Chương 1: Lời giới thiệu & Lời Nói Đầu
Chương 2: Dẫn nhập
Phần 1: Con Người và Vũ Trụ
Chương 3: (I) Vài huyền thoại cổ xưa
Chương 4: (II) Nguồn gốc vũ trụ: Thuyết “Big Bang”
Chương 5: (III) Nguồn gốc con người: Thuyết “Tiến hoá”
Phần 2: Phật Giáo và Khoa Học
Chương 6: (I) Phật giáo và sự tiến hoá
Chương 7: (II) Phật giáo và khoa học
Chương 8: (III) Phật giáo và cuộc cách mạng khoa học
Chương 9: (IV) Những đặc tính khoa học trong Phật giáo
Chương 10: (V) Phật giáo và vũ trụ học
Chương 11: (VI) Phật giáo và khuôn mẫu
Chương 12: (VII) Phật giáo và thuyết Tương đối
Tác phẩm Phật Giáo và Khoa Học của giáo sư Phúc Lâm là một trong số ít các tác phẩm về thể tài phân tích Phật giáo dưới cái nhìn của khoa học. Trên thực tế, tác phẩm này là một tuyển tập các bài viết về con người và vũ trụ cũng như những điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học.
Về nguồn gốc con người và vũ trụ, tác giả đã phủ định các học thuyết sai lầm về nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ dưới nhiều tên gọi như Thượng Đế, Chúa Trời, Phạm Thiên hay Thần Linh, lại càng không phải thực tại đất, nước, gió, lửa như triết học cổ đại Hy Lạp đã chủ trương. Các huyền thoại cổ xưa về con người và vũ trụ đều không dựa trên các sự kiện khoa học, chúng có mặt như phản ứng trước nỗi sợ hãi, lúc thường trực, khi tiềm ẩn, cộng với vô minh nên không hiểu được nguồn gốc tương thuộc của mọi sự vật hiện tượng trong thiên nhiên. Nếu huyền thoại là các câu chuyện tưởng tượng thiếu khoa học trong nỗ lực giải thích con người và vũ trụ thì nền tảng chân lý của nó là niềm tin mù quáng. Trong khi dựa trên học thuyết duyên khởi, tác giả đã chứng minh các học thuyết khoa học trong đạo Phật đã được kiểm chứng, phù hợp với những sự kiện trong thế giới hiện thực.
Nếu chân lý của huyền thoại ai không tin thì được xem là có tội theo cái nhìn của Thần học, thì nhãn quan duyên khởi là cơ sở hình thành, tồn tại và phát triển của một sự vật chính là quy luật bất biến. Huyền thoại sáng tạo của Ấn Độ cho rằng Phạm Thiên là nguyên nhân của vũ trụ, làï năng lực tiên khởi bất khả tư nghị tạo ra giai cấp và nhiều bất công thì huyền thoại sáng tạo của dân Eskimo, con quạ là đấng toàn năng, nguyên nhân khởi thủy của mọi thứ. Huyền thoại sáng tạo của Ba Tư cho rằng Thần Ohrmatzd là đấng tiên hữu tạo ra tâm linh trước vật chất, với vũ trụ có hình quả trứng, trái đất là một cái dĩa dẹp. Huyền thoại Kitô có nguồn gốc Do Thái trong kinh thánh Cựu Ước cho rằng thần Kitô tạo ra vũ trụ và con người trong vòng 6 ngày. Đây là quan niệm về một thế giới bất biến làm ảnh hưởng tiêu cực và trì hoãn tiến trình khám phá khoa học của phương Tây.
Nhờ sự ra đời của học thuyết Tiến hóa và học thuyết Big Bang, các học thuyết huyền thoại sáng thế đã không còn chỗ đứng vững, mở cửa cho các kiến thức so sánh về đạo Phật và khoa học được phát triển.
Theo tác giả, phương Tây càng hiện đại về khoa học bao nhiêu thì sự ảnh hưởng hai chiều giữa khoa học và Phật giáo càng được thể hiện bấy nhiêu. Điểm chung nhất giữa Phật giáo và khoa học là không thừa nhận đấng sáng thế tạo dựng mọi vật, không cho rằng mặc khải là chân lý. Tác giả không có tham vọng dùng khoa học như một công cụ biện minh Phật học. Tác giả lại càng không có dụng ý chứng minh Phật giáo là khoa học. Từ cái nhìn phân tích so sánh của một người làm công tác và giảng dạy khoa học, tác giả cho chúng ta thấy khoa học là một phương diện đặc biệt của Phật giáo chứ không phải là tất cả.
Quan niệm về vũ trụ luận trong kinh Hoa Nghiêm cũng có những điểm tương đồng với học thuyết của khoa học gia Bruno khi cho rằng trong vũ trụ có vô số thế giới chứa đựng vô số dạng thù sự sống. Thuyết duyên khởi của Phật giáo một mặt phủ định các học thuyết nhất nguyên về vũ trụ, mặt khác làm tiền đề cho học thuyết tiến hóa. Sự vận hành của vũ trụ theo Phật giáo chính là nguyên lý duyên khởi và vô thường. Cái gì duyên khởi thì cái đó vô thường. Cái gì vô thường thì cái đó không phải là một thực hữu. Cái gì không thực hữu thì không phải là một thực tại bất biến. Tính cách phi thực hữu trong một thực tại được hiểu theo đạo Phật là vô ngã về phương diện vật lý. Nói cách khác, do vô thường nên không có một thực tại nào là hữu ngã. Do vô ngã nên không có một thực tại nào là thường hằng.
