Sunday, December 6, 2009

Phước Lộc Thọ

Người Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng Khổng Lão giáo, nên hôm nay, đề tài này được đặt ra, tuy không phải là chủ đề trong đạo Phật. Khổng Mạnh chủ trương xây dựng cuộc sống hiện tại và Lão Trang thì theo cách sống không dính líu gì đến cuộc đời này. Trong khi đạo Phật chủ trương trong hiện tại phải sống giải thoát cho chính mình và vừa cứu nhân độ thế. Vì cuộc sống không giải thoát thì không thể hiện được đầy đủ ý nghĩa của đạo Phật; nhưng sống giải thoát mà không làm ích lợi cho cuộc đời như đạo Lão là việc không nên. Vì vậy, theo Phật giáo, trước tiên, người đệ tử phải tự làm cho mình giải thoát, sau đó mới xây dựng Tịnh độ cho nhiều người cùng được giải thoát; đó chính là sự thể hiện Bồ tát đạo ngay trên thế gian này, làm lợi ích cho mọi người, hành giả mới thành tựu trọn vẹn đức hạnh. Đạo Phật dung hợp tư tưởng của Khổng Mạnh Lão Trang là thế.

Trở lại chủ đề Phước Lộc Thọ theo quan niệm sống của đạo Khổng. Khổng Tử dạy rằng người có phước mới sanh con cháu nối dòng, không có phước thì tuyệt tự. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ có mâu thuẫn với đạo Phật hay không ? Đạo Phật du nhập vào Trung Quốc đã “đụng” với tư tưởng này. Đạo Khổng dạy rằng người nào cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và con cháu để nối truyền dòng họ lâu dài. Đối trước quan niệm này, một số người hiểu lầm lời Phật dạy, đã nghĩ rằng xuất gia là từ bỏ tất cả cuộc sống của con người, từ bỏ gia đình, từ bỏ xã hội, để đi vào con đường tu hành. Từ bỏ tất cả là cách tu theo Lão giáo, đạo Phật không chủ trương như vậy; vì đạo Phật lấy việc độ sinh làm chính. Do giáo hóa chúng sinh, hành giả mới thành tựu quả vị Phật và thành Phật rồi, thị hiện lại thân người để tiếp tục độ sinh.

Giáo lý Bắc tông và Nam tông đều nói rõ điều này. Trên quá trình tu hành của Đức Phật, nếu theo Phật giáo Nguyên thủy, vẫn có kinh Bổn Sanh Bổn Sư nói về nhân quả ba đời, tức quá khứ, hiện tại và vị lai là một chuỗi dài cuộc sống của Đức Phật. Vì vậy, đối với sự sống của một người, chúng ta cần có cái nhìn xây dựng từ kiếp sống quá khứ được nối tiếp với kiếp sống hiện tại cho đến cuộc đời vị lai, không phải đi tu là chấm dứt cuộc đời này và không gắn liền với xã hội, không gắn liền với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, như cách hiểu sai lầm của một số người.

Thật vậy, Phật và Bồ tát được tôn vinh là bậc Thánh nhân cao quý trên cuộc đời này, vì các Ngài đã tự thân xây dựng một quá trình sống đức hạnh và giải thoát từ kiếp quá khứ và hạt nhân tốt đẹp đó được tiếp tục nuôi lớn, mới nở ra đóa hoa từ bi, trí tuệ trong kiếp sống hiện tại. Kinh Bản Sanh đã nói rõ hành trạng của chư Bồ tát và chư Phật như vậy. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật Thích Ca cũng nói rằng các vị Bồ tát trong đời hiện tại như Dược Vương, Phổ Hiền, Quan Âm, Diệu Âm trong đương hội của Đức Phật được mọi người kính trọng, vì các Ngài đã thành tựu quá trình tu học và cứu nhân độ thế; đó chính là điểm then chốt của Phật giáo.

