vợ cũng cần nhớ rằng, người chồng cũng có một thế giới và những vấn đề riêng của ông ta. Lắm lúc người chồng không mong gì hơn là được yên lặng, cái yên lặng đầy cảm thông và yêu thương của vợ con. Chỉ có người đàn bà do sự cảm thông của mình mới có thể an ủi được chồng. Và đó là chức năng cao cả của người vợ. Người vợ hiện diện bên chồng như một nâng đỡ, ủi an, với sự chịu đựng đầy cảm thông.


Một cách nào đó như chúng ta thường gọi người vợ là nội tướng trong gia đình. Người vợ quán xuyến trong gia đình. Người vợ đóng vai trò chủ chốt trong việc dạy dỗ con cái. Nhưng quan trọng hơn cả chính là vai trò gìn giữ và thăng tiến sự hoà thuận trong gia đình. Mái ấm gia đình là công trình chung của vợ chồng, con cái, nhưng vai trò chủ yếu vẫn là người vợ. Sự trật tự tươm tất trong nhà trước hết thuộc trách nhiệm của người vợ. Chăm sóc con cái và quan hệ tốt với người chung quanh, từ trong nhà ra ngoài ngõ, xem ra vai trò của người đàn bà là chủ yếu. Chỉ có lòng yêu thương và quảng đại của người đàn bà mới có thể giúp họ hoàn thành vai trò ấy. Thiếu lòng yêu thương, tinh thần hy sinh, người vợ sẽ không thể chu toàn được vai trò nội tướng của mình, và như vậy sẽ không là một nâng đỡ cho người chồng.


Chính nhờ tình yêu tận hiến cho nhau mà hai người phối ngẫu được thành toàn. Sự bổ túc mà hai người mang lại cho nhau không chỉ là xoa dịu nhu cầu nhục cảm mà chính là sự quân bình tâm sinh lý và trưởng thành nhân cách.


Con cái là hoa quả của tình yêu và sự sống.


Vì tình yêu luôn có tính cách chung thuỷ cho nên hôn nhân cũng mang tính bất khả phân ly. Trong hôn phối, hai người cam kết yêu thương nhau không phải chỉ trong một thời gian, với một số điều kiện mà là yêu thương suốt đời và vô điều kiện. Hơn nữa, trong chương trình của Thiên Chúa, tình yêu bền vững, thủy chung, trọn vẹn, phong phú giữa hai vợ chồng cũng trở thành một biểu tỏ hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với con người.


Lời thánh Gioan trong thư I của Ngài để kết thúc: “Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa”. Chúng ta có thể nói: Ai sống yêu thương là đang đi trên con đường nên thánh vậy.


Tất cả những ai sống đời tận hiến đều giữ ba lời khấn là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Tuy những đôi vợ chồng không sống ba lời khuyên khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục một cách đặc biệt như các tu sĩ thì ba nhân đức này vẫn là điều vô cùng cần thiết để có được một cuộc hôn nhân thành công và hạnh phúc thực sự. Và nên thánh trong bậc hôn nhân cũng có nghĩa là trau dồi ba nhân đức này.


Tính dục được sử dụng như ngôn ngữ để diễn tả tình yêu vợ chồng là tính dục đã được hiểu và sử dụng đúng với chức năng của nó. Mà nói đến tình yêu là nói đến phục vụ, phục vụ cho nhau, phục vụ cho hạnh phúc của nhau, phục vụ cho sự sống mà Thiên Chúa ban tặng qua hành động tính dục. Trong số 35 của Tông Huấn về đời sống gia đình, Đức Gioan Phaolô II đã định nghĩa sự khiết tịnh như sau: “Theo cái nhìn của Kitô giáo, khiết tịnh không có nghĩa là từ chối hoặc khinh chê tính dục của con người. Đúng hơn, khiết tịnh là một năng lực thiêng liêng bảo vệ tình yêu khỏi những nguy cơ của ích kỷ và gây hấn, đồng thời cổ võ cho tình yêu ấy tiến tới sự viên mãn”. Sống khiết tịnh trong bậc sống vợ chồng xét cho cùng chính là sử dụng tính dục để diễn đạt tình yêu lứa đôi, một tình yêu quảng đại hy sinh, một tình yêu hướng mở đến sự sống và phục vụ sự sống.


