Monday, August 4, 2008

Lục Độ


I /-Mở đầu :

Độ còn gọi là Ba La Mật.Ba La Mật là dịch âm, tiếng Phạn là Paramita. Độ là dịch nghĩa, chỉ cho sự đi qua bờ kia, hay sự viên mãn đi từ coi mê đến cõi giác, từ bờ sinh tử đến bờ giải thoát gọi là đi qua bờ kia; trọn vẹn hạnh tự giác giác tha là viên mãn.Chữ Độ nghĩa là cứu vớt hay cứu thoát.Lục Độ (còn gọi là 6 pháp Ba La Mật) là 6 phương pháp hành trì để cứu vớt mình và cứu vớt người (tự độ và độ tha) từ cõi mê đến bờ giải thoát và đắc đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lục Độ : Hành trì 6 pháp này trong tinh thần không chấp trước , không phân biệt “chủ thể” và “đối tượng”, hành động trong tinh thần xả hỷ vị tha bình đẳng tuyệt đối.

I I /-Nội dung : Sáu pháp Ba La Mật gồm có :

-Bố thí Ba La Mật.
-Trì giới Ba La Mật.
-Nhẫn nhục Ba La Mật.
-Tinh tấn Ba La Mật.

-Thiền định Ba La Mật.

-Trí tuệ Ba La Mật.

1)-Bố thí Ba La Mật :

Bố thí là cho một cách rộng rãi cùng khắp đến mọi người và mọi loài.Pháp Bố Thí có 3 loại là : Tài thí, Pháp thí và Vô Úy thí.

-Tài thí là cho bằng tiền của, cơm ăn, áo mặc ... do chính sức lao động của mình làm ra, đó là “ngoại tài”.Chúng ta cũng có thể cho “nội tài” như giúp người một ngày công, ẵm giúp em bé, đến cả cho người một nụ cười tươi ...

-Pháp thí là đem sở học, sở tu của mình mà hướng dẫn, dạy dỗ mọi người cùng tu.Bố thí pháp có thể gọi là tối thắng trong các hạnh bố thí , chẳng những người nhận pháp thí được an lạc giải thoát trong kiếp này mà nhiều kiếp liên tiếp về sau cũng không bị đọa trong 3 đường khổ.Huynh Trưởng chúng ta rất có điều kiện để hành trì Pháp thí.

-Vô Úy thí là cho mọi người và mọi loài cái không sợ hãi, lo âu.Bồ Tát Quán Thế Âm là người chuyên đem đức Vô Úy đến cho mọi người.Chúng ta hãy học theo hạnh Ngài biết đem mắt thương yêu nhìn cuộc đời, biết lắng tai nghe để giúp người bớt khổ.Chúng ta chỉ cần “Biết lắng tai nghe” thôi cũng đã làm vơi bớt nỗi lo âu, sợ hãi của kẻ khác rồi.

2)-Trì giới Ba La Mật :

Kinh Di Giáo đức Phật dạy : “Sau khi ta diệt độ, các ông phải lấy giới luật làm thầy, như người đi trong đêm tối mà gặp ánh sáng, như người nghèo khổ mà được của báu, các ông nên biết đó là bậc Đại Sư của các ông đó.”

Sa Di luật giải còn ví như một chiếc bè đưa người qua bể khổ.Giới luật là một hàng rào kiên cố bảo vệ phẩm hạnh người hành trì, là nền tảng cho một cuộc sống có hạnh phúc và có chí hướng vị tha, có năng lực bảo vệ sự sống và làm đẹp cho cuộc đời.

Giới là những nguyên tắc hướng dẫn chúng ta về hướng an lạc, giải thoát và giác ngộ.Giới là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình và xã hội.

Về hành tướng của giới như sau :

-Chúng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di có 5 giới.

-Chúng Sa Di và Sa Di Ni có 10 giới.

-Chúng Tỳ Kheo có 250 giới.

-Chúng Tỳ Kheo Ni có 348 giới.

-Chúng Thức Xoa Ma Na có 4 giới căn bản tức 4 giới trọng : Giới dâm, giới sát, giới đạo và giới đại vọng ngữ và 6 pháp, tức học tập tất cả giới hạnh của Tỳ Kheo Ni.

Giới Thức Xoa Ma Na là những giới điều chuẩn bị cho giới Tỳ Kheo Ni và chỉ hành trì trong vòng 2 năm trước khi thọ Tỳ Kheo Ni giới.

-Giới Bồ Tát gồm 58 điều khoản, có 10 giới nặng và 48 giới nhẹ. Đây là giới luật của Đại thừa, người nào đã thọ giới Ưu Bà Tắc (Ưu Bà Di), giới Sa Di hoặc giới Tỳ Kheo đều có thể xin thọ thêm giới Bồ Tát.