Vì hiểu sai lầm đạo Phật, cho nên một số người mới nghĩ theo đạo Khổng là cầu sống lâu, cầu quan lộc, cầu phước, cầu có con để nối dõi tông đường. Nhưng những điều cầu mong như vậy không thể nào có được, nếu chúng ta không tạo nhân tốt theo Phật dạy. Thử nghĩ xem nếu cầu có con trai và sanh được con trai mà cho là có phước, nhưng thực tế chúng ta thấy rõ biết bao nhiêu người trên cuộc đời này phải khổ vì con trai hư đốn, phước hay tội đây ? Tại sao họ sanh ra con trai hư đốn phá hoại hạnh phúc gia đình, phá hại xã hội ?

Theo đạo Phật, chúng ta hiểu phước là gì ? Đức Phật dạy con người có năm phước là khỏe mạnh, giàu có, sống lâu, được nhiều người thương và có ngoại hình đẹp. Ai cũng mong năm phước này, gọi là ngũ phước âm môn. Cần hiểu rằng năm phước không chỉ gắn liền với cuộc sống hiện tại, mà còn nối kết với kiếp quá khứ của chúng ta và làm thế nào để được năm phước.

Người ta thường nghĩ rằng gia đình nào có con cháu tài giỏi là có phước; nhưng sanh ra đứa con hư, chắc chắn bất hạnh. Vậy làm sao để sanh được con tốt. Đức Phật dạy rằng khi hiện hữu trên cuộc đời này, chúng ta có hai thứ quyến thuộc. Quyến thuộc một là thiện tri thức, hay Bồ đề quyến thuộc mà chúng ta cần xây dựng; quyến thuộc ác thì nên tránh. Riêng tôi, từ đời này cho đến khi thành Phật, quan trọng nhất đối với tôi là tất cả những người đồng nguyện, đồng hạnh với tôi, xin Phật khiến họ tới để cùng nhau xây dựng Phật pháp, cứu nhân độ thế và làm Bồ đề quyến thuộc với tôi. Còn những người không đồng hạnh, không đồng nguyện với tôi, thì xin Hộ pháp đưa họ đi.

Chính hạnh nguyện này chúng ta phải xây dựng trong cuộc sống, từ nguyện phải thực hiện thành hạnh; vì có nguyện, có cầu xin, nhưng không làm thì nhất định không thể có quả tốt được. Vì vậy, nếu việc làm và suy nghĩ của chúng ta giống Phật, nghĩa là đi vào lộ trình giác ngộ của Phật, chúng ta sẽ được Phật che chở, hộ niệm và Phật khiến các Bồ tát có nguyện độ sanh, tức có nhân duyên với chúng ta, sẽ sanh lại làm con cháu, làm quyến thuộc của chúng ta; cho nên trong hiện đời ta có thể sanh được những đứa con có tâm nguyện giống Bồ tát. Trái lại, nếu việc làm và suy nghĩ giống ác ma, chắc chắn ác ma sẽ tìm đến mình. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn đã khẳng định rằng người cầu con trai, được Bồ tát Quan Am gia bị thì sẽ sanh được con trai có phước đức trí tuệ; nếu cầu con gái sẽ sanh con gái xinh đẹp, đức hạnh, đoan trang. Sanh được con tốt như vậy là có phước, vì các Ngài là Bồ tát nhiều đời tái sanh lại, thông minh, khỏe mạnh và ngoại hình dễ coi, ai trông thấy cũng có thiện cảm. Sanh con có phước thì phải như vậy, không phải sanh con nào cũng được.

Khi cầu phước, không phải có ông thần nào ban phước cho chúng ta đứa con như vậy. Phước này theo Phật giáo là do tâm niệm và hành động của chúng ta mà được. Nói cách khác, đó là luật nhân quả, theo Phật dạy những người sanh ra trên cuộc đời có ba lý do để họ làm quyến thuộc của ta. Một là vì cảm đức, cảm hạnh của chúng ta. Ta có làm việc tốt đối với ai, người đó nhớ ơn, muốn trả ơn, nên họ tái sanh vào gia đình ta làm con hiếu thảo, không phải do ta dạy mà con hiếu thảo.

