Thursday, June 4, 2009

Vượt qua bệnh tật

Muốn vượt qua bệnh tật, phải nhìn thẳng vào bệnh tật của mình; vì có thấy và hiểu mới vượt qua được. Đức Phật dạy rằng con người phải trải qua bốn giai đoạn là sinh, già, bệnh và chết; đó là sự bình thường, hay quy luật tất yếu của thế giới sinh diệt.

Con người sinh ra và chết đi, nhưng thân xác cũng phải bị già cỗi và bệnh hoạn nữa, điều này thuận thế vô thường, không phải là việc quan trọng. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ rằng không thể nào vượt được định lý vô thường sinh lão bệnh tử là rơi vào đoạn kiến; vì theo Phật, chúng ta phải khởi từ điểm vô thường mà tu hành để chứng ngộ được lý chơn thường và sống mãi với chơn thường, mới thật sự là người tu học đúng Chánh pháp.

Thật vậy, từng bước thăng hoa trên con đường thánh thiện theo Phật, hành giả từ vô thường nhận ra chơn thường, từ sinh mệnh sinh diệt nhận ra sinh mệnh tương tục và từ sinh mệnh tương tục nhận ra sinh mệnh vĩnh hằng bất tử. Các vị chân sư, hay chư Bồ tát đều tu hành từ sanh thân hữu hạn ở thế giới sinh diệt này mà thấy biết sinh mệnh tương tục của họ, tức là kiếp sống từ nhiều đời trước cho đến đời này và nhiều đời sau nữa. Còn chúng sinh phàm phu chỉ thấy cuộc sống hiện hữu trong đời này và chết là hết. Bồ tát không thấy như thế, mà thấy mỗi người đều có một chuỗi sự sống nối kết chặt chẽ nhiều kiếp quá khứ với đời sống hiện tại đến vô số kiếp sau. Nhờ cái thấy xuyên suốt đúng đắn như vậy mà Bồ tát hoàn thiện được Báo thân và Pháp thân, có được đời sống vĩnh hằng bất tử. Điển hình là cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, khi còn là Thái tử Sĩ Đạt Ta, Ngài đã không bằng lòng với cuộc sống hữu hạn khổ đau của kiếp người, mới dấn thân trên con đường tìm chân lý để vượt qua cuộc sống trầm luân sinh tử của thế nhân và tìm được con người bất tử trong chính Ngài và trong mỗi người chúng ta. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã khẳng định rằng từ thuở xa xưa, Ngài hành Bồ tát đạo, cảm thành thọ mạng đến nay còn chưa hết, mà mỗi ngày, thọ mạng hay Báo thân và Pháp thân của Ngài cứ thêm lớn mãi, không bao giờ ngưng. Vì vậy, con người giác ngộ nhận thấy được sinh mệnh tương tục, mới tu Bồ tát đạo được, mới thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, mới có đời sống vĩnh hằng bất tử.

Ý thức như vậy, chúng ta sống trong thế giới sinh diệt, bắt đầu tập nhìn theo các vị Bồ tát và thực tập giáo pháp Đại thừa, để thấy được sinh mệnh tương tục của mình và của những người liên hệ. Thấy bằng cách nào? Theo các tôn giáo khác, muôn vật do Thượng đế tạo ra, trước khi sinh ra, chúng ta là con số không và sau khi chết, vận mạng của chúng ta do Thượng đế toàn quyền định đoạt, hoặc Ngài đưa lên Thiên đường cho hưởng phước, hoặc Ngài bắt đọa xuống hỏa ngục chịu hình phạt. Cũng có tôn giáo cho rằng Thượng đế sẽ đánh cả hồn lẫn xác con người cho tiêu tan luôn.
Duy nhất chỉ có Đức Phật không dạy như thế. Ngài khẳng định rằng vận mạng con người không do đấng Tạo hóa nào quyết định cả, mà chính con người tự định đoạt lấy vận mạng của họ. Theo Phật, vận mạng của chúng ta chỉ cho sinh mệnh tương tục là sự vận hành từ kiếp sống này chuyển sang các kiếp sống khác. Ý nghĩ về sinh mệnh tương tục này đã nung nấu trong tâm trí Phật khi Ngài còn là Thái tử, luôn suy tư rằng con người từ đâu đến và chết đi về đâu. Ngày nay, khi một vị Hòa thượng qua đời, quý thầy cũng thường nhắc lại lời pháp của Đức Phật rằng thầy từ đâu đến thì nên trở về chỗ xuất phát của mình. Từ Niết bàn, hay từ Cực Lạc tới thì phải hướng tâm về đó; nói cách khác, trở về chốn cũ từ đời trước của riêng mỗi người.

