Sunday, December 14, 2008

Đi Tìm Hạnh Phúc – Lời Dạy của Đạt Lai Lạt Ma

Tác giả: Huỳnh Huệ

Hạnh phúc luôn là khát vọng muôn đời của nhân loại. Krishnamurti , nhà tư tưởng và triết học Ấn Độ đã nói: Khát vọng hạnh phúc luôn nung nấu trong tim mọi người. Con người trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc đã dùng đến nhiều phương cách, từ việc cầu nguyện tại các đền, chùa, nhà thờ, học hỏi tri thức và minh triết, hay thực hành các nghi lễ tôn giáo... với hi vọng tìm được sự an bình trong tâm hồn.

Đức Đạt Lai Đạt Ma thứ 14 cũng khẳng định rằng mọi người trên thế giới đều đang đi tìm hạnh phúc. Trong “Nghệ Thuật Hạnh Phúc”, người nói “Tôi tin rằng mục đích chính trong cuộc đời của chúng ta là mưu cầu hạnh phúc. Điều này là hiển nhiên. Dẫu cho người ta có tín ngưỡng hay không, dẫu người ta tin vào tôn giáo này hay tôn giáo khác, tất cả mọi người đêu tìm kiếm một điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Vì thế động lực chính trong cuộc sống của chúng ta là tìm hạnh phúc.”

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Còn gì quan trọng hơn hạnh phúc đối với con người? Chúng ta mong mỏi điều gì nếu chúng ta muốn thành công, được kính trọng, có được người bạn đời lý tưởng, và kiếm được nhiều tiền? Những thứ ấy tự thân không quan trọng đối với chúng ta mà giá trị của chúng là ở những gì ta có được từ những thứ ấy. Đó chỉ là nhu cầu cơ bản nhất để người ta cảm thấy dễ chịu khi đi tìm hạnh phúc. Phải chăng hạnh phúc con người chỉ cần từng ấy thứ?

Những tư tưởng và những lời chỉ dẫn đi tìm hạnh phúc của Đức Lạt Ma trong quyển Nghệ Thuật Tạo Hạnh Phúc (đồng tác giả với Howard Cutler, 1998, Riverhead) chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng, triết lý Phật giáo, nhưng những chỉ dẫn này không phải là một phương pháp hành trì giới luật tôn giáo mà thực sự rất có giá trị thực tiễn. Đó là chúng ta có thể đạt đến hạnh phúc bằng sự thăng hoa tâm hồn, hay bằng sự phát triển nhân cách.

Nguồn Gốc Hạnh Phúc?

Theo một nghiên cứu gần đây do Giáo sư Komei Sakaki thực hiện và công bố tại hội thảo thứ 11 Uddevalla (2008) có 7 yếu tố sau là điều kiện cho hạnh phúc:

1. Gia đình
2. Sự đảm bảo về tài chính
3. Công việc
4. Sức khỏe
5. Đi lại và Bạn hữu
6. Tự do cá nhân
7. Giá trị cá nhân

Trong Nghệ Thuật Tạo Hạnh Phúc, những yếu tố sau được nêu ra

- Tiện nghi vật chất , sự sung túc ( để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần)

- Sức khỏe

- Thành công

- Tâm so bì ( chớ nên so sánh với những người tài giỏi , thành công hơn \ ta để sinh ra thèm muốn, đố kị, thất vọng và bất hạnh, mà hãy so sánh với nhũng người kém may mắn hơn ta và suy ngẫm)

- Tinh thần : sự tĩnh tâm, sự thỏa mãn nơi tâm và giá trị nơi tâm (nếu tinh thần không vui, tâm không an thì nguồn vật chất kia phỏng có ích gì)

- Trí tuệ Bát nhã

Hai điều kiện đầu tiên là những điều kiện cơ bản về mặt vật chất, bởi vì không ai thấy hạnh phúc khi người ta đói, rét, ốm đau, thất nghiệp, thất bại…

Chúng ta cũng có thể thêm vào đó những cụm từ khác như bạn đời, sự phát triển nhân cách….
Nhưng theo Đức Lạt Ma, tinh thần có tác động rất lớn là phương tiện để đạt hạnh phúc hữu hiệu hơn là mưu tìm hạnh phúc qua các yếu tố như của cải, địa vị, và thậm chí sức khỏe thể chất. Một suối nguồn bên trong khác của hạnh phúc là ý thức về giá trị của chính mình, đem lại sự thỏa mãn nội tại trong lòng.