3)-Nhẫn nhục Ba La Mật : Kiên trì nhẫn nại vượt mọi khó khăn thử thách nhằm mục đích thực hiện các thiện pháp.Luôn luôn giữ gìn tâm mình không để cho các pháp (tâm hành) bất thiện như tham, sân, si khởi lên.

4)-Tinh tấn Ba La Mật : Chúng ta hãy tinh tấn thực hiện liên tục Tứ Chánh Cần : các thiện pháp đã có ta phải làm cho phát triển thêm lên, các thiện pháp chưa phát sinh, ta phải làm cho phát sinh.Các ác pháp đã có ta phải mau lẹ tiêu trừ, các ác pháp chưa phát sinh, ta đừng để chúng phát sinh.

5)-Thiền định Ba La Mật : Chữ Thiền được phiên âm từ chữ Thiền Na của tiếng Phạn.Trung Hoa dịch là Tĩnh Lự nghĩa là suy tư trong tình trạng tâm và cảnh đều yên tỉnh nên cũng gọi là chỉ quán (đình chỉ mọi sự suy nghĩ lung tung của tâm ý -tâm viên, ý mã- đưa tâm ý về chánh niệm.Dùng cặp mắt quán chiếu để nhìn sâu vào lòng sự vật, nhờ cái thấy và cái hiểu đó mà ta đạt tới giải thoát và an lạc.

Thiền trong Phật Giáo cũng có nhiều pháp môn, nhưng tựu trung có 2 loại chính :Một là Như Lai Thiền gồm những kinh văn do chính đức Phật nói để hướng dẫn về Thiền tập như Kinh Quán niệm hơi thở (An Ban Thủ Ý Kinh), Kinh Bốn Lãnh vực quán niệm (Niệm Xứ Kinh).Thiền quán thuộc loại Thiền này.Hai, các pháp Thiền khác nhất là Tổ Sư Thiền là do kinh nghiệm tu tập và chứng đạt của các vị Thiền sư ghi chép truyền thừa lại.

6)-Trí tuệ Ba La Mật : Tự điển Phật học Trung Hoa định nghĩa : “Trí là hiểu biết sự thật tương đối, Tuệ là hiểu biết sự thật tuyệt đối.”Trí Tuệ Ba La Mật là thể tánh sáng suốt có khả năng soi sáng sự vật một cách thấu đáo tinh tường không sai lầm.

Phật dạy có nhiều pháp môn tu để đạt được trí tuệ nhưng không ngoài thiền định.Giới Định Tuệ là 3 môn học vô lậu.Nhơn giới sanh định, nhơn định phát tuệ.An trú trong giới để hành trì thiền định, an trú trong định trí tuệ sẽ phát sinh.Ba môn học này hỗ tương nhau mà thành tựu viên mãn.

Trí tuệ cũng còn phát sinh từ 3 môn học và thực tập “Văn, Tư, Tu” (Văn huệ, Tư huệ, Tu huệ)

I I I /-Kết luận :

Qua nhân cách hoạt động của Huynh Trưởng GĐPT dù muốn hay không chúng ta cũng phải nhìn nhận là chúng ta đang tu tập theo 6 pháp Ba La Mật, tập tành theo hạnh nguyện của chư vị Bồ Tát.

Pháp Bố thí gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí, Huynh Trưởng chúng ta mặc dầu không mấy ai giàu có về tài vật, nhưng tấm lòng thì không thiếu nên có thể làm được.Giới thì bắt buộc ai cũng hành trì.Ngoài các giới, chúng ta còn 5 điều luật, còn có Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng, chúng ta phải bảo vệ và thực hành, nghĩa là chúng ta phải làm, phải nghiên cứu và học hỏi để mỗi ngày mỗi thêm sâu sắc.Nhẫn nhục, Tinh tấn là 2 đức tính mà Huynh Trưởng phải có, Thiền định là “môn ruột” của giáo lý đạo Phật.Pháp môn Thiền của đạo Phật kể cũng khá nhiều, nhưng chúng ta được quyền chọn lựa.Kinh “Quán niệm hơi thở và kinh Niệm xứ” rất thích hợp với sinh hoạt thực tại với Huynh Trưởng chúng ta.

Kinh dạy chúng ta, ngay trong bốn oai nghi, trong lúc làm việc, ăn uống và lái xe ... đều có thể thực tập Thiền quán như Quán niệm hơi thở và bốn lãnh vực quán niệm.Trí tuệ là điểm tất yếu phải có khi chúng ta đã thực tập tốt năm phần trên.


Theo Chương trình Gia Đình Phật Tử

Câu hỏi :

1/-Vì sao 6 pháp Ba La Mật là hạnh nguyện của Chư vị Bồ Tát ?

2/-Tu tập theo sáu pháp Ba La Mật, người Huynh Trưởng được lợi lạc gì?