Sunday, December 14, 2008

Đi Tìm Hạnh Phúc – Lời Dạy của Đạt Lai Lạt Ma

Tác giả: Huỳnh Huệ

Hạnh phúc luôn là khát vọng muôn đời của nhân loại. Krishnamurti , nhà tư tưởng và triết học Ấn Độ đã nói: Khát vọng hạnh phúc luôn nung nấu trong tim mọi người. Con người trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc đã dùng đến nhiều phương cách, từ việc cầu nguyện tại các đền, chùa, nhà thờ, học hỏi tri thức và minh triết, hay thực hành các nghi lễ tôn giáo... với hi vọng tìm được sự an bình trong tâm hồn.

Đức Đạt Lai Đạt Ma thứ 14 cũng khẳng định rằng mọi người trên thế giới đều đang đi tìm hạnh phúc. Trong “Nghệ Thuật Hạnh Phúc”, người nói “Tôi tin rằng mục đích chính trong cuộc đời của chúng ta là mưu cầu hạnh phúc. Điều này là hiển nhiên. Dẫu cho người ta có tín ngưỡng hay không, dẫu người ta tin vào tôn giáo này hay tôn giáo khác, tất cả mọi người đêu tìm kiếm một điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Vì thế động lực chính trong cuộc sống của chúng ta là tìm hạnh phúc.”

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Còn gì quan trọng hơn hạnh phúc đối với con người? Chúng ta mong mỏi điều gì nếu chúng ta muốn thành công, được kính trọng, có được người bạn đời lý tưởng, và kiếm được nhiều tiền? Những thứ ấy tự thân không quan trọng đối với chúng ta mà giá trị của chúng là ở những gì ta có được từ những thứ ấy. Đó chỉ là nhu cầu cơ bản nhất để người ta cảm thấy dễ chịu khi đi tìm hạnh phúc. Phải chăng hạnh phúc con người chỉ cần từng ấy thứ?

Những tư tưởng và những lời chỉ dẫn đi tìm hạnh phúc của Đức Lạt Ma trong quyển Nghệ Thuật Tạo Hạnh Phúc (đồng tác giả với Howard Cutler, 1998, Riverhead) chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng, triết lý Phật giáo, nhưng những chỉ dẫn này không phải là một phương pháp hành trì giới luật tôn giáo mà thực sự rất có giá trị thực tiễn. Đó là chúng ta có thể đạt đến hạnh phúc bằng sự thăng hoa tâm hồn, hay bằng sự phát triển nhân cách.

Nguồn Gốc Hạnh Phúc?

Theo một nghiên cứu gần đây do Giáo sư Komei Sakaki thực hiện và công bố tại hội thảo thứ 11 Uddevalla (2008) có 7 yếu tố sau là điều kiện cho hạnh phúc:

1. Gia đình
2. Sự đảm bảo về tài chính
3. Công việc
4. Sức khỏe
5. Đi lại và Bạn hữu
6. Tự do cá nhân
7. Giá trị cá nhân

Trong Nghệ Thuật Tạo Hạnh Phúc, những yếu tố sau được nêu ra

- Tiện nghi vật chất , sự sung túc ( để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần)

- Sức khỏe

- Thành công

- Tâm so bì ( chớ nên so sánh với những người tài giỏi , thành công hơn \ ta để sinh ra thèm muốn, đố kị, thất vọng và bất hạnh, mà hãy so sánh với nhũng người kém may mắn hơn ta và suy ngẫm)

- Tinh thần : sự tĩnh tâm, sự thỏa mãn nơi tâm và giá trị nơi tâm (nếu tinh thần không vui, tâm không an thì nguồn vật chất kia phỏng có ích gì)

- Trí tuệ Bát nhã

Hai điều kiện đầu tiên là những điều kiện cơ bản về mặt vật chất, bởi vì không ai thấy hạnh phúc khi người ta đói, rét, ốm đau, thất nghiệp, thất bại…

Chúng ta cũng có thể thêm vào đó những cụm từ khác như bạn đời, sự phát triển nhân cách….
Nhưng theo Đức Lạt Ma, tinh thần có tác động rất lớn là phương tiện để đạt hạnh phúc hữu hiệu hơn là mưu tìm hạnh phúc qua các yếu tố như của cải, địa vị, và thậm chí sức khỏe thể chất. Một suối nguồn bên trong khác của hạnh phúc là ý thức về giá trị của chính mình, đem lại sự thỏa mãn nội tại trong lòng.

Người cũng khẳng định vào quyền tự do mưu tìm hạnh phúc và khả năng tạo hạnh phúc của mọi người:

“Tôi luôn tin vào quyền được hạnh phúc của mọi người và khả năng đạt hạnh phúc ở trong tay mỗi người.”

Tư tưởng chủ đạo trong cuốn sách của Lạt Ma là cách phát triển và giải thoát chính mình trên con đường đạt đến hạnh phúc có thể áp dụng vào thực tiễn của nhiều người khác nhau.

Mười Điều Tạo Hạnh Phúc

1. Rèn luyện tâm hồn

Hạnh phúc là một trạng thái tinh thần và không quá phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Đối với Đức Lạt Ma, tinh thần không chỉ là trí tuệ. Theo tiếng Tây Tạng, từ “Sem” tức từ “mind” (mang nét nghĩa tinh thần, tâm hồn hơn) . Nó bao gồm cả trí thức, cảm xúc, trái tim và tâm hồn. Rèn luyện và phát triển tâm hồn bắt đầu với việc học hỏi. Và mục đích chính là giải phóng khả năng nội tại bên trong mỗi con người. Vì thế ta có thể nói rằng đây chính là quá trình rèn luyện bản thân.
Trong quá trình này giáo dục và tri thức đóng vai trò thiết yếu. Theo Đức Lạt Ma, tri thức không phải chỉ để khiến ta trở thành thông thái. Điều quan trọng nhất của việc sử dụng tri thức là để hiểu chính mình, tạo ra một sự thanh thản trong tâm hồn và những thay đổi từ bên trong và đặc biệt khi ta vận dụng những hiểu biết ấy để xây dựng một nhân cách tốt, và lòng nhân ái.

2. Đạt đến sự bình an trong tâm hồn

Rèn luyện tâm hồn giúp ta phát triển một kỷ luật nội tại, tự giác và tạo ra một sự thay đổi vể thái độ, quan điểm và nhân sinh quan. Sự rèn luyện này hướng đến sự an bình trong tâm mà Phật tử xem là “Con Đường” và là phương thức chính yếu để đạt đến hạnh phúc. Kỷ luật tự giác ấy là dũng cảm đấu tranh với những trạng thái tiêu cực của tâm ta và biến đổi chúng sang trạng thái tích cực hơn. Mục đích chính là đạt đến trạng thái tinh thần an bình, tĩnh tại, bất chấp đến ngoại cảnh.

Một tâm an bình không phải là sự thụ động, mà là nội tâm nhạy bén và rất “tỉnh thức”. Điều này có nghĩa là tâm thức được kiểm soát, đáp ứng với các tác động một cách tốt nhất và tránh được những cảm xúc nặng nề, tiêu cực như giận dữ, ghen tị, thù hận... Một tâm thức an bình là một tâm hồn tu dưỡng đạt đến cảnh giới cao và có đủ sức mạnh và tự do để chọn ra phản ứng và giải pháp phù hợp nhất cho những vấn đề.

3. Xây dựng thái độ tích cực

Tất nhiên những ý nghĩ và cảm xúc tiêu cực có tác động hủy diệt khủng khiếp. Giận dữ và thù hận chắc chắn không đem lại điều gì tốt đẹp và rất xa lạ với tâm thức trong sáng của ta. Nhiều nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực phát triển nhân cách con người cũng xác nhận điều này. Theo Brian Tracy, nếu chúng ta suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta sẽ tự hỏi liệu có cần những cảm xúc tiêu cực như một giải pháp tốt và đúng đắn chăng. Và phải chăng một hành động gây ra trong cơn lốc cuồng nộ không gây ra thêm hậu quả nào tiêu cực hơn ngoài những thương tổn và hủy hoại với người và đau khổ cho chính mình?

Đức Lạt Ma cho rằng mọi cảm xúc tiêu cực đều do vô minh che lấp, ấy chính là nhận thức sai lầm về bản chất của thực tại. Do đó, các cảm xúc tiêu cực không có cơ sở để tồn tại; ngược lại những trạng thái tích cực có nền tảng vững chắc gốc rễ trong thực tại và có tác dụng bồi dưỡng, nâng đỡ cho cuộc sống của mọi người.

Như thế điều cần thiết là phải giải phóng chính ta ra khỏi sự tiêu cực.ấy bằng cách gieo trồng và vun xới cho những ý nghĩ và cảm xúc tích cực để sống và hành động từ đó. Những trạng thái tích cực có tác dụng như phương thuốc trị chứng bệnh bi quan tiêu cực. Việc xác lập niềm vui, tình yêu, sự lạc quan, hăng hái là cách tự nhiên để trung hòa và giải trừ sân hận, và sự lãnh đạm, thờ ơ. Mục đích của chúng ta chính là xây dựng những thói quen hành xử dựa trên những trạng thái tích cực của tinh thần và gìn giữ tâm thức lạc quan, tích cực đó như là tính cách chủ đạo của ta.

4. Vun trồng thói quen tốt (Từ bỏ Thói Xấu)

Nếu chúng ta thực sự muốn hạnh phúc, chúng ta phải xác định những yếu tố đem lại hạnh phúc và xây đắp chúng thành thói quen. Mặt khác, chúng ta phải xác địng những gì có tác dụng ngược lại với hạnh phúc: khổ đau. Từ đó ta diệt trừ những tâm trạng và thói quen gây ra đau khổ và thay thế vào đó tâm thế và thói quen tích cực.

Chẳng hạn thói quen ăn thức ăn nhanh có thể thay bằng thói quen ăn thức ăn bổ dưỡng. Thói quen hoạch định hàng tuần có thể thay cho thói quen tùy tiện vô tổ chức. Thay vì xem Ti Vi quá nhiều có thể ra ngoài vận động và tập thể dục…

Đây là kỷ luật nội tại ở nơi làm việc- cũng chính là nguồn hạnh phúc và thỏa mãn tự bên trong bản thân. Nếu ta duy trì thói quen xấu có thể tin rằng chúng ta một cách vô thức hay có ý thức đang bắt tay với bất hạnh của chúng ta.

5. Hoan hỉ với những thay đổi

Đời sống như dòng sông, không ngừng vận động và trôi chảy. Cuộc đời vô thường, vạn vật vô thường. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt), và là bản chất của thế giới. Do đó, dòng đời không ngừng thay đổi. Vì thế khi ta cưỡng lại sự thay đổi này qua việc bám chặt với một cái gì đó luôn thay đổi , chúng ta bị dính kết. Chúng ta không thể hạnh phúc vì chúng ta đang chống lại các thay đổi, điều đó là không thể. Tất nhiên chúng ta có thể điều chỉnh các thay đổi này trong một chừng mực nào đó, nhưng ta không thể ngăn chận được chúng. Bí quyết là bước vào dòng chảy cuộc đời này và điều chỉnh sự thay đổi theo hướng tích cực. Và nỗi sợ thay đổi kia cũng biến mất.

Để có thể thay đổi sang trạng thái hạnh phúc hơn, học tập chỉ là bước đầu. Những bước cần thiết tiếp theo là niềm tin, quyết tâm, hành động, và nỗ lực. Cần có quyết tâm cao để thay đổi rồi mới có thể hành động. Nỗ lực cũng vô cùng quan trọng. Khởi đầu ta cần một ý chí hay mong muốn bắt đầu. Và cần phát triển lòng hăng say và một tinh thần khẩn trương. Công cụ cho những thay đổi này là lập mục tiêu, trong tâm thức và trí tưởng tượng của ta.

Để khắc phục thói lãnh đạm, thờ ơ và sản sinh ra nhiệt tình, rất cần thiết để khởi sự với các yếu tố thể lý, điều này giúp ta có thêm nhiều năng lực hơn.