Người cũng khẳng định vào quyền tự do mưu tìm hạnh phúc và khả năng tạo hạnh phúc của mọi người:

“Tôi luôn tin vào quyền được hạnh phúc của mọi người và khả năng đạt hạnh phúc ở trong tay mỗi người.”

Tư tưởng chủ đạo trong cuốn sách của Lạt Ma là cách phát triển và giải thoát chính mình trên con đường đạt đến hạnh phúc có thể áp dụng vào thực tiễn của nhiều người khác nhau.

Mười Điều Tạo Hạnh Phúc

1. Rèn luyện tâm hồn

Hạnh phúc là một trạng thái tinh thần và không quá phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Đối với Đức Lạt Ma, tinh thần không chỉ là trí tuệ. Theo tiếng Tây Tạng, từ “Sem” tức từ “mind” (mang nét nghĩa tinh thần, tâm hồn hơn) . Nó bao gồm cả trí thức, cảm xúc, trái tim và tâm hồn. Rèn luyện và phát triển tâm hồn bắt đầu với việc học hỏi. Và mục đích chính là giải phóng khả năng nội tại bên trong mỗi con người. Vì thế ta có thể nói rằng đây chính là quá trình rèn luyện bản thân.
Trong quá trình này giáo dục và tri thức đóng vai trò thiết yếu. Theo Đức Lạt Ma, tri thức không phải chỉ để khiến ta trở thành thông thái. Điều quan trọng nhất của việc sử dụng tri thức là để hiểu chính mình, tạo ra một sự thanh thản trong tâm hồn và những thay đổi từ bên trong và đặc biệt khi ta vận dụng những hiểu biết ấy để xây dựng một nhân cách tốt, và lòng nhân ái.

2. Đạt đến sự bình an trong tâm hồn

Rèn luyện tâm hồn giúp ta phát triển một kỷ luật nội tại, tự giác và tạo ra một sự thay đổi vể thái độ, quan điểm và nhân sinh quan. Sự rèn luyện này hướng đến sự an bình trong tâm mà Phật tử xem là “Con Đường” và là phương thức chính yếu để đạt đến hạnh phúc. Kỷ luật tự giác ấy là dũng cảm đấu tranh với những trạng thái tiêu cực của tâm ta và biến đổi chúng sang trạng thái tích cực hơn. Mục đích chính là đạt đến trạng thái tinh thần an bình, tĩnh tại, bất chấp đến ngoại cảnh.

Một tâm an bình không phải là sự thụ động, mà là nội tâm nhạy bén và rất “tỉnh thức”. Điều này có nghĩa là tâm thức được kiểm soát, đáp ứng với các tác động một cách tốt nhất và tránh được những cảm xúc nặng nề, tiêu cực như giận dữ, ghen tị, thù hận... Một tâm thức an bình là một tâm hồn tu dưỡng đạt đến cảnh giới cao và có đủ sức mạnh và tự do để chọn ra phản ứng và giải pháp phù hợp nhất cho những vấn đề.

3. Xây dựng thái độ tích cực

Tất nhiên những ý nghĩ và cảm xúc tiêu cực có tác động hủy diệt khủng khiếp. Giận dữ và thù hận chắc chắn không đem lại điều gì tốt đẹp và rất xa lạ với tâm thức trong sáng của ta. Nhiều nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực phát triển nhân cách con người cũng xác nhận điều này. Theo Brian Tracy, nếu chúng ta suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta sẽ tự hỏi liệu có cần những cảm xúc tiêu cực như một giải pháp tốt và đúng đắn chăng. Và phải chăng một hành động gây ra trong cơn lốc cuồng nộ không gây ra thêm hậu quả nào tiêu cực hơn ngoài những thương tổn và hủy hoại với người và đau khổ cho chính mình?