Đức Phật dạy rằng muốn biết nghiệp nhân đời trước của ta, hãy xem quả hiện tại. Nếu nghiệp nhân quá khứ là bệnh thì đời này sức khỏe sẽ yếu kém, nếu người có nghiệp thì sẽ bị nghiệp ngăn che, tác hại. Như vậy, qua cuộc sống hiện tại mà chúng ta nhận ra được nghiệp nhân quá khứ. Cũng vậy, là con người, chúng ta cũng nhận được nguyên nhân nào sinh làm người. Nếu ta có đầy đủ sáu căn thì nguyên nhân nào được như vậy. Sinh trên cuộc đời mà bị tật nguyền, nghèo khổ, bệnh hoạn, hoặc bị khinh chê, chà đạp, v.v… , tất cả các điều không tốt đẹp và bất như ý này là nghiệp nhân từ quá khứ, hay bệnh nghiệp. Người tu hành vượt được bệnh tật là vượt nghiệp quá khứ và tạo ra hướng tương lai cho mình tốt hơn.
Tôi sinh trong gia đình nghèo, trong vùng chiến tranh khốc liệt và cơ thể yếu đuối, bệnh hoạn; tôi biết đây là nghiệp nhân quá khứ của chính mình, nên từng bước nỗ lực tu hành, vượt qua được các bệnh tật mà có được thành quả tốt đẹp ngày nay. Đó là kinh nghiệm học Phật của chính tôi.

Nghiệp nhân quá khứ của chúng ta đã tạo nên hình hài và hoàn cảnh sống của chúng ta, gọi là bệnh nghiệp. Muốn chữa bệnh nghiệp, phải kết hợp chữa trị cả thân bệnh và tâm bệnh; vì thân bệnh sinh ra tâm bệnh và tâm bệnh tác hại đến thân bệnh. Thật vậy, thân bệnh hoạn và hoàn cảnh sống xấu thì tâm không thể nào an vui được và ngược lại, nếu tâm chúng ta bực tức, khổ đau, phiền muộn sẽ dày vò, hành hạ thân xác ta, khiến cho thân này bùng phát ra nhiều bệnh tật. Kinh Hoa Nghiêm gọi đó là muôn sự muôn vật trùng trùng duyên khởi, nghiệp cũ làm nhân tạo ra nghiệp mới và nghiệp mới tác động ngược lại cho nghiệp cũ lớn mạnh thêm.

Hiểu được nghiệp nhân quá khứ, chúng ta tìm thầy thuốc thế gian chữa thân bệnh; nếu là tâm bệnh thì nhờ các bậc chân tu đạo đức chuyển hóa. Riêng tôi thấy rõ tâm bệnh dễ sanh ra thân bệnh, nghĩa là bệnh phát xuất từ nghiệp bên trong mới tạo ra hoàn cảnh bên ngoài không tốt. Ý thức như vậy, chúng ta tu hành, ít bận tâm đến bên ngoài để lo điều chỉnh nghiệp bên trong; vì hoàn cảnh bên ngoài phản ảnh nghiệp nhân bên trong. Theo Phật dạy, cần suy nghĩ tại sao phải sinh trong gia đình nghèo, hay phải có thân thể xấu xí hôi dơ; chúng ta sẽ nhận ra được nghiệp nhân từ bên trong của mình đã tạo ra những thứ không tốt lành đó. Chỉ cần khắc phục được nghiệp bên trong thì thân và hoàn cảnh bên ngoài sẽ thay đổi theo. Vì vậy, Tổ Quy Sơn dạy rằng: Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức; nghĩa là tu hành, nỗ lực hạ thủ công phu để chuyển hóa từng niệm tâm bên trong là chính, còn việc phải trái hơn thua trên cuộc đời này không bận tâm. Tâm bên trong thay đổi tốt đẹp, hoàn cảnh xấu bên ngoài sẽ tự mất. Đa số người chỉ lo bồi đắp bên ngoài thì tâm bên trong càng bị hao hụt; cuối cùng, phải rơi vào hoàn cảnh ảm đạm.