6. Phát triển một quan điểm bền vững

Để phát triển thói quen tốt và tạo lập tâm thức tích cực, chúng ta cần một tính kỷ luật tự giác nội tại. Nếu ta chỉ nhắm vào những lạc thú ngắn ngủi, rất khó có hạnh phúc. Nếu ta cân nhắc hiệu quả của hành vi có định hướng mang tính nhất thời và những hành vi bền lâu, chúng ta thấy rõ những gì bền vững sẽ có giá trị hữu ích hơn. Như thế quan điểm bền vững giúp tạo hạnh phúc.

7. Hiểu được ý nghĩa của khổ đau

Khổ đau đối nghịch với hạnh phúc. Chúng ta phải xác định nguyên nhân (chứ không chỉ triệu chứng) dẫn đến khổ đau và diệt trừ nó. Nếu ta đau khổ, trạng thái này chẳng dễ chịu gì, tuy nhiên đây là một bài học có ích. Chúng ta học được nhiều nhất từ những cái được gọi là thất bại. Nếu cuộc đời bày ra cho ta một điều gì bất hạnh- đau khổ, chúng ta có được phản hồi từ đó chúng ta có thể lần dò nguyên nhân và thay đổi chúng. Chẳng có lý do gì và thực vô lý khi đầu hàng, chính những phản hồi quý giá ấy giúp ta cần thay đổi.

8. Phát triển các mối quan hệ sâu sắc

Hiển nhiên chất lượng các mối quan hệ của chúng ta quan hệ mật thiết với mức độ hạnh phúc của chúng ta. Những mối quan hệ sâu sắc dựa trên cơ sở cởi mở, chân thành và tôn trọng. Những điều này là điều kiện cho giao tiếp có ý nghĩa giữa hai con người sống thực, chứ không phải hai nhân vật đang đóng vai. Nếu nền tảng duy nhất của một mối quan hệ là sự hấp dẫn, thì mối quan hệ ấy không được xây dựng trên sự tôn trọng và không thể bền lâu. Thông thường cái được cho là tình yêu chẳng phải là tình yêu, khi nó bị lẫn lộn với sự quyến rũ, chính là cái bao gồm sự chắp dính. Sự hấp dẫn tự thân không có gì sai trái, mà là một cảm giác tuyệt vời. Nhưng xin nhớ rằng tình yêu chân chính không có điều kiện. Vì thế xây dựng một mối quan hệ thực sự sâu sắc điều thiết yếu là hiểu được người đó, bản chất sâu kín bên trong, và giao tiếp với người đó trên bình diện ấy, chứ không phải dựa trên những đặc điểm ngoại hình, những tính cách giả tạo bên ngoài.

9. Phát triển tâm từ bi

Ở phương Tây từ ngữ “lòng từ bi“ gợi nên cảm giác của sự yếu đuối. Nhưng nếu từ tâm ấy đến từ một tâm thức mạnh mẽ và năng động, tâm từ bi ấy có phải là một khả năng tuyệt vời mà người ta có được? Lòng trắc ẩn thực sự, như Đạt Lai Lạt Ma nói, bắt nguồn từ nhận thức rằng mọi con người cơ bản nhất và suy cho cùng đều bình đẳng và giống nhau.

Tâm từ chân chính là một trạng thái tinh thần không bạo lực, không gây tổn hại, và không sân hận. Thái độ này dựa trên ước muốn người khác diệt trừ được khổ đau và gắn liền với sự dấn thân, trách nhiệm , và tôn trọng người khác. Thái độ này tạo ra một bầu không khí an hòa, tích cực và thân thiện. Để phát triển tâm từ, chúng ta có thể phát triển ước muốn thoát khỏi khổ đau của chính ta và rồi nuôi dưỡng ước muốn ấy cho những người khác.

Giá trị và lợi ích của lòng từ bi không thể phủ nhận nếu chúng ta hiểu, chấp nhận, và thậm chí cổ vũ cho tư tưởng này: Mọi người đều có khát vọng được hạnh phúc, giống như tôi và bạn, và chính tâm từ này là nền tảng cho hòa bình và do đó cho hạnh phúc.

10. Khởi phát và phát triển Phật tánh trong mỗi người

Có hai cấp độ tâm linh. Một là những đức tin tôn giáo rất khác nhau về hình thức bên ngoài. Mục đích của tôn giáo là giúp người. Cấp độ thứ hai của tâm linh là trải nghiệm trực tiếp tâm linh, sự thực hành tôn giáo không chỉ bằng trí tuệ mà với cảm nhận sâu sắc hơn. Cấp độ thứ hai có thể trải nghiệm mà không cần có đức tin tôn giáo nào, và sẵn có ở mọi người. Đức Lạt Ma coi trọng cấp độ này hơn vì những giá trị tinh thần này kết nối mọi người và sống thực với các giá trị ấy quan trọng hơn hiểu biết về ý nghĩa của chúng.

Tâm thức của chúng ta có bản chất trong sáng. Tâm thức ấy có khả năng soi sáng và hiểu biết. Đức Phật gọi là Phật tánh, trong đó không có những tư tưởng và tình cảm tiêu cực phát sinh. Phật tánh soi sáng nếu chúng ta tự lắng và kiến tánh mọi quan niệm và ý nghĩ trừu tượng và trực kiến, nhận thức sự an tĩnh vô vi của tâm thức mình.

Sau cùng mọi nguyên nhân khổ đau có cội rễ ở vô minh che lấp. Để khắc phục sự tiêu cực tìm đến hạnh phúc, chúng ta có thể dùng liệu pháp giải trừ vô minh, ấy là trí tuệ bát nhã. Đây chính là bản chất thực sự của thực tại. Ngộ là ngộ bằng trí huệ, và trí huệ phát ra từ ý chí - ý chí muốn tự tri tự giác, và tự hiện thực trong chính nó. “Ta có thể loại bỏ những hậu quả tác hại của sâu bọ bằng cách chặt bỏ những cành lá nào đó, hoặc ta có thể loại bỏ cả cái cây bằng cách nhổ tận gốc rễ.”

Những lời chỉ dẫn của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong Nghệ Thuật Hạnh Phúc có thể tóm lại như sau:

Mục đích cuộc đời của chúng ta là hạnh phúc.

Hạnh phúc được quyết định bởi trạng thái tinh thần nhiều hơn bởi những điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài, khi những nhu cầu cơ bản của cuộc sống được thỏa mãn.

Hạnh phúc có thể đạt được thông qua sự tu tập rèn luyện tâm thức của chúng ta, bằng cách điều chỉnh lại thái độ và nhân sinh quan của ta. Hạnh phúc tối hậu là hạnh phúc vững vàng và bền bỉ, luôn tồn tại, bất chấp thế sự thăng trầm, và các tâm trạng thay đổi theo hoàn cảnh.

Bí quyết hạnh phúc ở nơi chính ta, tự thân ta, biết tiến tới, chấp nhận đời sống hơn là chối bỏ nó.

Thay lời kết cho bài này, xin dẫn lời dạy của Đức Phật:

"Hãy ẩn náu nơi chính ta như một hải đảo, xem chính ta là chỗ nương tựa.

Tham khảo:

1. Nghệ Thuật Tạo Hạnh Phúc, Dalai Lama & Howard C. Cutter, dịch giả : Thích Tâm Quang

2. Phân Tích Vài Khía Cạnh Trong Phật Giáo Qua Nhãn Quan Khoa Học

3. Phật Giáo là gì. (Hòa thượng Narada)

4. The Dalai Lama’s Guide to Happiness

Thursday, December 11, 2008

Thực tập nhẫn nhục

Chúng ta đã nghe Hòa thượng Huyền Diệu và bà Kita Gawa nói chuyện, gợi cho chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của tâm linh và sức mạnh của lòng từ. Bà Kita Gawa là phụ nữ Nhật có sức mạnh phi thường đã làm cho nam giới phải kính nể, cho nên bà đã được mời làm cố vấn cho Liên Hiệp Quốc về các vấn đề phức tạp trên thế giới.

Nói đến hạnh nhẫn nhục, Đức Phật Thích Ca là người đã thể hiện sức mạnh của nhẫn nhục ở đỉnh cao nhất gọi là nhẫn nhục Ba la mật. Thành tựu hạnh nhẫn nhục Ba la mật, tạo thành sức mạnh vô cùng quan trọng, không phải nhẫn rồi bị yếu đuối, thua cuộc. Trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy rằng tiền kiếp của Ngài trong khi thể nghiệm hạnh nhẫn nhục đến đỉnh cao nhất thì vua Ca Lợi chặt tay chân và móc mắt Ngài, nhưng nhờ sức mạnh nhẫn nhục mà tay chân Ngài liền lại và mắt Ngài sáng ra. Mới đọc câu chuyện này, chúng ta nghĩ đây là sự mầu nhiệm, nhưng nếu chúng ta thực tập đức nhẫn nhục và gặt hái được kết quả dù nhỏ cũng sẽ nhận thấy được nhẫn nhục thật sự có một sức mạnh đặc biệt.

Ở thời đại chúng ta , chắc chắn khó tin được việc tay chân mọc lại sau khi bị chặt đứt và mắt sáng trở lại sau khi bị móc ra, chúng ta sẽ cho đó là chuyện hoang đường, không thể có được nếu hiểu theo khoa học. Tuy nhiên, nếu đứng ở khía cạnh tôn giáo và triết học, điều này nhằm nói lên việc thực tập và kết quả tu chứng, phát huy được sức mạnh của nhẫn nhục mới là việc quan trọng và dễ chấp nhận hơn.

Đầu tiên, nhìn về Phật và nghe câu chuyện như vậy, tôi nghĩ rằng vua Ca Lợi có lòng sân hận rất lớn là do tâm ái dục. Vua Ca Lợi vào núi vui chơi với cung phi mỹ nữ, trong lúc vua ngủ thì đám cung nữ đi ra ngoài chơi và họ đã gặp Sằn Đề tiên nhân là tiền thân của Phật. Hạnh nhẫn nhục của vị tiên nhân này đã tỏa ra sức mạnh tự nhiên khiến cung phi mỹ nữ tập họp lại để nghe Ngài thuyết pháp và Ngài đã cảm hóa họ không bằng ngôn ngữ, nhưng bằng sức mạnh tâm linh.

Trên thực tế, chúng ta thấy người có sức mạnh của cơ bắp, tức lao động chân tay khỏe mạnh khác với người có sức mạnh của trí tuệ. Với trí tuệ, con người chế tạo được những vật dụng chẳng hạn như chiếc cần cẩu có thể nhấc những vật nặng hàng trăm tấn, hoặc với trí khôn, con người chế tạo vũ khí nguyên tử có sức tàn phá, hủy diệt muôn loài một cách khủng khiếp. Tuy nhiên, sức mạnh cơ bắp và sức mạnh của trí tuệ phải lùi bước trước sức mạnh của hạnh nhẫn nhục.

Thật vậy, nếu chúng ta có được đức tánh hiền hòa, từ ái và diệt tận tất cả mọi ham muốn trong cuộc sống này, không bị cuộc đời lôi kéo, mới phát huy được năng lực thu hút người khác. Như đã nói bà Kita Gawa thực tập được sức mạnh tinh thần, sức mạnh về lòng từ bi theo Phật và nói chung, người phụ nữ nếu thể nghiệm được hạnh từ bi như Phật dạy, sẽ phát huy rất nhanh sức mạnh tinh thần hơn nam giới, vì điều này thuận với tình cảm của phụ nữ. Thực tế trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thấy những phụ nữ hiền lành, nhân ái, với ngôn ngữ nhẹ nhàng, từ tốn thường có sức mạnh thu hút người khác. Vì vậy, Đức Bồ tát Quan Âm thường thị hiện thân phụ nữ để mọi người dễ cảm nhận lòng từ bi của Ngài.

