Từ ngày xuất gia đến giờ tôi luôn cố gắng giữ ba điều:
Một là làm sao phải có tâm niệm thương người thương vật. Mà đã thương người thương vật thì luôn làm những điều lành, điều tốt để mọi người cùng muôn vật đều được an vui. Tránh những điều xấu ác, để cho mọi người cùng muôn vật không do mình mà đau khổ. Do đó, chúng ta phải phát nguyện ăn chay. Vì nếu không ăn chay mà ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh phải bị bắt bị giết mới có thịt cho người đó ăn. Vì thế ăn thịt chúng sanh là cái cớ để người ta bắt giết. Do vậy, việc cấm ăn thịt chúng sanh là điều cần thiết. Từ đó, tình thương người thương vật mới lần lần phát triển rộng lớn. Nếu ăn thịt chúng sanh thì tình thương rộng lớn đó không sanh được, nếu có chỉ là hạn hẹp trong tình cha mẹ, anh em, vợ chồng. Như con rắn là loài độc, con beo, con cọp là loài hung dữ, chỉ biết thương con của chúng vậy thôi. Mình làm người lại biết đạo thì phải hơn, phải biết tăng trưởng thêm lòng thương đó. Đạo Phật là đạo từ bi. Muốn tăng trưởng lòng từ bi thì phải từ việc không ăn thịt chúng sanh làm đầu, có phát nguyện ăn chay rồi thì lòng thương người thương vật mỗi ngày một thêm lớn. Đã thương thì không làm điều xấu ác để chúng sanh bị khổ vì mình. Đã thương thì lúc nào cũng cố làm điều lành, để mọi người và muôn vật đều được an vui. Như thế không ăn thịt chúng sanh, thì chúng ta đã thực hiện được lời Phật dạy siêng làm các điều lành, tránh làm các điều ác.
Thứ hai là việc tụng kinh. Tụng kinh là để tăng trưởng trí tuệ. Đạo Phật là đạo trí tuệ. Tụng kinh là lặp lại lời Phật dạy để mỗi ngày thấm sâu vào tâm trí mình, để mình mỗi ngày một sáng ra. Chúng ta từ lâu bị nghiệp lực lôi kéo, vô minh sâu dày che mờ bản tâm vốn sáng suốt nên luôn chịu trầm luân sanh tử. Nay nhờ lời Phật dạy, biết được đường đi, biết cởi mở những chấp chặt sai lầm, làm cho tâm tánh mỗi ngày một tỏ rõ, nhận định được đúng đường không còn lầm lạc. Do đó, nhờ tụng kinh mà trí tuệ được tăng trưởng.
Ba là phải tự biết căn cơ của mình để tu hành thì được lợi ích lớn. Chúng ta hiện nay đang ở sâu vào thời mạt pháp, trí lực thì cạn mỏng mà nghiệp lực lại sâu dày, khó mà tự sức mình được giải thoát, may nhờ Đức Phật rủ lòng từ bi vì chúng ta mà giới thiệu Đức Phật A Di Đà và cõi nước trang nghiêm thù thắng của Ngài. Nương theo pháp môn Tịnh độ, chúng ta đầy đủ lòng tin sâu chắc, phát nguyện tha thiết, niệm Phật tinh cần, thì sẽ nương đại nguyện của Phật A Di Đà mà đới nghiệp vãng sanh, giải quyết việc sanh tử ngay trong đời này. Do vì cõi Cực lạc có nhiều thắng duyên, luôn thân cận cùng Thánh chúng, suối reo, nước chảy, chim kêu, gió thổi, cây khua đều vang tiếng diệu pháp làm cho hành giả sanh lòng niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng. Không có duyên xấu để các chủng tử ác sanh khởi, nên lần lần bị trừ diệt. Dầu chưa dự vào hàng Bất thối nhưng luôn đi lên chứ không có duyên làm cho lui sụt. Vì thế ngay từ bây giờ, mọi người phải phát tâm niệm Phật, nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Phải thực hành đều đặn, ngày càng tăng thêm đừng cho lui sụt, phát nguyện phải thiết tha như người đi xa muốn trở về nhà. Lòng tin phải mạnh mẽ bền chắc không gì lay chuyển được. Lại còn phải tùy duyên tùy phận, khuyên nhắc mọi người chung quanh cùng tu, cùng ăn chay, tụng kinh, niệm Phật để mọi người cùng làm lành lánh dữ thì thiện căn xuất thế mới được khởi phát. Căn lành xuất thế phát khởi thì mới làm Hiền làm Thánh được.