Tôi còn nhớ câu chuyện mà Hòa thượng Thiện Hoa kể rằng có vợ chồng trưởng giả giàu có, nhưng không có con. Họ đi cầu con, thì sanh được người con trai rất ngoan, chỉ lo làm ra của cải cho cha mẹ mà không dám tiêu xài. Sau đó, ông bà này lại sanh người con trai thứ hai hoàn toàn khác với con thứ nhất là nó không làm gì lợi ích cho ông bà này, mà chỉ toàn phá của. Vì đứa con thứ hai này là hậu thân của một người đã bị ông trưởng giả lường gạt, họ đau khổ mà chết, nên mối hận thù này chất chứa trong lòng đến mức họ tái sanh vào làm con ông để đòi nợ. Còn người con trai thứ nhất trong đời trước đã lấy cắp của ông trưởng giả 30 quan tiền để chôn cất mẹ, nên nguyện sanh lại làm con để trả số nợ này. Khi đứa con thiếu nợ trả xong số nợ này thì chết và đứa con đến đòi nợ xong cũng chết. Cả hai đứa con tốt và xấu đều chết sớm khi nợ nần với gia đình này dứt sạch; đó cũng là thứ con cầu con khẩn sanh lại để báo ân hay báo oán; không phải là Bồ tát tái sanh.

Chúng ta còn nhớ câu chuyện Đức Phật kể rằng trong kiếp quá khứ, tiền thân của vua A Xà Thế tu tiên, nhưng đã bị Tần Bà Sa La (là vua cha hiện đời) trong lúc đi săn bắn, đã lạc mũi tên trúng nhằm A Xà Thế làm ông chết. Ông sân hận đến mức độ nguyện tái sanh làm con vua Tần Bà Sa La và bắt vua cha nhốt vào ngục bỏ đói cho chết, để đòi món nợ cũ này.

Hiểu rõ quy luật nhân quả mà Đức Phật dạy, theo đó mọi việc tốt xấu trong cuộc sống này đều phát xuất từ nhân quá khứ của chúng ta. Đã tu phước đời trước thì đời này có phước và tu phước đời nay, đời sau sẽ hưởng phước. Sanh con hiếu thảo, thông minh, hay sanh con bất hiếu, bệnh hoạn, đều không phải do ai cho, mà do chính chúng ta tạo mới có. Như vậy, làm ác sẽ sanh quyến thuộc ác; làm thiện sẽ có quyến thuộc thiện. Và làm được việc thiện lớn như Phật tử tu Một ngày an lạc, quý vị sẽ có những người bạn đồng hành lớn nhỏ cùng tu chung, đây là thuộc quyến thuộc Bồ đề, nhưng trong số đó có người thương mà cũng có người ghét mình. Những người thương hay ghét ta nếu họ chết trước thì tái sanh lại, họ sẽ theo phá ta, hoặc theo giúp đỡ ta.

Trên bước đường tu, lắng lòng, sẽ nhận ra điều này. Những người không bằng lòng tôi, họ sẽ tác động khiến tôi cảm thấy bất an. Trực tiếp nhận làn sóng điện bất an này là do ác nghiệp của mình. Mặc dù chúng ta làm việc tốt, nhưng việc tốt của ta sẽ có hại cho người xấu. Thật vậy, sống trên cuộc đời này, sự tu hành của chúng ta thường phản ảnh hai mặt, không thể hoàn toàn tốt được; vì có người bằng lòng và cũng có người chống đối ta. Đức Phật hộ niệm ta thì ác ma lại thù ta, gọi là ma khảo. Ngồi yên tĩnh tâm, chúng ta nhận được từ trường do ác ma phóng đến, làm chúng ta bất an. Trái lại, nhận được từ trường từ Phật chuyển đến thì ta được an lạc. Điều này thể hiện rõ trong cuộc sống, những bạn đồng tu với chúng ta, khi còn sống là bạn tốt và họ chết cũng tới bảo vệ chúng ta, hoặc tái sanh vào gia đình làm quyến thuộc mình. Một số Phật tử thưa rằng họ chuyên tụng kinh lạy Phật, con của họ tuy còn nhỏ, chưa biết nói, nhưng nó thích nghe kinh và cảm giác như là nó hiểu vậy. Theo tôi, đó là quyến thuộc Bồ đề sanh lại làm con.