Quý vị là phụ nữ dễ thực tập hạnh này có kết quả tốt đẹp. Nếu la mắng, người sẽ không nghe, nhưng biết thực tập hạnh từ bi, người khác dễ nghe theo mình. Có người đến thưa với tôi rằng bà dạy con mà nó không nghe lời; còn người con thì nói rằng mẹ của nó rất khó tính. Vì thế, tôi khuyên bà này nên thực tập lòng từ bi như Đức Quan Âm, nghĩa là thương xót con, chăm sóc con, không áp đặt nó, không làm cho nó buồn phiền, đau khổ. Quả nhiên với tình thương thật sự mà bà dành cho con khiến nó đã thay đổi tánh nết, không còn bướng bỉnh với bà. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ có được sức mạnh của từ bi nếu biết thực tập tâm này một cách đúng đắn.

Từ sức mạnh của tình thương hữu hạn dành cho người thân trong gia đình nếu được nâng lên thành lòng từ bi vô hạn của Đức Phật đối với tất cả chúng sinh muôn loài, thì sức mạnh này sẽ được tăng lên nhiều lần và sẽ thu hút nhiều người tìm đến quy ngưỡng. Điển hình như sức mạnh từ bi của Sằn Đề tiên nhân đã tác động nhiều người theo ngài, trong đó có đám cung nữ của nhà vua. Ông đã khởi tâm ganh tỵ, bực tức và sử dùng quyền uy tột đỉnh của vua để đối chọi lại hạnh tu nhẫn nhục của vị tiên nhân trong tay không có một tấc sắt. Tiên nhân Sằn Đề đã đạt đến sức kham nhẫn cùng tột là nhẫn Ba la mật, nghĩa là ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy ra với ngài, không có một phản ứng chống chọi nào cả. Và người nào đạt đến đỉnh nhẫn Ba la mật là đã vượt qua ranh giới vật chất, họ sẽ trở thành người tự do, tự tại hoàn toàn. Lịch sử cho thấy Thánh Gandhi tuy chưa đạt đến đỉnh cao của pháp nhẫn, nhưng ngài cũng đã thể hiện được phần nào tinh thần này qua câu nói rằng họ chỉ hành hạ được con chó, chứ không hành hạ được “tôi”, vì “cái tôi” của ngài đã ở phía bên kia, vượt thoát đời sống vật chất.

Không bị vật chất chi phối, vượt qua sự tác động của sống chết, danh lợi, địa vị…, thì không ai có thể đe dọa, uy hiếp chúng ta được; trái lại, nếu gặp khó khăn nguy hiểm mà sợ bị bắt, sợ bị giết thì quyền lực thế gian sẽ áp đảo chúng ta liền. Vì vậy, đối với Thánh Gandhi, ngài hoàn toàn không khiếp sợ trước cái chết do chính quyền Anh đe dọa, khiến họ cũng phải dè dặt trước dũng lực kiên cường của ngài. Sằn Đề tiên nhân cũng thế, đạo lực nhẫn nhục của ngài đạt đến mức độ vô ngã tạo thành sức mạnh tinh thần, sức mạnh của đức hạnh, làm cho vua Ca Lợi không còn có ý nghĩ chặt tay chân, móc mắt tiên nhân, huống chi là chặt tay chân móc mắt thật. Vì ý niệm ác này chạm phải sức mạnh kham nhẫn, sức mạnh vô úy vượt ngoài sống chết của tiên nhân, ngài nhẹ nhàng chấp nhận mọi việc đổ lên ngài, khiến tâm sát hại của ông vua này tự lắng dịu, cho đến tan rã. Vua Ca Lợi chẳng những không giết ngài, mà ý niệm giết cũng không còn và hơn thế nữa, nhà vua còn sợ ngược lại tiên nhân mà kinh diễn tả theo tinh thần triết học là tay chân của tiên nhân mọc lại và mắt ngài sáng ra như thường. Điều này nhằm nói lên sức mạnh kỳ diệu của hạnh nhẫn nhục đã làm cho sức mạnh của quyền lực, sức mạnh của vũ khí, sức mạnh của cơ bắp phải lùi bước.

Trên bước đường tu, từng bước chúng ta nỗ lực thực tập hạnh nhẫn nhục từ thấp lên cao. Nghĩa là những gì chúng ta nhẫn được thì nên nhẫn trước, không phải một lúc mà đạt được đỉnh cao của hạnh nhẫn nhục. Tuy cùng một hạnh nhẫn, nhưng pháp hành của Bồ tát thập tín, Bồ tát thập hạnh, Bồ tát thập hồi hướng và Bồ tát thập địa hoàn toàn khác nhau. Và thực tập, đạt được đỉnh cao của hạnh nhẫn nhục là Bồ tát thập địa, mới thật sự thành tựu trọn vẹn hạnh này.

Riêng đối với chúng ta khởi tu, nếu đứng vào hàng Bồ tát thập tín, chúng ta cần lắng nghe lời Thầy dạy, đọc kinh điển, thấy Phật và Bồ tát làm gì chúng ta tập làm theo, những gì dễ nhẫn chúng ta nhẫn trước. Nhẫn phát xuất trên ba nghiệp thân khẩu ý của chúng ta. Vì có thân tứ đại, nên chúng ta có đối tượng của thân này, nghĩa là chúng ta bắt đầu kẹt vào xã hội và kẹt vào quy luật tự nhiên. Đối với tự nhiên, chúng ta bị chi phối bởi đói, khát, nóng, lạnh; vì vậy, cần phải thực tập bốn đức nhẫn đối trước bốn việc : đói khát nóng lạnh.

Tu nhẫn của thân nghiệp, Đức Phật dạy chúng ta giảm bớt ba sự đòi hỏi của thân là ăn, mặc và ở. Để tiến tu, cần phải tiết giảm tối đa ba việc này; cho nên Đức Phật khuyên chúng ta ăn thiếu một chút mới tu được, đó là bước nhẫn ban đầu. Tôi còn nhớ thuở nhỏ mẹ tôi thường dạy rằng miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Muốn nhẫn việc ăn, chúng ta coi nó tồi tàn, nên xa lánh nó. Thực tập pháp nhẫn này trong khóa tu của chúng ta, giả sử buổi trưa, quý vị được một hộp cơm, một chai nước. Nếu người phát cơm quên đưa mình hộp cơm và chai nước, ta tu nhẫn, tự nghĩ rằng không ăn, không uống một bữa cũng không chết đâu mà sợ. Người không biết tu thì nổi giận, tại sao tôi lại không có cơm, không có nước. Nhẫn này là chấp nhận tình huống như vậy, bởi vì chúng ta biết rõ việc thiếu sót này là ngoài ý muốn của người phân phát phần cơm, họ không cố ý, nhưng vì nghiệp của mình khiến cho họ quên. Trong thời Đức Phật tại thế cũng có một vị Tỳ kheo bị bỏ sót phần cơm và Phật khuyên nên nhẫn nhịn, không nên kiện cáo. Nhẫn là chấp nhận cái nghiệp của mình. Có phước báo thì người đến cúng dường, còn nghiệp thì người đến khảo, đến đòi.

Quý Phật tử bước đầu nếu thành tựu được pháp nhỏ này, giả sử người ta quên đưa phần cơm, mình cũng ngồi yên lặng, chấp nhận việc sai sót này và niệm Phật, không để cho sanh khởi ý niệm nào, không oán hận, không bực tức thì người phát cơm tự thấy có lỗi với ta, họ nợ ta và người đồng tu sanh tâm kính trọng, hoặc thương xót ta. Theo kinh nghiệm của tôi, ta không cần nói, không đòi hỏi, nhưng người khác xin cho ta, đòi hỏi cho ta; sức mạnh của nhẫn nhục là như thế. Còn ta tự đòi, họ sẽ có ý niệm không tốt về ta. Đó là nguyên tắc nhẫn đối với việc ăn mà chúng ta thực tập, phải biết rằng mọi người đều có phần cơm, nhưng ta không có. Nếu vì nghiệp bị bỏ đói thì không có gì để nói, nhưng nếu do Phật thử thách xem chúng ta có nhẫn được không thì Ngài sẽ khiến người khác đem thức ăn cho chúng ta ngon hơn, vì Ngài biết chúng ta thật tu, nên không oán hận, không buồn phiền.

Ngoài việc nhẫn của ăn, nhẫn của mặc là không mặc hàng đắt tiền, chỉ mặc đủ ấm. Và tiến hơn nữa, thực tập pháp nhẫn, các chùa ở Nhật buộc hành giả phải lên núi có tuyết phủ nhưng chỉ được đóng khố. Nếu ta chưa từng tu pháp này, mà cởi áo ở trời lạnh dưới không độ sẽ bị chết rét liền. Để chịu đựng được cái rét mà không sanh bệnh, họ phải tập luyện cho thân thể chịu đựng dần dần cho quen. Vì thân của chúng ta là cỗ máy kỳ diệu, tập luyện không mặc áo ấm để cho các tế bào da tự co lại, đóng kín các lỗ chân lông, không cho hơi lạnh bên ngoài xâm nhập vào trong thân, còn mặc áo ấm lâu ngày sẽ làm cho các tế bào da trở nên lười biếng, bị tê liệt, không còn khả năng hoạt động tự vệ theo cách tự nhiên của nó. Đó là một cách thực tập hạnh nhẫn của thân chống chọi được với giá rét. Hành Bồ tát đạo không đơn giản, đòi hỏi chúng ta phải vượt qua được đói rét, không ngả bệnh, mới thành tựu hạnh nhẫn của thân.

Nhẫn thứ ba của thân là làm chủ được việc ngủ nghỉ. Người tu tập Thiền thay cho ngủ, tức cơ thể chúng ta không hoạt động, hay hoạt động theo quy trình của đạo, nghĩa là không hoạt động cơ thể và điều hòa hơi thở thì cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi. Chúng ta mệt mới cần ngủ nghỉ, nhưng cơ thể không hoạt động thì không mệt, nên không cần ngủ. Điển hình là các vị Thiền sư đắc đạo suốt đời không nằm, như Tổ Hiếp tôn giả và trong hiện đời, tôi đã gặp Thiền sư Giác Chánh cũng không nằm (Ngài đã viên tịch), không cần ngủ nghỉ. Nếu là người chưa biết tu, phải ngủ ở chỗ sang trọng, trong khi Thiền sư Giác Chánh rất đặc biệt, không bao giờ ngài ở phòng ốc cao sang, thường ở dưới gốc cây, hay ở trong túp lều lá.

Thân không lệ thuộc cuộc sống vật chất, tức không lệ thuộc ăn, mặc, ở, là thể hiện pháp căn bản của đạo Phật. Kế đến, thực hiện tâm nhẫn theo Phật. Tâm có đối tượng bên ngoài là tất cả mọi hoàn cảnh xảy ra đủ cách, nhưng người tu luôn giữ tâm đứng yên, không cho sanh khởi và tâm thanh tịnh, giải thoát như vậy mới có thể làm nơi nương tựa an lạc cho trời người.

Tóm lại, thành tựu được thân nhẫn và tâm nhẫn, hàng đệ tử Phật có sức mạnh phi thường, kỳ diệu làm cho các sức mạnh khác của thế nhân phải khuất phục. Đức Phật là biểu tượng đạt đến đỉnh cao của hạnh nhẫn nhục, nên cảm hóa và dung nhiếp được muôn loài chúng sinh trong Pháp giới. Và các bậc Thánh, chư Bồ tát, các vị tiền nhân đều thể hiện đạo hạnh nhẫn nhục ở những mức độ khác nhau, cho nên chúng ta cũng phải cố gắng thực tập được một phần đức nhẫn của Phật, của Bồ tát, của cao Tăng, mới không công phụ công ơn giáo dưỡng của các Ngài cũng như nuôi lớn được giới thân huệ mạng của chúng ta trên bước đường thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh.

HT.Thích Trí Quảng

Wednesday, December 10, 2008

Bắt đầu từ hạnh phúc

Bác sĩ Girish D. Patel, người Ấn Độ không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực tâm lý trị liệu mà còn là một nhà giáo dục tâm huyết về sức khỏe cộng đồng. Năm 2007, Hiệp hội quốc tế về giáo dục vì hòa bình thế giới (Mỹ) đã trao tặng ông bằng khen cao quý. Bác sĩ Girish vừa đến TP.HCM, theo lời mời của Trung tâm các giá trị sống, và dành cho Báo Phụ Nữ cuộc trao đổi ngắn về vấn đề sức khỏe tinh thần.