Dựa vào kinh Nền tảng đức tin (Kalama), tác giả đã dẫn chứng, phân tích, và khẳng định khái niệm “niềm tin” (Saddha) trong Phật giáo là một niềm tin khoa học theo nghĩa tư duy logic, không lệ thuộc sự mặc khải.
Niềm tin lý trí đó có khả năng “đập đổ nền độc tài tôn giáo”, đồng thời giúp người có lý trí “thoát ra khỏi sự nô lệ tôn giáo mê tín”. Về phương diện thời gian, đạo Phật khẳng định không có sự bắt đầu, do đó tiến trình phát triển của nó không có sự kết thúc. Mọi vấn nạn nhằm thỏa mãn tri thức như vũ trụ là hữu hạn hay vô hạn, thế giới là thường còn hay bất biến, con người chết đi về đâu, đôi lúc đức Phật giữ thái độ im lặng khi biết người hỏi với mục đích hý luận vô ích; đôi lúc trả lời, giúp người hỏi thoát khỏi các vướng mắc viễn vông.
Quan niệm vũ trụ của Phật giáo cho rằng thế giới chúng ta đang sống chỉ là một trong vô số các thế giới hiện có. Do vậy quả địa cầu này không phải là trung tâm của vũ trụ. Thế giới được phân thành ba loại: Tiểu Thiên thế giới (1.000 kiếp), Trung Thiên thế giới (1.000.000 kiếp) và Đại Thiên thế giới (1.000.000.000 kiếp). Một Tiểu Thiên thế giới được quan niệm như một thiên hà có hàng trăm ngàn ngôi sao và có sự sống của sinh vật. Một Trung Thiên thế giới cũng giống như một chùm thiên hà. Một Đại Thiên thế giới cũng giống như một siêu thiên hà.
Nếu một Thái Dương Hệ được hiểu như một thế giới, thì quan niệm vũ trụ của Phật giáo có vô số Thái Dương Hệ, tương tợ như Thái Dương Hệ mà chúng ta đang trực thuộc. Thời gian tồn tại của 1 tiểu kiếp hành tinh trung bình là 16.800.000 năm, trung kiếp là 336.000.000 năm và đại kiếp là 1.344.000.000 năm. Nếu theo khoa học, khối lượng của một thế giới càng nặng thì kiếp sống của nó càng ngắn (tỉ lệ nghịch). Điều này rất phù hợp với tinh thần Phật giáo, cho rằng có thế giới tồn tại một kiếp, hai kiếp cũng như có thế giới tồn tại nhiều số kiếp. Điều đó tùy thuộc vào khối lượng của các vì sao.
Tác giả còn so sánh Phật giáo và “khuôn mẫu toàn ký” trong khoa học, theo đó chứng minh rằng mọi vật trong thế giới chỉ là các chuỗi hình ảnh không thực thể. Các khám phá của nhà vật lý học David Bohm về sự tương tác của các hạt nhỏ trong ngành vật lý tiềm nguyên tử có những điểm tương đồng với học thuyết Sát na và tối hậu cực nhỏ (siêu tiểu) trong tự thân của mỗi sự vật.
Theo tác giả, thuyết khuôn mẫu toàn ký không phải là học thuyết đặc thù duy nhất mà trong Phật giáo các học thuyết tương duyên và tương thích theo công thức một là tất cả, tất cả là một đã có hơn 26 thế kỷ trước. Kỹ thuật tạo hình ảnh của toàn ký trên thực tế là do ánh sáng khuếch đại và do bức xạ kích thích, được tách làm các tia riêng biệt, dội ngược và tạo thành mô thức giao thoa trên tấm phim ảnh. Nếu dùng mắt để nhìn, thì sự vật không phải là sự vật. Khi chiếu tấm phim toàn ký bằng một tia laser hoặc một tia ánh sáng tương thích thì hình ảnh của sự vật sẽ được hiển hiện. Đó chính là điều Bát Nhã Tâm Kinh gọi là “sắc chẳng khác không, sắc chính là không”. Phật giáo và khoa học lượng tử thống nhất khi cho rằng không nên phân tích thế giới và chia chẻ thực tại thành các mảnh riêng biệt độc lập, vì thế giới là tương tích và tương dung.