Đức vâng phục và phục vụ: Trong quan hệ vợ chồng, không ai làm đầu hay làm bề trên, mỗi người đều là đầu của người khác. Bởi vì cả hai đã nên một trong thể xác và tinh thần. Mỗi người là đầu của người khác, vợ là đầu của chồng, chồng là đầu của vợ.


Nhân đức khó nghèo mà những người sống đời tận hiến khấn giữ không hẳn chỉ có nghĩa là khước từ quyền sở hữu hoặc sống một cuộc sống khắc khổ, nhưng chính là chia sẻ cho nhau. Nhân đức khó nghèo sẽ trở thành vô nghĩa nếu nó không nhắm đến đức ái. Tự nó, sự khó nghèo không bao giờ là một nhân đức. Người ta có thể là một con người tham lam ích kỷ ngay cả trong thân phận ngửa tay ăn xin. Khó nghèo chỉ có thể là một nhân đức khi của cải vật chất không được tôn thờ như một cứu cánh và khi con người biết sống chia sẻ cho nhau.


Khi hai người phối ngẫu nên một với nhau họ nên giống cộng đồng tín hữu tiên khởi. Họ sẽ để chung của cải và chỉ còn chung một ý muốn: “Cái này là của chúng ta, chúng ta quyết định chung với nhau”.


Nhân đức nào cũng bao hàm sự hy sinh. Tự nó, việc để chung của cải chưa hẳn đã là một nhân đức. Chỉ có nhân đức khi con người biết ra khỏi chính mình, lấy ý muốn của người khác làm của mình. Như vậy, của cải vật chất đã được đặt đúng chỗ của nó, nghĩa là một phương tiện để giúp con người đạt được giá trị cao cả hơn trong cuộc sống. Đó là tình yêu và sự thông hiệp trong vợ chồng.


Ngoài ra, sự chia sẻ của cải trong gia đình cũng không được đóng khung giữa vợ chồng và con cái. Tinh thần nghèo khó và chia sẻ đích thực cũng sẽ thôi thúc con người ra khỏi ranh giới của gia đình để hướng đến những người chung quanh, nhất là những người nghèo khổ túng thiếu. Hôn nhân và gia đình là một xã hội mẫu mực. Điều đó có nghĩa là tình yêu thương, sự san sẻ trước tiên phải thực hiện trong gia đình để rồi từ đó trào tràn ra cho cả những người chung quanh.


Sự cao cả của gia đình chính là xây dựng một cồng đồng yêu thương trước tiên trong ranh giới của chính nó. Và từ đó trải dài tình yêu ấy đến với mọi người chung quanh. Người ta không cần phải ra khỏi nhà để làm công tác xã hội từ thiện. Không ai cần được yêu thương giúp đỡ cho bằng chính những người thân trong gia đình. Khi gia đình trở thành một mái ấm thực sự, khi gia đình trở thành một cộng đồng tình yêu thực sự, hơi ấm của tình người sẽ toả lan đến những người bên ngoài gia đình.


Tông Huấn của Đức Gioan Phaolô II về đời sống hôn nhân và gia đình trong số 21 đã nói đến việc xây dựng cộng đồng tình yêu trong gia đình như sau: “Tất cả mọi phần tử của gia đình, mọi người tuỳ theo năng khiếu riêng của mình đều nhận lãnh ân sủng và trách nhiệm để ngày qua ngày xây dựng sự thông hiệp giữa nhau. Nhờ thế, họ biến gia đình thành một trường dạy về nhân bản đầy đủ và phong phú nhất. Điều đó được thể hiện bằng sự săn sóc hay tình thương yêu đối với những người bé mọn, những người bệnh tật và người già cả, bằng việc phục vụ nhau mỗi ngày, bằng sự chia sẻ cho nhau của cải, niềm vui cũng như nỗi buồn. Một sự thông hiệp như thế chỉ có thể duy trì và thêm hoàn hảo nhờ tinh thần hy sinh mà thôi”.