Như vậy, tu theo Phật, chúng ta nhận chân một cách sâu sắc rằng tất cả mọi việc tốt xấu, thành bại đều do nghiệp của mỗi người quyết định. Phải lo điều chỉnh mười nghiệp ác trong con người mình, phải thấy con người thật bên trong là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Nếu kết hợp bằng thiện nghiệp thì hoàn cảnh sống và tướng bên ngoài phải tốt. Nếu cấu tạo bằng ác nghiệp thì hoàn cảnh sống và tướng bên ngoài phải xấu. Chư Thiên nhờ hoàn thiện mười nghiệp lành, nên sinh ở các cõi Trời; nhưng nếu hết phước ở cõi Trời, họ xuống nhân gian cũng làm Chuyển luân Thánh vương, là tiểu vương đứng đầu xã hội, đứng đầu bộ tộc. Còn người tạo mười nghiệp ác, cuộc đời họ ảm đạm thê lương, bị treo cổ chết và thần thức đi vào cảnh giới địa ngục.
Riêng tôi quan sát một người, thường nhìn ác nghiệp hay thiện nghiệp của họ và cư xử với thiện nghiệp hay ác nghiệp đó, hơn là cư xử bên ngoài. Hoặc nhìn người cư xử với ta mà biết được ác nghiệp hay thiện nghiệp của mình. Nhiều người không hiểu ý này, cứ than rằng họ tốt mà tại sao cuộc đời họ không được tốt đẹp. Thật sự họ không tốt mà nhận lầm là tốt; vì bên trong xấu, cho nên không thể nào có quả tốt được.

Trở lại thực tế cuộc sống này, ta sinh trong gia đình nào, trong xã hội nào, cuộc sống ra sao, cơ thể và tâm lý của ta như thế nào, v.v… ; tất cả những biểu hiện trong cuộc sống hiện tại này cho ta biết được con người thật của ta là gì. Phải thành thật chấp nhận sự thật để nhận ra con người thật của mình, thấy ta xấu thì phải sửa đổi bằng cách kết hợp điều chỉnh thân và tâm. Có rất nhiều phương thức điều chỉnh. Bước đầu, Đức Phật dạy rằng người tu không cầu khỏe mạnh, vì khỏe mạnh thì tham dục dễ sinh ra. Đọc ý này, chúng ta nhận ra rằng nếu mình già nua, hoặc xấu xí, bệnh hoạn thì dễ tu; vì chắc chắn không ai để ý tới mình, không ai dám gần gũi mình. Thực tế cho thấy rõ người bệnh đến đâu, người ta cũng bỏ chạy.
Tuy nhiên, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy Bồ tát khác, nếu trắng tay thì làm sao Bồ tát bố thí, cúng dường được, tức không thể tạo phước đức được. Rõ ràng là “Dễ tu” chỗ này, nhưng “Khó” chỗ khác. Dễ thực hiện hạnh Thanh văn, nhưng khó thành tựu hạnh Bồ tát. Không có điều kiện vật chất tốt thì dễ tu, nghĩa là không bị ai quấy rầy, dễ đắc đạo; nói cách khác, Bồ tát thị hiện tướng Thanh văn như vậy để không bị vật chất xã hội bên ngoài quấy phá, không bị phiền não, cho nên dễ đi sâu vào thiền định, mới phát hiện được con người thật của mình; như vậy là trong “Dễ” có “Khó”, dễ tu vì không bị làm phiền, nhưng từ chỗ dễ tu đó mà thâm nhập thiền định, tìm thấy con người bất tử và sống được với con người bất tử đó không đơn giản chút nào, phải nói là khó vô cùng.