- Thưa ông, người nghèo khổ đã đành, nhưng không ít người giàu lại luôn than thở rằng, họ cảm thấy cuộc sống chẳng có gì vui, vì sao vậy?

Bác sĩ Girish: Đâu phải cứ đầy đủ về vật chất thì người ta sẽ sung sướng. Họ luôn lo lắng bởi không phân định được điều gì nên làm và không nên làm. Họ không biết cách quản lý thời gian, và rắc rối xảy ra. Có người giàu có nhưng lại tiếc vì đã không dành thời gian quan tâm đến gia đình, con cái. Có người ngậm ngùi vì không được làm những điều mình mong muốn...


-Nhiều người rất nỗ lực nhưng vẫn không đạt được hạnh phúc như mong đợi. Sai lầm của họ ở đâu?

- Chúng ta thường đi theo một lối sống rất phổ biến: nỗ lực làm việc để đạt được nhiều thứ: địa vị, tiền bạc... và cho đó là hạnh phúc. Khi hạnh phúc bám víu vào những thứ đến từ bên ngoài, thì cũng dễ dàng ra đi, bởi con người không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã có.

Nếu muốn đạt được hạnh phúc, bạn hãy thử theo một quy trình ngược lại: bạn hãy hạnh phúc trước đã, rồi hẵng làm việc. Điều gì làm cho bạn hạnh phúc? Đó là những giá trị của bạn. Ai mà không có những phẩm chất thật tốt đẹp: khoan dung, trung thực, hào phóng... Ai mà không có những vận may trong đời: cơ thể lành lặn, có cha mẹ tốt bụng... Bình tĩnh suy xét, bạn đã có nhiều thứ "của cải" quý giá rồi... Đó là số "vốn" đủ để bạn đầu tư vào... tâm trạng của mình, trước khi lao vào công việc. Với tâm trạng hạnh phúc, hài lòng, bạn sẽ vui vẻ, sáng suốt, tập trung, đưa ra suy nghĩ và quyết định đúng. Và như vậy, bắt đầu từ hạnh phúc, bạn lại đạt được hạnh phúc.

-Theo ông, vấn đề nào đặc biệt nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần của con người?

- Ngoài bệnh trầm cảm ngày càng tăng, con người thời nay còn hay lâm vào tình trạng tâm sinh lý bất thường: lúc thì rất hưng phấn, lúc thì lại ỉu xìu... Có hai lý do đưa đến hiện tượng này: trong não có khoảng 900 hóa chất tự động tiết ra và dịch chuyển từ tế bào này sang tế bào khác. Hóa chất nào chiếm ưu thế, sẽ quyết định trạng thái của bạn. Vì thế, có những lúc "tự nhiên" bạn vui hoặc "tự nhiên" buồn.

Song lý do thứ hai mới đáng nói. Đó là loại hóa chất tiết ra trong não do tác động bất lợi của bên ngoài, làm con người cảm thấy bất an, chán nản, luôn lo lắng, sợ hãi... Cùng sống trong một môi trường, một tình huống, nhưng có người khủng hoảng, có người lại bình thản vượt qua. Các kiểu phản ứng tâm lý khác nhau này, không phải do thể chất mạnh hay yếu của mỗi người, mà tùy vào cách họ được giáo dục về các giá trị sống. Bên cạnh đó, giới khoa học cũng đã thừa nhận, cách xử lý tình huống của mỗi người còn do sự tham gia của thói quen.

- Đối với các bệnh nhân rối loạn tinh thần, cách chữa trị của ông là...?

- Có một vài trường hợp quá kiệt sức phải can thiệp bằng thuốc, nhằm xoa dịu cơn rối loạn. Sau đó, tôi hướng dẫn họ cách thiền, để họ tự làm bản thân mạnh mẽ. Thiền, tiếng Anh gọi là meditation, có gốc từ medi, có nghĩa là chữa lành. Thiền, là để tâm trí đi vào tĩnh lặng, nhưng không có nghĩa là ngưng suy nghĩ, mà vượt lên trên suy nghĩ, hòa mình vào những gì bạn yêu thích, hình dung những hình ảnh mang đến cho bạn sự bình an, thanh thản. Thiền là lúc bạn nạp năng lượng cho tâm hồn, cũng như bạn sạc pin cho điện thoại vậy, để nó hoạt động tốt trở lại.

Sức khỏe nằm trong tay bạn, ở những bài tập về hít thở và chế độ dinh dưỡng, mà trong đó 60% từ nguồn thức ăn tự nhiên, không hóa chất.

Trường Sơn thực hiện (Phụ nữ thành phố)

Ý nghĩa Phẩm Bồ tát Tùng địa dũng xuất thứ 15

Mở đầu phẩm này, các Bồ tát mười phương xin hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở Ta bà sau khi Như Lai diệt độ. Đức Phật Thích Ca từ chối lời thỉnh cầu này và nói rằng tại Ta bà đã có vô số Bồ tát sẽ thay thế Đức Phật hoằng truyền kinh Pháp Hoa sau khi Ngài diệt độ.

Di Lặc Bồ tát đứng đầu Bồ tát mười phương mới hỏi Đức Phật rằng từ trước tới nay, ở đây không thấy Bồ tát nào, sao Đức Phật lại nói như vậy. Liền lúc đó, đất đều rúng nứt và vô số Bồ tát Tùng địa dũng xuất từ đất vọt ra.Trong khi trên thực tế, chúng ta thấy Đức Phật Thích Ca có bốn chúng là Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di. Nhưng theo Pháp Hoa, bốn chúng nhập lại thành một chúng là Bồ tát, vì Bồ tát là chính yếu.

Bồ tát có Bồ tát nhân gian, Bồ tát mười phương và Bồ tát tâm. Nhân gian Bồ tát ở thế gian có thân người, phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát, cứu nhân độ thế. Bồ tát mười phương như Phổ Hiền ở phương Đông, Quan Âm từ phương Tây đến Ta bà. Bồ tát mười phương là Bồ tát tâm linh, đến với Đức Phật bằng tâm nguyện, hạnh nguyện. Đức Phật Thích Ca thuyết Pháp Hoa ở Ta bà, nhưng Bồ tát Phổ Hiền ở thế giới phương Đông có cùng tâm nguyện, cùng hạnh nguyện với Đức Phật, nên tương thông với Đức Phật, đến với Ngài bằng tâm, gọi là Bồ đề tâm. Nếu là xác thân con người thì tụ họp đông người liền có chướng ngại, nhưng Bồ tát tâm, hay Bồ đề tâm thì trong một vi trần dung chứa được vô số Bồ tát, có vô số quốc độ không hề chướng ngại.

Mở đầu hội Pháp Hoa chỉ có hai vạn Bồ tát, đến phẩm này có bát thập vạn ức na do tha Bồ tát. Nghĩa là Đức Phật trải qua suốt 49 năm giáo hóa chúng sinh, làm nhiều việc lợi ích cho đời, thì số người tốt hiểu Ngài, kính mến Ngài, quy ngưỡng Ngài đông hơn, nên Ngài thành tựu nhiều việc độ sinh lớn hơn.

Bát thập vạn ức na do tha Bồ tát đến xin Đức Phật truyền bá kinh Pháp Hoa là tư tưởng nhất Phật thừa sau khi Như lai diệt độ. Đức Phật dạy rằng các vị Bồ tát mười phương thuộc Pháp thân, Báo thân, hóa thân, không phải là sanh thân và không có nghiệp chủng tử của chúng sinh; cho nên cấu trúc cơ thể của các Bồ tát mười phương, cũng như cách suy nghĩ và cách sinh hoạt của các Ngài hoàn toàn khác với chúng sinh Ta bà. Từ các Tịnh độ hoàn hảo với thân tâm thanh tịnh, tinh khiết hoàn toàn, nếu sinh lại thế giới Ta bà phải mang thân tứ đại, tất nhiên Bồ tát phải chịu sự chi phối của quy luật sinh già bệnh chết, lại thêm chịu sự tác động của xã hội, của phong tục, tập quán, v.v... nghĩa là chồng chất thêm sự ràng buộc nữa, e rằng không đủ sức chịu đựng.

Đức Phật khuyên Bồ tát mười phương chỉ nên đến Ta bà để biết thêm về cuộc sống của các loài hữu tình ở thế giới ngũ trược mà thôi, các Ngài không thể thay Phật giáo hóa ở Ta bà. Nghe lời Đức Phật giải thích như vậy, các vị Bồ tát mười phương nhận ra rằng hành đạo ở Ta bà phải có sức kham nhẫn lớn lao như Bồ tát Quan Âm, hay Địa Tạng mới có khả năng cứu độ chúng sinh.

Sau đó, Đức Phật nói cho các Bồ tát mười phương yên tâm rằng ở Ta bà đã có vô lượng Bồ tát hoằng truyền kinh Pháp Hoa, không thể thấy được bằng mắt thường và ngay cả Bồ tát Di Lặc cũng không thấy biết các vị này; đó là hằng hà sa Bồ tát Tùng địa dũng xuất chỉ thấy được bằng Phật huệ. Đến đây, Đức Phật mở ra cho chúng ta cái nhìn về mặt siêu hình hay mặt tâm linh là mặt thật của cuộc đời; không đơn giản chỉ thấy mặt hiện tượng sinh diệt là mặt giả tạm. Tu Pháp Hoa phải dùng tâm quán sát sự vật, hướng về nội giới, không dùng mắt thường, không chấp vào văn tự, vì sẽ phạm nhiều sai lầm. Một vấn đề chúng ta không thể giải quyết ổn thỏa chỉ ở mặt hiện tượng vật chất, nhưng phải giải quyết về tình cảm, về xã hội, về tâm linh mới quan trọng.

Nhìn về siêu hình, như Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng Ngài thành Phật từ vô lượng kiếp, vì thương nhân gian mà Ngài hiện thân lại thế gian này, mang thân người. Tuy có thân người, nhưng Đức Phật không có tâm nhiễm ô tội lỗi như mọi người, vì Ngài đã đoạn sạch nghiệp. Đức Phật sống gần gũi chúng ta, nhưng trong thế giới siêu hình Ngài quan hệ với chư Phật và chư Bồ tát mười phương. Đức Phật cũng xác định rằng ban ngày Ngài giảng dạy các Tỳ kheo, ban đêm Ngài thuyết pháp cho chư Thiên và Bồ tát, cũng như liên lạc với chư Phật trong khắp Pháp giới. Như vậy, tâm Đức Phật quan hệ với Bồ tát, La hán, chư Thiên; còn thân hữu hình của Ngài thuyết pháp giáo hóa mọi người. Từ đó, chúng ta thấy Đức Phật là thấy sắc thân Ngài và Đức Phật cũng tùy thuận với hoàn cảnh của chúng ta mà thuyết pháp giáo hóa. Có thể nói tuy Đức Phật sống với chúng ta ở thế giới sinh diệt giả tạm, trong khi thật sự tâm Ngài luôn an trụ thế giới vĩnh hằng bất tử. Và Đức Phật cho biết quyến thuộc thân cận với Ngài có đến sáu vạn hằng hà sa Bồ tát Tùng địa dũng xuất đóng vai trò quan trọng hơn cả; trong khi loài người thấy Đức Phật đơn độc một mình dưới cội Bồ đề.

