Giáo nghĩa Tịnh Độ được y cứ trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở nòng cốt để phát huy gồm: Phật Thuyết A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh (còn gọi Thập Lục Quán kinh) và một bộ luận là Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ tát Thế thân.
Kinh A Di Đà được đức Thế Tôn tuyên thuyết tại tinh xá Kỳ Viên thuộc nước Xá Vệ, nội dung giới thiệu vị giáo chủ và y báo trang nghiêm ở cõi Cực Lạc, khuyên chúng sanh phát nguyện sanh về thế giới ấy bằng phương pháp chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà, đồng thời dẫn lời tán dương và ấn chứng của mười phương chư Phật để làm tăng tiến niềm tin cho người niệm Phật.
Ở núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, Ngài tuyên thuyết kinh Vô Lượng Thọ, diễn tả quá trình hành Bồ tát đạo của Tỳ kheo Pháp Tạng (tiền thân Phật A Di Đà), trong khi tu nhân đã đối trước Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai phát bốn mươi tám đại nguyện thù thắng cao cả để trang nghiêm Phật độ, nhiếp hóa quần sanh. Kế đó nói về công đức tu hành, trí tuệ thần biến của Thánh chúng cõi ấy, khiến chúng sanh sanh tâm khát ngưỡng phát nguyện quay về.
Tại vương cung Tần Bà Sa La thuộc thành Vương Xá, do sự thỉnh cầu của hoàng hậu Vi Đề Hy, Ngài tuyên thuyết kinh Quán Vô Lượng Thọ, chỉ bày mười sáu pháp quán làm cơ sở vãng sanh Tịnh độ.
Sau này Bồ tát Thế Thân nương vào kinh Vô Lượng Thọ tạo bộ Tịnh độ vãng sanh luận, tán dương cảnh giới trang nghiêm thù thắng của Cực Lạc và xiển dương pháp tu Ngũ niệm môn (lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán tưởng và hồi hướng) làm nhân tố cầu vãng sanh. Ngoài ba kinh và một luận trên, còn có rất nhiều kinh luận Đại thừa khác như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bảo Tích… Đại trí độ, Đại Tỳ bà sa… cũng đều tán thán và đề cao tư tưởng cầu sanh Tịnh độ của Phật A Di Đà.
Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp môn Niệm Phật. Ý nghĩa niệm Phật là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến danh hiệu, công đức mầu nhiệm và thân tướng trang nghiêm của chư Phật. Niệm là nhớ nghĩ, buộc tâm vào một đối tượng Chánh pháp, không rong ruổi theo niệm trần, thường tỉnh thường giác hiện rõ trước mặt. Niệm Phật là quán tưởng thân tướng hay niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm các công đức, trí tuệ, từ bi… của các Đức Phật. Lấy danh hiệu làm đối tượng niệm, tâm thanh tịnh làm chủ thể niệm, thường trụ vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy tất sẽ đạt đến cảnh giới an vui chân thật.
Hành giả an trụ vào câu Phật hiệu hay quán tưởng thân tướng trang nghiêm của Phật với tâm thanh tịnh sẽ tạo thành một năng lực mầu nhiệm, quét sạch mọi vọng tưởng điên đảo, khơi dậy tự tánh Di Đà bên trong mỗi chúng sanh. Từ đây vọng tưởng quyết dứt trừ, cảnh giới an vui thanh tịnh nhiệm mầu sẽ hiển lộ. Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tâm tưởng chúng sanh, cho nên tâm các người nhớ nghĩ Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh, vì thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng sâu sắc thân của Đức Phật kia”.
Lập trường căn bản của tông Tịnh Độ được kiến lập trên nền tảng nhân quả, tức có tạo nhân mới mong hưởng quả. Điều này xác quyết, nếu muốn về sau làm Thánh chúng nơi cảnh giới Cực Lạc thì ngày hôm nay hành giả phải có tư cách của bậc Thánh. Vì vậy, trong cuộc sống hiện tại, cần phải thường xuyên chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý hướng đến thanh tịnh. Ví như học trò đi học phải có sự tiến bộ theo thứ lớp, có như vậy mới mong có ngày thành tài đỗ đạt. Người niệm Phật cũng thế, nếu hôm nay cứ sống trong sự buông thả, không chịu nỗ lực tinh tấn tu hành, mà cứ van xin và tin rằng ngày mai Phật sẽ cứu độ; nếu tin như thế thì thật trái với lý nhân quả, chẳng khác nào luận thuyết của ngoại đạo và hoàn toàn không phù hợp với giáo lý nhà Phật.
