Saturday, October 4, 2008

Thân giáo

Lợi ích của ăn chay?

Ý thức rằng ăn chay là để tôn trọng sự sống, để bảo vệ sức khoẻ, để nuôi dưỡng lòng thương đối với muôn loài và tránh quả báo sát hại. Có thể bạn chưa ăn chay trường được nhưng bạn nên luôn tâm niệm tìm cách giảm thiểu tối đa việc sát sanh.

Là Phật tử chân chánh, bạn cần thấy được bản chất của vấn đề chứ không nên bám vào các hình thức cứng nhắc. Khi hiểu được bản chất của việc ăn chay, bạn sẽ không còn kẹt vào hình thức và trong bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể phát huy được lợi ích của việc ăn chay.

Thân giáo.

Thân giáo là một phương thức giáo dục quan trọng trong ba phương thức giáo dục Phật giáo: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Bởi dù người dạy có ý tưởng hay, lời nói đẹp mà thân hành không trang nghiêm, lời nói không đi đôi với việc làm thì làm sao tạo ra sức thuyết phục và chuyển hóa hội chúng. Do vậy, thân giáo là chuẩn mực, là quy phạm để chúng ta tự nhìn lại chính mình. Vì thật khó có thể dạy người phải làm như thế này, không nên làm như thế kia, khuyên răn người đừng phạm lỗi lầm v.v..., trong khi chúng ta vẫn còn nhiều lầm lỗi. Nếu thân mà không nghiêm, việc làm không chánh trực thì chắc chắn dù nói lời hay, ý tưởng đẹp đều không có giá trị giáo dục, chuyển hóa người khác. Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

“Trước hết tự đặt mình

Vào những gì thích đáng

Sau mới giáo hóa người

Người trí khỏi bị nhiễm”

(PC-158)

Lo lắng

Biết lo toan tức có sự tiên liệu về kết quả của những việc mình sắp làm. Nhờ vậy mà có thể tránh được những sai sót, lầm lỗi không đáng có và hy vọng có thể đi đến thành công. Một người không có khả năng lo liệu và toan tính cho công việc của bản thân và gia đình thì xem như hỏng hoặc chỉ là người “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Lo lắng hay biết lo xa là tốt. Tuy vậy không phải lúc nào lo lắng cũng là điều hay, bởi có những mối lo không cần thiết. Theo tuệ giác Thế Tôn, người lo lắng những việc không đáng lo lắng và không lo lắng những việc đáng lo lắng là nguyên nhân khiến cho các lậu hoặc tăng trưởng và ngược lại chỉ lo những điều đáng lo, còn lại phải xả buông thì thân tâm được an tịnh, thảnh thơi.

Con người sống ở đời mang nhiều nỗi lo: Lo làm giàu, lo tích lũy tài sản, lo mất mát, lo tranh danh đoạt lợi, lo tô bồi bản ngã… Những lo toan này gần như chiếm phần lớn thời gian của một đời người đồng thời là cội nguồn phát sanh mọi phiền não. Và cuối cùng thì dù sang hay hèn, thành công hay thất bại trong cuộc đời không ai tránh khỏi điều họ luôn lo sợ, ám ảnh nhất là cái chết, sự mất mát và ra đi vĩnh viễn.

Trong khi đáng ra điều này phải ưu tiên lo lắng thật nhiều để nhận ra sự mong manh, tạm bợ, vô thường của thế gian mà xây dựng lối sống nhẹ nhàng, thanh thản và thương yêu nhau hơn. Nhờ lo lắng đúng đắn về những điều cần phải lo nên xả ly tham ái và chấp thủ, tôn trọng nhân quả, biết làm lành tránh dữ, xây dựng cuộc sống theo hướng thiện lành, góp phần thiết lập bình an và hạnh phúc cho cá nhân cùng toàn thể xã hội.

QUẢNG TÁNH