Trong cuộc sống con người, có quan hệ vật chất và quan hệ vô hình. Quan hệ vô hình của mọi người còn trong sinh tử là quan hệ bằng tâm thức đầy phiền não, nhiễm ô, xấu ác, cho nên chúng sinh luôn đau khổ. Quan hệ vô hình của Đức Phật Thích Ca tương thông với chư Phật, chư Bồ tát và với tất cả chúng sinh qua tâm sáng suốt, thanh tịnh, giải thoát, cho nên mọi việc, mọi người đối với Đức Phật hoàn toàn tốt đẹp. Tâm Phật hoàn toàn thanh thản, Ngài mới hiện ra tướng hoàn toàn giải thoát. Đức Phật thanh thản, vì Ngài biết rõ mọi việc tận nguồn ngọn, vì phước đức vô lượng Ngài đã tạo rồi, vì nhân lành của Ngài đã viên mãn, không ai có thể hại Ngài, thì còn gì để Ngài lo sợ, buồn giận. Phải thấy trí giác và phước đức của Đức Phật hoàn hảo như vậy, đừng thấy Ngài là người bình thường và cũng phải thấy mối quan hệ của Đức Phật ở mặt siêu hình hoàn toàn an ổn tốt đẹp. Chính vì lực nội tâm thuần thiện như vậy, cho nên Đức Phật đến nơi nguy hiểm giáo hóa, Ngài vẫn bình an. Điển hình như vua A Xà Thế thả voi say hại Phật, hoặc giáo chủ thờ thần rắn là Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp thả rắn độc giết Phật, vẫn không hại được Ngài, mà voi và rắn còn phủ phục dưới chân Đức Phật. Đức Phật bình yên đối trước tình huống không yên chút nào, vì đã có lực bảo vệ của thế giới siêu hình, gần nhất là có Thiên long bát bộ đối phó, bảo vệ Ngài. Vòng ngoài bảo vệ Đức Phật an toàn như vậy, còn chính bản thân Đức Phật vẫn luôn an nhiên tự tại, vì với huệ nhãn, Ngài thấy rõ tất cả mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa; có người gây rối thì cũng có người đến bảo vệ Ngài.

Đối với chúng ta quyết tâm tu theo Phật cũng sẽ nhận được lực gia hộ, mà chúng ta thường gọi là Phật hộ niệm rất quan trọng. Điều dễ thấy là khi chúng ta có tấm lòng hy sinh vì đạo, chắc chắn sẽ được chư tôn đức quý trọng và anh em bạn cũng không ganh tức với ta. Có thể nói được Tăng Ni, Phật tử ủng hộ thì chúng ta sẽ được Đức Phật hộ niệm.

Đức Phật cho biết có sáu vạn hằng hà sa Bồ tát Tùng địa dũng xuất mà dẫn đầu là bốn vị Bồ tát thượng thủ: Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh và An Lập Hạnh. Các vị đại Bồ tát này thay Phật giáo hóa chúng sinh ở Ta bà, nên Đức Phật không bận tâm. Mỗi vị dẫn theo vô số quyến thuộc đồng hạnh đồng nguyện, nghĩa là tất cả những vị này đều cùng đồng lòng chung sức trong công việc, nên việc khó cũng trở thành dễ. Chúng ta không làm được việc, vì chín người mười ý; thậm chí có người không làm mà chỉ chuyên chống phá.

Các vị Bồ tát Tùng địa dũng xuất tiêu biểu cho đạo đức, tri thức và năng lực vẹn toàn, thể hiện qua “thân kim sắc”, tức không có chút tỳ vết nào có thể chỉ trích được. Đức Phật chọn Bồ tát Thượng Hạnh làm quyến thuộc đứng đầu, ta cũng theo gót chân vị Bồ tát này, phát tâm làm việc khó làm và làm với tất cả tấm lòng, vô điều kiện, chắc chắn Đức Phật sẽ chọn và bổ xứ ta. Trên bước đường hành đạo, đến nơi nào, cũng phải vượt trội hơn người về hiểu biết, sức khỏe, năng lực, việc làm, chắc chắn chúng ta dạy họ dễ dàng, có thể thay Phật truyền bá tư tưởng Phật thừa; đó chính là ý nghĩa của thượng hạnh.

Vị Bồ tát thứ hai được Đức Phật chọn là Vô Biên Hạnh, tức Bồ tát đa năng, làm việc gì cũng được, làm không câu nệ, không đòi hỏi, không lựa chọn công việc. Ở lãnh vực nào cũng ứng xử một cách tốt đẹp là đa năng theo Đại thừa. Đức Phật lãnh đạo được tất cả thành phần xã hội, thể hiện tinh thần đa năng một cách siêu tuyệt, nên Ngài làm thầy của chư Thiên, vua chúa, Tỳ kheo, Bồ tát... Còn chỉ có một hạnh là Độc giác hay Thanh văn, không phải là Phật. Riêng chúng ta thể hiện sự đa năng, hiểu biết rộng, làm được nhiều việc, tuy không giỏi, nhưng chúng ta có nhiều cơ hội để làm.

Bồ tát ở vị trí thứ ba là Tịnh Hạnh chỉ cho Bồ tát sống trong chánh định, không nương phúc lợi thế gian để sống; nói cách khác, không cần tiếng khen và lợi dưỡng. Đặc điểm của Bồ tát Tịnh Hạnh là dấn thân hành đạo, chịu cực mà không đòi hỏi lợi lộc gì, lúc nào tâm Bồ tát cũng an tịnh, ôn hòa, trong sạch, không có lỗi lầm nên được Đức Phật chọn làm quyến thuộc của Ngài.

Thứ tư là Đức Phật chọn Bồ tát An Lập Hạnh, tức làm việc theo yêu cầu của nhiều người, không từ nan, không yêu sách. Nhiều người giỏi, nhưng không làm được việc vì đòi phải giao cho chức này, việc nọ mới làm. Chúng ta nên tập bất cứ yêu cầu nào của đạo pháp, của xã hội, cũng sẵn lòng. Được giao nhiệm vụ và hoàn thành thì còn danh dự hơn là chức lớn mà không làm được việc. Được việc nhỏ, thì mới được giao việc lớn.

Đức Phật chọn Bồ tát làm việc là Bồ tát ẩn danh hay vô hình, tức không cần danh lợi. Đặc tính này được kinh Pháp Hoa diễn tả là Bồ Tát Tùng địa dũng xuất không nương Trời người. Bồ tát còn cần danh lợi thì còn nương Trời người. Phật làm được việc lớn vì Ngài có quyến thuộc là những Bồ tát siêu việt đông vô số thầm trợ giúp Ngài, thì việc gì mà không thành tựu. Đây là điểm quan trọng mở ra cho chúng ta nhận chân được con người thật của Đức Phật.

Đến hội Pháp Hoa, Đức Phật mới giới thiệu những quyến thuộc siêu đẳng là bốn vị Bồ tát Tùng địa dũng xuất thượng thủ: Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh và sáu vạn hằng hà sa Bồ tát Tùng địa dũng xuất mà cả Trời người đều không biết, thậm chí Bồ tát Di Lặc cũng không biết. Vì vậy các Ngài là Bồ tát nội bí ngoại hiện, nghĩa là bề ngoài các Ngài bình thường, nhưng bên trong phi thường, mới làm được việc lớn.

Thực tế, chúng ta thấy những người không làm được nhưng khoe khoang đủ thứ. Hạng ưa kể công này nên bỏ đi, không sử dụng được. Hạng thứ hai là Bồ tát nhỏ làm việc nhỏ và làm được việc gì thì mọi người đều biết. Người biết rõ khả năng và bản tánh ta, họ biết ta mà ta chưa biết họ, nên ta chỉ làm được việc nhỏ.

Hạng thứ ba là Bồ tát nội bí ngoại hiện, làm tất cả, nhưng người không biết vì làm âm thầm, không cầu danh. Bồ tát không tự xưng rằng mình làm được việc này, việc kia, nhưng tìm người nào làm được thì Bồ tát giúp họ. Họ làm coi như Bồ tát làm và họ thành công cũng phát xuất từ sự giúp đỡ của Bồ tát, đó là thành công của Bồ tát Tùng địa dũng xuất.

Nói cho dễ hiểu, ví dụ tôi là Bồ tát nhỏ làm những việc như Trưởng ban Hoằng pháp, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, v.v... ; đó là những chức vụ hữu danh mà ai cũng biết. Nhưng quan trọng là lực vô hình của Đức Phật tác động, gia bị cho tôi làm được. Là nhà tôn giáo, dễ nhận chân được lực gia bị vô hình của Đức Phật và chư Bồ tát giúp chúng ta thành tựu những Phật sự đáng kể trong cuộc đời hành đạo. Ý thức như vậy, một mặt chúng ta nuôi dưỡng hạnh khiêm tốn, một mặt nỗ lực tiến tu để tạo được lực tác động của riêng mình, mới làm được việc lớn, cho đến tác động được muôn pháp trong vũ trụ là đạt quả vị Như Lai, vì Như Lai chuyển vật, còn chúng sinh thì bị vật chuyển.

Đức Phật nói có Bồ tát mười phương đến giúp hay không, không thành vấn đề; vì những Bồ tát Tùng địa dũng xuất tự làm được, tức do công đức tu hành của chính mình mới quan trọng. Ý chính này được Đức Phật giải thích rằng hằng hà sa Bồ tát Tùng địa dũng xuất do chính Đức Phật giáo hóa sau khi Ngài thành Phật, tức đạt được sự hiểu biết chính xác và tâm thanh tịnh hoàn toàn, thấy được sự thật của sự vật mới giáo hóa được. Và trải qua vô lượng kiếp từ khi thành Phật đến nay, với phước đức và trí tuệ viên mãn đã có sẵn, với quyến thuộc và bạn bè trong vô hình tài đức siêu phàm, nay gặp lại trong hiện đời, những người tài giỏi, đức hạnh phát tâm theo Phật vô điều kiện, thì không có việc khó nào mà Đức Phật Thích Ca không thành tựu.

Còn chúng ta từ quá khứ cho đến ngày nay đã tạo quá nhiều oan gia, nay chúng ta mới phát tâm tu, họ nghe mình sắp đi xa theo Đức Phật, nên vội vàng kéo tới đòi nợ. Trong thế giới sinh tử này, ta nợ người, người nợ ta; hôm nay họ chưa đòi được thì mai kia họ đòi. Chưa tu, không có vấn đề; nhưng phát tâm thật tu, đủ thứ rắc rối tìm đến, vì đã tạo nhiều nghiệp quá khứ. Những người hiện đời tu dễ dàng, vì bạn bè tốt trong quá khứ đã kết nối và nghiệp quá khứ không có, hoặc có ít.

Tóm lại, Đức Phật Thích Ca trong vô số kiếp quá khứ đã dìu dắt nhiều người đạt được trí sáng suốt, năng lực tài giỏi, đức hạnh vô song, được tiêu biểu qua hình ảnh vô số Bồ tát Tùng địa dũng xuất trong thế giới siêu hình và thể hiện trên thực tế cuộc sống là 1.250 vị Hiền Thánh đệ tử thân cận với Ngài trên bước đường giáo hóa độ sinh, xây dựng nên đạo Phật lợi lạc cho quần sinh, có giá trị vượt thời gian và không gian, cho đến thời hiện đại giáo pháp của Đức Phật vẫn còn là kim chỉ nam giúp cho nhân loại tạo dựng thế giới hòa bình, an lạc, hiểu biết, cảm thông, chia sẻ và phát triển. Đó chính là ý nghĩa mà Đức Phật muốn chỉ dạy qua hình ảnh Bồ tát Tùng địa dũng xuất.

HT Thích Trí Quảng

Tuesday, December 9, 2008

Trở về thực tại


Đức Phật khuyên chúng ta “Hãy trở về mà thấy”. Mạnh Tử nói: “Trời đất đầy đủ nơi ta, chân thành trở về với chính mình, không hạnh phúc nào lớn hơn”. Huệ Năng nói: “Không ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”.

Con người từ lúc mới sơ sinh đã biết hướng ra thế giới bên ngoài để thu thập những thông tin cần thiết cho đời sống. Đến bốn năm tuổi đã tích lũy được những kiến thức cơ bản để có thể xử lý những sinh hoạt thông thường. Sau đó nhờ học tập từ gia đình, bè bạn, học đường và cộng đồng xã hội; kết hợp với khả năng tư duy, chiêm nghiệm, phán đoán mà kỹ năng và kinh nghiệm ngày càng phong phú, đa dạng và cũng càng phức tạp hơn.

Nếu một người không thể tiếp thu thông tin cần thiết từ bên ngoài thì anh ta chỉ có thể sống một đời sống thực vật. Vì vậy, hướng ra bên ngoài không phải là một sai lầm - mà đó chính là điều kiện tiến hóa tất yếu của đời sống con người trong cộng đồng xã hội.

