Friday, October 31, 2008

Sức mạnh nội tâm & sự vi diệu của lòng từ



Hơn 40 năm ở chùa, tôi may mắn lớn lên trong sự chăm sóc, dạy dỗ và thương yêu của những bậc tu hành khả kính. Nhớ khi xưa, lúc còn là chú tiểu, bổn phận của tôi là hầu trà, pha nước mỗi khi chùa có khách đến thăm. Vì lẽ này, tôi thường được diện kiến, gần gũi và thân cận rất nhiều vị cao tăng, trí giả. Đúng như tục ngữ Việt Nam đã dạy: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Cuộc đời và hạnh nguyện của các vị như là ngọn hải đăng chỉ đường cho thế nhân giữa biển đời tăm tối. Đức độ và tuệ tâm của những hiền nhân này đã có một tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với cuộc đời tôi. Ý chí xuất gia của tôi đã được tẩm ướt và nuôi lớn bởi tấm lòng từ bi hỷ xả của các bậc xuất trần thượng sĩ. Tâm thức của tôi từng ngày lớn mạnh trong giáo pháp của Như Lai nhờ nghe chùng, học lén những sở trường và kinh nghiệm tu đạo và hành đạo mà chư vị luận đàm bên tách trà. Từng câu chuyện, từng lời nói đều là những bài pháp vô cùng ý nghĩa và lợi ích đối với hàng hậu học chúng tôi.

Suốt thời kỳ làm thị giả, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu sự kỳ diệu xảy ra trong nếp sống thường nhật của các ngài. Tuy nhiên, điều tạo ấn tượng lớn nhất đối với tôi là hình ảnh thanh thản, tự tại, giải thoát, vô úy của các bậc chân tu trước phút giây sinh tử, giờ khắc trọng đại của một đời người: cái chết! Ở đây, tôi không bàn luận về triết lý cái chết, mà chỉ đề cập đến thái độ và phương cách mà các bậc cao tăng, trí giả hành xử trước phút giây trọng đại này.

Đã là người, ai cũng phải tuân thủ quy luật sanh già bịnh chết! Tuy nhiên, cái chết lại xảy ra rất khác nhau đối với từng người. Có người vì tuổi già sức yếu mà cỡi hạc quy tiên. Có người nhẹ bước Tây quy sau một cơn cảm lạnh… Cái chết như thế thường xảy ra một cách nhẹ nhàng và hầu như ít tạo ra sự đau đớn cho xác thân. Nhưng có những cái chết không chỉ hành hạ thân xác của người sắp chết, mà còn dằng xé tâm thức của người ở lại. Ai đã từng một lần chứng kiến nỗi đau đớn khốc liệt của các bệnh nhân mang chứng nan y trước giờ phút sinh ly tử biệt mới cảm nhận được cái đáng sợ của bệnh tật. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được cơn đau đứt ruột đứt gan của bệnh nhân do căn bệnh ung thư hành hạ. Cảnh tượng người bệnh thân hình gầy gò, da bọc lấy xương, đau đớn quằn quại khi bị cơn đau hành hạ khiến người ta khó lòng cầm được nước mắt.

Suốt thời gian ở chùa, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh thương tâm như thế đến với những người đồng đạo của tôi, nhất là những người tuổi đạo còn non, nội tâm chưa khéo tu tập và huấn luyện. Khi bị cơn bệnh ung thư quái ác hành hạ, họ cũng rên rỉ, trăn trở, la lối, thậm chí khóc lóc như bao bệnh nhân bình thường khác. Tuy nhiên, phong thái và cách ứng xử của các bậc cao tăng trước hiện trạng “bệnh là khổ” đã khiến không biết bao nhiêu bác sĩ, lương y đã giật mình thán phục. Giật mình vì những kết quả hội chẩn y khoa của hội đồng bác sĩ đối với bệnh trạng của các bậc chân tu thường không thật sự chính xác như các bệnh nhân tương tự! Thán phục vì sự phản ứng điềm đạm, nhẹ nhàng, từ tốn, thanh thản, tỉnh táo của giới tu hành niên cao lạp trưởng trong những giờ phút đớn đau khốc liệt do bệnh tật hành hạ. Nhiều bác sĩ, y tá đã tận mắt chứng kiến nhân cách người tu hành qua đức kiên nhẫn, sự chịu đựng và sức mạnh nội tâm. Phương pháp chuyển hóa nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần bằng công phu thiền quán của các ngài là những ấn tượng khó quên đối với những người tinh chuyên y học và khoa học.

Trong thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh rằng sức mạnh tinh thần và yếu tố tâm linh có khả năng giúp người ta vượt qua nỗi đau của thân xác lẫn tâm hồn, kể cả chứng bệnh nan y. Trong chốn thiền môn, sự thật này vẫn diễn ra hàng ngày. Như đã đề cập, một trong những phương pháp để hành giả có thể có được sức mạnh tinh thần và tâm linh nhằm đạt được kết quả như trên là vận dụng giáo lý thiền định của Phật giáo vào trong cuộc sống hàng ngày. Thiền định Phật giáo đã và đang đem đến nhiều giá trị và lợi ích cho người hành trì khắp mọi nơi. Một pháp môn hành trì khác của đạo Phật đơn giản hơn, thích hợp với mọi người, có khả năng tạo ra sức mạnh nội tâm để hóa giải mọi chướng duyên của cuộc sống là ứng dụng giáo lý từ bi hỷ xả. Thực tập giáo lý này, một mặt, tạo nên sự thư thái, an tịnh, hỷ lạc cho tự thân người hành trì; mặt khác xây dựng một môi trường sống đầy tình yêu thương nhân loại.

Một số công trình nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng của giới y học cũng nói rằng những bệnh nhân nào bị bệnh ung thư thường trầm tư về lòng thương người, thương đồng loại, nuôi dưỡng tâm từ bi trong mọi hành vi, cử chỉ hàng ngày của mình thì ít bị cơn đau hành hạ, đồng thời có thể làm giảm thiểu tốc độ phát triển của mầm bệnh. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nhờ vận dụng tâm từ bi vào trong suy nghĩ và sinh hoạt của mình, quán tưởng từ bi như là một loại dược phẩm, một thứ thức ăn (tư niệm thực) còn có khả năng chữa lành được những căn bệnh quái ác. Bởi vì công năng của lòng từ là dập tắt lòng dục, khát ái, sân hận; công năng của lòng bi là dập tắt tính hung ác, tàn bạo của con người. Tham lam, sân hận và tàn bạo là nguyên nhân chính tạo ra những rối loạn, ách tắc và biến chứng về vật lý, tâm lý, nhân cách và hành vi của con người. Rồi sầu muộn, lo lắng, bất an và bệnh tật khởi sinh từ sự mất cân đối và nhịp nhàng trong quá trình vận hành của thân và tâm. Tiến trình này đang xảy ra với mọi con người, không có ngoại lệ đối với kẻ tu, người tục. Tuy nhiên, dường như những ai có tu tập và thường ứng dụng giáo lý từ bi vào trong cuộc sống thì bệnh tật - dù đó là ung thư, nan y- cũng không tạo ra nhiều hệ lụy đối với họ. Sự thật này đã được minh chứng một cách thực tế qua đời sống của các bậc cao tăng đức độ. Trưởng lão Hòa thượng chùa Linh Sơn-Đà Lạt là một trong những người như thế.

Tinh thần từ bi hỷ xả đã được Hòa thượng hiện thực hóa một cách nhuần nhuyễn trong suốt cuộc đời tu hành và phụng sự của mình. Do hàng ngày dùng hương liệu từ bi để tẩm ướt thân tâm, cuộc sống của ngài luôn ngập tràn nụ cười an bình và hỷ xả. Ai có duyên được hạnh ngộ ngài sẽ tự mình cảm nhận được sức mạnh nội tâm của một bậc chân tu ở tuổi thượng tuần. Bởi vì lẽ đó mà sau gần 10 năm phát hiện bị nhiễm bệnh (viêm gan siêu vi C), Hòa thượng vẫn thản nhiên sống và hành đạo vì lợi ích cho đời. Dường như căn bệnh này không hề quấy nhiễu đến cuộc sống của ngài. Cho đến những ngày tháng cuối cùng khi bệnh tình chuyển sang ung thư gan giai đoạn cuối, Hòa thượng vẫn an nhiên, thanh thản cho đến hơi thở sau cùng. Sự vi diệu của lòng từ đã chuyển hóa mọi cơn đau và sự hành hạ của bệnh tật; bởi vì, theo các giáo sư, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy-TP.HCM, giai đoạn cuối của bệnh ung thư gan là vô cùng khủng khiếp đối với bệnh nhân. Mỗi khi bệnh tật hoành hành, các bệnh nhân phải trải qua cơn đau như xé thịt. Giải pháp duy nhất mà y khoa có thể giúp đỡ là sử dụng thuốc giảm đau để trợ giúp bệnh nhân vượt qua nỗi đau đớn xác thân. Thế nhưng, đối với Hòa thượng, dường như hiện trạng này không hề tác động mấy. Suốt gần 20 ngày sau cùng hầu cận và săn sóc Hòa thượng, tôi không hề thấy ngài than thở, rên siết hoặc biểu hiện sự đau đớn như các bệnh nhân khác. Luôn lo sợ cơn đau dằng xé thân xác ngài, tôi thường hỏi Hòa thượng có đau không! Câu trả lời là một nụ cười hoan hỷ và cái lắc đầu. Điều này chứng tỏ được diệu dụng của lòng từ trong cả nếp sống thường ngày và trong mọi tình huống của cuộc sống.

Sự vi diệu của lòng từ là thế! Lợi ích của việc thực tập từ bi là không thể bàn luận hết. Ai ước ao sống có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc thì hãy ứng dụng giáo lý từ bi hỷ xả vào trong cuộc sống hàng ngày. Công năng của bốn pháp này vô cùng vi diệu, vì chúng không những tạo ra nhiều lợi ích, an vui cho hành giả, mà còn có khả năng xây dựng một môi trường sống an bình, hạnh phúc cho con người và xã hội.

Viên Trí

Giải tỏa oan ức

Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 28 tại chùa Phổ Quang ngày 8-6-2008)

Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào ?

Luận Bảo Vương Tam muội dạy rằng oan ức không cần biện minh, vì càng biện minh thì nỗi hàm oan càng lớn. Lời dạy này hơi khó hiểu. Đa số chúng ta tin rằng mình có thể giải tỏa được oan ức; nhưng sự thật càng giải, nỗi hàm oan dường như càng tăng trưởng mà tôi có cảm giác giống như chiếc còng số tám, nếu càng vùng vẫy thì cái còng càng siết chặt lại, thà cứ để yên, chúng ta sẽ thấy nhẹ hơn và làm sao tay chúng ta tự nhỏ lại để rút tay ra khỏi cái còng, hay ngược lại, làm sao cái còng mở ra được. Làm tay mình thu nhỏ lại chắc chắn là rất khó, hoặc làm chiếc còng mở ra được cũng không dễ; nhưng chỉ có hai cách này mà thôi.

Nếu là chiếc còng số tám thật, tra chìa khóa vô thì mở được. Còn chiếc còng oan ức siết tâm mình thì cũng phải tìm chìa khóa mở ra. Nhưng nếu không tìm thấy chìa khóa, phải nhờ các bậc thiện tri thức chỉ cho chúng ta. Thiện tri thức lớn nhất là Phật và các vị Tổ sư đắc đạo, các Ngài đều có chìa khóa mở cửa thoát ra khỏi tam giới.

Vấn đề đặt ra ở đây là giải oan ức, nhưng phải tìm oan ức này ở đâu ? Có thể khẳng định rằng nỗi oan ức thật sự do chúng ta tạo nên cho chính mình. Đức Phật đã chỉ thẳng rằng tất cả mọi việc do chúng ta tự tạo ra và sự tạo dựng lớn nhất của chúng ta là tạo ngôi nhà ngũ ấm và tạo ngục tù tam giới, từ đó phát sinh tất cả khổ đau của mọi người trên thế gian này.

Đức Phật đã trao cho chúng ta chiếc chìa khóa là 37 trợ đạo phẩm để mở cánh cửa ngục tù tam giới, mở cánh cửa của Nhà lửa để chúng ta thoát ra. Tất cả các vị thánh La hán và chư Bồ tát đã tìm được chìa khóa và các Ngài đã thoát ra rồi, nhưng vì thương chúng sinh mà các Ngài đã trở lại nhân gian này với dạng hình con người. Chúng ta thấy trên mặt hiện tượng, Bồ tát hay thánh La hán có hàm oan, nhưng thật sự không phải như vậy; vì các Ngài trở lại cuộc đời bằng tâm từ bi và trong tay các Ngài có vô số phương tiện hữu hiệu, đồng thời trong tâm các Ngài cũng có diệu pháp, tức là đại dụng. Bồ tát và La hán là hai bậc Thầy lớn có đủ khả năng giúp chúng ta tháo gỡ những oan ức.

Trên bước đường tu, nếu không nương được Bồ tát và La hán, người ta sẽ ở mãi trong sinh tử, không thoát ra được và oan ức này sẽ chồng lên oan ức khác, cho đến lúc họ phải vào địa ngục Vô gián, vì càng tháo gỡ theo kiểu phàm phu thì chiếc còng oan ức càng siết chặt họ hơn. Thật vậy, thực tế cho thấy lúc bắt đầu, sai lầm của họ không có, hay có rất ít, nghĩa là nỗi oan ức của họ không lớn, nhưng vì không nhìn đúng sự thật của vấn đề, cứ nghĩ họ đúng, họ bị oan ức và nuôi lớn nỗi oan ức đó, nên họ cứ tranh đấu hoài, thì lòng sân hận và hành động sai trái theo đó tăng dần, cho đến lúc họ không chịu nổi, sẽ kết thúc bằng tự tử. Con đường đi vào sinh tử là vậy.
Đức Phật mới mở ra cho loài người con đường giải thoát, thực tập pháp Phật đến đâu thì được giải thoát đến đó, tức đã phát huy được trí tuệ theo Phật. Tất cả các pháp môn Đức Phật dạy đều là chìa khóa mở cánh cửa ra khỏi ngục tù tam giới. Đức Phật đã trao chìa khóa và chúng ta chỉ cần tra chìa khóa vào là bước ra khỏi mọi trói buộc, khổ đau. Phật là vị đại Đạo sư đã chỉ dạy con đường thoát hiểm nạn trầm luân sinh tử, việc đi ra hay không là tùy ở chúng ta.