Đức Lạt Ma cho rằng mọi cảm xúc tiêu cực đều do vô minh che lấp, ấy chính là nhận thức sai lầm về bản chất của thực tại. Do đó, các cảm xúc tiêu cực không có cơ sở để tồn tại; ngược lại những trạng thái tích cực có nền tảng vững chắc gốc rễ trong thực tại và có tác dụng bồi dưỡng, nâng đỡ cho cuộc sống của mọi người.

Như thế điều cần thiết là phải giải phóng chính ta ra khỏi sự tiêu cực.ấy bằng cách gieo trồng và vun xới cho những ý nghĩ và cảm xúc tích cực để sống và hành động từ đó. Những trạng thái tích cực có tác dụng như phương thuốc trị chứng bệnh bi quan tiêu cực. Việc xác lập niềm vui, tình yêu, sự lạc quan, hăng hái là cách tự nhiên để trung hòa và giải trừ sân hận, và sự lãnh đạm, thờ ơ. Mục đích của chúng ta chính là xây dựng những thói quen hành xử dựa trên những trạng thái tích cực của tinh thần và gìn giữ tâm thức lạc quan, tích cực đó như là tính cách chủ đạo của ta.

4. Vun trồng thói quen tốt (Từ bỏ Thói Xấu)

Nếu chúng ta thực sự muốn hạnh phúc, chúng ta phải xác định những yếu tố đem lại hạnh phúc và xây đắp chúng thành thói quen. Mặt khác, chúng ta phải xác địng những gì có tác dụng ngược lại với hạnh phúc: khổ đau. Từ đó ta diệt trừ những tâm trạng và thói quen gây ra đau khổ và thay thế vào đó tâm thế và thói quen tích cực.

Chẳng hạn thói quen ăn thức ăn nhanh có thể thay bằng thói quen ăn thức ăn bổ dưỡng. Thói quen hoạch định hàng tuần có thể thay cho thói quen tùy tiện vô tổ chức. Thay vì xem Ti Vi quá nhiều có thể ra ngoài vận động và tập thể dục…

Đây là kỷ luật nội tại ở nơi làm việc- cũng chính là nguồn hạnh phúc và thỏa mãn tự bên trong bản thân. Nếu ta duy trì thói quen xấu có thể tin rằng chúng ta một cách vô thức hay có ý thức đang bắt tay với bất hạnh của chúng ta.

5. Hoan hỉ với những thay đổi

Đời sống như dòng sông, không ngừng vận động và trôi chảy. Cuộc đời vô thường, vạn vật vô thường. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt), và là bản chất của thế giới. Do đó, dòng đời không ngừng thay đổi. Vì thế khi ta cưỡng lại sự thay đổi này qua việc bám chặt với một cái gì đó luôn thay đổi , chúng ta bị dính kết. Chúng ta không thể hạnh phúc vì chúng ta đang chống lại các thay đổi, điều đó là không thể. Tất nhiên chúng ta có thể điều chỉnh các thay đổi này trong một chừng mực nào đó, nhưng ta không thể ngăn chận được chúng. Bí quyết là bước vào dòng chảy cuộc đời này và điều chỉnh sự thay đổi theo hướng tích cực. Và nỗi sợ thay đổi kia cũng biến mất.

Để có thể thay đổi sang trạng thái hạnh phúc hơn, học tập chỉ là bước đầu. Những bước cần thiết tiếp theo là niềm tin, quyết tâm, hành động, và nỗ lực. Cần có quyết tâm cao để thay đổi rồi mới có thể hành động. Nỗ lực cũng vô cùng quan trọng. Khởi đầu ta cần một ý chí hay mong muốn bắt đầu. Và cần phát triển lòng hăng say và một tinh thần khẩn trương. Công cụ cho những thay đổi này là lập mục tiêu, trong tâm thức và trí tưởng tượng của ta.