Cái sai đưa đến phiền não, khổ đau, chán chường, thất vọng… chính là ở chỗ: Con người không biết rằng mình đã dần dần bị dính mắc, sa lầy, sống lệ thuộc vào thế giới bên ngoài đến độ hoàn toàn bỏ quên chính mình - vong thân - và tha hóa... Albert Camus đã giật mình khi phát hiện rằng, mình không còn là chính mình nữa mà đã trở thành một kẻ lạ mặt tự bao giờ!

Trên mỗi đối tượng tiếp xúc hàng ngày, chúng ta không ngừng gia thêm những tình cảm, chẳng hạn như ưa, ghét, tham, sân... rồi tùy thuộc vào những cảm tính đó chúng ta chủ quan chọn lựa, lấy bỏ.

Ở một mức độ nào đó, điều này xem ra cũng là chuyện tự nhiên, bình thường; nhưng khi những thái độ này ngày càng được tích luỹ, vun bồi, gia tăng, phát triển cho đến khi trở nên quá sâu dày, kiên cố... thì bắt đầu trở nên nguy hiểm!

Tại sao? Lý do là chúng ta đã hình thành những thành kiến, cố chấp, hận thù, oan kết hay những say mê, chìm đắm trong thế giới bên ngoài, đến độ chúng ta đánh mất khả năng quay trở lại chính mình.

Điều này biểu hiện quá rõ đối với những người ghiền cờ bạc, rượu chè, ma tuý... Nhưng thật ra, ít nhiều gì chúng ta cũng đều sống trong một mức độ vong thân nào đó. Bằng chứng là khi yêu ai hay giận ai, khi thất bại hay nhục nhã… chúng ta có thể quên ăn, mất ngủ, đứng ngồi không yên; kẻ thì lo âu, sợ hãi, người lại thất thần, đãng trí…

Kết quả tâm lý ấy đơn giản chỉ vì chúng ta đã bị dính mắc khá sâu vào ngoại cảnh. Lúc đó, chúng ta muốn nghỉ ngơi, thanh thản dù chỉ trong chốc lát cũng không phải dễ dàng gì!

Trường hợp trên giống như ví dụ này: Tâm chúng ta co giãn như một sợi dây thun. Nếu sợi dây thun bị kéo quá căng và dính kẹt vào một vật nào đó, một lát hay một vài lần thôi thì có vẻ như không sao; nhưng nếu bị kéo căng lâu ngày hay nhiều lần thì sợi thun khó có thể trở lại trạng thái bình thường ban đầu.

Cho nên, một khi đã bị căng giãn bất khả hồi thì xem như dây thun đã hỏng. Một cái cân lò xo cũng vậy, nếu cân quá tải nhiều lần, nó có thể bị giãn ra và không trở về số không được nữa! Trường hợp cái cân bị hỏng thì ai cũng dễ dàng phát hiện, nhưng ít ai có thể nhận ra cái tâm mình đã bị hư hỏng quá nặng một khi nó bị dính mắc quá nhiều không còn rỗng rang, thư thái được nữa.

Bạn có thể ngồi yên lặng một lát được không? Khó lắm, nếu như bạn đang bị ràng buộc vào một cái gì đó, bấy giờ cái tâm của bạn đang tự biểu lộ là nó đã bị lệ thuộc và dính mắc đến mức độ nào.

Một người đang bận tâm, hay đang chìm sâu trong những kỷ niệm vui buồn quá khứ, đang toan tính cho một viễn ảnh tương lai, đang mong cầu một sở đắc, đang tức giận hoặc say mê ai đó… thì khó có thể tập trung vào hiện tại hay trở lại với chính mình.

Khi chúng ta phiền não, khổ đau, lo âu, sầu muộn… tức là chúng ta đang để cho ngoại cảnh can dự quá nhiều vào đời sống nội tại của mình.

Trước hết chúng ta phải thấy ra tình trạng vong thân, tha hóa này để tự cứu mình ra khỏi sự lệ thuộc, sự dính mắc, sự buộc ràng vào thế giới xung quanh.

Khi chúng ta gỡ sợi dây thun ra khỏi chỗ dính mắc, phản xạ đầu tiên là nó sẽ trở về tình trạng tự nhiên ban đầu của nó. Cũng vậy, sau khi được thư giãn, buông xả, nghỉ ngơi hoàn toàn, tâm trí chúng ta sẽ tự quay về với thực tại thân - thọ - tâm - pháp. Trở về thực tại, Thiền Vipassanā gọi là chánh niệm, và Thiền Tông gọi là hồi quang phản chiếu.

Tâm có chánh niệm thì không lang thang hướng ngoại hay bỏ mặc chính mình -không thất niệm ngay nơi thực tại thân tâm đang diễn ra trong mỗi người.

Tuy nhiên, trở về với chính mình không phải là trở về khởi điểm đã trôi vào quá khứ, mà chính là trở về tình trạng đang là - thay vì cố gắng giải quyết, chọn lựa, lấy bỏ đối tượng. Ngay lúc đó, bạn chỉ cần trọn vẹn với thực tại mà không cần thêm bớt bất cứ điều gì.

Có thể bạn chánh niệm trên một đối tượng bên ngoài, hãy trọn vẹn với đối tượng ấy, không xao lãng, cũng không chìm đắm là được.

Sau đây là một vài gợi ý điển hình giúp bạn dễ dàng trở về với thực tại:

- Có thể bạn thấy mình đang thở, cứ để yên cho nó tiếp tục thở như nó là, đừng thêm bớt gì cả. Nhớ là đừng thêm động tác nào nhằm làm chủ nó, hãy để hơi thở làm công việc tự nhiên của nó, đó chẳng phải là sở trường của nó sao?

Nhiều người tưởng rằng thiền hơi thở là phải thở theo một cách nào đó để định tâm, nhưng làm như vậy bạn lại xen vào trạng thái tự nhiên của hơi thở, đồng thời bạn bị rơi vào qui trình của sự dính mắc bên trong. Trừ phi bạn đang tập kỹ thuật dưỡng sinh, yoga hay khí công gì đó.

Không dính mắc, không có nghĩa là hoàn toàn bỏ rơi thế giới bên ngoài. Đời sống là một sự tương giao gắn bó trong ngoài. Nếu bạn dính vào bên ngoài thì quên mất bên trong, và ngược lại. Thế là bạn tự cô lập, phân ranh, một chiều, tức là bạn chỉ sống được một nửa sự sống của bạn mà thôi! Hay đúng hơn, bạn vẫn còn bị vướng kẹt bên lề cuộc sống vốn luôn trôi chảy không ngừng.

Đức Phật lấy ví dụ một khúc gỗ trôi giữa dòng sông. Nếu nó kẹt vào bờ bên này hay bờ bên kia thì nó không thể thuận dòng ra biển cả.

Sự sống là dòng sông, là dòng pháp. Hãy sống thuận dòng, thuận pháp, đừng bơi ngược dòng cũng chớ đắm chìm trong đó. Đối đầu và mê đắm chính là bản chất của sự dính mắc chấp thủ.

Vậy hãy để tâm bạn làm việc nên làm, không cần ngưng trụ. Chỉ cần bạn đừng quên mình đang thở thôi là đủ rồi. Đừng bắt hơi thở phải thế này, thế kia với ý đồ định tâm hay vì một mục đích tương lai nào khác. Làm thế, bạn vô tình dựng lên cái ngã tạo tác đầy tham vọng điều khiển theo ý mình.

- Khi đang đi, đứng, ngồi hay nằm, hãy trọn vẹn với trạng thái diễn biến ấy. Đừng để tâm lang thang ra khỏi động thái của thân và đừng để cái ngã quản lý có cơ hội xen vào.

Tâm không an trú nơi thân gọi là tâm bất tại, thất niệm hay phóng tâm. Tâm cùng hợp nhất với thân gọi là tự tại, nhất như, hay chánh niệm.

Nhất như không có nghĩa thân tâm (danh sắc) là một - mà là một sự kết hợp tự nhiên, hài hòa và đồng bộ với nhau. Rõ hơn, là tâm không bỏ quên thân vì bị thu hút bởi đối tượng của tham sân si… Đó là ý nghĩa đích thực của chánh niệm.

Tuy nhiên, bạn đừng quá chú ý vào những trạng thái đi, đứng, ngồi, nằm này với tham vọng trụ tâm hay để tìm kiếm điều gì trong đó; vì như thế tâm bạn lại bị dính vào một đối tượng hay một mục đích khiến bạn phải phân tâm hay ngưng trệ - nghĩa là không thể chánh niệm một cách trọn vẹn với thực tại đang là.

Trở về trọn vẹn với đi, đứng, ngồi, nằm chủ yếu là không để rơi vào tình trạng vong thân, tha hoá, chứ không có nghĩa là tự cô lập mình với thế giới bên ngoài.

- Nếu bạn có khả năng bao quát hơn, có thể thấy mình trong mọi sinh hoạt hàng ngày của bạn, chẳng hạn như ăn uống, tắm giặt, nấu nướng, lau quét, lái xe, mở cửa, đóng cửa, mặc áo, mang giày...

Dầu bạn làm gì cũng không quên mình thì thật là tuyệt vời. Được như vậy, bạn có thể ung dung, tự tại khi làm gì cũng không ra ngoài chánh niệm nơi thực tánh tự nhiên. Lúc đó, tâm bạn sáng suốt, trong lành và ổn định một cách tự nhiên, không cần gia tâm toạ thiền hay nhập định gì cả.

- Sâu sắc hơn, bạn có thể trọn vẹn được một cách trung thực những cảm giác trên thân như đau nhức, nóng nực, mát mẻ, êm ái… hoặc những cảm xúc trong tâm như vui vẻ, buồn bực, bức xúc, thanh thản…

Trở về trên thân tương đối dễ, nhưng trở về với những cảm giác thì khó hơn nhiều. Vì khi có cảm giác khổ chúng ta thường muốn chấm dứt nó ngay, và vô tình làm gia tăng cảm giác khổ ấy. Khi có cảm giác lạc chúng ta thường muốn níu giữ nó lại, vì vậy, biến nó thành nỗi khổ của sự lo sợ mất mát.

Chúng ta càng bị trói buộc vào bên ngoài, thì bên trong những cảm giác càng gia tăng; nhưng, hoặc là chúng ta quên mất không hề hay biết, hoặc là chúng ta bóp méo, nhồi nắn nó một cách chủ quan tuỳ theo độ dính mắc sâu cạn, ít nhiều.

- Vi tế hơn, khi tâm bạn ưa thích hay bất bình, nó thường hướng chú ý vào đối tượng hơn là chính nó, nơi đã phát sinh ra những thái độ phản ứng ấy.

Vì vậy, khi yêu thương, hờn giận, hài lòng, bất mãn… bạn chỉ lo quan tâm đến đối tượng bên ngoài mà không thấy chỗ xuất phát thái độ bên trong, đó là cái tâm của bạn!

Như vậy, phản ứng theo thói quen, bạn chỉ lo đối phó với tình hình bên ngoài mà quên rằng cái quan trọng chính là thái độ phản ứng của tâm mình! Nhưng bạn thường không muốn biết tâm mình đang như thế nào mà chỉ muốn biết đối tượng ra sao. Như thế là bỏ gốc theo ngọn.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bạn đừng bắt tâm dừng lại, cũng đừng buông thả cho nó chạy rong! Bạn chỉ cần nhìn lại hiện trạng tâm mình là đủ rồi! Cứ để mọi việc tự động điều chỉnh, bạn không cần phải gia công giải quyết, kiểm duyệt, phê phán hay biện minh gì cả.

Tóm lại, chúng ta giống như những người ham tìm kiếm thú vui hoặc bất mãn với hoàn cảnh hiện tại mà bỏ nhà ra đi mong cầu đạt được sở thích, ước nguyện!