Đức Phật trao cho chúng ta chìa khóa của kinh Pháp Hoa là tam thừa giáo để ra khỏi sinh tử, ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống, nghĩa là tâm chúng ta trống sạch, được giải thoát, tất cả nỗi oan ức trong lòng không còn. Lúc đó chúng ta vẫn còn thân người nhưng là người giải thoát thanh tịnh, không phải chết mới được giải thoát; nhiều khi chết khổ hơn, vì mang thân người mới có điều kiện tốt để làm Tiên, làm Phật, còn rớt xuống làm heo gà, không tu lên được.

Trong loài người mới được Phật trao cho chìa khóa tam thừa; Ngài nói rằng trong tứ sanh lục đạo, chỉ loài người mới có điều kiện ra khỏi tam giới. Tất cả các loài khác muốn ra khỏi tam giới, phải tái sinh làm người, rồi tu lên, mới làm Tiên, làm Phật.

Khi phát tâm Bồ đề, thật sự tu theo Phật, nhìn kỹ thấy trên cuộc đời này những nỗi oan ức thường là “oan Thị Mầu”, không phải oan Thị Kính, vì Thị Kính đã lấy được chìa khóa tam thừa mở thoát ra, giải được nỗi oan. Ai cứ thấy mình oan ức là người đó đang tu theo Thị Mầu, hay tu theo Đắc Kỷ đã tu một ngàn năm, nhưng tánh ác hại người bên trong còn nguyên mà miệng cứ kêu oan.

Bước chân vào Phật pháp, an trụ trong yếu lý Phật dạy, thấy được thật tướng các pháp mà Phật nói rằng ở trong tam giới không có sinh tử, nhưng vì vô minh vọng kiến ngăn che, tạo nên các tội sai biệt, rồi cứ kêu oan. Tất cả mọi việc đều do chúng ta tạo, kinh Hoa Nghiêm gọi là nhứt thiết duy tâm tạo. Nếu tâm chúng ta thánh thiện sẽ tạo nên Bích chi Phật, La hán, Bồ tát; nếu tâm chúng ta ác sẽ tạo thành ác ma, cao nhất là ma Ba tuần, dẫn vào thế giới ma.

Chìa khóa Phật trao cho loài người là Ngài trao cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát để cứu nhân độ thế. Những vị này đã có chìa khóa, đã tự mở được ngục tù cho họ rồi và cũng mở ngục tù cho mọi người thoát ra. Nếu không nương vào ba hàng đệ tử này để ra khỏi ngục tù của ba cõi, chúng ta sẽ lẩn quẩn mãi trong tam giới và tội cũ sẽ chồng chất thêm tội mới, cứ như vậy phải khổ triền miên, rồi nói tôi tu sao mà khổ vậy.

Chúng ta phải biết cái gì tạo khổ đây. Đức Phật nói do Thức chúng ta tạo. Đa số chúng ta sống theo vọng thức, từ bỏ chơn tâm. Vọng thức là lòng ham muốn, tánh ích kỷ của chúng ta. Chúng ta sống với vọng thức nhiều hơn mới dẫn đến khổ đau. Vì vậy, trên bước đường tu, muốn hết khổ, phải xóa vọng thức. Bồ tát chuyển được vọng thức thành tuệ giác là hiểu biết, nên không bao giờ khổ.

Không biết thì thực không khổ, nhưng cảm thấy khổ. Ví dụ những người xung quanh nói xấu tôi, nhưng tôi không nghe, không biết, nên tôi không khổ. Lỡ có người nghe lời nói xấu, họ kể lại cho tôi rằng ông A nói xấu tôi vậy đó, nghe xong tôi cảm thấy khổ. Nghĩa là do nghe, suy nghĩ, biết, mà cảm thấy mình bị oan ức rồi buồn khổ, thì đó là oan Thị Mầu, tức đã tạo tội rồi mà còn kêu oan.

Người tu xóa oan ức theo Phật dạy bằng cách không nghe, không thấy, không suy nghĩ, thì tạm cắt bỏ được vọng thức ở bước đầu; vì vọng thức này phát xuất từ thấy, nghe, suy nghĩ gọi là nhãn thức, nhĩ thức và ý thức, tạo nên hiểu biết đau khổ.

Ai nói chúng ta không nghe, ai làm chúng ta không thấy, nên tâm chúng ta không suy nghĩ. Đức Phật dạy muốn ra khỏi sinh tử, được giải thoát, phải cách ly thế sự. Vì vậy, người tu thường ở trong phòng đóng cửa lại, hoặc ở trong hang đá, ở núi rừng vắng vẻ, không liên hệ với cuộc đời, để khóa cánh cửa địa ngục, mở cánh cửa Niết bàn. Nói cách khác, cánh cửa trần gian đóng lại, mở Phật pháp bên trong là tu hướng nội khác với hướng ngoại thì nghe biết đủ thứ chuyện trên cuộc đời, nên biết nhiều khổ nhiều, không biết không khổ. Thậm chí một chút nữa trời sập, nhưng mình không biết thì vẫn tỉnh như không, còn biết trời sắp sập, dù chưa sập nhưng trong lòng cứ cảm thấy lo sợ, phải tự khổ thôi.

Trong khóa tu này, các Phật tử tập tu bằng cách không biết việc của thiên hạ, vì biết như vậy sẽ làm bẩn tâm mình, tự khổ thêm. Càng biết nhiều việc của cuộc đời, chắc chắn nỗi khổ sẽ lên đến cùng tột. Người tu không dại gì đem khổ của thiên hạ vô tâm mình để khổ. Chúng ta thấy Đức Khổng Tử chỉ có ý thức muốn bình thiên hạ mà cả cuộc đời của ông luôn lận đận lao đao. Làm sao bình được thiên hạ, việc này không thể được, nhưng ông cứ muốn như vậy mà tự khổ; tức hiểu biết đã làm ông khổ. Hạng Thác là người chăn trâu hỏi Khổng Tử trả lời được ba câu thì mới xứng đáng là Vạn Thế Sư Biểu, tức làm Thầy muôn đời. Khổng Tử đáp rằng một trăm câu cũng trả lời được, chẳng lẽ không trả lời nổi ba câu của kẻ mục đồng. Hạng Thác hỏi trên trời có bao nhiêu vì sao. Khổng Tử bảo nói chuyện trên trời làm sao biết được, hãy nói chuyện trên mặt đất. Nhưng ông cũng không trả lời được câu hỏi thứ hai là trên trái đất này có bao nhiêu người. Ông tức mình bảo phải nói chuyện trước mắt, đừng nói chuyện bao la. Vậy thì câu hỏi thứ ba là cho biết cặp chân mày của ông có bao nhiêu sợi lông. Dĩ nhiên là ông đành chịu thua. Câu chuyện này nhằm nói rằng hiểu biết của con người có giới hạn, nhưng muốn làm chuyện quá lớn lao rồi tự khổ. Nếu Đức Khổng Tử từ bỏ ý nghĩ muốn bình thiên hạ, chắc chắn ông vẫn sống ung dung tự tại, vì với trí khôn ngoan hiểu biết ông cũng giúp được cho cuộc đời nhiều lắm chứ.

Trước tiên, Đức Phật trao chiếc chìa khóa thứ nhất cho hàng nhân thiên thoát ra khỏi khổ đau. Con người muốn hết khổ, không còn oan ức nữa, Phật khuyên chúng ta chỉ cần giữ năm giới cho tốt. Nếu đã giữ năm giới tốt, nhưng còn bị oan ức là do túc nghiệp của chúng ta, tức là nghiệp của đời trước. Nhìn cuộc sống chúng ta hiện tại mà biết được túc nghiệp mình. Nếu sanh trong gia đình cờ bạc, hút xách, chắc chắn chúng ta phải mang tất cả nghiệp của dòng họ mình. Chúng ta có nghiệp này mới sanh vô gia đình như vậy. Nếu sanh trong vùng chiến tranh hay ở vùng biên giới không có văn minh, tự biết nghiệp của mình đời trước không tốt. Sanh ra trong gia đình nghèo đói, thân thể ốm o, rách rưới mà đến nhà sang giàu thì dễ bị hàm oan. Tôi xuất thân từ giai cấp nông dân nghèo khổ, nên nhận ra điều này rất rõ và vâng lời Phật dạy, tôi giải được nghiệp này. Nghèo nàn thì ta không nên đến chỗ sang trọng, vì dễ bị đổ oan rằng mình ăn cắp, bị đánh, bị tù tội, bị giết chết. Nghiệp nghèo khổ đời trước đã có, đời này không muốn bị oan ức, tốt nhất là tránh những nơi giàu có. Ý này trong kinh Pháp Hoa, Ca Diếp đại diện cho các trưởng lão thưa với Đức Phật rằng người cùng tử không dám vào nhà sang trọng của ông trưởng giả, mà phải tới xóm nghèo làm thuê mướn, sau đó mới được vào ở am tranh hốt dọn phân nhơ. Nghĩa là chúng ta đến được Phật pháp, phải chấp nhận thực tế cuộc sống của mình, phải sống đúng thân phận và hoàn cảnh tương ưng với mình thì người ta mới để cho mình yên thân mà tu.

Riêng bản thân tôi, trong khoảng thời gian từ 10 tuổi cho đến 30 tuổi, trong suốt 20 năm, tôi không có một vật nào có giá trị để không bị oan ức; vì có ai mất đồ, thấy tôi sống đơn giản, chắc chắn họ không nghi tôi ăn trộm. Chỗ ở và thức ăn của mình đạm bạc tới mức tối đa, thì ai nghĩ mình ăn cắp.

Tu hành chúng ta phải nhận ra túc nghiệp của mình để hóa giải. Oan ức do nghiệp đời trước mang vô thân đời này rồi, chúng ta phải tìm cách xóa sạch. Nghiệp nghèo đói do gian tham trộm cắp, nghiệp bệnh hoạn do sát sanh hại mạng, nghiệp tà dâm nên thân thể xấu xí hôi dơ; nghĩa là phải kiện toàn thân tâm mình trở thành thanh tịnh thật sự.

Chìa khóa ngũ giới mà Đức Phật đưa cho chúng ta, để thực tập đời sống phạm hạnh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói bịa đặt, không uống rượu. Thực tập được năm điều tốt đẹp căn bản này, tất cả hàm oan sẽ không đến với chúng ta nữa, hoặc thực tập đến đâu sẽ giải thoát đến đó. Còn tham vọng lớn, đòi hỏi nhiều, tiêu xài phung phí, nợ chồng chất thì phải khổ thêm, không thể khác. Trên bước đường tu theo Phật, hãy sống với những gì mình có, hay sống dưới mức mình có càng tốt; nói cách khác, làm nhiều hưởng ít, mới tích lũy được công đức, chắc chắn cuộc sống an lành giải thoát ngay, không đợi kiếp sau.

Muốn đời sống chúng ta được nâng cao hơn, Đức Phật trao chiếc chìa khóa thứ hai là thập thiện. Tu thập thiện nghiệp, tức làm mười điều lành sẽ được người kính trọng. Thập thiện nghiệp là mười giới gồm có ba giới của thân (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm), bốn giới của miệng (không nói lời bịa đặt, không nói lời hung ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời gây chia rẽ) và ba giới của ý (tham, sân, si). Thực hiện mười nghiệp thiện sẽ được lên cõi Trời là cảnh giới sống được tốt đẹp hơn cõi người.

Ví dụ đối với việc thiện của thân, chẳng những chúng ta không sát sanh mà còn có lòng từ hộ mạng chúng sinh. Vì có hộ mạng tức cứu giúp người hoặc loài vật, mình sẽ được họ thương kính, quý trọng, nghĩa là tư cách của mình được nâng cao gọi là chư Thiên. Đọc truyện Tây du ky, có ông Trần Quang Nhị đã cứu con cá vàng thoát chết. Khi ông bị người ác xô xuống sông, vì đời trước ông đã giết người này; nhưng nhờ ông đã cứu con cá vàng nên nó nhớ ơn, hiện ra cứu ông. Mình có bố thí, giúp đỡ, người mang ơn, lỡ mình sa cơ thất thế, họ sẽ giúp lại mình.

Như vậy, Đức Phật đã trao cho loài người hai chìa khóa, một chìa khóa thập thiện nghiệp để mở cửa thiên đường và một chìa khóa ngũ giới để được tái sinh làm người không còn bị hàm oan. Còn tạo nghiệp ác kiếp trước, thì sanh lại đời này thường bị hàm oan và từ đó lại tạo thêm nhiều nghiệp để phải chịu oan nữa.

Tuy hai chìa khóa này giúp chúng ta thoát những nỗi khổ đau và oan ức, nhưng chỉ là giải quyết tạm thời trên cuộc đời này, vì khi hết oan ức và hưởng hết phước, lại tạo tội, rồi rớt xuống khổ đau thì gặp oan ức nữa. Cứ như vậy mà chúng ta lẩn quẩn từ kiếp này sang kiếp khác trong tứ sanh lục đạo.

Đức Phật vì tâm đại bi muốn cho chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi, Ngài mới trao thêm ba chìa khóa khác mà kinh Pháp Hoa gọi là ba xe, xe dê, xe nai, xe trâu, phải dùng ba xe này mới ra ngoài sinh tử và thành tựu quả vị Phật được. Đức Phật cho ba hạng người là La hán, Bích chi Phật và Bồ tát sử dụng ba xe này, tức tam thừa giáo; còn các pháp tu khác dành cho nhân thiên.

Muốn tu ba pháp Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa để ra khỏi sinh tử, Đức Phật dạy chúng ta phải hạ thủ công phu miên mật, không phải bình thường. Đầu tiên tu Thanh văn thừa để đắc La hán, đó là pháp mà con người dễ thực tập nhất, gần nhất và nhanh nhất. Quả La hán có bốn cấp bậc: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Bốn cấp bậc này chúng ta tưởng khó, nhưng không khó lắm, vì đó là thế giới của nội tâm, tức chỉ tu tâm. Vì tu tâm, nên chúng ta thấy các vị La hán chỉ ngồi yên, không làm gì, nhưng họ đang quán sát sự vận hành của tâm và điều động được tâm, nên quả chứng của họ rất lớn, chẳng những giải sạch tất cả oan trái trên cuộc đời này, mà họ còn vĩnh viễn ra khỏi tam giới. Trong khi hàng nhân thiên giải được hàm oan này lại rơi vào hàm oan khác, tạo phước cũng trầy trật lắm, nhưng có phước rồi, được sống sung sướng ở cõi trời, hưởng một lúc phá sản, lại rớt xuống, có thể rớt thẳng xuống ba đường ác, còn may mắn thì tái sinh cõi nhân gian, lại bị khổ đau hàm oan nữa.