Ngoài những người mang ơn hay trả oán sanh lại làm quyến thuộc, hoặc những người đồng tu tái sanh vào gia đình mình, còn có hạng người thứ ba quan trọng nhất, đó là những Bồ tát đồng hạnh đồng nguyện sanh vô gia đình chúng ta để mượn chỗ làm đạo. Thật vậy, chúng ta thấy cha mẹ bình thường, nhưng sanh con có phước trí đặc biệt. Vì Bồ tát khi mang ngũ ấm thân vô thường quên kiếp trước, phải có thầy khai ngộ mới nhớ; cho nên Bồ tát thường tìm gia đình biết đi chùa, biết tụng kinh lễ Phật, biết thiền định, để khi Bồ tát còn bé nhỏ đã được nghe kinh, lớn lên được cha mẹ cho quy y Tam bảo, như vậy sẽ khơi dậy cho Bồ tát dễ dàng nhớ lại được quá khứ tu hành của mình.

Có thể khẳng định rằng việc cầu phước, cầu con theo đạo Phật không gì hơn là nỗ lực hành trì pháp Phật, thì các vị Bồ tát sẽ tìm môi trường tu hành đó mà tái sanh làm quyến thuộc, đương nhiên Bồ tát là người tốt thật sự. Hoặc nếu chúng ta cố gắng làm việc tốt, người tri ân sẽ sanh lại làm con, nên cũng có được những người con tốt.

Và theo Phật dạy, phước do sự nối dòng sinh mệnh tương tục mới quan trọng, nghĩa là thân quá khứ cho đến thân hiện tại và mãi những thân về sau tạo thành sợi mắt xích tương tục, dòng phước này mới thật sự đóng vai trò quyết định. Nói cách khác, phước của chúng ta là đời đời kiếp kiếp sanh nơi nào cũng được làm quyến thuộc của đạo Từ bi. Vì vậy, chúng ta luôn sanh vào gia đình biết tu hành theo Phật, luôn sanh vào quốc gia có Phật giáo thạnh trị. Còn sanh vào gia đình ngoại đạo, hay vào những nước không có Phật giáo, chúng ta khó nhớ lại công phu tu hành của mình.

Chính vì vậy, Bồ tát Phổ Hiền có nguyện rằng đời nào sanh ra cũng được gặp thầy hiền bạn tốt dìu dắt, thăng hoa trên con đường giải thoát, giác ngộ; đó mới là phước lâu bền thật sự. Phước không phải chỉ có ở gia đình thôi, mà phải có trong cả xã hội chúng ta sống. Vì chúng ta muốn tu hành, nhưng người xung quanh cũng phải biết tu, mới không phá khuấy chúng ta.

Sanh trong gia đình theo đạo Phật, biết tu hành và sanh trong xã hội tốt rồi, thì điều thứ hai là Báo thân của chúng ta có tốt hay không. Nếu được Báo thân tốt, là có phước, thì chúng ta phải có cơ thể khỏe mạnh. Ai cho chúng ta sự khỏe mạnh? Phật nói sức khỏe tốt là do chúng ta tạo ra. Người không bị ốm đau do nhiều đời không sát sanh hại mạng. Sát sanh thì phải chịu vắn số hoặc bệnh tật. Vua Tần Bà Sa La cầu thọ mà giết 500 con dê, bò, cừu tế thần để được sống lâu. Nghe lời Phật khuyên rằng hại mạng chúng sanh thì không thể trường thọ, ông mới thả chúng, không giết và thưa với Phật rằng khi nào Phật đắc đạo, nhớ trở lại độ ông.