Bằng cách ấy, chúng ta cứ ra đi, đi mãi, quên cả đường về, đành phải tha phương cầu thực, nay đây mai đó; lang thang theo những bước thăng trầm trong niềm vui, nỗi khổ bên ngoài mà không biết rằng nhà mình xưa nay vốn đầy đủ tất cả, chẳng thiếu điều gì.

Vì thế, đừng lang thang tìm cầu một miền đất hứa, mà quên đi ngôi nhà sẵn có của mình, đó là thực tại hiện tiền. Đức Phật khuyên chúng ta “Hãy trở về mà thấy” (Ehipassiko). Rõ hơn, Ngài dạy: “Ta, quả thật là nơi nương nhờ của ta, ai khác có thể là nơi nương nhờ?, Khi ta đã thuần tịnh, đó là nơi nương nhờ khó được”.

Mạnh Tử nói: “Trời đất đầy đủ nơi ta, chân thành trở về với chính mình, không hạnh phúc nào lớn hơn”.

Huệ Năng nói: “Không ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”.

Cô đọng lại, trở về thực tại giúp chúng ta:

- Hóa giải những ràng buộc: Người có chánh niệm ít khi bị dính mắc, và nếu có bị dính mắc thì cũng thoát khỏi dễ dàng hơn những người thất niệm.

- Sống an nhiên tự tại: Người bỏ quên chính mình thì không thể an nhiên, tự tại; do đó cũng không thể thanh thản, thoải mái. Điều này chỉ có được nơi người luôn sống trọn vẹn với thực tại hiện tiền.

- Trí nhớ tốt hơn: Khi đã bị dính mắc vào một điều gì người ta thường hay quên, hay lảng trí. Trái lại, người có chánh niệm tuy không cố ý ghi nhớ điều gì nhưng vẫn dễ dàng nhớ được điều mình đã làm.

- Dễ dàng định tâm: Khi tâm đang bận rộn lo nghĩ về một điều gì, như tưởng nhớ hay tức giận một ai đó thì rất khó tập chú vào công việc hiện tại. Hành động trở nên vụng về, không chính xác. Người chánh niệm nhờ trọn vẹn với mình nên rất dễ dàng tập trung tâm ý trong hiện tại.

- Bảo toàn nguyên khí: Theo nguyên lý y học cổ truyền phương Đông thì “Tinh thần nội thủ” không những có thể bảo toàn được nguyên khí khỏi bị phân tán, mà còn phát huy được nội lực chân chính.

- Dễ dàng tự chủ: Một người tinh thần bị phân tán đã không thể chú tâm thì làm sao có thể tự điều phục được. Giống như một người lái xe bị ngoại cảnh chi phối không thể điều khiển tốc độ hay hướng đi thích ứng được nên rất dễ gây ra tai nạn. Còn người chánh niệm không cần cố gắng vẫn có thể tự chủ một cách rất tự nhiên.

Hỏi:

- Thầy nói, trong quan hệ với ngoại giới, chúng ta thường quan tâm đến đối tượng mà quên chính mình, như vậy là bỏ gốc lấy ngọn. Có phải ý thầy muốn nói đừng quan tâm đến người khác, chỉ nên lưu ý đến tâm tư nguyện vọng của mình?

Đáp:

- Không phải vậy, chỉ quan tâm đến ý muốn của mình - mà không để ý đến tâm tư nguyện vọng của người khác là ích kỷ. Chúng ta cần phải quan sát, lắng nghe hay học hỏi những người xung quanh, nhưng cũng không được bỏ quên chính mình, không để bị tha hoá.

Tùy trường hợp mà chúng ta quan tâm bên trong, bên ngoài hay cả hai. Vì chúng ta thường quá quan tâm đến đối tượng bên ngoài đến độ quên lãng chính mình, do đó cần phải trở về với mình trước. Khi tâm đã tương đối an ổn thì nên hướng tâm quan sát thế giới xung quanh; và khi tâm đã vững vàng, sáng suốt thì chúng ta có thể quan sát cả trong lẫn ngoài mà không bị thiên lệch.

Hỏi:

- Khi đi bộ trên phố hay lái xe ngoài đường - nếu chánh niệm - chúng ta chỉ quay vào trong trọn vẹn với thân-thọ-tâm-pháp, không quan tâm bên ngoài liệu có gây tai nạn không?

Đáp:

- Tất nhiên nếu bạn chỉ chăm chú vào trong mà không quan tâm bên ngoài thì rất dễ gây tai nạn, nhất là khi ở chỗ đông người hay nơi nguy hiểm. Như chúng ta đã biết, quá chăm chú vào trong sẽ bị dính mắc bên trong, và ngược lại, quá quan tâm bên ngoài thì dễ bị vong thân.

Khi bạn đang đi bộ hay lái xe mà bị lôi cuốn vào một đối tượng nào đó, dù trong hay ngoài; ví dụ như bạn đang chìm đắm trong ý nghĩ hận thù hay thương tiếc, lúc đó, bạn quên rằng mình đang đi hay đang lái xe, và tất nhiên bạn rất dễ gây tai nạn giao thông. Đó là thất niệm chứ không phải chánh niệm. Khi chánh niệm bạn đã nhất tâm, không phân tán, không quên mình, nên bạn có thể chú tâm trọn vẹn với việc lái xe hay đi bộ.

Chánh niệm không phải là chỉ chuyên chú vào thân-thọ-tâm-pháp như những đối tượng đơn độc, tách biệt và cố định - mà là thân-thọ-tâm-pháp diễn biến trong mối quan hệ tương giao duyên khởi với thế giới bên ngoài.

Ví dụ như khi đang đi trên phố, nếu tâm bạn bị cuốn hút trong một mối lo toan nào đó, bạn có thể va vấp hoặc đụng chạm vào người khác; nhưng khi chánh niệm, tâm trí bạn bén nhạy đến nỗi có thể cảm nhận được mọi diễn biến xung quanh mà vẫn không quên chính mình.

Sai lầm của bạn là không thấy được sự khác biệt giữa niệm và định, hay giữa trọn vẹn với thực tại và sự tập chú vào bên trong điều này có thể cần thiết khi bạn thiền định. Tuy nhiên, thiền định cần một nơi an toàn để thực hiện, còn đang lái xe hay đi trên đường phố thì bạn cần phải chánh niệm mới an toàn.

Hỏi:

- Thầy nói chánh niệm là trọn vẹn với thực tại? Vậy khi tham dục, sân hận, ngã mạn sinh khởi… cũng cứ trọn vẹn với chúng hay sao? Thế thì làm sao đoạn tận tham, sân, si như đức Phật dạy được?

Đáp:

- Bạn thử xem xét thật kỹ tình huống sau đây: để dỗ một em bé đang khóc – có phải mục đích của bạn là làm cho bé ngừng khóc hay là bạn nên hết lòng thương yêu, thông cảm và chia sẻ với toàn bộ hoàn cảnh của bé?

Nếu bạn chỉ muốn bé đừng khóc vì lợi ích của riêng bạn, chứ không cần thấu rõ con bạn khóc vì nỗi gì, thì không bao giờ bạn hiểu được bé. May là bé khóc để bạn biết con mình đang đói hay khát, nóng hay lạnh… vậy bạn cần chia sẻ một cách trọn vẹn với bé chứ đừng chỉ cố tìm cách bắt bé đừng khóc.

Một điều kỳ diệu là chính sự yêu thương trọn vẹn sẽ làm bé ngưng khóc! Và cũng chỉ có chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn mới hóa giải được tham sân.

Trọn vẹn với tham sân trong chánh niệm, tỉnh giác khác hẳn với bị chìm đắm và cuốn trôi trong tham sân một cách mê muội. Nói cách khác, khi tỉnh giác, trọn vẹn với tham sân là trọn vẹn với mình (chánh niệm); khi mê muội, đắm chìm trong tham sân là quên lãng chính mình (thất niệm) đấy.

Trở về thực tại - Viên Minh - Văn hóa Phật giáo 70

Manifesting For Abundance


by Evelyn Lim


We have discussed the need to search your subconscious to develop your desires. Without knowing what we want, we cannot employ techniques for bringing it to pass. Once we realize the depths of our desires for abundance, we can begin the process of manifestation, or the process of creating a new environment.

The process of manifestation brings about the desires of your heart. Because this is an important step, you should take time to meditate and think carefully about the goals you want to bring into being. If you pursue a goal off the top of your head, you may not be working toward something that brings a long term sense of achievement.

For example, if you decide that you want a prestigious new piece of jewelry; you may not achieve the real results that you want. If you spend time in careful consideration, you may decide to pursue financial freedom that is more deep rooted and less affected by popular trends and superficial posturing. The jewelry alone will not give you a sense of security, a position in the community, or the other things that might motivate someone to wish for such an item. One reason that wishing for luxury items or tokens of prestige is not helpful is that it is centered around one’s ego and can never bring contentment.

The process of manifestation begins when you decipher your true desires, even in relation to abundance. Abundance means different things to many people. For you, it may mean financial freedom; for others, it may mean having a plentiful supply of love, health or security. After taking some meditative time to figure out which desires will truly bring fulfillment to your life, you can begin asking for the manifestation of the things you need. Verbally express your request and also write it in a concise manner without adding unnecessary words or ideas.

Experiencing your desires is the way that you bring yourself in sync with the production of desired results. You can bring your energy into the proper state to receive like energy by feeling and becoming involved with the energy of your desired ambition. For example, if you would like to own a car because the convenience allows you to save time, then imagine yourself in this car, with the stereo playing your favorite song and enjoying the drive.

Of course, you should also take action towards the realization of your goals and bring your desires into physical reality. For example, if you desire financial wealth, then work hard, upgrade your skills or start a new business. Your actions need to support your belief for your manifestations to come true.

Finally, for abundance consciousness, you also need to feel as if you are already wealthy and in possession of what’s coming. So even if you have not yet attained our desired goals (eg. money) physically at this time, you can generate positive feelings by feeling appreciation for what you already have. Appreciation is a love energy that can produce positive results.

Hence, begin by noticing the abundance in nature, appreciating the things that make you whole, and the many clients and friends that you have in your life. Appreciate your family and all the loving things they do for you. View things from a positive lens rather than a negative one. Write down a list of all the things that you are appreciative for. Affirm these frequently.

Here are some positive affirmations that you can make on a daily basis:

“I am appreciative for the love and support of my family. I thank them for being who they are and for accepting me for who I am.”

“I am thankful for the roof over my head and the food on my table. I have got warm sheltor, a nice home and more than enough food to fill my stomach. Most importantly, I am surrounded by an abundance of love."

“I am whole and in perfect health. I rejoice in the knowledge that I have the means and ability to generate abundance. My abundance grows every day in support of my dreams.”

Note that at no time, should you start to worry about whether or when your manifestations will become a reality. Worry, as explained before, is a negative vibration. It is doubt. You should feel confident that you will get your heart’s desires. Try to remove yourself from the emotional outcome of your desires but be confident that abundance will come to you.

Also, do not worry about how the Universe is going to grant you your desires. There is no need to worry, create a fuss, doubt or become frustrated. Leave the details to the Universe. The possibilities of how you are going to attain abundance are infinite and endless. You just need to know that a bountiful supply of good things will arrive.

Here is a home exercise that you can do - create a vision board. Simply gather a couple of lifestyle magazines. Cut out pictures that represent what you desire. For instance, if you desire health, cut out a picture of someone who looks fit. Make these pictures as close to the images that you have in mind. Paste them all on a piece of paper and hang it on the wall that is highly visible to you everyday. Constantly, look at this paper to build an “imprint” in your mind.

You need to change the vibration you exude and feel abundant on an emotional level. Rather than letting ego or self doubt be your guide, you can allow appreciation and faith in positive energy to lead you to a life of abundance. The energy of love is absolutely vital to achieving abundance. Feel abundant and there will be abundance!