Tóm lại, năm chìa khóa mà Đức Phật đã trao cho chúng ta để mở các cánh cửa đi vào những cảnh giới tốt đẹp, từ cõi người đến cõi Trời, cho đến những cảnh giới của hàng tứ Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Chúng ta nhờ có căn lành sâu dày mới được làm đệ tử Phật, được tu học trong giáo pháp của Ngài, cầu mong rằng tất cả mọi người nỗ lực tinh tấn tu hành, tùy theo tâm lực, đạo lực, huệ lực mà từng bước trong cuộc sống này và muôn kiếp về sau, chúng ta thường ra vào tự tại những cảnh giới tốt đẹp trong mười phương Pháp giới để thành tựu viên mãn phước đức trí tuệ của Bồ tát hạnh, đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

HT. Thích Trí Quảng

Thursday, October 30, 2008

Some notes of the day



"We live in very uncertain times. Humanity and all living things are constantly under threat and there is an urgent need to create the causes for harmony throughout the world. All of the world's major religions and humanitarian traditions teach the ethical values of tolerance, patience, loving-kindness and compassion. As these universal values are embraced and take root in the minds and hearts of more and more people, world peace will become attainable".

Meditation for Peace

The Maitreya Project

28.10.2008

Hawaii girls - photo from internet


Thank Florian for recommending in YES! I found it beautiful!

"United World Colleges makes education a force to unite people, nations and cultures for peace and a sustainable future.

United World Colleges believes that to achieve peace and a sustainable future, the values it promotes are crucial:

* International and intercultural understanding

* Celebration of difference

* Personal responsibility and integrity

* Mutual responsibility and respect

* Compassion and service

* Respect for the environment

* A sense of idealism

* Personal challenge

* Action and personal example"

More on United World Colleges: www.uwc.org

29.10.2008

The sixth cardinal virtue: Courage (Paulo Coelho)


From the Latin "cor": heart; firmness of spirit, energy before danger; cheerfulness; bravery; perseverance.

"You are the light of the world; a city located on a hill cannot be hidden. Neither do men light a candle and put it under a bushel, but on a candlestick, and it gives light to all that are in the house." - Matthew 5:13-15

"A man can obey others for two reasons: for fear of being punished, or for love. Obedience that comes from love of others is a thousand times stronger than fear of punishment." - Mahatma Ghandi (1869–1948).

Paulo Coelho - Warrior of the Light

Note of the day 29.10.2008

Wednesday, October 29, 2008

Ý nghĩa Phẩm an lạc hạnh thứ 14

Đọc phẩm An lạc hạnh, cần ghi nhớ rằng trên bước đường theo dấu chân Phật, chúng ta làm bất cứ việc gì không an lạc sẽ không giải thoát được. Noi cách khác, chúng ta có thể sử dụng tất cả các pháp như phương tiện hành đạo, nhưng phải nhớ phương tiện nào cũng phải dẫn đến thân tâm an lạc; vì đạo Phật lấy giải thoát là chính.

Đức Phật dạy thân khẩu ý an lạc và kinh điển Đại thừa khai triển thêm thệ nguyện an lạc, theo đó những gì chưa làm được, chúng ta phải để đó và nguyện đến khi có đủ điều kiện sẽ làm.

Theo pháp an lạc tu hành, thì không chán nản, không thoái tâm, không bỏ cuộc. Thật vậy, nhiều người chỉ vì quyết tâm phải thực hiện việc gì mà phải bị tan thân mất mạng hay bị tù đày, thân bại danh liệt. Vì làm chưa đúng lúc, không đúng chỗ, không đúng người, không thể thành công; hoa nở hay tàn cũng phải tuân theo quy luật tất yếu, không thể khác.

Câu nói nổi tiếng của Thiền sư Nhật là đúng lúc giáo hóa mới giáo hóa được. Trong kinh Pháp Hoa phẩm thứ 7 Hóa thành dụ cũng nói rõ ý này, Đức Phật Đại Thông Trí Thắng thanh đạo rồi cũng phải chờ 10 tiểu kiếp mới thuyết pháp giáo hóa.

Phần Tích môn nhằm dạy các Bồ tát sơ tâm như chúng ta. Chúng ta chưa thấy đúng, chưa thấy xa, nhưng thường nghĩ rằng người khác làm được thì mình cũng làm được. Điều quan trọng là khi nào làm được. Người làm được là người đã có chuẩn bị. Theo tôi, dịp may chỉ đến với những người có chuẩn bị. Thể hiện tinh thần này, Đức Phật nói Di Lặc Bồ tát là hàng Đẳng giác Bồ tát, thành Phật được; nhưng Ngài chưa hạ sinh trên cuộc đời vì quyến thuộc chưa thuần thục, dù bản thân Ngài đã trọn lành. Nói cụ thể, một mình ta tốt chưa đủ, còn cần người hợp tác với ta phải tốt. Quyến thuộc hay pháp lữ đồng hành xấu thì dễ phá hư việc của ta.

Sau khi nghe Đức Phật nói Ngài thành tựu hạnh kham nhẫn, khoan dung, từ bi đối với người ác xấu chuyên hại Ngài là Đề Bà Đạt Đa, giúp Ngài mau đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, thì các Bồ tát mới phát tâm thấy việc giáo hóa chúng sinh dễ dàng quá, hay quá, họ liền phát tâm hoằng truyền kinh Pháp Hoa không tiếc thân mạng. Nói cách khác, họ suy nghĩ hy sinh làm một việc nào đó, để được thiện pháp, để chuyển kiếp được tốt đẹp hơn, thì có mất mạng cũng không sao.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là bậc đại trí biết rằng những người mới phát tâm làm như vậy có hại hơn là lợi; vì nghiệp và phiền não sinh ra, họ sẽ vào ba đường ác, không thành Thánh, thành Phật được. Chỉ khi nào tâm hoàn toàn trong sáng và lòng từ bi bao phủ cả vạn vật mới đủ khả năng hoằng truyền kinh Pháp Hoa, tức làm những việc khó làm. Chưa đạt được tư cách và đạo lực như Phật và các vị đại Bồ tát mà đánh mất thân mạng này thì bị đọa. Thật vậy, nhờ có thân tứ đại như một công cụ giúp chúng ta tiến tu lên quả vị Hiền, Thánh, Phật; nhưng một phút sai lầm tan thân mất mạng, muôn kiếp trầm luân thì rất khó tu.

Vì vậy, cần suy nghĩ cân nhắc, nếu việc làm chúng ta đụng chạm quyền lợi của người khác, họ phải giết mình, việc có lợi cho họ, họ mới ủng hộ. Nhận thức như vậy, điều quan trọng nhất Đức Phật dạy chúng ta là phải sống vô hại đối với mọi người. Có thể khẳng định rằng thiện pháp nhỏ nhất chúng ta tu là phải không gây tổn hại cho bất cứ người nào. Sống ở đâu hay làm bất cứ việc gì, giúp được người thì làm, không giúp được thì thôi, chứ không làm hại người. Đôi khi chúng ta nghĩ làm việc lớn lao, nhưng lại gây tổn hại vô số chúng sinh; như vậy, Đức Phật khuyên thà đừng làm còn tốt hơn. Dù chúng ta làm không tiếc thân mạng, nhưng phải có lợi cho ta và cho người, hoặc chỉ lợi cho người thôi là cao quý.

Ngài Văn Thù Sư Lợi thấy Bồ tát sơ phát tâm thường nhiệt tình, nhưng chỉ nên nhiệt tình ở mức độ nào chấp nhận được. Không thể lấy phước đức và hoàn cảnh tốt đẹp của người mà tự đặt cho mình được; coi chừng sa chân lỡ bước, rớt xuống địa ngục, ngạ quỷ, khó trở lại làm người. Thí dụ người có phước báo đầy đủ như ông Cấp Cô Độc chuyên cúng dường, nghe pháp, không cần quản lý công việc, vì người làm của ông đều giỏi và hết lòng với ông. Ông bố thí liên tục một tuần, mở thí vô giá hội và càng cúng dường, bố thí, ông càng giàu thêm. Còn người khác bắt chước như ông mà sau trở thành nghèo khổ, buồn phiền thì họ đã rơi vào Địa ngục, không cứu được.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hiểu rõ điều này, Bồ tát lớn càng tạo công đức càng giàu có thì tại sao lại không làm; nhưng Bồ tát nhỏ mới phát tâm, nghiệp còn nặng, phước còn ít, chỉ cúng dường vài trăm ngàn đồng thì không còn tiền để sống, chắc chắn phiền não sinh ra. Vì vậy, Đức Phật khuyên người sức yếu đừng mang vác nặng vì không đi xa được; người mới tu cũng vậy, không làm nổi việc lớn. Đức Phật nói đến Bô tát Văn Thù, Phổ Hiền, thường ví như sức voi có khả năng chở nặng và đi ngược dốc mà không có loài thú nào ngăn cản được bước tiến. Trong khi Mục Kiền Liên là Thanh văn ví như sức con nai chỉ kéo được một chiếc xe nhỏ chơ được một người thôi. Chúng ta tự lượng sức mình, có chở nặng được không, có leo ngược dốc nổi không, nghĩa là có chống được thiên ma hay không. Hàng Thanh văn hầu hết phải tu xả ly, chưa nghĩ đến cưu mang người; vì tự biết nghiệp dày phước mỏng, không gánh vác được việc lớn, cho nên lo giải thoát cho mình là chính.

Đức Phật dạy rằng Bồ tát nhỏ làm việc nhỏ, nghĩa là làm việc phụ. Những người thông minh, khỏe mạnh, nhiều phước báo mới gánh vác việc lớn, thí dụ có khả năng xây chùa, bố thí, đào tạo người, vì họ có tiền nhiều, có nhân lực. Chúng ta làm những việc này không nổi, thì chỉ làm phụ như quét dọn chùa, bảo quản chùa, v.v... Và biết mình sức nhỏ, chúng ta phải tìm Bồ tát lớn để làm quyến thuộc, hợp tác với người có khả năng lãnh đạo để mình được đóng góp công sức, cũng có được chút phước; còn tự làm là chuốc họa vào thân. Điều quan trọng là tu tạo cho phước đức đầy đủ thì làm việc gì cũng được; không có phước đức, cố làm thì chẳng những việc lớn không thành mà việc nhỏ cũng không xong.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi biết rằng các Bồ tát sơ phát tâm chưa có kinh nghiệm, không lường trước được thực tế phũ phàng, nên Ngài thương xót họ mà hỏi Đức Phật rằng sau Phật diệt độ, phải làm thế nào để hoằng truyền kinh Pháp Hoa.

Đức Phật dạy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng phải trụ bốn pháp mới hoằng truyền kinh Pháp Hoa được. Bốn pháp an lạc đó là thân cận xứ, hành xứ, hạnh an lạc và phát khởi tâm đại từ bi.

Ngài Huệ Tư đại Thiền sư lý giải thêm hữu tướng an lạc hạnh và vô tướng an lạc hạnh. Vô tướng tức lìa tướng để trụ an lạc, nghĩa là không bận tâm việc thế gian, tâm thuần Phật pháp thì bên ngoài xảy ra bất cứ việc gì, mình cũng không để tâm đến. Như vậy, khi đã trụ vô tướng an lạc hạnh, việc xấu mấy cũng không bị ảnh hưởng, vì mình đã trụ Phật pháp và chắc chắn rằng ở trong nhà Phật pháp là an lành nhất. Được Phật pháp che chở, chúng ta không khởi tâm, không động niệm. Trụ vô tâm như vậy, việc gần chúng ta nhất là bạn nói gì, chúng ta cũng không thắc mắc buồn phiền; còn nghe còn khởi niệm là còn có vấn đề xảy đến cho mình. Dùng vô tâm, trụ vô tướng, sống trong Phật pháp và giáo hóa chúng sinh bằng công đức của mình. Những người có duyên, Đức Phật sẽ khiến họ đến và mình dạy họ hoàn toàn khách quan; đó là trụ vô tướng, nên thân và tâm hoàn toàn được an lành.

Tuy nhiên, chưa trụ được vô tướng an lạc hạnh, thì phải trụ hữu tướng an lạc hạnh. Nghĩa là chúng ta còn sống trên cuộc đời, còn sinh hoạt với sáu giác quan, tức còn ở trong hữu tướng là ở trong thế giới sai biệt, thì tùy theo sự sai biệt này mà tu hành. Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta nơi nào nên thân cận, nơi nào nên tránh; việc nên làm, việc không nên tham dự; người nên tiếp xúc, người phải tránh, kinh Pháp Hoa gọi là thân cận xứ và hành xứ.

Như vậy, hữu tướng an lạc hạnh là có sự chọn lọc, chọn thiện tránh ác để được an lành. Đức Phật dạy nên tiếp xúc với thiện tri thức, hay thầy hiền bạn tốt để hỗ trợ cho việc tiến tu của chúng ta. Đến học hỏi với người hiền, người tốt, vì gần họ, tánh xấu của chúng ta không khởi lên và tánh tốt của chúng ta được sinh ra. Người hiền, người tốt không hại ta mà còn cảm thông, an ủi ta, cho ta những lời khuyên chánh đáng để ta tự sửa mình và họ cũng không kể tâm sự của ta cho người khác nghe. Gần người hiền, người tốt chắc chắn chúng ta được an vui.

Hạng người ác xấu, hung dữ, lừa dối, nhiều chuyện, chúng ta không khinh dễ họ, nhưng không dám gần gũi họ, vì chúng ta phước mỏng và nghiệp nhiều, gần họ là lãnh thêm nghiệp của họ, chúng ta không gánh vác nổi.

Nói chung, gần gũi người mà thấy tâm mình được an lành, được sáng suốt, bớt phiền muộn, thấy mình gần Phật hơn, thì ta nên gần người như vậy. Gần người mà tâm mình bị khuấy động lên, bất bình với cuộc đời, thù hận nổi lên thì ta phải tránh.

Trước nhất, nói về thân an lạc, giáo sư Kubota kiến giải rằng đặt thân vô chỗ an thì thân được an. Hành giả Pháp Hoa phải biết rõ chỗ an là chỗ không tranh chấp, không có quyền lợi, không dính líu đến chính trị, kinh tế, xã hội. Sự an lạc này thường được diễn tả rằng “Cái thân ngoại vật là Tiên trên đời”. Chỗ nào có tranh giành, có quyền lợi thì ta không để tâm, không tìm đến là được an liền tức khắc. Đức Phật cũng nói rằng chỉ có đời tranh chấp với Ngài, Ngài không bao giờ tranh chấp với đời.