Ở giai đoạn đầu, phải có đời sống yên tĩnh để đạt được trí tuệ giác ngộ, “Có ly dục mới rõ điều huyền bí”, tức từ bỏ thế nhân, sống ẩn cư , mới phát hiện được điều huyền bí trong cuộc sống. Đó là giải pháp trị liệu giúp chúng ta vượt qua bệnh nghiệp đầu tiên là bệnh bị nhiều người quấy rầy, bị cảnh duyên tác hại, làm sao tu được. Nhận thức như vậy, thuở mới tu, sống trong Phật học đường ở chùa Ấn Quang, tôi chọn hạnh Thanh văn, thường tránh giao tiếp với người khác và tránh xa người quyền quý, người khác phái, vì sợ phiền não gặm nhấm tâm hồn. Tôi chọn công tác dọn dẹp nhà vệ sinh để tiếp cận với cảnh hôi dơ, xem tâm mình có còn ưa thích cuộc đời này hay không. Nhờ vậy, tôi nhanh chóng tiếp thu được pháp Phật, nhận được lực hộ niệm của Phật. Còn các huynh đệ chưa đắc đạo, nhưng thích tiếp cận cuộc đời, nên không thể đi xa trên con đường tâm linh của họ được.
Việc đầu tiên tôi trị bệnh nghiệp bằng thuốc Tứ Thánh đế, tức tu hạnh viễn ly, sống xa cuộc đời, dù đang sống giữa cuộc đời, nhưng hoàn toàn cô độc. Đó là cốt lõi kinh Pháp Hoa, Phật dạy phải ly dục, cách ly cuộc đời mới nhận ra chân lý, nhận ra con người thật của mình, nhận ra cuộc sống thật. Và sau khi được thuốc Tứ Thánh đế chữa sáng mắt rồi, tức có huệ, chúng ta nhìn đời khác trước kia, không nhìn bề mặt của cuộc đời với xanh vàng đỏ trắng hấp dẫn, nhưng nhìn thẳng vào cuộc sống xã hội ở Ta bà và cuộc sống của từng người, bằng tâm thanh tịnh của chính mình. Trong kinh Pháp Hoa, tôi tâm đắc câu Phật nói rằng: Nếu đắc quả A la hán mà không tin Pháp Hoa là Tăng thượng mạn, tức đắc La hán phải nhìn thấy rõ tất cả loại hình thế giới.

Hiện nay, tôi thấy Phật tử thường sử dụng Tứ Thánh đế quá liều. Phải điều chỉnh thuốc cho thích hợp với từng giai đoạn, từng con bệnh, không thể dùng thuốc này chữa bệnh khác được. Đức Phật dạy rằng người nhiều tham dục phải quán hoàn cảnh xấu, như tôi phải quét dọn nhà vệ sinh để thấy đồ ô uế thải ra từ con người đẹp đẽ, mà Đức Phật ví rằng thân người là cái đãy da đựng đồ ô uế bên trong. Khi Phật tại thế, Ngài bảo các Tỳ kheo ra Thi Lâm thiền quán, quan sát xác chết thật kỹ để đoạn trừ lòng tham dục. Tâm được điều chỉnh bằng pháp quán như vậy, còn thân thì Phật dạy phải hạn chế ăn, mặc, ở, gọi là Tam thường bất túc. Ngày nay, bác sĩ cũng nói rằng bệnh tâm lý đã chiếm một nửa số bệnh của con người và bệnh về thân chiếm một nửa.
Như vậy, chúng ta nhận ra sự kết hợp chặt chẽ giữa thân và tâm. Tâm tham dục và sân hận có mối tương quan mật thiết với thân, cho nên càng tham và sân thì bệnh càng dễ phát sinh. Tâm bực tức sẽ làm cho thân không ngủ được và mất ngủ liên tục, chắc chắn sinh ra nhiều bệnh khác, cho đến chết. Tu hành phải biết kết hợp điều chỉnh thân và tâm, điều chỉnh ăn và ngủ. Ngày nay chúng ta thấy rõ người ăn nhiều thì bệnh nhiều, lại có người mắc bệnh ăn, lúc nào cũng ăn. Ăn nhiều đến thừa mỡ, phải giải phẫu để lóc bỏ mỡ, rồi lại tiếp tục ăn nữa. Theo Phật, ăn vừa đủ, hay ăn thiếu một chút, thấy rõ cơ thể được khỏe mạnh, nhất là tu thiền phải hạn chế ăn. Khi không ăn chiều, đầu óc chúng ta sáng hơn, tỉnh táo hơn, đọc sách dễ hiểu hơn. Ăn nhiều thì dễ buồn ngủ, đọc sách không hiểu, tụng kinh không nhớ.