Abundance Quote Of The Day

“Whatever we are waiting for - peace of mind, contentment, grace, the inner awareness of simple abundance - it will surely come to us, but only when we are ready to receive it with an open and grateful heart.”
--- Sarah Ban Breathnach

Sunday, December 7, 2008

10 Ways To Embrace Change For 2009


Seen at the 94.7 Cycle Challenge 2008
Creative Commons License photo credit: Axel Bührmann

“We will open the book.  Its pages are blank.  We are going to put words on them ourselves.  The book is called Opportunity and its first chapter is New Year’s Day.”  ~Edith Lovejoy Pierce

If you want to know why life is the way it is look at your habits. Getting up early is a habit, so is staying in bed ten minutes longer. Eating your meals on the run is a habit so is sitting down with your family. Watching too much TV is a habit so is reading a good book.

Every thing we do is a habit: how we thing, how we speak, how we exercise and how we work.Some habits are serve us well and others keep us stuck, limited and unsuccessful.

How do you want to ring in the new year? If you want to change your life, change your habits. Ask yourself, what bad habits do I need to release and replace in order to make 2009 the best year in my life?

Be clear. Be honest. Do I drive recklessly? Do I put enough time and fun in my most important relationships? Do I make excuses for not eating healthy or exercising? Do I procrastinate and fail to plan my day?

Imagine taking each bad habit and turning it into a habit that serves you well. How would your life be different? What if you didn’t have debt and lived within a budget? What if you turned off the TV and computer at a set time and spent more time with the people you love? What if this was they year you got rid of clutter?

I suggest the following action plan:

1. Write down 6 habits you would like to change. Instead of the ususal 30 day plan, give yourself a 60 day plan. You will have six new habits by the end of the year!

2. Replace a bad habit with a good one. When I quit smoking I began running. For motivation, I bought new tennis shoes, socks, and a new pink (my favorite color) running outfit. I also signed up for a subcription of running world. My goal was to run a 10K within six months. I started walking and added a little running each day. Soon I was running more than walking and finally just running!

3. Begin with only one! I recently decided to simplify my life by not purchasing any clothes for a year. After two months I decided I was going to decrease my expensive latte’s to one per week. This way you won’t be overwhelmed and tempted to give up.

4. Do what works for you. You may hate the thought of running. So choose something you like, the possibilities are endless. You could choose cross country sking in the winter and rollerblading in the summer months. Experiment until you love what you are doing, or you won’t do it.

5. Think Positively. I’m currently training for a half marathon. Yesterday I went out for seven miles. At mile five I was losing steam and realized it was in my head. I changed my thoughts from, ‘this is so hard’ to ‘I’m going to feel great when I’m finished.

6. Commit. Write out a check to your favorite charity. Give it to a friend and say, ‘Mail this out in sixty days if I fail to keep my commitment.’

7. Persist. When I lived in Michigan, because I didn’t like the treadmill I ran in the rain, sleet, snow and sun. Do not make excuses. Be consistent for sixty days.
You won’t have to think twice about it after that. Just like you don’t think about how you are going to drive a car, you just do because it’s a habit.

8. Take action to cure fear. Susan Jeffers advice is “feel the fear and do it anyway.” Go forward one step at a time and build your confidence with each step.

9. Live in the present moment. Yes you’ll have bad days. You aren’t perfect and life isn’t fair. Don’t wait until tomorrow. Change your life today.

10. Reward yourself. How can you treat yourself when things get tough? Make a simple of list of rewards and use them on your toughest days.

What habit would you like to change? Leave it in the comment box below.

The Bold Life


Accessing The Power Of Your Subconscious Mind For Abundance

by Evelyn Lim

Once we realize that we need to tap into positive energy, eliminate negative energy, and heal emotionally; how do we move forward? In order to fully flush our minds of negativity and reach a higher state of consciousness and abundance where we are able to exude and attract positive energy, we must access the alpha state of mind, otherwise referred to as the subconscious mind.

Meditation is the process which can help you access your subconscious mind. It has also been found that your subconscious mind is intimately connected to a higher power and through meditation, you can readily access the higher states.

Tapping into the subconscious is often referred to as reaching the alpha state of mind, or active meditation. While passive meditation is a very popular way to gain relaxation and health benefits, active meditation can give you inroads to creativity, problem solving, abundance, peace, goal setting, and even genius abilities.

Many successful people have received their greatest revelations while in a dream-like state and transformed their own lives or even the world around them. One good example was Thomas Edison. As you know, Edison was awarded 1368 distinct patents and invented, the incandescent light bulb, the phonograph, the film projector, and the first motion picture, amongst others. Edison was known to have said, “Ideas come from space”. Edison purportedly “napped” in the afternoon and woke up with solutions to the most perplexing problems.

Active mediation allows you to elevate yourself above the well worn thought patterns of your conscious mind and find the new ways of thinking to overcome addictions, free yourself from bad habits, think more positively, achieve natural healing, increase mental prowess, and tap in to your deeper levels of insight and psychic ability.

The beauty of tapping into your subconscious mind is the ability to leave your personality characteristics and flaws behind, as well as your learned behaviors and patterns of thought. Once in the alpha state, you can focus on the areas of concern and allow your mind to creatively seek solutions and guide you to truth and betterment.

You can validate the altered way of thinking achieved through active meditation by bringing the power of these thoughts to your conscious mind, your words, and your actions. By combining the power of your subconscious mind with your conscious mind, you focus your energy toward bringing your thoughts and goals into reality. In this way, you will improve your ability to achieving abundance or any desired results sooner.

For example, if you are trying to achieve financial independence, but your energy exudes poverty and want; it will be difficult for you to move beyond a dismal state of being. By syncing the energy in your conscious and subconscious minds through meditation and following it up with positive actions and words, you will eliminate conflicting energy that will hold you back.

Meditate to get the right frame of mind, ideas and freedom to rise above poverty and set appropriate goals. Allow this to infiltrate your conscious mind. Then follow through with the problem solving and ideas your subconscious mind feeds you.

The power of the subconscious mind can be your main tool for achieving the deepest desires of your life. It can also be the tool for your desires for abundance to be properly formed. By reaching the alpha state of mind, you will gain in every area of your life.

If you want to program your mind using a scientifically proven way, then you may want to try The Silva Method. The Silva Method is founded by Jose Silva (August 11, 1914 - February 7, 1999), a pioneer in the field of mind control.

In The Silva Method program, you learn different techniques for almost every situation or problems that you need solving. And you do this, while in the alpha level. For instance, I have used it for anything like healing my daughter from her cold, treating my husband of his headaches, requesting for information on my business, visualizing for abundance and to visualizing for car park space at peak hours. I do not attain my desires every single time or at the point of request, but I have been successful many times in applying the techniques.

There are many methods of creative visualization that you can use to achieve your dreams. With The Silva Method, Jose Silva has taken mental visualization to a new level with time tried and carefully researched techniques. When you gain better control of your mind, you will invariably feel better. You creatively visualize a dream that sets yourself up with a greater chance of success. With that level of confidence, anything is possible! 

My Grandfather’s Sikhism, My Simple Life Philosophy

by Rayman Mathoda - December 06, 2008

I consider myself spiritual but not very religious and don’t have much patience for the bureaucracy of most religions including my own. I just don’t see the need to have middlemen translate the teachings of my religion to me; my grandfather did a fine job of this during the times we spent together on vacation in Punjab, India while he was alive.

He taught me that our religion was about substance not form, that what matters is how you act in real life not whether you visit the Gurudwara (temple) everyday, and that the basic tenets of life and religion are simple. What’s difficult is actually living them fully and consistently.

My family are Sikhs, followers of a religion that I consider more a spiritual philosophy than a religion, and which originated about 500 years ago largely due to the friction between Islam and Hinduism in Northern India when the Mughals (who were Muslim) ruled over the largely Hindu populace.

I love and live by the version of Sikhism my grandfather taught me. It was mostly shared via a bunch of stories about the 10 Guru’s who created and propagated the religion. Tales of their courage, honesty and philanthropy; how they stood up for what’s right even in the face of death…again and again.

He told me that being a good Sikh was simple. All you had to do was live by 6 simple words: “Kirat Karo, Naam Japo, Vand Chako” (Kirat Karo: earn your livelihood by the sweat of your labor; Naam Japo: meditate on the name of God; and Vand Chako: share your earnings with others).

And he told me about “Chardi Kala” (which literally means “Rising Spirits”), the undying spirit of the Sikhs and a mindset and way of being I find myself returning to regularly even today. Here’s what www.answers.com had to say about Chardi Kala: “Chardi Kala indicates the elation or high spirits of Sikhism. Chardi Kala, meaning ‘the positive attitude’ is an equivalence of a mind that never despairs, never admits defeat and refuses to be crushed by adversities.”

...

thank you for such wonderful truth your grandfather taught you. Religion can be and usually is very different than authentic spirituality. We (as in humanity) have been told what to believe for eons but never been told how to discern that which is true for ourselves and certainly not that we have the right to communicate directly with Source ourselves without any middle person. The native americans believe in what is called the BEAUTY WAY. A way of life as you described your grandfathers teachings. That is what I find most noble, virtuous and of good report. And what I teach those I speak to, to seek.

Thank you again

Lily Finch

www.AlchemEnergy.com

Friday, December 5, 2008

Ba loại tịnh nghiệp

Ba loại tịnh nghiệp của thiện nam tử, thiện nữ nhân

(1) Phước nghiệp thứ nhất

- Hiếu dưỡng cha mẹ
- Kính trọng bậc sư trưởng
- Tâm từ bi không sát hại mọi loài chúng sanh
- Tu tập 10 thiện nghiệp

(2) Phước Nhị Thừa

- Quy y Tam bảo
- Nghiêm trì các tịnh giới
- Không phạm các oai nghi

(3) Phước Đại Thừa

- Phát tâm Bồ Đề
- Tin sâu Nhân Quả
- Thọ trì kinh Đại Thừa
- Khuyến khích mọi người tu tập Giác Ngộ

Nhẫn là công đức

Nhẫn khi bị người khác ngược đãi, mắng chửi, hãm hại.
Nhẫn khi gặp nghịch cảnh
Nhẫn khổ nhọc tu tập

Thích Chân Quang:

"Chúng ta muốn làm việc nghĩa, muốn đem nhiệt tình, tài năng và sức lực (bạo lực) để thay đổi hoàn cảnh của mọi người. Nhưng điều này không phải là nguồn gốc của hạnh phúc xã hội. Chính hạnh nghiệp quá khứ đã đưa đến hoàn cảnh đời sống khổ vui cho họ như hiện tại. Nếu chúng ta thương yêu những người khốn cùng, hãy giáo hóa cho họ biết thương yêu giúp đỡ mọi người hơn là phẫn nộ và tàn ác".

- Can đảm nhận lấy khổ vui như là hậu quả của chính mình và dè dặt cẩn thận trong từng hành động của hiện tại.

- Sân hận là nguyên nhân của xấu xí, hẹp hòi. Từ ái là nguyên nhân của đẹp đẽ, hiền lành, là nguồn gốc của công đức.

- Giữ đúng lời hứa. Tạo niềm hy vọng bằng lời hứa rồi gây nỗi thất vọng bằng thất hứa sẽ tạo ra quả báo tuyệt vọng ở mai sau. Sự thực hiện đúng lời hứa hoặc vượt hơn lời hứa khiến cho người vui mừng, đem lại quả báo thành công cho mai sau.

- Công đức nào cũng được thực hiện bằng dũng lực. Người dám san sẻ tài sản, người kiên trì giữ lời hứa, đều là những người có nhiều dũng lực.

- Không nên bố thí hời hợt, với tâm ích kỷ, mong cầu phước báu cho mình, không có tình nhân ái. Nên bố thí với sự trân trọng, yêu thương, những phẩm vật có giá trị, trao tận tay, quý trọng người thọ thí.

- Sức mạnh của ngòi bút ở tại sức sống của tác giả ---> công đức của văn chương. Vậy nên tác giả phải dọn mình trong an nhiên và cao thượng.

- Khi nào có sự khiêm hạ và dung hòa thì càng gần với chân lý.

- Nói lời nhu hòa, khả ái. Ái ngữ là lợi khí để ban phát hạnh phúc.

- Người chân chính không kiêu ngạo khoe khoang, mà trong đời sống từ nơi họ toát ra mọi sự tốt đẹp đến mọi người. Người hiểu đạo rất dè dặt khi phải chỉ trích người khác.