Tứ Diệu Đế được xem là phần giáo lý cội gốc của đạo Phật và cũng là tinh ba quan trọng cho mọi người con Phật không phân biệt Tiểu thừa hay Đại thừa, Thiền tông, Tịnh độ.v.v...
Hầu hết người Phật tử ít nhiều đều biết qua Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật. Ngài giảng dạy cho năm anh em tôn giả Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển (Deer park) gần Ba La Nại (Benares).
Tứ Diệu Đế là bốn sự thật vi diệu, hay gọi là bốn chân lý vi diệu, đó là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.
Khổ đế
Khổ là một sự thật. Một sự thật hiển nhiên rõ ràng, ai ai cũng thấy biết. Một đứa bé mới sanh cũng đã tiết lộ cho mọi người thấy đó là tiếng khóc "Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, Trần có vui sao chẳng cười khì..." (Nguyễn Công Trứ) hay là "Thảo nào khi mới chôn nhau, Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra" (Ôn Như Hầu). Tiếng khóc ấy kéo dài đăng đẳng đến lúc nhắm mắt lìa đời trong hình dáng một người già đau bệnh. Sự thật của khổ được thấy qua một cách cụ thể khi đức Phật dạy "Nầy các Tỳ Kheo, đây là chân lý về sự đau khổ: Sinh là khổ, già, đau, chết là khổ, gần người thù, xa người thân hoặc không đạt được nguyện vọng đều là khổ. Tóm lại những yếu tố vật lý và tâm lý cấu tạo nên con người đều đau khổ (3)."
Nhìn nhận đời là khổ không phải là bi quan, yếm thế mà là sự thành thật, sáng suốt thừa nhận. Nếu người ta có thể vui vẻ, phớt lờ được cái khổ nói trên, thì mới dám nói đây là quan niệm bi quan, yếm thế.
Thế gian vô thường, hoàn cảnh vật chất luôn thay đổi, hư hoại; con người lại nằm trong cái hư hoại đó thử hỏi làm sao tránh được khổ; cho nên khổ là chân lý. Và đã là chân lý thì dù ta có bi quan hay lạc quan khổ vẫn là khổ.
Tập đế: nguyên nhân của khổ
Nguyên nhân của khổ là do tham ái, dục tình. Chính sự luyến ái tham vọng này mà kéo đưa con người mãi trong vòng sanh tử. Việc khát khao ôm giữ tham dục không biết nhàm chán, từ đây sinh ra cái khổ triền miên không dứt.
Con người đã lầm tưởng, một ước ao ham muốn nào đó sẽ dừng nghỉ khi được thỏa lòng chiếm hữu. Nhưng sự thật lại không bao giờ hài lòng thỏa mãn. Một gia tài kết xù lại quá nhỏ bé với một con người đầy tham vọng. Một mối tình đẹp của đôi tình nhân tưởng là hoa mộng thiên thu, nhưng rồi thỏa mãn hoa mộng đó cũng nguội lịm đi, và ước vọng dục tình khác lại nảy nở. Điều hạnh phúc của người này nhưng là việc đau khổ của người kia, và điều hạnh phúc của người kia thì họ chẳng bao giờ thấy đủ. Cái nghịch đảo bất thuận này nào đâu phải là nguyên nhân xa xôi huyền bí, tất cả chỉ do lòng tham dục mà ra. Chẳng hạn kẻ ăn xin bỗng dưng may mắn trở thành người đầy đủ tiền bạc, vậy mà một thời gian trôi qua, người ăn xin này bây giờ đã đầy đủ lại thấy mình còn thiếu kém khi nhìn người bên cạnh đầy đủ hơn. Thậm chí đến ngay kẻ đầy đủ nhất vẫn còn thấy cái đầy đủ đó không đủ như ước muốn; và vậy vẫn có cái khổ ở mức độ nào đó mà nhiều người tưởng rằng phi lý! Ước muốn kia chính là lòng tham muốn dục vọng không đáy. Do đây Phật dạy "Này các Tỳ Kheo, đây là chân lý nguyên nhân sự đau khổ: Chính vì dục vọng mà ta phải luân hồi và cứ chạy theo lạc thú ở đời mãi (4)."
Diệt đế: diệt trừ tham ái, phiền não
Biết được nguyên nhân tham dục, luyến ái là khổ. Vậy muốn diệt khổ thì phải chấm dứt mầm mống nguyên nhân này. Cũng như kẻ đau bệnh biết được bệnh phải chữa trị ngay, nếu không dù có rành mạch phân tích biết rõ lý bệnh cũng chẳng ích chi, rồi phải chết trong đau tiếc.
Khi khổ đã không còn hay nói cho đúng là tham dục, luyến ái, vọng tình, sân giận, si mê, vô minh, phiền não đều chấm dứt thì ở đây sự an tịnh, giải thoát có mặt và trạng thái an lạc này còn gọi là Niết Bàn. Do đó kết luận rằng khổ chỉ có thể tiêu mất khi Diệt đã được thực hành, đó là chân lý.
Đạo đế: con đường đưa đến sự diệt khổ
Là con đường hướng dẫn hành giả làm thế nào đi trọn cuộc hành trình dứt lìa tham dục phiền não. Phương pháp thực hành tu tập được đức Phật dạy qua pháp Trung đạo, xa lìa hai cực đoan sai lầm: hành xác khổ hạnh và tham đắm khoái lạc. Hai lối sai lầm này được Phật ví như dây đàn căng quá và chùng quá. Đàn có thể nghe được khi mức độ căng dây vừa phải.
Con đường trung đạo được biết qua tám pháp gồm có:
1. Chánh kiến (hiểu biết chân chánh)
2. Chánh tư duy (suy nghĩ chân chánh)
3. Chánh ngữ (lời nói chân chánh)
4. Chánh nghiệp (hành động chân chánh)
5. Chánh mạng (sinh hoạt chân chánh)
6. Chánh tinh tấn (cố gắng siêng năng
chân chánh)
7. Chánh niệm (ký ức chân chánh)
8. Chánh định (định tâm, tập trung chân chánh)
Trong tám pháp đây được chia ra làm Tam Vô Lậu học (mà người tu Phật phải xem là điều tối cần không thể lìa bỏ, đó là: Giới, Định, Huệ.
Các phần Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc về Giới.
Các phần Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thuộc về Định. Và phần Chánh kiến, Chánh tư duy thuộc về Huệ.
Nền tảng của Giới, Định, Huệ là căn bản cho con đường giải thoát. Bởi Giới là điều kiện ngăn chặn nghiệp ác, tăng trưởng nghiệp lành của ba nghiệp Thân Khẩu Ý. Định là định lực tập trung thanh lọc tư tưởng, và Huệ là trí huệ thanh tịnh sáng suốt phát sinh ngay khi đó, sau khi Giới và Định lưu thông. Như thế đạo đế là chân lý rốt ráo trong việc giải quyết sinh tử.
Trên đây chỉ tóm lược ý chính, nội dung của Tứ Diệu Đế để thấy rõ giáo Pháp của Phật là chân lý.Thích Phổ Huân