Thứ hai là khẩu an lạc, cần biết những điều đáng nói và điều không nên nói. Khi hiểu biết chưa chính xác, lời nói chưa có giá trị, thì nên ít nói cho đến không nói. Ít nói ít lỗi và không nói điều không có, kể cả người có lỗi thật, chúng ta cũng không nói là khẩu được an. Không nhìn, không biết lỗi của người khác, vì biết quá nhiều cái xấu của người, thì mình khổ tâm trước. Và còn nguy hiểm hơn nữa là biết lỗi của ngươi, họ sẽ hại mình để “bịt đầu mối”; thậm chí mình không nói mà họ còn nghi mình nói, vì mình đã thấy biết tội lỗi của họ. Trong kinh Viên Giác cũng dạy rằng không nên nói lỗi của người.

Trên bước đường tu, những điều đáng nói là điều có lợi ích mà ta đã trắc nghiệm có kết quả tốt đẹp, thì nên dạy cho người; nhưng cần hiểu thêm rằng hoàn cảnh của ta, nghiệp của ta và của người không giống nhau. Vì vậy, cần cân nhắc có những điều tốt thật cung không nói vì nói phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Hòa thượng Trí Tịnh thường nhắc nhở rằng không phải thấy đúng là nói, phải có lợi cho mình và nhiều người mới nói. Đức Phật trên bước đường thuyết pháp giáo hóa thường quán nhân duyên xem người nghe áp dụng được thì Ngài mới dạy, không nói chơi. Và chưa đúng lúc nói thì phải chờ, vì nói không đúng lúc chẳng những họ không nghe còn chống lại. Điển hình cho ý này là Ngài Phú Lâu Na bị Ngài Duy Ma quở trách tại sao lại đem pháp “Vô thường, Khổ, Không” để giảng dạy cho những thanh niên còn đầy nhiệt huyết muốn vươn lên trong cuộc sống, muốn dấn thân vào đời giúp người. Như vậy giáo pháp đúng, nhưng còn phải có phương tiện huệ, nghĩa là biết rõ nói pháp đó thích hợp với đối tượng nào và nói lúc nào là tốt.

Thứ ba là ý an lạc, giữ tâm mình cho trong sạch, bằng cách luôn đọc tụng kinh điển và suy nghĩ sâu xa nghĩa lý của kinh, chắc chắn được an lạc. Mọi người thấy mình an trú trong công phu tu tập như vậy, họ không nói được. Còn mình đến người này chơi thì người kia sinh nghi mình.

Bên cạnh thân, khẩu, ý an lạc, còn có thệ nguyện an lạc rất quan trọng. Ví dụ thấy bạn sai, nếu không nói là mình ích kỷ, nhưng nói thì có chuyện. Vì vậy, thệ nguyện an lạc là không thể khuyên người được thì để đó, lúc nào thuận tiện nói được, nghĩa là họ phát tâm muốn sửa đổi, nói họ mới nghe theo. Thậm chí có những việc phải chờ đến lúc chúng ta thành Vô thượng Chánh đẳng giác, họ coi lời nói chúng ta có giá trị và thật sự muốn nghe, mới chỉ dạy được. Còn hoàn cảnh ta xấu hơn họ, làm sao họ nghe theo, hoăc học vị ta thấp thì khó nói cho người học vị cao nghe, ta nghèo không thể nói cho người giàu theo.

Tóm lại, kinh Pháp Hoa tiêu biểu cho những điều cao quý nhất trên thế gian và kinh này được thể nghiệm lợi lạc ngay cuộc sống thế gian. Vì vậy, hành giả sơ phát tâm muốn dấn thân vào đời hành Bồ tát đạo theo tinh thần Pháp Hoa cần phải an trụ trong bốn pháp an lạc được Đức Phật chỉ dạy rõ ràng, mới có thể có cuộc sống an lành, giải thoát mà tiến tu đạo nghiệp vững vàng, kiên cố trên bước đường tự hành hóa tha.

HT. Thích Trí Quảng


Sunday, October 26, 2008

Tiểu luận Bát Nhã Tâm Kinh

Nguyên tác tiếng Anh Trần Đình Hoành
Việt dịch Diệu Tâm & Trần Đình Hoành

Link tải bản tiếng Anh:
Bat_Nha_Tam_Kinh_TDH_EN.doc


Đọc online:

Saturday, October 25, 2008

Thập Thiện Giới và Bồ Tát Giới Tại Gia

I. Mục đích thọ giới:

Mục đích Đức Phật chế giới luật để giúp cho hàng đệ tử tại gia cũng như xuất gia ngăn ngừa các hành động xấu ác, làm mọi điều thiện để có được cuộc sống an vui lợi lạc. Nếu không hiểu ý nghĩa của giới luật, xem giới luật là sự ràng buộc hay vì lòng hiếu kỳ mà thọ giới thì đó là điều sai lầm. Bản chất của giới luật là đạo đức, kính trọng người giữ giới là kính trọng đạo đức. Giới là nếp sống thanh tịnh, là nền tảng của sự giác ngộ giải thoát. Do vậy, người học Phật đầu tiên phải học giới luật để cho mọi hành động trong cuộc sống của chúng ta đúng theo lời Phật dạy. Nếu đã thọ giới rồi, hành vi ngang ngược trái với đạo lý, vô tình làm mọi người xem thường bản thân mình, chẳng những không giúp ta thoát khổ đau trong hiện tại và tương lai mà còn mang nhiều lỗi lầm thật đáng tiếc. Bài viết này trình bày ý nghĩa và nội dung căn bản của Thập Thiện giới và Bồ Tát giới tại gia.


II. Giới luật theo tinh thần Phật Giáo:

Giới tiếng Phạn là Sila, có nghĩa là quán hạnh, được hiểu là xem xét và ngăn ngừa hành vi bất thiện của thân khẩu ý. Giới trong giới bổn gọi là Ba La Đề Mộc Xoa cũng có nghĩa là biệt giải thoát (Pratimoksa), tức giữ giới nào là được giải thoát giới đó. Có 2 loại giới: Thanh văn thất chúng biệt giải thoát giới và Đại thừa Bồ Tát giới.

Thanh văn thất chúng biệt giải thoát giới thiên về yếu tố tự lợi, lấy mục tiêu cầu thoát khổ và giải thoát cho mình mà giữ giới. Bảy chúng đệ tử của Phật đều thọ giới này: 1- Ưu Bà Tắc giới là giới của nam Phật tử, 2- Ưu Bà Di giới là giới của nữ Phật tử, 3- Sa Di Tăng giới, 4- Sa Di Ni giới, 5- Thức Xoa Ni giới tức là nữ Sa Di chuẩn bị bước lên Tỳ Kheo Ni giới, 6- Tỳ Kheo Tăng giới, 7- Tỳ Kheo Ni giới.

Đại thừa Bồ Tát giới là gồm Thất Chúng giới đã nói trên, như gồm Tam Quy giới, Ngũ giới, Bát giới, Thập Thiện giới, Tỳ Kheo giới và Tỳ Kheo Ni giới (theo ngũ bộ đại luật). Nội dung của Bồ Tát giới dựa vào các kinh “Anh Lạc kinh”, “Phạm Võng Bồ Tát kinh”, “Địa Trì kinh”, “Du Già Sư địa luận”, “Bồ Tát Giới kinh”. Các vị tổ sư đã trích thành văn mà kết thành Bồ Tát giới bổn. Cơ bản của Bồ Tát giới là gồm Tam Tụ Tịnh giới và Thập Thiện giới. Tam Tụ Tịnh giới là:

1. Nhiếp luật nghi giới: Bồ Tát giới là thâu nhiếp tất cả giới luật, tức bao gồm giới tại gia và xuất gia như: Ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Thập Thiện giới và Cụ Túc giới.

2. Nhiếp thiện pháp giới: Bồ Tát giới lấy tất cả các điều lành làm giới.

3. Nhiêu ích hữu tình giới: Bồ Tát lấy mục đích làm lợi ích cho tất cả chúng sanh làm giới, không xả bỏ tất cả chúng sanh mà cứu độ chúng sanh làm mục đích tu tập và cầu giác ngộ.


III. Tu Thập Thiện giới:

Người học Phật, xuất gia hay tại gia nên hiểu rằng Thập Thiện giới là con đường tu học thực dụng trong các phần giới, đó cũng là ý nghĩa của chánh đạo. Ở kinh Tạp A Hàm quyển 29, Đức Phật có dạy: “Thế nào là chánh đạo? Đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không ỷ ngữ, không tham lam, không sân hận, không tà kiến”. Đó là ý nghĩa Thập Thiện giới cũng là chánh đạo, là con đường thành tựu Giới-Định-Tuệ. Vì muốn vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau trong luân hồi sanh tử, thoát khỏi cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì nên tu tập Thập Thiện giới. Nội dung thực hành có 2 bước: Chỉ và Hành. Chỉ là dừng mọi hành động xấu ác có hại đến mình và chúng sanh. Hành là làm việc lành, giữ đúng giới luật, đem lại lợi ích cho mình và chúng sanh. Nội dung mười điều thiện:

1. Không sát sanh: không sát hại tất cả chúng sinh mà còn tu pháp phóng sanh.

2. Không trộm cắp: không trộm cắp tài vật của người khác mà còn làm việc bố thí giúp đỡ người nghèo khổ.

3. Không tà hạnh, tà dâm: không tà hạnh mà còn làm thanh tịnh phạm hạnh.

4. Không vọng ngữ: không nói dối với người mà còn nói lời chân thật.

5. Không nói lưỡi đôi chiều: không ở bên này nói xấu bên, ở bên kia nói xấu bên này, sinh mâu thuẫn trong lòng người khiến phát sanh xung đột và đấu tranh. Phải nói lời hòa hợp lợi ích.

6. Không nói lời hung ác: không nói lời thô bạo độc ác hay sỉ nhục người khác mà còn nói lời nhu nhuyến nhẹ nhàng- ái ngữ.

7. Không ỷ ngữ: không vì quyền lợi riêng mình mà nói hoa mỹ hoặc dùng lý lẽ ngụy biện bóp méo sự thực.

8. Không tham dục: không tham trước tình dục trần cảnh, nuôi lớn tâm thanh tịnh phạm hạnh.

9. Không sân hận: không phẫn nộ oán giận người mà luôn luôn hiền từ nhẫn nại.

10. Không tà kiến: không nên bảo thủ chấp trước mà luôn luôn tu tập chánh kiến. Đó là nội dung thực tiễn của tu Thập Thiện giới. Tầm quan trọng của Thập Thiện giới, người Phật tử sau khi quy y Tam Bảo nên thọ Thập Thiện giới, vì Thập Thiện giới là căn bản các thiện pháp căn bản Bồ Tát giới mà Chư Phật ba đời đều khen ngợi. Bồ Tát thị hiện độ đời lấy Thập Thiện giới để thực hiện sự giáo hóa chúng sanh. Đức Phật có đề cập rõ ý nghĩa này: “Này Xá Lợi Phất, ông nên nỗ lực hoằng dương đạo Pháp, khai mở Pháp môn Yết Ma thọ Thập Thiện giới để phá trừ mười điều bất thiện nghiệp” (Thọ Thập Thiện Giới Kinh). Trong lục độ Ba La Mật của Bồ Tát hạnh, yếu tố trì giới tức là thực hiện trọn vẹn ý nghĩa của Thập Thiện giới. Trong Luận Đại Trí Độ cuốn 46 có dạy: “Thập Thiện, hữu Phật vô Phật thường hữu”, nghĩa là Thập Thiện giới lúc có Phật tại thế hay lúc Phật không tại thế, Thập Thiện giới đều vĩnh viễn có.

IV. Bồ Tát giới tại gia:

Bồ Tát giới phạm vi rất rộng, tư tưởng vô cùng khoáng đạt, vượt thoát mọi chấp thủ và ước lệ đời thường, nó thuộc về thông giới. Ngoài thất chúng đệ tử ra còn có quỷ thần, Bát bộ và những chúng sanh nào hiểu được ý nghĩa của Pháp sư thuyết giới mà hành trì thì đắc giới. Trong Bồ Tát giới kinh dạy rằng: “Lục đạo chúng sanh thọ đắc giới, đản giải ngữ đắc giới bất thất”, nghĩa rằng chúng sanh trong lục đạo chỉ cần nghe hiểu lời Pháp sư truyền giới Bồ Tát giới mà trì giới thì được đắc giới. Do vậy, mọi người nam nữ, già trẻ và tất cả chúng sanh, trừ thành phần phạm bảy trọng tội (1- Giết Cha; 2- Giết Mẹ; 3- Làm thân Phật ra máu; 4- Giết A La hán; 5- Giết Hòa Thượng; 6- Phá Hòa Hiệp Tăng; 7- Giết Thánh Nhơn) đều có thể thọ Bồ Tát giới. Có hai trường hợp mất giới Bồ Tát: Tội thứ nhất là cố sát nhân không biết hổ thẹn sám hối; Tội thứ hai là xả Bồ đề tâm, ví dụ nói : “Tôi không tin việc làm Phật , không tin Tam Bảo và không phát Bồ Đề tâm nữa”. Ở trong “Phạm Võng Bồ Tát kinh” có thuyết gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh, đối với hàng xuất gia, tại gia cần tuân thủ. Nhưng trên thực tế tùy theo hoàn cảnh, phong tục mà nội dung Bồ Tát giới tại gia có giảng lược một số giới điều để người thọ giới dễ thích ứng và vận dụng. Hiện nay, nội dung giới văn Bồ Tát tại gia gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh (có giải thích rõ từng giới điều) mà được phổ biến trong các giới đàn truyền thọ, chúng tôi trích ra để Phật tử đọc dễ hiểu ý nghĩa từng giới :



Sáu giới trọng là:

1. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được sát sanh.

2. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được trộm cắp.

3. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được tà dâm.

4. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được nói dối.

5. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được nói lỗi của người tại gia và xuất gia.

6. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được bán rượu, nấu rượu.