Như vậy, người niệm Phật muốn vãng sanh Tịnh độ, ngoài năng lực hộ trì và tiếp dẫn của Phật, cần phải tự lực tu tập tức phải có chánh nhân Tịnh độ. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, hành giả muốn được vãng sanh Tịnh độ phải hội đủ ba điều kiện: “Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ không sát hại, tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì ba pháp quy y, đầy đủ các giới không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người khác cùng tu”. Ba điều trên đây gọi là chánh nhân Tịnh độ, có thể tóm thâu vào hai vấn đề chính là phát Bồ đề tâm và nghiêm trì tịnh giới.
Việc đầu tiên của người niệm Phật là phát Bồ đề tâm. Thế nào là phát Bồ đề tâm? Tức phát tâm trên mong cầu quả vị Phật, dưới nguyện hóa độ các loài chúng sanh. Người tu Phật nếu không phát Bồ đề tâm dẫu có tinh tấn tu trì thực hành các hạnh lành cũng chỉ là nhọc công vô ích. Điều này trong kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Quên mất tâm Bồ đề, dẫu tu các hạnh lành, cũng đều là nghiệp ma”. Vì vậy hành giả muốn được vãng sanh thì phải phát tâm Bồ đề, đây là điểm quan trọng không thể thiếu đối với người tu Phật nói chung và Tịnh độ nói riêng.
Thứ hai là nghiêm trì tịnh giới, tức mỗi người tu tùy theo giới luật bản thân đã thọ mà hành trì. Bất kỳ tông phái nào trong đạo Phật cũng không thể ly khai giới luật vì giới là nền tảng nhập đạo, là thọ mạng của Phật pháp. Nếu không có giới thì định tuệ cũng không thể phát sanh. Giới định tuệ đã không phát sanh thì Pháp thân huệ mạng biết nương vào đâu để thành tựu?
Có thể nói Luật tông và Tịnh Độ tông là hai tông phái hỗ tương và bao trùm và không thể tách rời nhau. Hai tông này tóm thâu toàn bộ tám tông khác của Đại thừa, như Đại sư Thái Hư nói: “Luật là nền tảng của tam thừa, Tịnh Độ là mái che chung tam thừa”. Hành giả nghiêm trì giới luật, từ đó câu niệm Phật mới hiển lộ hết công năng mầu nhiệm, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có dạy: “Một câu niệm Phật có thể tiêu trừ tám mươi vạn ức kiếp sanh tử trọng tội”.
Trên nền tảng của việc phát Bồ đề tâm và nghiêm trì tịnh giới, hành giả phát tâm khát ngưỡng cầu sanh Tịnh độ. Tâm cầu sanh Tịnh độ này phải hội đủ ba đức tính quyết định là tín thâm, nguyện thiết và hạnh chuyên.
Tín là đức tin, là cánh cửa quan trọng để vào đạo, là cội nguồn của mọi công đức. Người tu Phật thiếu đức tin sẽ không thoát ly sanh tử, đạt kết quả an vui giải thoát. Bởi tất cả công đức vô lậu đều nương nơi tín mà lập và do tín mà thành. Hành giả niệm Phật ngoài đức tin trong sạch tuyệt đối với Tam bảo, với sự tìm hiểu bằng kiến chiếu của trí tuệ Bát nhã sáng suốt kiên định không ngờ vực, gia thêm lòng tin kiên cố vào pháp môn niệm Phật. Đức tin này được dựng lập trên ba điểm.
Thứ nhất hành giả tin tưởng Đức Phật Thích Ca là bậc đã thân chứng cảnh giới Tịnh độ, những lời dạy của Ngài về cảnh giới Cực Lạc và khuyên chúng sanh phát nguyện cầu sanh Tây phương là có thật. Hai là tin Đức Phật A Di Đà với bốn mươi tám đại nguyện tiếp độ chúng sanh, nếu ai có tâm mong về thế giới của Ngài thì người ấy sẽ được Phật tiếp độ. Ba là tin vào tự tánh thanh tịnh, vào khả năng giác ngộ sẵn có của mình, nếu hiện đời phát tâm niệm Phật thì mai hậu quyết định sẽ được vãng sanh Tịnh độ.