Thân mạng chúng ta được sống lâu dài, sức khỏe tốt, do chúng ta làm những việc tốt, có cứu nhân độ thế. Muốn trường thọ, phải phóng sanh; nhưng không hiểu biết ý nghĩa của phóng sanh, lại rơi vô tình trạng tệ hại. Thực tế cho thấy đạo tràng có nhiều người thích phóng sanh dẫn đến việc chim, cá bị bắt đem bán đầy chùa, chờ chúng ta mua thả. Như vậy là ý niệm tốt đã trở thành hành động ác rồi. Chim không ai bắt, nhưng tại chúng ta phóng sanh, họ mới bắt. Không nên phóng sanh theo hình thức, nhưng phải cứu nó sống. Còn ta tạo điều kiện cho nó mắc nạn làm sao sanh phước. Gặp cá sắp bị làm thịt ăn, chúng ta cứu là đúng; nhưng những con chim sẻ bé tí, không ai ăn thịt chúng, mà tại chúng ta phóng sanh, nó mới bị bắt. Gặp người hoặc vật bị nạn, chúng ta thương xót và cứu, thể hiện đúng ý nghĩa phóng sanh như vậy mới sanh ra phước. Và cứu thoát những con vật này rồi, kèm theo lời kinh chú nguyện cho nó, nhờ đó có thể nó được hóa kiếp làm người. Đức Phật kể rằng trong kiếp quá khứ, Mục Kiền Liên tu trên núi đã cứu một tổ ong rớt xuống nước. Ngài vớt lên và chú nguyện cho chúng. Trong kiếp tái sanh, chúng được làm người và Ngài làm Mục Kiền Liên. Với tuệ nhãn, Đức Phật bảo Mục Kiền Liên đến độ họ, tuy họ hung dữ, vì cốt là loài ong, nhưng họ sẽ nghe lời Mục Kiền Liên liền, vì đã có nhân duyên cứu mạng họ như vậy.

Sanh làm người khỏe mạnh nhờ đã từng bảo vệ mạng sống của người khác và được Phật hộ niệm; vì Phật thương chúng sinh, cho nên ta cứu chúng sinh thì Phật thương ta. Và chúng ta có phước là do những người đồng hạnh đồng nguyện với ta, nên họ coi việc của ta là của họ, mới hợp tác hết lòng, tạo được sự thành công. Vì vậy, sức khỏe tốt, quyến thuộc tốt là do tu mà có.

Và tiền của nhiều, theo Phật, do không gian tham trộm cắp mà được. Điều này dễ hiểu, nếu chúng ta sống ngay thẳng, lương thiện, không tham, những gì không phải của ta, ta không lấy. Đừng khởi tâm tham của người khác.

Gian tham trộm cắp sẽ dẫn đến nghèo đói, sẽ sanh vào vùng nghèo đói để trả quả xấu này. Nếu có phước, bố thí như Cấp Cô Độc thường lo cho người khác thì của cải giàu thêm; vì người được bố thí sanh lại làm quyến thuộc rất tốt của ông. Họ tận tụy lo công việc cho ông được tốt đẹp, ông không cần để tâm lo làm giàu, chỉ lo phụng sự Tam bảo. Như vậy, giàu có là do có phước, không phải do lừa dối người khác. Chư Thiên hơn mình nhờ hạnh bố thí, nên tái sanh làm người, họ rất giàu có. Theo đạo Phật, phước do chúng ta tạo ra, không ai cho được.