Để khắc phục thói lãnh đạm, thờ ơ và sản sinh ra nhiệt tình, rất cần thiết để khởi sự với các yếu tố thể lý, điều này giúp ta có thêm nhiều năng lực hơn.

6. Phát triển một quan điểm bền vững

Để phát triển thói quen tốt và tạo lập tâm thức tích cực, chúng ta cần một tính kỷ luật tự giác nội tại. Nếu ta chỉ nhắm vào những lạc thú ngắn ngủi, rất khó có hạnh phúc. Nếu ta cân nhắc hiệu quả của hành vi có định hướng mang tính nhất thời và những hành vi bền lâu, chúng ta thấy rõ những gì bền vững sẽ có giá trị hữu ích hơn. Như thế quan điểm bền vững giúp tạo hạnh phúc.

7. Hiểu được ý nghĩa của khổ đau

Khổ đau đối nghịch với hạnh phúc. Chúng ta phải xác định nguyên nhân (chứ không chỉ triệu chứng) dẫn đến khổ đau và diệt trừ nó. Nếu ta đau khổ, trạng thái này chẳng dễ chịu gì, tuy nhiên đây là một bài học có ích. Chúng ta học được nhiều nhất từ những cái được gọi là thất bại. Nếu cuộc đời bày ra cho ta một điều gì bất hạnh- đau khổ, chúng ta có được phản hồi từ đó chúng ta có thể lần dò nguyên nhân và thay đổi chúng. Chẳng có lý do gì và thực vô lý khi đầu hàng, chính những phản hồi quý giá ấy giúp ta cần thay đổi.

8. Phát triển các mối quan hệ sâu sắc

Hiển nhiên chất lượng các mối quan hệ của chúng ta quan hệ mật thiết với mức độ hạnh phúc của chúng ta. Những mối quan hệ sâu sắc dựa trên cơ sở cởi mở, chân thành và tôn trọng. Những điều này là điều kiện cho giao tiếp có ý nghĩa giữa hai con người sống thực, chứ không phải hai nhân vật đang đóng vai. Nếu nền tảng duy nhất của một mối quan hệ là sự hấp dẫn, thì mối quan hệ ấy không được xây dựng trên sự tôn trọng và không thể bền lâu. Thông thường cái được cho là tình yêu chẳng phải là tình yêu, khi nó bị lẫn lộn với sự quyến rũ, chính là cái bao gồm sự chắp dính. Sự hấp dẫn tự thân không có gì sai trái, mà là một cảm giác tuyệt vời. Nhưng xin nhớ rằng tình yêu chân chính không có điều kiện. Vì thế xây dựng một mối quan hệ thực sự sâu sắc điều thiết yếu là hiểu được người đó, bản chất sâu kín bên trong, và giao tiếp với người đó trên bình diện ấy, chứ không phải dựa trên những đặc điểm ngoại hình, những tính cách giả tạo bên ngoài.

9. Phát triển tâm từ bi

Ở phương Tây từ ngữ “lòng từ bi“ gợi nên cảm giác của sự yếu đuối. Nhưng nếu từ tâm ấy đến từ một tâm thức mạnh mẽ và năng động, tâm từ bi ấy có phải là một khả năng tuyệt vời mà người ta có được? Lòng trắc ẩn thực sự, như Đạt Lai Lạt Ma nói, bắt nguồn từ nhận thức rằng mọi con người cơ bản nhất và suy cho cùng đều bình đẳng và giống nhau.

Tâm từ chân chính là một trạng thái tinh thần không bạo lực, không gây tổn hại, và không sân hận. Thái độ này dựa trên ước muốn người khác diệt trừ được khổ đau và gắn liền với sự dấn thân, trách nhiệm , và tôn trọng người khác. Thái độ này tạo ra một bầu không khí an hòa, tích cực và thân thiện. Để phát triển tâm từ, chúng ta có thể phát triển ước muốn thoát khỏi khổ đau của chính ta và rồi nuôi dưỡng ước muốn ấy cho những người khác.