Trên cơ sở của tín, hành giả cầu sanh Tịnh độ cần phải có đủ yếu tố thứ hai là khẩn thiết phát nguyện. Trong Phát Bồ đề tâm văn của Đại sư Tĩnh Am có dạy: “Cửa chính yếu vào đạo là lấy sự phát tâm làm trước, việc cấp thiết tu hành lấy sự lập nguyện làm đầu, nguyện có lập thì chúng sanh mới độ, tâm có phát thì Phật đạo mới thành”, lời dạy ấy của Tổ sư đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện đối với việc tu hành.
Tâm nguyện cầu sanh Tây phương theo Thiên Thai Trí Giả đại sư gồm hai điều là yểm ly và hân nguyện. Tâm yểm ly là tâm chán lìa. Hành giả phải luôn quán niệm sắc thân này vốn là hư vọng, chỉ là tổ hợp của năm uẩn chứa đựng khổ đau và bất tịnh. Phiền não cuộc đời luôn cấu xé tâm can, như những mũi tên độc đâm vào da thịt. Nhờ thường xuyên quán sát như thế, hành giả sẽ sanh tâm nhàm chán, đối với thân xác và mọi thú vui dục lạc ở đời sẽ không sanh tâm đắm nhiễm. Tâm chán bỏ thế giới Ta Bà càng lớn thì chí nguyện cầu sanh càng mạnh. Người niệm Phật trước sau chỉ có một ước nguyện duy nhất là mong cầu sớm thoát khỏi lao tù Ta Bà hiện tại, nguyện thác sanh về Cực Lạc ngày mai chính là hân nguyện. Tâm tha thiết cầu sanh đó chẳng khác nào như kẻ tha phương trông ngóng cố hương, người xa cha mẹ mong ngày đoàn tụ, như trong Di Đà sớ sao có dạy: “Trông về Cực lạc như nhớ cố hương, ngưỡng mến Đức Từ Tôn như cha mẹ”.
Tín nguyện đã đầy đủ nhưng thiếu phần hạnh, người tu Tịnh độ cũng khó thành tựu, vì vậy cần phải chú trọng vấn đề hành trì. Đại sư Ngẫu Ích từng dạy: “Được vãng sanh đều do ở tín và nguyện; phẩm vị cao hay thấp là bởi ở chỗ hành trì có cạn hoặc sâu”. Ngoài việc tu tạo phước đức, trí tuệ và giữ gìn giới luật làm trợ hạnh vãng sanh, hành giả phải thực hành chánh hạnh. Chánh hạnh ở đây là phát tâm thanh tịnh thường trì Thánh hiệu Phật. Theo pháp môn Tịnh độ thì việc niệm Phật bao gồm bốn môn then chốt là Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Trì danh niệm Phật.
Thật tướng niệm Phật là thể nhập vào Đệ nhất nghĩa đế, niệm tánh Phật bản lai của mình. Bản thể xưa nay vốn thanh tịnh vắng lặng, không bị phiền não cấu nhiễm. Hành giả trụ tâm vào tánh Phật bản lai đó, khiến tâm không vọng động, không chạy theo niệm trần, tâm lần hồi trong sáng thể nhập vào cảnh giới nhất tâm.
Quán tưởng niệm Phật là hành giả quán tưởng chánh báo và y báo trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc, cho đến khi mở mắt hay nhắm mắt cũng đều thấy cảnh giới Cực Lạc rõ ràng.
Quán tượng niệm Phật là người tu luôn nhiếp tâm vào hình tượng của Phật A Di Đà, cho đến khi có đối trước hay không đối trước tôn tượng Ngài, hình tướng oai nghiêm của Phật A Di Đà vẫn hiện ra trước mắt.
Sau cùng là Trì danh niệm Phật, đó là niệm thầm hay niệm ra tiếng bốn chữ A Di Đà Phật hay sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật. Hành giả niệm Phật với tâm tha thiết chí thành không xen lẫn tạp niệm, chỉ chú tâm vào danh hiệu Phật, lần hồi sẽ đi vào cảnh giới nhất tâm. So với ba môn trước thì pháp Trì danh niệm Phật có phần giản dị dễ tu và dễ thành tựu. Đây quả thật là phương tiện thù thắng trong các phương tiện, là đường tắt tu hành trong mọi đường tắt.