Lộc là gì? Tết đến, nhiều người đi chùa bẻ sạch hoa lá, cây kiểng, gọi rằng hái lộc đầu năm; đó là việc sai lầm lớn, phá hoại như vậy làm sao có lộc được. Có ông cụ chở đến chùa Huê Nghiêm cho một số chậu kiểng quý giá và nói rất dễ thương rằng, để cây kiểng ở nhà chỉ một mình ông ngắm, nên ông phát tâm cúng chùa để nhiều người được thưởng thức kiểng đẹp. Một cây kiểng đáng giá mười triệu đồng, một mình ông ngắm cũng không thêm được gì, nhưng được một trăm người thưởng thức thì công đức của ông nhân rộng ra, trị giá thành một tỷ đồng.

Phật dạy việc tu kiều bồi lộ được công đức lớn nhất. Ngài khen ngợi Bồ tát Trì Địa tay lấm chân bùn vì chuyên bắc cầu đắp đường, có bao nhiêu người đi là Ngài có bấy nhiêu công đức. Đời này người ta sử dụng cầu đường, đời sau tiếp tục như vậy thì công đức phát triển thêm nữa; nhưng người quá tham lam lấn ra không còn đường đi, làm việc ác như vậy thì sao có phước. Người tốt mở đất cho đường rộng ra để giúp mọi người đi lại dễ dàng, còn đường đang rộng mà cứ lấn chiếm làm hẹp dần. Tôi ra Hà Nội đến thăm các chùa, nhận thấy nhà dân hai bên lấn đường đi vào chùa chỉ còn cái ngách mà lại muốn cầu phước. Tạo điều kiện cho người sống thoải mái, an lành là có công đức lớn nhất và hưởng được lâu dài; đó chính là cái lộc.

Tôi nhớ vào thời nhà Minh, Trung Quốc có câu chuyện Liễu Phàm Tứ Huấn. Có một ông nọ phải sống trong hoàn cảnh khổ, vì gia đình ông thuộc khoa bảng bị hại, chết hết, chỉ còn một mình ông sống sót, phải bỏ xứ đi nơi khác sống. Sau này, ông dặn con cháu đừng làm quan, vì làm quan dễ phạm những sai lầm dẫn đến quả báo đáng sợ. Quan tham lam phải trả quả hiện tại là điều tất yếu, nhưng người làm với công tâm vẫn thọ quả báo xấu. Thật vậy, vì chưa có trí giác để quán sát được sự thật, có nhiều trường hợp thấy oan, nhưng là ưng, thấy họ vô tội nhưng thật sự có tội, nếu chiếu theo nhân quả ba đời. Chúng ta xét xử công bằng, nhưng phạm luật Trời theo Nho giáo, phạm luật nhân quả theo Phật. Ví dụ đời trước làm ác, nên đời nay phải trả quả này. Vì vậy, với mắt thịt, thấy họ hiền lành, tốt, nhưng bị hoạn nạn đổ lên không lường được; nếu căn cứ theo luật nhân quả nhiều đời sẽ hiểu được điều này là đúng. Còn theo đạo Nho chỉ nói đến tội của ông bà tổ tiên, đời cha ăn mắm, đời con khát nước, họ không làm ác, nhưng sanh trong dòng họ phải gánh chịu đau khổ. Thấy như vậy, chúng ta cho là bất công. Còn hiểu theo nhân quả ba đời Phật dạy thì chúng ta thấy hoàn cảnh khổ đau của ông nọ là công bằng. Cả gia đình chết, một mình ông sống, điều này hoàn toàn nằm trong luật nhân quả. Và ông thoát chết, qua nước khác sinh sống, chiếu theo mạng lý, ông học giỏi, nhưng thi hoài không đỗ, gọi là học tài thi mạng. Ông gặp thầy bói nổi tiếng cho biết hễ ông thi là rớt, nhưng gặp Vân Cốc thiền sư nhìn sắc tướng ông rồi bảo rằng nói số mạng như vậy không đúng. Phật dạy mạng số do con người tạo ra và có thể thay đổi được. Làm việc tốt thì mạng đổi theo hướng tốt, làm việc xấu, mạng cũng đổi theo hướng xấu. Vì vậy, Thiền sư dạy ông cố gắng làm việc tốt, mỗi ngày làm được một việc thiện thì lấy một hột đậu trắng lưu lại, làm một việc xấu thì đánh dấu bằng một hột đậu đen. Đến khi ông làm được 500 việc thiện thì số ông được thay đổi, là ông thi đỗ và đỗ cao.