Hai mươi tám giới khinh như sau:

1. Không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

2. Say đắm rượu chè, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

3. Cố ý gớm ghê không chăm sóc người bệnh khổ, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

4. Gặp người hành khất, không nhiều thì ít, phải tùy tâm mà bố thí, nếu để người hành khất về không, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

5. Nếu thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Trưởng lão, bậc Tôn Đức, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di... không đứng dậy nghinh tiếp hỏi thăm, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

6. Nếu thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di hủy phạm giới đã thọ, sinh tâm kiêu mạn, rồi nói rằng: Ta hơn người kia, người kia không bằng ta..., đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

7. Trong mỗi tháng có sáu ngày trai, nếu không đi thọ Bát quan trai giới, không cúng dường Tam Bảo, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

8. Trong khoảng tám mươi dặm, nơi có thuyết pháp mà không đến nghe, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

9. Thọ dụng vật của Thường trụ Tăng như ngọa cụ, giường, tòa ngồi, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

10. Nghi trong nước có vi trùng nhưng vẫn tùy tiện dùng, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

11. Không có bạn mà vẫn một mình đi vào nơi hiểm nạn, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

12. Một mình ngủ lại tại chùa Ni nếu là Ưu Bà Tắc, hoặc chùa Tăng nếu là Ưu Bà Di, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

13. Vì của cải, thân mạng mà đánh mắng người giúp việc, trẻ con hầu hạ hoặc người ngoài..., đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

14. Nếu đem thức ăn dư thừa dâng cúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni hoặc cung cấp cho người đồng giới, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

15. Nếu nuôi những loài ăn thịt như mèo, chồn..., đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

16. Có các loài vật như voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà... nếu không làm phép tịnh thí mà cho những người chưa thọ giới, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

17. Nếu không sắm cất các thứ y bát tích trượng ngọa cụ (để phòng khi cần cúng dường cho vị xuất gia thọ Bồ Tát giới), đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

18. Nếu vì nuôi thân mạng mà cần làm ruộng, nhưng không tìm nước trong (để tưới..) và đất ruộng cũ (để trồng trọt), đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

19. Nếu vì nuôi thân mạng mà mở phố buôn bán, cân đong hàng hóa; không được đã thỏa thuận giá cả rồi lại đem bán cho người trả giá cao hơn; cân đấu dùng để cân đong hàng hóa phải đúng mức quy định, nếu chưa đúng mức phải bảo sửa chữa lại, không làm như vậy, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

20. Nếu không phải chỗ, không phải thời mà hành dục, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

21. Nếu vì sinh sống mà buôn bán đem giá lên xuống, mua rẻ bán quá đắt, gian lận, trốn thuế, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

22. Trái phạm luật pháp nhà nước, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

23. Nếu có lúa mới, hoa trái, dưa rau các thứ đầu mùa, không hiến cúng Tam Bảo mà thọ dụng trước, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

24. Nếu chúng Tăng không chấp thuận mà vẫn tự mình thuyết pháp, tán thán quan điểm riêng của mình, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

25. Trên đường đi mà dành đi trước Tỳ Kheo, Sa Di, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

26. Khi dọn thức ăn ở giữa Tăng chúng nếu vì thiên vị thầy mình mà lựa chọn các thứ ngon lành dâng cho nhiều hơn các vị khác, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

27. Nếu nuôi tằm, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

28. Trên đường đi gặp người bệnh tật mà không dừng lại chăm sóc, làm các phương tiện, như dặn bảo những người khác chăm sóc, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

Thọ Bồ Tát giới là đi trên con đường cao thượng, nuôi lớn lòng đại bi, thương chúng sanh chìm nổi trong sanh tử tạo vô lượng ác nghiệp, thọ vô lượng tội báo mà xả thân cứu độ. Đây là chánh nhân tu học để thành Phật đạo. Phát bồ đề tâm, hành Bồ Tát đạo là công đức và phước báu to lớn nhất. Lấy đại bi tâm làm chủ, lấy bồ đề tâm dẫn đạo, thực hiện lý tưởng Đại thừa là điểm then chốt của người học Phật cần khắc cốt ghi tâm.


V. Lời kết:

Tam Tụ Tịnh giới và Thập Thiện giới là nội dung cơ bản của Bồ Tát giới. Nhiều kinh luận đề cập tầm quan trọng của Thập Thiện giới, xem đó là cái nhân lành tu phước báu nhân thiên. Tuy vậy, ngay cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát xem Thập Thiện giới là pháp tu học thực tiễn. Luận Đại Trí Độ có dạy: “Thập thiện đạo tắc nhiếp nhất thiết giới”. Tức là Thập Thiện giới thâu nhiếp tất cả các giới. Đối với Phật tử tại gia phát tâm thọ trì Thập Thiện và Bồ Tát giới đó là nhân duyên hiếm có trên cuộc đời. Tuy cuộc sống thế tục còn bị ràng buộc gia đình, công việc làm ăn và giao tế xã hội, v.v.. , cũng nên nhận thức cuộc đời là huyễn mộng, phát Bồ Đề tâm thọ giới pháp của Phật để cầu giải thoát khổ đau cho mình và mọi người. Từ đó gặt hái được giá trị thiết thực của Pháp vị, để thăng hoa đời sống con người. Vấn đề khi Phật tử đã thọ giới rồi, điều quan trọng là trì giới thanh tịnh mới đắc giới, tức là thành tựu Giới-Định-Tuệ và giải thoát và giải thoát tri kiến; đó là mục đích và ý nghĩa của việc thọ giới .

Nghĩ từ trái tim

Tuệ Giác Vô Thường Và Vô Ngã

Tuệ giác là lưỡi gươm cắt đứt mọi đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, sân hận và kỳ thị. Năng lượng của định, của tuệ giác giúp ta thấy rõ bản chất đối tượng của định. Định Vô Thường và định Vô Ngã đưa đến tuệ giác Vô Thường và tuệ giác Vô Ngã.

Vô thường không phải là một ý tưởng hay một quan niệm mà là một tuệ giác. Rất nhiều người trong chúng ta cố bám lấy ý niệm về thường còn, vững chắc. Khi nghe đến giáo lý vô thường họ đâm ra lo sợ. Nhưng vô thường không phải là tiêu cực mà có khi rất tích cực. Bất cứ điều gì cũng đều vô thường, kể cả bất công, nghèo khổ, ô nhiễm, và hiện tượng “trái đất nóng lên” (global warming). Trong cuộc sống ta có thể gặp phải hiểu lầm, bạo lực, xung đột, tuyệt vọng nhưng vì vô thường nên chúng có thể được chuyển hóa nếu ta có tuệ giác trong nếp sống hiện tại.

Tuy nhiên lắm lúc ta quên hẳn vô thường. Trên lý thuyết ta biết rằng tất cả đều là vô thường, nhưng ta quên đi rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ bệnh, sẽ chết. Ta quên đi rằng chính ta rồi cũng sẽ chết. Ta có xu hướng suy nghĩ như là ta sẽ sống mãi. Và vì vậy ta không có tuệ giác vô thường để sống đẹp từng giây phút, để trân quý người thương. Rất nhiều người trong chúng ta đã đau khổ cùng cực khi một người thương ra đi, không phải vì ta thương nhớ mà vì nuối tiếc rằng khi người thương còn sống ta đã không có thì giờ gần gũi và hết lòng săn sóc. Có thể ta đã đối xử với người ấy một cách bất công. Bây giờ người ấy không còn nữa và ta mang mặc cảm tội lỗi. Nếu có tuệ giác vô thường thì phải biết rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ chết và hôm nay ta phải làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc cho người ấy. Đừng đợi đến ngày mai. Ngày mai có thể quá muộn. Nếu biết sống theo tuệ giác vô thường ta sẽ không phạm quá nhiều lầm lỗi. Ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ. Ta có thể thương yêu, săn sóc người ta thương ngay ngày hôm nay. Ta không bươn chải về tương lai để rồi đánh mất sự sống. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.

Bụt dạy vô thường như là một tuệ giác. Bụt không bi quan mà chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng sự sống rất đáng quý và chúng ta phải trân quý sự sống từng giây phút. Duy trì định vô thường như vậy sẽ đem đến tuệ giác vô thường. Nhờ tuệ giác vô thường mà ta không bị tuyệt vọng, sân hận, tiêu cực cuốn đi bởi vì tuệ giác vô thường cho ta biết phải nên làm gì và không nên làm gì để xoay chuyển tình thế. Nhờ vô thường mà không có gì không làm được.

Nếu không có tuệ giác, ta sẽ nghĩ rằng quyền lực là do ta tự tạo nên, chỉ cho riêng ta. Nhưng có một tuệ giác khác ta có thể đạt được, đó là tuệ giác vô ngã. Vô ngã không có nghĩa là ta không có mặt. Vô ngã chỉ có nghĩa là ta không có tự tính riêng biệt. Nguồn gốc của bao nhiêu đau khổ chính là do tâm phân biệt, phân biệt giữa mình và người, do ý niệm về một cái ngã riêng biệt. Giả thử bạn là cha mẹ. Hãy nhìn con của bạn và bạn sẽ thấy rằng con trai hay con gái bạn chỉ là sự tiếp nối của bạn. Cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, con cái là sự tiếp nối của cha mẹ. Trong con có tế bào của cha. Cha và con không phải là một người nhưng cũng không phải là hai người. Khi người cha nhận ra điều này, ông đã chứng được tuệ giác vô ngã, cha đau khổ thì con cũng đau khổ và ngược lại. Cũng vậy, giận con mình tức là tự giận mình, giận cha mình tức là tự giận mình. Rất rõ ràng. Một khi đã thực chứng tuệ giác vô ngã, khi không còn phân biệt giữa bạn và con trai, con gái bạn, thì cơn giận của bạn sẽ tiêu tan. Bạn đang tranh dành quyền lực nhưng nếu biết quán chiếu vô ngã bạn sẽ biết cần phải làm gì và có thể chấm dứt đau khổ của chính bạn và của những người liên hệ đến sự tranh dành đó. Bạn biết rõ rằng sân hận của họ là sân hận của bạn, đau khổ của họ là đau khổ của bạn, hạnh phúc của họ là hạnh phúc của bạn.

Khi cánh tay trái của tôi bị phong thấp đau nhức, tôi săn sóc, xoa bóp, tôi làm đủ mọi cách để cho cánh tay trái bớt đau nhức mà hoàn toàn không giận dỗi gì cánh tay ấy. Khi tôi có một đệ tử chưa dễ thương, tôi cũng thực tập như thế. Tôi không giận đệ tử của tôi mà chỉ gắng săn sóc người đệ tử ấy như tôi đã săn sóc cánh tay trái vậy. Bởi vì tôi biết rằng giận đệ tử tức là tự giận mình và chẳng giúp ích được gì. Nhưng chúng ta chỉ có thể hành xử khôn ngoan như thế khi chúng ta đã thực chứng được tuệ giác vô ngã.

Trong Đạo Bụt có một tuệ giác gọi là tuệ giác Vô Phân Biệt (Xả). Xả là một trong bốn yếu tố của tình thương chân thực (Tứ Vô Lượng Tâm). Tôi thuận tay phải nên tôi làm hầu hết mọi việc bằng tay phải: đánh răng, thỉnh chuông, viết thư pháp. Tất cả những bài thơ của tôi đều được viết bằng bàn tay phải. Nhưng bàn tay phải của tôi không bao giờ tự hào và nói: “Này bàn tay trái, anh chẳng được tích sự gì. Một mình tôi làm tất cả mọi việc.” Và bàn tay trái của tôi không bao giờ có mặc cảm tự ti, không bao giờ đau khổ. Thật kỳ diệu. Hai bàn tay tôi luôn luôn sống hài hòa với nhau, hợp tác một cách toàn hảo. Đây chính là tuệ giác vô ngã sống động trong mỗi chúng ta.

Một hôm tôi đang đóng đinh để treo một bức tranh lên vách. Tay phải của tôi vụng về thế nào mà thay vì đóng vào đinh lại đi giáng cho ngón tay trái một nhát đau điếng. Ngay lúc ấy bàn tay phải của tôi lập tức buông ngay búa xuống và ôm chặt lấy bàn tay trái để chăm sóc. Bàn tay trái của tôi không hề giận giữ, trách móc, cũng không nói: “Này bàn tay phải, anh làm cho tôi đau. Tôi muốn công bằng. Đưa cái búa đây cho tôi.” Và bàn tay phải cũng không nói: “Này bàn tay trái, ta đang săn sóc cho ngươi, ngươi hãy nhớ lấy nhé.” Bàn tay trái và bàn tay phải của tôi không bao giờ suy nghĩ kiểu như vậy. Đó chính là tuệ giác vô phân biệt (Xả), một nguồn tuệ giác có sẵn trong ta, biết sử dụng tuệ giác ấy sẽ đem lại an hòa trong gia đình cũng như trong cộng đồng.

Tín đồ Ấn Giáo và Hồi Giáo mà biết sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì họ đã có thể sống hòa bình với nhau. Nếu người Do Thái và người Palestine cũng sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì đâu xảy ra chiến tranh. Nếu Hoa Kỳ và Iraq xem nhau như anh em, như hai bàn tay của cùng một cơ thể thì họ đâu có tiếp tục giết nhau. Tất cả chúng ta đều phải trau dồi tuệ giác ấy. Tuệ giác ấy có công năng giúp ta giải tỏa sợ hãi, khổ đau, chia rẽ, cô đơn, và có thể giúp người khác làm như vậy.

Tuệ giác có được là nhờ hiểu biết. Trong ta có thể đã có sẵn hiểu biết, nhưng vì ta không có niệm, không có định cho nên tuệ giác không có cơ hội phát hiện. Chúng ta phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho niệm và định, cũng giống như muốn cho hoa mọc tươi tốt thì ta phải xới đất rải phân. Tuệ giác là một loại hiểu biết có được nhờ chánh niệm. Nếu ta tự đánh mất mình trong tiếc nuối quá khứ, trong lo lắng tương lai thì tuệ giác sẽ khó mà phát triển và như thế thì khó mà biết cách hành xử đúng trong hiện tại.

Chính vì vô minh mà ta đau khổ. Khi có tuệ giác ta có thể tiếp xúc sâu sắc với thực trạng của mọi sự, mọi vật và không còn sợ hãi, chỉ còn tình thương, chỉ còn chấp nhận tha thứ bao dung. Chính vì vậy mà ta gọi tuệ giác là một loại quyền lực, một sức mạnh siêu đẳng. Nếu bạn dành thì giờ để quán chiếu thực tại dưới ánh sáng của tuệ giác vô thường, vô ngã thì bạn sẽ giác ngộ và tự giải thoát khỏi đau khổ và khó khăn. Tất cả bốn quyền lực (tín, tấn, niệm, định) nói trên đưa đến quyền lực siêu đẳng (tuệ), đồng thời cũng đưa đến hạnh phúc vô biên.

TS Nhất Hạnh (Làng mai)

Friday, October 24, 2008

Một vài giá trị nền tảng cho một thế giới toàn cầu hóa

Hơn bao giờ hết, nhờ vào sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật truyền thông, mà tiêu biểu là hệ thống liên mạng toàn cầu, những luồng chảy thông tin và liên lạc làm con người khắp nơi trên thế giới xích lai gần nhau hơn qua những trao đổi về tư tưởng và văn hóa. Bên cạnh đó, thủ tục đơn giản hơn trong đi lại và giá thành chuyên chở thấp xuống nhiều so với những thế kỷ trước đã tạo nên một lượng di chuyển người và hàng hóa xuyên khắp các quốc gia ngày càng lớn.

