Thursday, August 6, 2009

Trách nhiệm thuộc về ai?

Một câu ngạn ngữ xưa nói rằng: “Người không tu luôn luôn chê bai kẻ khác, ngưòi biết tu phần nào tự chỉ trích mình, và người hoàn toàn có tu không trách than ai cả”

Bạn cần nên biết đương đầu và giải quyết những khó khăn của bạn như người hoàn toàn biết tu trong câu ngạn ngữ trên đây. Đừng mong tìm kẻ nhận tội dễ dãi để bạn trút hết trách nhiệm của bạn vào họ như số đông người đã từng làm. Nhiều bạn đã tìm cách trút lỗi lầm của mình vào một cá nhân hay một nhóm người quá dễ dàng đến nỗi họ không thể nhìn thấy được những sai lầm phát xuất từ nơi chính họ.

Bạn có thể nói: “Được rồi, tôi sẽ không khiển trách bất cứ ai. Tôi chỉ trách cứ tôi thôi.” _Không được! bạn cũng đừng nên than trách ngay cả chính bạn. Qui trách nhiệm cho người khác hay chính mình đều là thụ động, và sẽ không giúp bạn tiến gần hơn đến việc giải quyết các khó khăn của bạn. Hãy gạt qua một bên sự tìm kiếm lỗi lầm. Mà nên có sự can đãm và sự hiểu biết. Sự tu luyện ở tâm niệm sẽ giúp bạn giải quyết những khó khăn của bạn và cũng biết đổi thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn cho mọi người sinh sống.

Nếu bạn tránh được sự khiển trách, ngay cả chính bạn và ngưòi khác, bạn có thể bắt đầu nhận thấy rằng bạn với thế giới là một. Bạn là một phần và là một mảnh nhỏ của vạn vật, và bạn không thể trách rời khỏi thế giới. Cho nên thế giới tốt đẹp nếu bạn tốt đẹp, và thế giới xấu xa nếu bạn xấu xa. Bạn sẽ không cố gắng trốn thoát những khổ đau của bạn bằng cách trách than thế giới và cho rằng thế giới là sai lầm, còn bạn là đúng.

Khi bạn khởi đầu thấy sự vật thật đúng là vậy, chứ không phải như khi chúng đang xuất hiện bạn sẽ ý thức được rằng thực ra không có ngưòi nào đáng khiển trách. Mà trong ý nghĩa rốt ráo, bạn nên nhận biết rằng bạn phải chịu trách nhiệm về mọi việc.

Thưa Anh Chị Em Lam viên bốn phương,

Trên đây là một đoạn pháp thoại của Ven. Dr. K. Sri. Dhammanda do Hoà Thưọng Trí Chơn dịch. Chúng ta, từ Huynh trưởng đến Đoàn sinh GĐPT đều có thể áp dụng lời dạy này trong những điều kiện và hoàn cảnh riêng của mình.

Là Phật tử, chúng ta hiểu luật Nhân Quả, lý Duyên Khởi, nên đứng trước một sự thành công hay thất bại, chúng ta luôn giữ tâm bình thản, không đổ lỗi cho ai, cũng không dành công với ai ; bởi vì hơn ai hết chúng ta thấm nhuần giáo lý “cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không ; cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.” Bất cứ việc nhỏ việc lớn nào cũng do trùng trùng duyên khởi mà ra chứ không phải chỉ vì một người nào hay một nguyên do đơn lẻ nào.

Thưa Anh Chị Em,

Mới đây, Cơ Quan Liên hiệp Quốc tế về sự Thăng tiến Tôn Giáo và Tâm linh (Internatiomal Coalition for the Advancement of Religions and Spirituality _ ICARUS) đã quyết định trao giải thưỏng “The Best Religion In the World” (Tôn giáo tốt nhất) cho Phật giáo nhưng có một điều nan giải xảy ra, ấy là hội ICARUS không thể tìm ra ai để nhận giải thưỏng này, những người được mời đến nhận giải đều từ chối. Khi được hỏi tại sao từ chối giải thưởng thì ngài tu sĩ Phật giáo Bhante Ghurata, vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo Miến điện trả lời rằng : Chúng tôi rất biết ơn sự thừa nhận này nhưng chúng tôi xin tặng lại phần thưởng này cho cộng đồng nhân loại, vì Phật tánh nằm trong Tâm của tất cả chúng ta.

Thật vậy, Đức Phật đã dạy Phật tánh có mặt trong tất cả chúng sanh nên đạo Phật không phải của riêng một nhóm ngưòi nào và Phật Pháp thì ai cũng có thể áp dụng để chữa lành tâm bệnh của mình, giải thoát khỏi đau khổ phiền não.

Chúng ta hết lòng làm tròn bổn phận của mình, thành hay bại, đựoc hay mất, khen hay chê v.v… là chuyện bình thường, không ảnh hưỏng đến sự an lạc của chúng ta.

Thân mến kính chúc ACE một tuần làm việc hăng say, vui vẻ.

(theo gdptthegioi.org)

Blog Người Áo Lam