Chữa được bệnh ăn, sự tiêu tốn giảm được một phần, không cần phải lo kiếm nhiều tiền, để tâm được yên ổn, để có thì giờ tu hành. Đời sống vật chất giảm thiểu, tâm tham cũng nhẹ lần; cứ như vậy, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, không hưởng thụ nhiều. Luyện tập, đoạn trừ một tâm “Tham” kết hợp với ba việc là ăn, mặc, ở, thì ăn ít, bệnh thân cũng ít, bệnh tâm theo đó cũng nhẹ bớt, vượt qua được bệnh tật. Trí Giả Đại sư dạy thêm rằng chẳng những hạn chế ăn uống mà còn hạn chế thức ăn không thích hợp, sẽ chữa lành ngay bệnh thân.
Ngoài việc điều hòa thân bằng cách điều chỉnh ăn uống, còn phương pháp luyện khí công giúp chúng ta vận chuyển khí một cách lợi lạc, thì điều hòa được kinh huyệt trong cơ thể, loại trừ được những độc tố ra ngoài, tránh được bệnh tật. Tôi khỏe mạnh nhờ luyện tập hiệp khí đạo từ thời tu học ở Nhật Bản.
Như vậy, thực tập giáo pháp Phật và điều chỉnh ăn uống, luyện tập cơ thể, hỗ trợ cho sức khỏe tương đối tốt để tiến tu, là vượt qua được tâm bệnh và thân bệnh. Còn cơ thể vật chất này nhất định phải yếu đi, phải già cỗi, phải bệnh, phải chết là việc bình thường, tất yếu của thế giới sinh diệt này.
Đối với đệ tử Phật, việc quan trọng là làm sao điều chỉnh được con người sinh mệnh tương tục bên trong, không cho nó già bệnh chết. Theo lộ trình tu của Phật, sinh mệnh tương tục của chúng ta cứ lớn dần, gọi là pháp thân Bồ tát. Nói cụ thể là tuổi đời càng cao, nghiệp của chúng ta càng giảm, trí càng sáng, tâm từ bi càng mở rộng; đó là xây dựng phước đức và trí tuệ theo Chánh pháp và cuối cùng, mãn duyên ở Ta bà thì chúng ta cũng phải rời bỏ thân tứ đại này. Nhưng quan trọng là chúng ta mang theo phước đức trí tuệ đã tu tạo được để chuyển qua sinh mạng kế tiếp của chúng ta có sẵn phước đức trí tuệ và quyến thuộc Bồ đề, thì chắc chắn rằng chúng ta hành Bồ tát đạo dễ dàng hơn.

Đa số chúng ta có nhiều người thù oán, vì trong nhiều kiếp luân hồi, chúng ta đã tạo như vậy. Hãy nhìn lại các bậc chân tu thánh thiện, điển hình như Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này, Ngài đã cảm hóa tất cả những người xấu ác trở thành người tốt. Đó chính là phước đức bên trong của Phật mới chuyển đổi được tất cả hoàn cảnh xấu thành tốt, đó chính là trí tuệ của Phật mới có thể giáo hóa được nhiều người tin theo, quy ngưỡng, kính phục.

Tóm lại, đặt trọn niềm tin nơi lời Phật dạy rằng chúng ta có sinh mệnh tương tục từ nhiều kiếp sống quá khứ cho đến ngày nay và mãi những kiếp sống về sau, chúng ta nương vào sanh thân này, nỗ lực phát huy trí tuệ và phước đức để nuôi lớn Báo thân và Pháp thân của chính mình, làm vững mạnh thêm sinh mệnh tương tục của mình. Được như vậy, dù thân tứ đại có già nua bệnh hoạn; nhưng con người thật bên trong của chúng ta không già, không bệnh. Giả thân này có chết; nhưng chân thân chúng ta không chết. Chúng ta lên Niết bàn, hay về Tịnh độ, hoặc vào thế giới khác hành đạo tùy theo hạnh nguyện; đó chính là sự vượt qua một cách tự tại cả thân bệnh và tâm bệnh của con người ở thế giới hiện tượng trăm sai ngàn biệt vậy.

HT.THÍCH TRÍ QUẢNG