Hai yếu tố trên cộng với khuynh hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, đã tạo nên một thế giới toàn cầu hóa có chiều sâu chưa từng có trong lịch sử loài người.
Sự tác động qua lại giữa các cá nhân và quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay đã đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực, chẳng hạn như sự giảm bớt xung đột nhờ vào sự tăng trưởng giao thương; sự phân bổ và sử dụng những nhân tô sản xuất (như nguồn tài nguyên thiên nhiên) một cách có hiệu suất hơn; và sự phơi bày, đẩy lùi dần những tư tưởng, chính sách lạc hậu, không phù hợp với lợi ích của con người. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều vấn đề mà con người trong thế giới ngày hôm nay phải đương đầu, chẳng hạn như tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa các nước và nội trong một nước; tình trạng ngày càng khan hiếm tài nguyên thiên nhiên để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của con người; tình trạng gây ô nhiễm và tác hại một cách báo động đối với môi trường tự nhiên do quá trình sản xuất gây ra; tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” trong các cuộc thương lượng quốc tế; và tình trạng lũng đoạn cua nhiều công ty đa quốc gia trong quá trình khai thác các thị trường đầu ra và đầu vào của chúng.
Tất nhiên là đã có nhiều thiện chí và nỗ lực để giải quyết các vấn đề nói trên ở mỗi nước và giữa các nước. Nhưng có rất nhiều những nỗ lực bị thất bại, những chính sách không thể thực hiện được, và những cuộc thương lượng không thành công. Suy cho cùng, lý do sâu xa của những thất bại này cũng đều nằm ở yếu tố con người. Pháp Phật là pháp chuyển đổi con người, giúp con người nhận ra sự thật của cuộc đời để rồi từ đó có những hành động thực tế để giúp mình và giúp đời. Hơn bao giờ hết, một thế giới toàn cầu hóa hiện nay cần có những giá trị mà ai cũng có thể chấp nhận được, dù đó là một nhà lãnh đạo hay thường dân ở bất cứ quốc gia nào, để làm nền tảng cho các hành động. Có ba giá trị hết sức thực tiễn trong Phật pháp mà chúng ta có thể ứng dụng và khuyến cáo mọi người khắp nơi cùng nhau chia sẻ nhằm giảm đi những vấn đề tiêu cực của thế giới hiện nay (một thế giới mà trong đó chuỗi liên hệ nhân quả của các hành động có thể lan tỏa khắp nơi nơi, không giới hạn ở phạm vi một địa phương hay một nước).

Niềm tin dựa trên hành động vì lợi ích thực tiễn của con người
Đạo Phật có rất nhiều pháp môn nhưng không ngoài mục đích là để diệt tham sân si. Phật tùy theo căn cơ của mỗi người để thuyết pháp, nhưng xuyên suốt vẫn là một thông điệp về cái hại của tam độc. Trong thực tế cuộc sống hằng ngày, pháp Phật có sức thuyết phục rất mạnh bởi vì sự ứng dụng của nó đem lại lợi ích rõ rệt, có thể kiểm nghiệm được, cho bất cư ai hành pháp. Phật không hề bắt ai phải tin những gì Phật thuyết; niềm tin sẽ được xây dựng trên cở sở sau khi thực hành đem đến lợi ích thiết thực. Ta hãy bình tâm mà chiêm nghiệm lời giáo huấn thật xác đáng của bậc đạo sư:
Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: "Các pháp này là thiện; các pháp này là không đáng chê; các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú!(1).
Đây là bài học đáng giá cho thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay áp dụng vào bài học chính sách về các vấn đề kinh tế và xã hội quan trọng, nó có thể cho chúng ta một kim chỉ nam để biết chính sách nào nên tin và thực thi. Ở đây, một chính sách cho dù được bắt nguồn từ một lý thuyết nổi tiếng hay một nhà hoạch định chính sách tiếng tăm nào cũng cần phải xét lại, không nên tin vào nếu sự thực thi chính sách đó không đem lại lợi ích thiết thực góp phần đưa con người đến cuộc sống hạnh phúc hơn(2).

Trong phạm vi một nước, có đôi lúc một chính sách được giới thiệu và quảng bá là giải pháp hay cho việc phát triển đất nước, nhưng khi phân tích cặn kẽ ra từng cái hơn cái thiệt thông qua thực nghiệm thì nó đi ngược lại mục đích ban đầu. Ví dụ, một quốc gia vì muốn thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài nên có chính sách rất dễ dãi đối với nhà đầu tư bằng cách không ban hành hoặc thực thi các luật pháp bảo vệ môi trường và sức khỏe công nhân một cách nghiêm ngặt. Hệ quả lâu dài của việc này là tình trạng môi trường bị ô nhiễm và tình trạng sức khoẻ của công nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Trong phạm vi toàn cầu, chúng ta cũng thấy có một số tổ chức quốc tế, như Quỹ tiền tệ quốc tế, và một số nước phát triển khuyến cáo các nước đang phát triển nên tin và thực thi triệt để cơ chế thị trường tự do bằng mọi giá. Một trong hệ quả của quá trình này là sự bất bình đẳng giàu nghèo tăng lên vùn vụt, người nghèo trong xã hội lại càng khốn đốn hơn khi chính phủ thắt chặt ngân sách và cắt giảm chi tiêu xã hội để thúc đẩy cơ chế thị trường tự do(3). Qua hai trường hợp điển hình này, ta có thể thấy khi niềm tin và hành động không dựa trên lợi ích thực tiễn thì có rất nhiều người bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.
Ở phương diện cá nhân, sống trong một môi trường tương đối rộng mở ngày hôm nay, chúng ta được tiếp xúc với những lối sống và trào lưu tư tưởng mới ở mọi nơi và có cơ hội để so sánh đối chiếu với những định kiến và hành động của mình. Áp dụng lời Phật dạy theo tinh thần trên, ta nhất định sẽ có những quyết định đúng đắn cho riêng mình và làm ích lợi cho đời.

“Tri túc thiểu dục” là một bài toán cho một thế giới với nguồn tài nguyên giới hạn
Để có sự cân bằng trong đời sống, nhà Phật có lời khuyên về biết đủ và ít muốn để tránh bớt những đau khổ do sự ham muốn không kiềm chế được gây ra. Tinh thần này cần được đón nhận hơn bao giờ hết trong thế giới ngày hôm nay. Với sự phát triển chiếm ngự của hệ thống kinh tế thị trường trong nền kinh tế toàn cầu, lòng ham muốn tiêu thụ của con người luôn luôn được kích thích cao độ bởi các doanh nghiệp trong quá trình theo đuổi lợi nhuận của họ. Hơn bao giờ hết, nhờ vào sự phát triển vượt bậc của kỹ nghệ truyền thông, chúng ta hầu như lúc nào cũng được mời mọc quảng cáo rất nhiều món hàng mà đa số là không cần thiết cho cuộc sống. Một ví dụ điển hình là những hình ảnh quảng cáo đủ kiểu trên đủ loại phương tiện truyền thông của các hãng bia và nước ngọt đa quốc gia. Vô hình chung, người ta bị cuốn vào dòng tiêu thụ những thứ này bất kể hậu quả của việc dùng quá mức đem lại.
Rõ ràng là khi nhìn vào trào lưu sống hiện nay, ta có thể nhận ra rằng chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng bành trướng khắp mọi nơi. Giá xăng dầu trên thế giới tăng vùn vụt cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu này để phục vụ sản xuất và tiêu dùng đã vượt xa số cung hiện có. Thay vì có chính sách thúc đẩy tiết kiệm xăng dầu, một số nước hỗ trợ cho việc phát triển nguồn nhiên liệu mới được chế từ cây bắp. Hệ quả là giá bắp trên thị trường tăng nhanh, góp phần dẫn đến việc tăng giá hàng loạt các loại lương thực, thực phẩm khác, làm khốn đốn biết bao dân nghèo trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng các “bệnh nhà giàu” (như cao máu, mỡ trong máu, và tiểu đường) do ăn uống quá độ, đặc biệt là việc tiêu thụ thịt ngày càng lớn, đã làm ảnh hưởng tiêu cực lên ngân sách y tế của nhiều nước. Ăn thịt nhiều cũng làm giảm đi số lượng lương thực để cung cấp cho người dân ở những nước nghèo, bởi vì nuôi gia súc để sản xuất thịt theo phương thức công nghiệp đòi hỏi sử dụng rất nhiều lương thực cho đầu vào. Tình trạng tiêu thụ thực phẩm tràn lan đã gây sức ép không nhỏ lên môi trường tự nhiên, đưa đến những ảnh hưởng xấu cho môi trường sống trên toan thế giới.

Những phản ứng của môi trường tự nhiên bị quá tải bắt buộc chúng ta phải nhận ra chuỗi liên kết nhân quả của những hành động tác hại đến môi trường ở khắp mọi nơi (vì tất cả chúng ta cho dù ở đâu cũng đều chia sẻ chung một trái đất). Tuy nhiên, vấn đề không phải dễ giải quyết khi có rất nhiều chính sách thúc đẩy việc tiêu thụ thay vì khuyến cáo giảm bớt tiêu dùng để sống hòa hợp theo khả năng cung cấp của môi trường. Nhìn vào chính sách kinh tế vĩ mô, như ở Mỹ chẳng hạn, mỗi khi có tình trạng kinh tế chậm tăng trưởng là người ta lăm le đến việc kích cầu mà thực chất là thúc đẩy việc tiêu thụ bất kể hậu quả của nó tác động lên môi trường. Ở những nước đang phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá để cố bắt theo các nước phát triển đã gây ra tình trạng ô nhiễm tràn lan mà hậu quả hầu như trút xuống người nghèo nặng nề nhất vì họ không có khả năng về tài chính và luật pháp để bảo vệ mình. Một ví dụ điển hình, không cần tìm lâu chúng ta có thể thấy ngay rằng nhiều người nông dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất khi những con sông từng đem lại nguồn sống cho họ bỗng nhiên chết dần chết mòn bởi những lượng thải từ các nhà máy hoạt động công nghiệp hoặc khai thác khoáng sản gần đó gây ra. Trong cái gọi là tăng trưởng kinh tế, có rất nhiều nước đã đánh đổi sự bền vững của môi trường thiên nhiên cho những lợi ích tức thời, bất kể hậu quả lâu dài.
Tất nhiên là tăng trưởng kinh tế không phải là điều ta không muốn. Tăng trưởng kinh tế là một chìa khóa để đưa nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để tăng trưởng và phát triển kinh tế mà không gây ra hậu quả tai hại lâu dài cho môi trường sống. Ở đây, chúng ta thấy tầm quan trọng của tinh thần tri túc thiểu dục trong sự phát triển kinh tế bền vững, hòa hợp với khả năng cung cấp và chịu đựng của môi trường tự nhiên. Khi ta tiêu thụ một cách vừa phải thì ta giúp chính mình trước vì tránh được những hậu quả tai hại do việc tiêu thụ quá độ gây ra, kế đến ta cũng góp phần giúp xã hội phân bố và sử dụng tài nguyên một cách bền vững và hiệu quả hơn. Ví dụ, khi các “bệnh nhà giàu” được giảm thiểu thì gánh nặng lên nền y tế sẽ được giảm rất nhiều, tạo điều kiện cho xã hội sử dụng tài nguyên cho những công việc khác, chẳng hạn như xây dựng thêm hạ tầng cơ sở ô nông thôn. Hơn nữa, khi chúng ta tiêu thụ ít lại và tiết kiệm nhiều hơn thì cũng tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng bên vững trong khi tránh bớt các biện pháp kích cầu thúc đẩy tiêu thụ nhất thời một cách không phân biệt(4).
Cũng xin được đề cập ở đây là tri túc thiểu dục trong cuộc sống đời thường không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ nhiều thứ và sống như một vị tu hành. Đòi hỏi như thế có lẽ là một điều không tưởng. Tuy nhiên, biết kiềm chế và ý thức liên hệ nhân quả của việc tiêu thụ của mình thì mỗi người trong chúng ta cũng đóng góp rất nhiều cho việc đóng góp duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn của trái đất này. Cuộc sống sẽ đẹp hơn, thế giới sẽ bớt đi những xung đột do sự tranh giành những nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt gây ra.

Hiểu và biến đổi dòng chảy vô thường thành mạch sống yêu thương
Có một giá trị mà khi đón nhận nó thì sẽ góp phần thúc đẩy con người thực thi hai giá trị đã nêu ở trên. Đó là giá trị về việc hiểu và ứng dụng khái niệm vô thường(5). Giáo lý vô thường của nhà Phật có lẽ là giáo lý đi vào lòng người một cách tự nhiên nhất. Vô thường hiện hữu trong từng khía cạnh của cuộc đời, buộc chúng ta phải dừng lại để ngẫm nghĩ cho riêng mình về sự thật của nó. Quy luật của vô thường sẽ không phân biệt một ai, bất kể ta đang đứng ở nấc thang nào trong xã hội. Hiểu và biết sống với vô thường sẽ là một phương pháp rất hữu hiệu để giúp ta tránh bớt những nhiêu khê trong cuộc sống. Khi luôn luôn nhắc nhở và biết rõ rằng những tham vọng, địa vị, của cải, và chính thân xác của ta có thể bị con sóng vô thường cuốn đi bất cứ lúc nào thì chúng ta sẽ bớt bám víu hơn vào chúng. Và như là một quy luật tự nhiên, ít đi sư tranh giành thì sẽ tăng thêm phần cảm thông và chia sẻ.
Thoạt qua, tưởng chừng như việc nhận ra chân giá trị của giáo lý vô thường không liên quan gì nhiều đến các vấn đề rộng lớn của xã hội. Nhưng thật ra nó liên quan rất nhiều, vì lối sống và làm việc của mỗi người là nhân tố tạo nên một xã hội. Con người sống trong xã hội và tạo ra xã hội, cho nên xã hội có tốt đẹp hay không cũng do con người mà ra. Ta có thể biến đổi dòng chảy vô thường thành mạch sống yêu thương vì lợi ích cho ta và cho đời.