Thực thế, để có sự thông hiệp giữa các phần tử trong gia đình, cần phải có sự sẵn sàng và quảng đại cao độ của tất cả và của từng người để cảm thông với nhau, khoan dung với nhau, tha thứ cho nhau, hoà giải với nhau.


Người tín hữu Kitô cần có đôi mắt sâu sắc của niềm tin để nhìn tất cả mọi sự như là những biểu lộ của tình yêu bằng một cái nhìn trong sạch và thánh thiện. Trong đời sống vợ chồng, tất cả mọi biểu lộ của tình yêu đều là thánh thiện bởi đó là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Một ánh mắt, một âu yếm, một nụ hôn và tuyệt đỉnh của tất cả âu yếm là sự giao hợp vợ chồng đều là những hành động thánh thiện.


Quả thực, sự nên một của hai người nam nữ tức tình yêu vợ chồng là dấu chỉ của Nước Chúa. Khi hai vợ chồng yêu thương nhau bằng một tình yêu quảng đại, hy sinh, chung thuỷ, khi họ cố gắng xây dựng và vun trồng tình yêu lứa đôi, thì chính là lúc họ làm chứng cho tình yêu của Chúa và tham dự vào sự thánh thiện của Ngài. Còn giá trị nào cao cả hơn tình yêu. Còn câu chuyện tình nào lãng mạn cho bằng Diễm Tình Ca, thế mà câu chuyện đó lại được Thiên Chúa mượn để nói lên tình yêu thánh thiện của Ngài đối với con người.


Sách Giảng Viên đã có một cái nhìn rất lành mạnh về tình yêu vợ chồng. Ở đoạn 9, 9, Côhelét đã khuyên người chồng như sau: “Hãy hưởng cuộc đời với người vợ ngươi yêu dấu suốt cả những ngày kiếp phù sinh của ngươi, những ngày Thiên Chúa ban cho ngươi ở dưới ánh dương”.


Yêu nhau, sống trọn cho nhau, hy sinh cho nhau, thuỷ chung với nhau. Đó là ơn gọi và đòi hỏi thiết yếu của những người sống bậc vợ chồng. Người ta không lấy nhau vì một mục đích nào khác hơn là tình yêu và đó là con đường nên thánh đích thực của các đôi vợ chồng.


Nếu nghệ thuật là một cố gắng thể hiện chân thiện mỹ thì tình yêu vợ chồng, mà tột đỉnh là sự kết hợp nên một thân xác, cũng chính là một thể hiện của sự thánh thiện, sự tuyệt mỹ của tình yêu Thiên Chúa. Sự kết hợp đó chỉ thể hiện được tình yêu Thiên Chúa khi nó là tuyệt đỉnh, là điểm hội tụ sự dâng hiến, lòng quảng đại, sự hy sinh mà hai vợ chồng luôn thực thi cho nhau. Chỉ như thế, tình yêu giữa hai người mới trở thành cung thánh cho sự hiện diện của Thiên Chúa và là bí tích tình yêu của Ngài đối với nhân loại.


Hai vợ chồng đọc Kinh Thánh với nhau, đó là cách đọc Kinh Thánh đặc biệt hữu ích. Khi tình yêu của hai người được củng cố bằng Lời Chúa, họ sẽ thắng vượt được mọi khó khăn trong gia đình. Ngoài ra, việc đọc Kinh Thánh trong gia đình, nhất là lúc cầu nguyện chung, sẽ là chất keo nối kết mọi người lại trong tình yêu Chúa và trong sự thông hiệp với nhau. Nhờ thói quen nghe Lời Chúa, con cái sẽ hiểu biết Chúa Giêsu và tìm được những giá trị đích thực cho cuộc sống. kinh nghiệm cho thấy, khi hai vợ chồng đọc Kinh Thánh với nhau mỗi ngày, con đường canh tân cá nhân và gia đình sẽ mở ra cho họ. Đó không chỉ là bí quyết nên thánh mà còn là chìa khóa của hạnh phúc gia đình. Bởi vì lời Chúa không bao giờ xuống trong một gia đình mà không mang lại hoa trái hạnh phúc cho gia đình đó.