Nhân dịp đầu năm có đôi điều nhắc nhở, mong đại chúng đều nên nhất tâm tinh tấn.
HT.THÍCH TRÍ TỊNH
(Trích Lời huấn thị đầu Xuân 2007 của Hòa thượng, trong Hương Sen Vạn Đức)
...
Đức Phật dạy Bồ tát nên quán sát muôn sự muôn vật trong trời đất này bằng tâm thanh tịnh, sẽ nhận thấy được nét đẹp vô tướng, tức cái đẹp vô cùng ở dạng bất sinh bất diệt và từ dạng nguyên thể bất sinh bất diệt này chuyển đổi qua dạng thức có hình tướng thì sẽ sanh ra vô số hình tướng hoàn toàn trong sáng tuyệt đẹp vĩnh hằng, mà kinh điển thường gọi là thế giới Tịnh độ.
Bước chân vào đời hành Bồ tát đạo, Bồ tát luôn an trú ở thế giới không sinh diệt, nhận chân được thật tướng các pháp và từ thế giới nội tâm hoàn toàn an lành như vậy, Bồ tát tùy theo phước đức nhân duyên của mình mà kiến tạo những cảnh giới an vui tốt đẹp cho họ và cho mọi người.
Thật vậy, tuy cuộc đời này nhuốm màu phiền muộn, khổ đau bất tận dưới mắt của thế nhân; nhưng Bồ tát dấn thân trên vạn nẻo đường đời không hề thấy khổ đau chút nào cả. Vì cuộc sống của Bồ tát tràn ngập niềm vui thanh thoát, bởi những việc làm của Bồ tát lợi lạc cho nhiều người, mang đến hạnh phúc an vui cho những người hữu duyên, khai tâm mở trí cho họ tiến bước trên con đường trong sáng, đạo đức. Những người được Bồ tát chăm sóc, cưu mang, chỉ dạy cùng sống dưới ánh sáng từ bi và trí giác của Bồ tát, tạo thành cảnh giới lúc nào cũng an vui, giải thoát. Nhờ an trú trong thế giới nội tâm thánh thiện và thế giới hiện thực tốt đẹp cùng quyến thuộc Bồ đề như vậy, Bồ tát hành đạo không biết mệt mỏi. Còn những người không cảm nhận được nguồn hỷ lạc vi diệu từ nội tâm thì thấy việc khó sẽ không dám làm, hoặc có làm cũng chỉ ở mức giới hạn nhỏ nhoi mà thôi.
Cảm nhận sâu sắc bước chân an lạc, giải thoát của chư vị Bồ tát trong kinh Pháp Hoa luôn mang đến niềm vui kỳ diệu cho mọi người, luôn kiến tạo cảnh giới Cực lạc tại chốn Ta bà ngũ trược cho chúng sinh, luôn tạo ra vườn Xuân đạo hạnh cho chúng hữu tình an trú, tôi xin chia sẻ với tất cả các pháp lữ hữu duyên một bài kệ mà tôi cảm tác không biết từ bao giờ:
Bồ tát đi vào đời
Sen nở khắp muôn nơi
Trang nghiêm cho cuộc sống
Ôi thật đẹp tuyệt vời.
HT.Thích Trí Quảng