Chỉ là mơ ước hay là điều có thể thực hiện được?
Qua sự gợi ý về ba giá trị thiết thực cho một thế giới toàn cầu hóa ở trên, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi liệu có hy vọng là chúng sẽ được đón nhận rộng rãi hay không? Câu trả lời là dù muốn dù không thì thế giới toàn cầu ngày nay rồi cũng phải nhận ra tầm quan trọng của những giá trị này. Điều cấp bách là ta cần phải giơi thiệu chúng và thực hành chúng trong hành động của ta để có thể khuyến khích người khác làm giống mình. Và chúng ta có quyền hy vọng. Nhìn vào thế giới ngày nay, ta có thể thấy những cố gắng của những tổ chức và cá nhân, chẳng hạn như tổ chức quốc tế phi chính phủ Oxfam, trong công cuộc bảo vệ môi trường và khuyến cáo chính phủ các nước phải có chính sách thiết thực để giúp đỡ người nghèo trên khắp thế giới. Ngay ở Mỹ trong thời gian gần đây, khi phải đương đầu với giá xăng tăng lên vùn vụt, nhiều bình luận gia đã kêu gọi người Mỹ phải biết tiết kiệm và kiềm chế việc tiêu thụ nhiên liệu như là giải pháp tốt nhất cho cơn sốt giá hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy ngày càng nhiều người Tây phương nhận ra ích lợi của những phương pháp tu tập, đặc biệt là thiền tập để giảm áp lực trong cuộc sống, do các nhà sư hướng dẫn ở rất nhiều nơi trên thế giới. Họ học hỏi và ứng dụng giáo lý vô thường một cách có hiệu quả rõ rệt ngay. Hy vọng rằng dần dần rồi đây sẽ có sự lan tỏa việc đón nhận giá trị này khắp nơi nơi.


Cuối cùng, tất nhiên là ba giá trị đã nêu không thể nào đại diện cho một rừng giáo lý vừa giản dị vừa uyên thâm của nhà Phật; và cũng có những nhóm giá trị khác ngoài nhà Phật không kém phần quan trọng. Tuy nhiên, chúng đặc biệt ở chỗ là ai cũng có thể chấp nhận được, vì chúng hợp lý trong giải thích và đem lại kết quả thuận theo lợi ích của con người một cách tốt đẹp trong ứng dụng. Tất cả các chính sách, từ cấp địa phương trong một nước cho đến cấp chính phủ giữa các quốc gia suy cho cùng đều xuất phát tư con người cá nhân. Mỗi một người trong chúng ta đều có thể làm tốt cho một thế giới toàn cầu cho dù chúng ta có nhận ra đều đó hay không. Chúng ta hãy thách thức chính mình trong việc ứng dụng những giá trị này để làm đẹp cho mình và cho đời.

TS. Trần Lê Anh

(1) Kinh Kàlàmà trong kinh Tăng Chi Bộ do hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Dòng in đậm là do tác giả bài viết nhấn mạnh. (2) Có người sẽ tranh cãi về định nghĩa của hạnh phúc. Nhưng có rất nhiều điều mà không ai có thể không chấp nhận là sẽ làm cuộc sống hạnh phúc hơn, chẳng hạn như việc xóa đói giảm nghèo và giảm thiểu bệnh tật. (3) Xin được hiểu thêm rằng điều này không có nghĩa là cơ chế thị trường tự do là không tốt. Nó tốt hay xấu là do chính sách ứng dụng có thích hợp với từng trường hợp cụ thể hay không, bởi vì thị trường cũng là do con người tạo ra, chứ không phải tự nhiên mà có. (4) Khi chúng ta tiết kiệm và gởi tiền vào ngân hàng thì tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng được vay vốn để đầu tư, dẫn đến nền kinh tế được tăng trưởng vì có đầu tư cao. Việc này kèm theo việc nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực đung đắn sẽ dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng bền vững. (5) Có nghĩa là mọi thứ luôn luôn biến chuyển, có lúc thì theo một trình tự, có lúc thì xảy ra một cách bất ngờ.

Chánh niệm tỉnh giác

Trong kinh Sa Môn Quả, Đức Phật còn phải giảng giải cho Potthapàda nhiều điều để tu tập, trước khi chỉ dạy cho ông về phương pháp hành thiền cũng như sự đoạn diệt tăng thượng tưởng. Giờ Đức Phật thuyết về chủ đề chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng (tỉnh giác). Đây là phương cách mà Ngài đã khai triển trong rất nhiều bản kinh: đầu tiên là gìn giữ giới luật, kế đến là kiềm chế các căn, rồi đến chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng (tỉnh giác). Hai điểm sau cùng đi đôi với nhau, thường được nhắc đến cùng lúc. Sati là chánh niệm và Sampajanna là sự hiểu biết rõ ràng.

Và như thế nào… là một vị Tỷ kheo đã thành tựu về chánh niệm tỉnh giác? Ở đây một vị Tỷ kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y, bình bát đều tỉnh giác; khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác. Như thế đó, một vị Tỷ kheo đã thành tựu chánh niệm tỉnh giác.
Chánh niệm có bốn lãnh vực: thân, thọ, tâm và pháp. Chánh niệm về thân được Đức Phật nói đến đầu tiên. Thực hành chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày là rất cần thiết, không chỉ trong lúc hành thiền. Nếu không có chánh niệm ngoài giờ hành thiền, thì cũng không thể có chánh niệm trong lúc hành thiền, vì chúng đi đôi với nhau. Vì thế chúng ta thực hành căn bản chánh niệm đầu tiên này bằng cách quán sát thân. Chúng ta ý thức về những gì mình đang làm, dầu đó là đi, đứng, ngồi, nằm, vươn vai, cúi đầu… hay bất cứ điều gì. Một trong những ích lợi của việc chánh niệm về thân là trong khi thực hành, chúng ta cũng giữ tâm được yên, không cho phép nó lăng xăng.

Lợi ích thứ hai là chánh niệm thanh tịnh hóa tâm. Nếu thực sự quán sát những gì mình đang làm, chúng ta không thể ngay trong giây phút đó bực bội, sân hận hay tham đắm. Đức Phật đã nhiều lần khuyên chúng ta nên sử dụng thân như là một đối tượng của chánh niệm. Trước hết, ta có thể dễ dàng cảm nhận, tiếp xúc được với thân mà không cần phải tìm kiếm sự có mặt của nó. Nếu thực hành được như thế, ta sẽ nhận thức được trong một thời gian ngắn sự có mặt của thanh tịnh, cũng như sự vắng mặt của bao tâm lý não phiền. Vì làm sao chúng ta có thể ở trong trạng thái bực bội, ham muốn hay ghét bỏ khi chúng ta quán sát những gì đang thực sự xảy ra?

Lợi ích thứ ba là chánh niệm về thân giúp chúng ta có mặt ngay trong giây phút hiện tại, và dần dần ta nhận ra rằng không có giây phút nào khác hơn. Có mặt trong giây phút hiện tại thực sự là có mặt trong sự vĩnh cửu. Thông thường chúng ta thiết lập ranh giới trong từng giai đoạn: quá khứ, hiện tại và tương lai. Ta nhìn chúng như là ba giai đoạn, nhưng thực sự chúng ta chỉ có thể ở trong một, là hiện tại. Hai thời điểm kia là do tâm tạo; chúng là những ảo tưởng tạo ra bởi ký ức hay tưởng tượng. Phần lớn chúng ta sống trong quá khứ, hoặc hướng về tương lai, hoặc cả hai, nhưng nếu ta sống như thế thì ta khó mà giữ được chánh niệm cũng như hành thiền. Vì cả hai việc này đều xảy ra ngay trong giây phút hiện tại.
Căn bản thứ hai của chánh niệm là sự ý thức về các cảm thọ, chúng ta cảm thấy gì. Căn bản thứ tư (chúng ta sẽ nói đến căn bản thứ ba trong chốc lát) là nội dung tư tưởng (pháp). Cả hai (thọ và pháp) đều có mặt trong lúc ta hành thiền và cần phải được duy trì trong đời sống hàng ngày. Thí dụ, khi một cảm thọ mạnh mẽ phát sinh, trước tiên ta phải nhận ra bản chất của nó và sau đó cố gắng thay thế một cảm thọ bất thiện với thiện. Chúng ta không cần phải tin vào tất cả mọi cảm xúc của mình. Nếu truy tìm nguồn gốc phát sinh của một cảm thọ, ta sẽ thấy rằng đó là do sự tiếp xúc của căn (giác quan) với trần cảnh (đối tượng). Một việc đáng để thể nghiệm. Đối với pháp (nội dung tư tưởng của chúng ta) cũng thế. Khi ta nhận thấy một tư tưởng là thiện, ta chỉ nhận biết như thế, rồi khi nó qua đi, ta trở về chánh niệm thân. Nếu tư tưởng là bất thiện, ta cần nhanh chóng chuyển đổi nó. Chúng ta càng ít chứa điều bất thiện trong tâm, thì chúng càng ít có cơ hội để phát triển thành thói quen xấu trong tâm. Chúng ta càng ý thức về tâm tham (nói chung là tất cả những gì ta muốn), và tâm sân (nói chung là tất cả những gì ta không muốn), càng không để cho chúng có thời gian trụ lại trong tâm, thì ta càng dễ buông bỏ chúng.\

Căn bản thứ ba của chánh niệm là tâm thức hay những trạng thái tiềm ẩn. Đây cũng là một đối tượng quán sát quan trọng. Nếu chúng ta có thể nhận biết được tính chất bất thiện trước khi nó phát triển thành tưởng hay thọ, thì việc chuyển hóa nó sẽ dễ dàng hơn. Nhiều người mang những trạng thái tâm tiêu cực nặng nề đến nỗi họ cảm thấy rất khó thay đổi. Nhưng phần đông chúng ta có thể chuyển hóa từ bất thiện sang thiện. Nếu ta nhận ra được tính chất hờn dỗi, ghen tỵ hay sân hận đưa đến những suy nghĩ hay cảm thọ bất thiện, thì ta có thể cố gắng đối phó với chính trạng thái đó, trong nhận thức rằng nó chỉ là một trạng thái, không có gì quan trọng hơn. Đúng vậy, không có gì mà chúng ta sở hữu, tư duy, hay thực hiện có một sự quan trọng căn bản hay sâu sắc nào. Đơn giản là chúng chỉ xảy ra. Chúng ta không cần phải duy trì một cảm thọ, một tâm hay một pháp nào, nếu chúng đe dọa hạnh phúc của bản thân. Bản thân chúng ta càng có được nhiều hạnh phúc, thì ta càng có thể ban tặng cho người khác nhiều hơn. Chúng ta không thể cho những gì mình không có.

Đó là bốn căn bản chánh niệm: thân, thọ, tâm và pháp. Chánh niệm là sự thuần chú tâm; không kèm theo phán đoán. Đó chính là sự tỉnh giác hiểu biết rõ ràng rằng các cảm xúc, tình cảm, tâm hay pháp là thiện hay bất thiện, để giúp chúng ta chuyển hóa. Mỗi người chúng ta đều có khả năng hiểu biết rõ ràng; ta có đủ trí tuệ để làm điều đó. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có tất cả những yếu điểm của một con người phàm phu, những yếu tố luôn mang đến sự bất hạnh, lo âu, sân hận, phiền não, nhưng chúng ta không cần phải bám giữ chúng. Với tâm tỉnh giác, ta có thể nhận ra điều này và bắt đầu hoán chuyển những điều bất thiện thành thiện. Chúng ta thực hành điều này khi hành thiền, rèn luyện để các suy nghĩ lăng xăng qua đi và đem sự chú tâm trở lại với đề mục thiền quán, và chúng ta cũng thực hành như thế trong đời sống hàng ngày.
Lý do duy nhất khiến người ta duy trì tâm bất thiện là vì họ biện hộ cho chúng, mà đổ lỗi cho tha nhân hay cho việc gì đó ở thế giới bên ngoài họ. Làm thế không thể đem lại hạnh phúc. Trong cuộc hành trình tâm linh chúng ta có cơ hội để nhận thức được bản chất của mình như chúng ta thật sự là, chứ không phải như chúng ta muốn xuất hiện trong xã hội hay trong mắt người khác.

Nhìn thấy được bản thân một cách rõ ràng, chúng ta có thể sửa đổi, và khi thực hiện được điều đó, nó sẽ mang đến một cảm giác giải thoát, như thể chúng ta vừa đặt xuống một gánh nặng trên vai. Chỉ cần có chánh niệm, chúng ta sẽ thoát khỏi gánh nặng của những suy nghĩ lăng xăng và các phản ứng kèm theo. Luôn phản ứng theo thế giới chung quanh sẽ tước đi của ta những năng lực nội tâm, khiến ta lúc nào cũng chỉ trích, phán đoán. Với tâm chánh niệm không có những việc như thế xảy ra.
Chánh niệm có nghĩa là trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải để ý đến từng bước chân của mình, nói theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Dĩ nhiên cũng có những lúc chúng ta sẽ quên, nhưng ngay giây phút chợt nhớ lại, chúng ta quay đầu trở lại. Đó là một việc làm hữu ích nhất mà chúng ta có thể làm cho bản thân.

Sự tỉnh giác, hiểu biết rõ ràng có bốn khía cạnh được nhắc đến trong bản kinh đặc biệt này. Đầu tiên là sự ý thức về những gì chúng ta định nói hay làm, để xét xem mục đích của chúng là tốt hay xấu. Nếu mục đích là vì ngã chấp hay vì tư lợi thì chắc chắn nó là bất thiện. Một khi đã biết mục đích là thiện, thì yếu tố thứ hai ta phải xét đến là ta thực sự có phương tiện thiện xảo trong tay để thực hiện những gì ta định làm hay nói không? Có phương cách gì để làm tốt hơn không? Yếu tố thứ ba ta phải tự vấn là mục đích và phương tiện đó có thuận theo Pháp không? Nói cách khác là chúng ta sẽ tự hỏi: liệu Đức Phật có thuận lòng? Chúng ta xét lại mục đích và phương tiện dựa trên những gì chúng ta đã biết về giáo lý của Đức Phật. Chủ yếu là chúng ta xét để xem chúng có phù hợp với giới luật, có thể hiện được lòng từ bi bác ái và có mang lại hạnh phúc không? Chúng có hướng đến mục đích đoạn diệt khổ đau không? Đây là câu hỏi quan trọng mà nếu quên ta dễ bị lầm lạc. Cuộc sống cho chúng ta quá nhiều chọn lựa đến nỗi nếu chúng ta không dừng lại để quán chiếu, thì ta khó tránh khỏi lầm lạc. Nếu tất cả những câu hỏi trên đã được trả lời xác đáng thì chúng ta sẽ tiến tới hành động. Yếu tố thứ tư, sau khi nói hay làm những điều dự định, chúng ta xét xem mình có thực sự đạt được mục đích, và nếu không, thì tại sao không? Việc làm của chúng ta thiếu sót ở phần nào?
Đây là một cách để giải thích sự tỉnh giác, hiểu biết rõ ràng, là một chức năng ích lợi nhất cho chúng ta trong cuộc sống đời thường. Trước hết ta cần có chánh niệm để trở nên ý thức về những gì đang diễn ra bên trong ta. Sau đó với ánh sáng của sự tỉnh thức, ta xét đến mục đích của mình. Thực hành theo cách đó sẽ làm chậm lại các phản ứng của ta, mà được thế thì càng tốt. Vì khi hành động theo bản năng, ta rất dễ mắc lỗi lầm, nhưng khi ta cẩn trọng hơn một chút thì ta dễ có kết quả tích cực hơn.