Giá trị và lợi ích của lòng từ bi không thể phủ nhận nếu chúng ta hiểu, chấp nhận, và thậm chí cổ vũ cho tư tưởng này: Mọi người đều có khát vọng được hạnh phúc, giống như tôi và bạn, và chính tâm từ này là nền tảng cho hòa bình và do đó cho hạnh phúc.

10. Khởi phát và phát triển Phật tánh trong mỗi người

Có hai cấp độ tâm linh. Một là những đức tin tôn giáo rất khác nhau về hình thức bên ngoài. Mục đích của tôn giáo là giúp người. Cấp độ thứ hai của tâm linh là trải nghiệm trực tiếp tâm linh, sự thực hành tôn giáo không chỉ bằng trí tuệ mà với cảm nhận sâu sắc hơn. Cấp độ thứ hai có thể trải nghiệm mà không cần có đức tin tôn giáo nào, và sẵn có ở mọi người. Đức Lạt Ma coi trọng cấp độ này hơn vì những giá trị tinh thần này kết nối mọi người và sống thực với các giá trị ấy quan trọng hơn hiểu biết về ý nghĩa của chúng.

Tâm thức của chúng ta có bản chất trong sáng. Tâm thức ấy có khả năng soi sáng và hiểu biết. Đức Phật gọi là Phật tánh, trong đó không có những tư tưởng và tình cảm tiêu cực phát sinh. Phật tánh soi sáng nếu chúng ta tự lắng và kiến tánh mọi quan niệm và ý nghĩ trừu tượng và trực kiến, nhận thức sự an tĩnh vô vi của tâm thức mình.

Sau cùng mọi nguyên nhân khổ đau có cội rễ ở vô minh che lấp. Để khắc phục sự tiêu cực tìm đến hạnh phúc, chúng ta có thể dùng liệu pháp giải trừ vô minh, ấy là trí tuệ bát nhã. Đây chính là bản chất thực sự của thực tại. Ngộ là ngộ bằng trí huệ, và trí huệ phát ra từ ý chí - ý chí muốn tự tri tự giác, và tự hiện thực trong chính nó. “Ta có thể loại bỏ những hậu quả tác hại của sâu bọ bằng cách chặt bỏ những cành lá nào đó, hoặc ta có thể loại bỏ cả cái cây bằng cách nhổ tận gốc rễ.”

Những lời chỉ dẫn của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong Nghệ Thuật Hạnh Phúc có thể tóm lại như sau:

Mục đích cuộc đời của chúng ta là hạnh phúc.

Hạnh phúc được quyết định bởi trạng thái tinh thần nhiều hơn bởi những điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài, khi những nhu cầu cơ bản của cuộc sống được thỏa mãn.

Hạnh phúc có thể đạt được thông qua sự tu tập rèn luyện tâm thức của chúng ta, bằng cách điều chỉnh lại thái độ và nhân sinh quan của ta. Hạnh phúc tối hậu là hạnh phúc vững vàng và bền bỉ, luôn tồn tại, bất chấp thế sự thăng trầm, và các tâm trạng thay đổi theo hoàn cảnh.

Bí quyết hạnh phúc ở nơi chính ta, tự thân ta, biết tiến tới, chấp nhận đời sống hơn là chối bỏ nó.

Thay lời kết cho bài này, xin dẫn lời dạy của Đức Phật:

"Hãy ẩn náu nơi chính ta như một hải đảo, xem chính ta là chỗ nương tựa.

Tham khảo:

1. Nghệ Thuật Tạo Hạnh Phúc, Dalai Lama & Howard C. Cutter, dịch giả : Thích Tâm Quang

2. Phân Tích Vài Khía Cạnh Trong Phật Giáo Qua Nhãn Quan Khoa Học

3. Phật Giáo là gì. (Hòa thượng Narada)

4. The Dalai Lama’s Guide to Happiness