Riêng cuộc đời tôi chỉ nhắm đến hai việc là học và làm việc không biết mệt mỏi. Còn những việc khác không quan tâm, làm sao thành tựu được nhiều việc tốt, làm sao kiến thức càng rộng càng tốt. Cầu lộc là ráng học và làm việc tốt, nhất định phải có lộc. Năm nay tôi 72 tuổi, Giáo hội cử tôi làm Viện trưởng Viện Phật học, đó cũng là cái lộc.

Ngoài phước và lộc, điều thứ ba người ta thường mong ước là thọ, tức sống lâu. Nói đến thọ, chúng ta nghĩ ngay đến Đức Phật A Di Đà, được dịch là Vô lượng quang, Vô lượng thọ và Vô lượng công đức. Phật Di Đà làm Giáo chủ cõi Cực lạc tiêu biểu cho người thành tựu phước lớn nhất, lộc lớn nhất và có trí tuệ lớn nhất.

Sống lâu là điều tốt trong đạo Phật, vì sống lâu mới làm được việc. Thuở nhỏ, thầy bói nói tôi chỉ sống đến 28 tuổi; nhưng tôi lo tu hành, nên cũng có được tuổi thọ. Nếu không sống lâu, học chưa xong mà chết, hay học xong chưa làm gì mà chết, đều uổng phí. Thường nghĩ như vậy, tôi nỗ lực học nhiều, làm việc nhiều. Rõ ràng nhờ sống lâu mà chúng ta có thể học được và làm được nhiều. Tu hành, chúng ta mong được trường thọ, nhưng với điều kiện được như Phật Di Đà sống đến mười kiếp mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và được nhiều người thương quý kính trọng thì đáng sống. Sống lâu nằm một chỗ đáng sợ.

Muốn sống lâu, Phật dạy chẳng những không sát sinh mà còn hộ mạng chúng sinh. Sức khỏe tốt cũng nhờ làm như vậy và được thông minh sáng suốt là nhờ không có phiền não. Chúng ta có phước nên sống lâu, thì phải biết gạn lọc phiền não, những gì không cần, không suy nghĩ đến, đừng tính toán vô ích. Loại phiền não ra thì già không bị lú lẫn. Người lú lẫn vì chất chứa trong lòng nhiều quá. Còn dẹp hết, đem Phật pháp vào lòng, đến tuổi già, Phật pháp hiện ra. Vì vậy, người tu khác người thường là tuổi càng lớn càng thông minh, nhớ dai. Cần biết rằng trường thọ phải đi liền với sức khỏe tốt và tinh thần sáng suốt. Đạo tràng chúng ta có trên 1.000 người trên 60 tuổi mà vẫn khỏe mạnh và tu học được, làm bài thi được, đó là điều đáng khen ngợi.

Tóm lại, đệ tử Phật sống theo lời Phật dạy, phước lộc thọ sẽ tự có trong cuộc sống, không phải cầu khẩn van xin mà được. Còn chưa đầy đủ phước lộc thọ, vì đã làm nhiều việc sai trái trong kiếp quá khứ, nên phải nỗ lực tu hành, nỗ lực làm việc phước đức, chắc chắn sẽ kết thành hoa thơm trái ngọt cho bản thân, cho gia đình. Cho đến thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác thì phước đức và trí tuệ viên mãn siêu tuyệt, mà phước lộc thọ hữu lậu bình thường của thế nhân không thể nào sánh bằng.

HT.Thích Trí Quảng