Một phương tiện khác không thể thiếu trên con đường nên thánh. Đó là đọc sách và suy niệm. Đã là phương tiện cần thiết cho việc nên thánh thì dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân trong bậc vợ chồng, ai cũng đều phải chuyên chăm thực hành. Một quyển sách được gọi là thiêng liêng khi nó hướng dẫn, nâng cao đời sống thiêng liêng và làm cho nội tâm được thêm phong phú. Truyện các thánh, cuộc đời của những người hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân, những sách hướng dẫn đời sống thiêng liêng, các tạp chí đạo... là những của ăn cần thiết cho đời sống đạo.


Cùng với việc đọc sách thiêng liêng, suy niệm cũng là một đòi hỏi thiết yếu của việc nên thánh. Một lần nữa cần khẳng định rằng, suy niệm không phải là một sinh hoạt đạo đức chỉ dành riêng cho bậc tu trì. Suy niệm cũng không có nghĩa là phải ngồi thing lặng hằng giờ trước nhà tạm hay trong một nơi thanh vắng.


Một cách đơn giản, suy niệm là lắng nghe những nhủ bảo, gợi hứng của Chúa Thánh Thần. khi đang đọc một quyển sách thiêng liêng, hay khi đang ngồi thinh lặng một mình thì điều quan trọng nhất lúc đó là thái độ lắng nghe. Mà để có thể lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, ta phải có sự yên tĩnh trong tâm hồn. Do đó, suy niệm là một sinh hoạt hoàn toàn cá nhân vì không ai có thể thay thế ta để nghe tiếng nói của Chúa trong nội tâm sâu kín lòng mình. Và Chúa cũng không nói bằng những công thức đồng điệu trong tâm hồn của mọi người. Mỗi người lắng nghe tiếng nói và đón nhận những soi dẫn của Chúa theo cách thức riêng của mình.


Có một con đường tu đức dành cho những người sống bậc hôn nhân, ở đó, hai vợ chồng dìu dắt, nâng đỡ và trợ giúp nhau sống đức tin qua những thực tại của cuộc sống lứa đôi và gia đình. Cả hai cùng nên thánh trong bậc vợ chồng. Tuy nhiên không ai có thể nên thánh thay cho người khác. Nên thánh là một ơn gọi mà mỗi người phải tự mình đáp trả. Vì thế, lắng nghe tiếng nói của Chúa, đón nhận sự linh ứng và hướng dẫn của Ngài là việc hoàn toàn diễn ra trong nội tâm sâu kín của mỗi người.


Chỉ trong thinh lặng nội tâm, con người mới có thể lắng nghe được tiếng Chúa. Kinh Thánh thường dùng hình ảnh sa mạc để nói lên sự cần thiết của thinh lặng trong tâm hồn.


Mỗi người tín hữu có thể và cần phải tạo ra một nơi thanh vắng trong tâm hồn mình để lắng nghe tiếng Chúa và chuyện vãn với Ngài. Họ cần phải dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian tối thiểu để trở về với nội tâm sâu kín của mình. Giữa những ồn ào nhộn nhịp của cuộc sống, họ cũng có thể trở về nội tâm lòng mình để lắng nghe Chúa và cầu nguyện bất cứ lúc nào trong ngày.


Thiên Chúa phán bảo con người trong từng phút giây của cuộc sống. Do đó, lắng nghe phải là thái độ thường xuyên của con người.


Chúng ta thường nói đến những hành động thiếu suy nghĩ và tự chủ. Quả thực, khi không biết lắng nghe tiếng nói của Chúa trong sâu thẳm lòng mình, con người cũng không làm chủ được bản thân, nghĩa là đã đánh mất chính mình. Trái lại, khi biết lắng nghe tiếng Chúa, con người sẽ hành động phù hợp với ý muốn của Ngài.


Suy niệm là một thái độ hơn là một vấn đề của thời giờ và nơi chốn. Thái độ ấy chính là luôn sống kết hợp với Chúa, mặc lấy tâm tình của Chúa. Một thái độ như thế không những thăng tiến đức tin trong đời sống vợ chồng, giúp thắng vượt những khó khăn trong cuộc sống mà còn giúp nhau nên thánh nữa.