Khi so sánh Phật giáo với thuyết tương đối của Einstein, tác giả nhấn mạnh đến thuyết tương đối hẹp như sự thể hiện khác của các thực thể vật chất lệ thuộc vào sự chủ quan của việc quán sát nhưng đồng thời thể hiện sự bất biến của các thực thể vật chất. Trong tự thân của nó, sự thay đổi của không gian và thời gian lệ thuộc vào hệ quy chiếu của người quan sát, theo đó sự thay đổi về quan niệm chỉ là sự tương đối trong khi thực thể của sự vật không có sự thay đổi tuyệt đối. Quan niệm tương đối trên được thể hiện trong học thuyết Bất Nhất và Bất Nhị của Phật giáo, theo đó một sự vật được quan niệm dưới nhiều gốc độ không thể là đồng nhất (Bất Nhất) nhưng đồng thời dù dưới gốc độ quan sát nào thì sự vật trong chính nó không phải là sự vật quan sát chủ quan hay nói gọn hơn nó như thế là như thế (Bất Nhị).
Tác giả phân tích phạm vi của thuyết tương đối trong khoa học là thế giới vật chất, trong khi thuyết tương đối của Phật giáo còn áp dụng cả tâm thức của con người. Đây chính là điểm sâu sắc của Phật giáo so với khoa học.
Khi so sánh Phật giáo và khoa học, điều quan trọng hơn hết sẽ là một sai lầm nếu ta cho rằng khoa học là thước đo chân lý duy nhất của mọi thực tại. Từ cái nhìn tuệ giác của đạo Phật, tất cả các lý thuyết khoa học không bao giờ có sự kết thúc. Khi kiến thức càng được tăng trưởng mà đỉnh cao nhất của nó là trí tuệ thì mọi giả định và kết quả của khoa học có thể được thay đổi và cập nhật. Trong khi các triết lý Phật giáo trong sự so sánh với khoa học không nhằm hướng đến cứu kính của thực tại mà nhằm phục vụ các giá trị thiết thực cho nhân sinh.
Nắm được điểm khác biệt căn bản này, cuộc hành trình khám phá Phật giáo và khoa học không chỉ là một điều kỳ thú mà còn có giá trị nhân bản và tâm linh.
Giác Ngộ, ngày 13 tháng 05 năm 2009
Thích Nhật Từ
Phó viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM
Con người và vũ trụ là hai chủ đề rộng lớn, quá rộng lớn. Phật Giáo và khoa học cũng là hai chủ đề rộng lớn, quá rộng lớn. Cho nên tôi phải thú thực với độc giả là không có cách nào tôi có thể trình bày đầy đủ 4 chủ đề trên trong cuốn sách nhỏ này. Có hai lý do.
Thứ nhất, tôi không thể biết hết những gì thuộc bất cứ chủ đề nào trong 4 chủ đề trên, và có lẽ không ai trên thế gian này có thể biết hết những điều đã được khám phá ra trong mỗi chủ đề, khoan nói đến chuyện những điều chưa được khám phá ra. Trang Tử đã chẳng nói: "Cái biết của thiên hạ thì vô hạn, cái biết của cá nhân thì hữu hạn, mang cái hữu hạn đi tìm cái vô hạn, nguy vậy thay!" hay sao? Và Thomas H. Huxley cũng đã chẳng nói: "Những gì mà chúng ta biết thì hữu hạn, những gì mà chúng ta không biết thì vô hạn." (The known is finite, the unknown is infinite)?
Thứ nhì, ngay với những điều tôi biết trong mỗi chủ đề mà tôi biết chắc còn thiếu sót rất nhiều, cũng không thể trình bày trong đầy đủ một cuốn sách. Vì vậy, trong cuốn sách này, tôi xin tự hạn trong một số tiểu đề mà tôi cho là những điều mà con người hiện đại không thể thiếu sót trong bộ kiến thức của mình, nhất là đối với người Việt Nam chúng ta trên con đường mở mang dân trí, cập nhật hóa một số kiến thức trong đó có những điều thuộc loại cấm kỵ trước đây dưới chế độ thực dân trên toàn quốc, và dưới chế độ độc tài tôn giáo trị ở miền Nam trước đây.
Cuốn sách này gồm có 2 phần: Phần I: Con Người & Vũ Trụ, và Phần II: Phật Giáo & Khoa học.
Trong Phần I tôi sẽ tự hạn trong 2 tiểu đề: Nguồn Gốc Vũ Trụ và Nguồn Gốc Con Người, cố gắng cập nhật hóa những kiến thức mới nhất và có tính cách thuyết phục nhất về hai chủ đề này. Trong Phần II, tôi chú trọng đến Phật Giáo, có thể nói là tôn giáo của Dân Tộc Việt Nam, và vì Phật Giáo là một tôn giáo lớn: Lớn về tư tưởng, triết lý, luân lý, đạo đức, cộng với những đặc tính Từ Bi, Hòa Bình, Vị Tha, Nhân Bản, Nhân Chủ v..v.. chứ không phải lớn vì có số tín đồ đông đảo nhất thế giới. Lớn vì Phật Giáo chưa từng cưỡng ép bất cứ ai phải tin vào Phật Giáo, khoan nói đến chuyện bách hại những người có tín ngưỡng khác, và lớn vì trong suốt hơn 2500 năm lịch sử, Phật Giáo chưa từng vấy một giọt máu của đồng loại trong quá trình phát triển.