Vấn đề quan trọng của pháp niệm Phật là trong khi niệm phải giữ tâm thanh tịnh, bởi tâm thanh tịnh là nhân tố quyết định cho việc thành tựu cảnh giới nhất tâm. Muốn đạt được điều này, theo Tổ sư Ấn Quang: “Khi hành giả đề khởi câu Phật hiệu, tai phải nghe rõ ràng từng chữ, tâm phải trụ vào câu Phật hiệu, không chạy theo vọng trần và nhiếp tâm liên tục, hành giả sẽ tiến sâu vào cảnh giới chánh định”. Chánh định hay nhất tâm sẽ làm cơ sở cho tuệ giác bùng phát, theo Đại sư Liễu Nhất: “Khi tâm chuyên chú vào câu Phật hiệu, quên cả thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả không gian thời gian, đến lúc vọng hoặc tiêu tan, tâm thể bừng sáng, hành giả có thể chứng được niệm Phật tam muội”.
Qua những điểm khái quát về ba yếu tố tín, nguyện, hạnh của pháp môn niệm Phật, chúng ta thấy pháp môn này có phần đơn giản, dễ thực hành mà kết quả lại cao tuyệt. Pháp môn này là thuyền từ ra khỏi Ta bà, là cửa mầu để vào Phật đạo (Xuất Ta bà chi bảo phiệt, thành Phật đạo chi huyền môn). Sự dễ tu dễ chứng so với các pháp môn khác được các bậc cổ đức đánh giá: “Tu các pháp môn khác, như con kiến bò dọc theo ống tre, hành trì môn Tịnh độ như con kiến đục thủng ống tre ra ngoài”.
Vì tính cách khế lý khế cơ ấy mà từ trước đến nay không biết bao nhiêu người niệm Phật được kết quả vãng sanh. Sự mầu nhiệm đó trong Tịnh độ thánh hiền lục đã ghi lại rõ ràng. Pháp môn này lại bao quát trên từ các bậc Đẳng giác Bồ tát, các bậc đại đức cao tăng, dưới cho đến những kẻ cùng hung cực ác, thậm chí đến những loài súc sanh cũng nhờ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà được thoát ly thân cầm thú, sanh về cảnh giới Tịnh độ.
Tại Việt Nam, pháp môn Tịnh độ đã sớm truyền vào và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XI, Thiền sư Tĩnh Lực (thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông) đã chứng niệm Phật tam muội. Cũng trong thế kỷ này, một vị tướng của Lý Thánh Tông đã dựng tượng Phật A Di Đà tại núi Lan Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Thiền sư Không Lộ (mất năm 1141) đã từng dựng tượng Phật A Di Đà ở chùa Quỳnh Lâm. Thảo Đường quốc sư, vị khai tổ dòng thiền Thảo Đường của Phật giáo Việt Nam (vào thế kỷ XIII) đã khuyên đồ chúng nên tu Tịnh độ với bài “Pháp ngữ thị chúng” tuyệt vời. Huyền Quang tam tổ thiền phái Trúc Lâm cũng đã lập tháp Cửu phẩm liên đài tại chùa Bút Tháp để khích lệ tứ chúng cầu nguyện vãng sanh. Thời cận đại có các bậc cao tăng như Hòa thượng Tâm Tịnh, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Hải Tràng, Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Thiền Tâm… đã tu tập và truyền bá pháp môn Tịnh độ, làm cho Phật pháp được hưng thạnh và lan truyền cho đến ngày hôm nay.
Thiết nghĩ, chúng sanh trong bối cảnh phước mỏng nghiệp dày, muốn đạt đến sự giải thoát cần nương vào pháp môn niệm Phật. Điều này trong kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, Đức Phật có dạy: “Thời mạt pháp ức ức kẻ tu hành song ít có người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn Niệm Phật mới mong thoát khỏi luân hồi”.
Phải chăng, pháp môn này là mật ý vi diệu, là sự thể hiện tình thương bao la của Đức Phật đối với tất cả chúng sanh trong thời mạt pháp, như trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy: “Trong đời tương lai khi kinh đạo diệt hết, Ta dùng sức từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh này một trăm năm. Chúng sanh nào gặp được kinh này, tùy theo sở nguyện đều có thể đắc độ”. Tình thương vô bờ bến của Phật đã như thế, phận làm đệ tử chúng ta nếu không lo phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương, tức đã cam tâm phụ ân tình của Ngài.
1- Những kinh luận chủ yếu của giáo nghĩa Tịnh độ là gì?
2- Chánh nhân Tịnh độ bao gồm những yếu tố nào?
3- Thế nào là tín thâm, nguyện thiết và hạnh chuyên?
4- Bốn môn niệm Phật của pháp môn Tịnh độ là gì?