Lý do duy nhất khiến người ta duy trì tâm bất thiện là vì họ biện hộ cho chúng, mà đổ lỗi cho tha nhân hay cho việc gì đó ở thế giới bên ngoài họ. Làm thế không thể đem lại hạnh phúc. Trong cuộc hành trình tâm linh, chúng ta có cơ hội để nhận thức được bản chất của mình như chúng ta thật sự là, chứ không phải như chúng ta muốn xuất hiện trong xã hội hay trong mắt người khác.
Nhìn thấy được bản thân một cách rõ ràng, chúng ta có thể sửa đổi, và khi thực hiện được điều đó, nó sẽ mang đến một cảm giác giải thoát, như thể chúng ta vừa đặt xuống một gánh nặng trên vai. Chỉ cần có chánh niệm, chúng ta sẽ thoát khỏi gánh nặng của những suy nghĩ lăng xăng và các phản ứng kèm theo. Luôn phản ứng theo thế giới chung quanh sẽ tước đi của ta những năng lực nội tâm, khiến ta lúc nào cũng chỉ trích, phán đoán. Với tâm chánh niệm, không có những việc như thế xảy ra.

Chánh niệm có nghĩa là trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải để ý đến từng bước chân của mình, nói theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Dĩ nhiên cũng có những lúc chúng ta sẽ quên, nhưng ngay giây phút chợt nhớ lại, chúng ta quay đầu trở lại. Đó là một việc làm hữu ích nhất mà chúng ta có thể làm cho bản thân.
Sự tỉnh giác, hiểu biết rõ ràng có bốn khía cạnh được nhắc đến trong bản kinh đặc biệt này. Đầu tiên là sự ý thức về những gì chúng ta định nói hay làm, để xét xem mục đích của chúng là tốt hay xấu. Nếu mục đích là vì ngã chấp hay vì tư lợi thì chắc chắn nó là bất thiện. Một khi đã biết mục đích là thiện, thì yếu tố thứ hai ta phải xét đến là ta thực sự có phương tiện thiện xảo trong tay để thực hiện những gì ta định làm hay nói không? Có phương cách gì để làm tốt hơn không? Yếu tố thứ ba ta phải tự vấn là mục đích và phương tiện đó có thuận theo Pháp không? Nói cách khác là chúng ta sẽ tự hỏi: liệu Đức Phật có thuận lòng? Chúng ta xét lại mục đích và phương tiện dựa trên những gì chúng ta đã biết về giáo lý của Đức Phật. Chủ yếu là chúng ta xét để xem chúng có phù hợp với giới luật, có thể hiện được lòng từ bi bác ái và có mang lại hạnh phúc không? Chúng có hướng đến mục đích đoạn diệt khổ đau không? Đây là câu hỏi quan trọng mà nếu quên ta dễ bị lầm lạc. Cuộc sống cho chúng ta quá nhiều chọn lựa đến nỗi nếu chúng ta không dừng lại để quán chiếu, thì ta khó tránh khỏi lầm lạc. Nếu tất cả những câu hỏi trên đã được trả lời xác đáng thì chúng ta sẽ tiến tới hành động. Yếu tố thứ tư, sau khi nói hay làm những điều dự định, chúng ta xét xem mình có thực sự đạt được mục đích, và nếu không, thì tại sao không? Việc làm của chúng ta thiếu sót ở phần nào?
Đây là một cách để giải thích sự tỉnh giác, hiểu biết rõ ràng, là một chức năng ích lợi nhất cho chúng ta trong cuộc sống đời thường. Trước hết ta cần có chánh niệm để trở nên ý thức về những gì đang diễn ra bên trong ta. Sau đó với ánh sáng của sự tỉnh thức, ta xét đến mục đích của mình. Thực hành theo cách đó sẽ làm chậm lại các phản ứng của ta, mà được thế thì càng tốt. Vì khi hành động theo bản năng, ta rất dễ mắc lỗi lầm, nhưng khi ta cẩn trọng hơn một chút thì ta dễ có kết quả tích cực hơn.

Kế tiếp Đức Phật thuyết về sự tự tại, sự biết đủ đối với những nhu cầu hàng ngày của chúng ta:
Và thế nào là một vị Tỷ kheo biết đủ? Ở đây vị Tỷ kheo biết đủ với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo y bát. Giống như một con chim mang theo đôi cánh bay đến chỗ này chỗ kia, không lụy phiền gì trừ đôi cánh. Vì thế vị Tỷ kheo tự tại (Kinh Sa Môn Quả - HT.Thích Minh Châu dịch).
Trong xã hội ngày nay, phần đông chúng ta có nhiều hơn những thứ ta cần. Đức Phật dạy chỉ có bốn thứ cần thiết: thực phẩm, nơi trú ngụ, quần áo và thuốc để chữa bệnh. Đây là những nhu cầu vật chất. Rõ ràng, phần đông chúng ta có ít nhất hàng chục thứ vật dụng khác mà ta nghĩ mình rất cần. Trong đó có thể cũng có một số thực sự hữu dụng, nhưng số còn lại thì không. Ta cũng nhân đây thử xét lại xem thứ gì là nhu cầu thực sự của mình, thứ gì là do lòng ham muốn mà ra, nhờ đó ta sẽ biết mình như thế nào. Sau đó, hãy tự hỏi mình: “Tôi có bằng lòng với hoàn cảnh vật chất của mình không? Tôi có hàm ân những gì tôi có? Tôi có ý thức rằng được có đầy đủ đã là một ân sủng, một điều mà nhiều người khác trên quả địa cầu này không được có?”. Thực sự ta có nhớ đến những người cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không thuốc thang, cũng không có một mái nhà che nắng mưa? Là những người được có đủ đầy, chúng ta có coi đó là một lẽ đương nhiên? Thường thì có đấy. Thật ra ta còn than phiền khi những gì ta sở hữu không được như ý ta muốn, hay không được ngon ngọt như ta mong đợi, hay khác với những gì ta đã quen thuộc, mà ta không thích sự thay đổi đó. Chúng ta cảm thấy oán trách, than phiền thì dễ hơn là cảm thấy hàm ân về tất cả những gì ta được có.
Một lần Đức Phật khi đi dọc theo bờ biển với các vị Tỷ kheo đã bảo với họ: “Này các vị Tỷ kheo, hãy thử tưởng tượng có một chú rùa mù lội trong các biển trên thế giới và chú rùa đó trong một trăm năm mới trồi lên khỏi mặt nước một lần. Cũng có một mảnh gỗ trôi nổi trong các biển trên thế giới. Này các vị, các vị có nghĩ rằng khi chú rùa đó trồi lên mặt nước để thở, nó có thể chui đầu qua một lỗ hổng trên mảnh gỗ đó không?”. Các vị Tỷ kheo trả lời, “Không, thưa Thế Tôn, điều đó không thể xảy ra”. Đức Phật trả lời, “Không phải là không có thể. Nó cũng có thể xảy ra”. Đức Phật dạy tiếp rằng sự có thể hiếm hoi đó cũng giống như là cơ hội được sanh làm người của chúng ta, với đầy đủ các giác quan, tứ chi lành lặn và có được cơ hội gặp Phật pháp.

Nghe câu chuyện này, chúng ta có tự nhắc nhở mình phải biết đủ, phải vun trồng sự tự tại không? Khi hành thiền, tự tại là một yếu tố quan trọng. Tâm càng ít tự tại, thì nó càng ít có khả năng để hành thiền, vì tâm không tự tại là tâm đang ở trong phiền não. Chúng ta thấy bực bội, phiền não vì ta nghĩ sự hành thiền của mình không có kết quả hoặc ta mong đợi nó mang đến sự chứng quả nào đó, muốn được giác ngộ, hay bất cứ mong muốn gì mà không được đáp ứng. Sự bực bội, không vừa lòng này chỉ làm cho tình hình tệ hơn. Không ích lợi gì để hành thiền trong trạng thái tâm thiếu tự tại. Phiền não sẽ tăng trưởng thêm, trong khi việc hành thiền sẽ giảm sút. Khi chúng ta thường xuyên làm điều gì thì ta sẽ trở nên thiện xảo hơn trong lãnh vực đó, vì thế nếu chúng ta để tâm luôn bực bội, bất an, thì ta trở nên rất dễ bực bội, phiền não. Tính cách đó sẽ trở thành một thực tại nội tâm: “Tôi bực bội bởi vì …” và sau đó ta sẽ đưa ra một số lý do khiến ta bực bội, mà đa số các lý do này đều rất vô lý mà chúng cũng không liên quan gì đến các nhu cầu cơ bản của ta là thực phẩm, quần áo, nơi ở hay thuốc men.
Chúng ta cần phải nhớ câu chuyện Đức Phật kể về con rùa và cơ hội hiếm hoi mới được làm người, được có cơ hội được nghe Pháp và cũng nên nhớ rằng ta đã có được tất cả những gì ta cần để duy trì cuộc sống, để ta có thể tiếp tục tu tập. Chỉ khi nào tâm ta luôn tràn đầy lòng biết ơn cho sự đầy đủ của mình, cho hoàn cảnh may mắn của mình, thì lúc đó và chỉ lúc đó chúng ta mới có thể hành thiền. Tâm bất an lôi kéo chúng ta đi từ nơi này đến nơi khác, để cố gắng tìm cho được một điều gì đó có thể mang sự bình an tự tại đến cho nó. Thiền chắc chắn có thể làm được điều đó, nhưng muốn thế, trước hết chúng ta phải vun trồng một trạng thái nội tâm tự tại và biết ơn đối với những gì ta có được.

Bốn nhu cầu cơ bản này được biết đến như là tứ vật dụng. Dĩ nhiên trong thời đại của chúng ta, có nhiều thứ khác mà ta cũng cần để có thể kiếm sống, để liên lạc, nhưng những thứ đó cũng là thêm vào. Chúng ta vẫn có thể duy trì cuộc sống mà không cần đến chúng. Dành thời gian để quán tưởng đến tất cả những gì thật sự ích lợi cho ta, và loại mọi thứ khác ra khỏi tâm, là một việc làm rất hữu ích. Trong cuộc đời của mỗi chúng ta không thể tránh có một số điều không được như ý, khiến ta thất vọng. Nếu ta cứ nghĩ về chúng, ta sẽ thấy rất khổ sở và chúng sẽ ngự trị tâm ta. Ngược lại, nếu ta hướng tâm mình đến những điều tốt đẹp mà ta có được trong đời thì sự tự tại sẽ lớn mạnh và phát triển. Điều đó thật sự rất đơn giản. Vì bất cứ điều gì chúng ta đem vào tâm, thì đó là cái mà chúng ta biết. Không ai bó buộc chúng ta phải nghĩ đến những điều tiêu cực, vậy mà chúng ta luôn làm như thế. Đó cũng là một yếu điểm khác của con người. Chúng ta thường nghĩ đến những điều chỉ khiến ta thêm đau khổ. Dầu biết thế, ta vẫn làm. Có lẽ chúng ta cần phải quán chiếu xem tại sao chúng ta lại suy nghĩ đến những vấn đề chỉ đem lại khổ đau? Chúng ta càng thấy rõ được quá trình nội tâm này, thì ta càng dễ dàng loại bỏ đi những thứ không ích lợi, không mang đến cho ta sự tự tại và bình an.
Bằng lòng với cuộc sống như nó là, mang đến cho ta một cảm giác thật nhẹ nhàng, vì chúng ta bỏ được gánh nặng của lòng luôn mong muốn rằng con người hay hoàn cảnh phải khác đi. Vạn pháp như chúng là. Từ chối không chấp nhận điều đó tạo ra khổ đau và phiền não. Giống như khi ta cố sức đẩy một cánh cửa đã đóng. Ta đẩy và đẩy cho đến khi tay ta tóe máu, nhưng chúng ta cũng không thể mở được cửa. Nếu khôn ngoan, chúng ta chấp nhận một cách đơn giản rằng nó là thế. Cánh cửa đã đóng, và như thế cũng chẳng có vấn đề gì.

Đối với cuộc sống của ta cũng thế. Mọi thứ đều như chúng là và điều đó cũng được thôi; đó là cách chúng phải là. Có nhân và có quả, dầu chúng ta thường không có khả năng nhìn thấy chúng rõ ràng. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là nhận ra rằng cuộc sống, trong từng giây phút, đều mang đến cho chúng ta một cơ hội để học hỏi. Khi có điều không ưng ý xảy ra, khiến ta phải thất vọng, thì việc cần làm trước tiên là phải tự hỏi xem chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ đó. Còn hơn là xua đuổi nó, muốn nó phải khác đi, là một việc chắc chắn sẽ mang đến khổ đau, chúng ta cần hỏi: “Tôi có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm này”. Không học hỏi được gì từ kinh nghiệm của bản thân là một sự lãng phí thời gian vô cùng.


Cuộc đời là một trường học bổ túc. Nếu chúng ta có thể nhìn cuộc đời với con mắt như thế, thì ta có thể nhìn nó một cách chính xác. Nếu chúng ta nghĩ là nó sẽ mang lại nhiều khoái lạc, thì chắc chắn là ta sẽ bị thất vọng. Nhưng đa số chúng ta đều lầm lạc như thế, cho đến khi ta chợt nhận ra rằng mình có mặt ở đây là để học hỏi.
Trong trường bổ túc này, người ta dạy đủ mọi môn học. Mỗi người đều được dạy một môn thích hợp tùy theo trình độ của họ, không liên quan gì đến tuổi tác nhưng liên quan đến sự phát triển nội tâm. Chúng ta phải chọn lựa bộ môn mình cần học. Nếu không học hỏi, không vượt qua được kỳ thi, chúng ta phải quay trở về lớp học cũ, lại đối mặt với những bài học xưa. Chỉ khi nào đã qua được kỳ thi tương ứng với nội tâm của mình, ta mới có thể lên lớp, chọn học bộ môn tiếp theo.

(TRÍCH DịCH Từ WHO IS MYSELF)