Sunday, October 12, 2008

Quốc thái dân an

Câu "Quốc thái dân an” hầu như mỗi ngày trong thời kinh, các chùa đều cầu nguyện: Phong điều vũ thuận Quốc thái dân an Gia gia vô cơ cẩn chi ưu Xứ xứ hưởng thái bình chi lạc

Bài phục nguyện này cho thấy Phật giáo chúng ta đã mang tính chất hộ quốc an dân. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đọc suông như vậy thì không có nghĩa gì; nhưng đọc với tấm lòng thành của chúng ta cầu nguyện chư Phật, Bồ tát và Hộ pháp thiện thần gia bị đến mới là điều quan trọng.

Qua lịch sử, chúng ta thấy rõ có những thời kỳ Phật giáo hưng thạnh thì đất nước chúng ta được phồn vinh, nhưng khi Phật giáo suy vi thì đất nước bị tai biến. Điều này thể hiện tinh thần Phật pháp đã gắn liền với dân tộc từ nghìn xưa cho đến ngày nay.

Nguyên nhân từ đâu mà Phật pháp hưng thạnh ? Phật pháp được hưng thạnh nhất là thời kỳ có Đức Phật ra đời, hoặc có các vị Thánh Tăng thị hiện. Thật vậy, một Đức Phật ra đời, thì chư Phật mười phương đều phóng quang gia bị, gọi là Nhứt Phật xuất thế, thiên Phật hộ. Nhờ có một ngàn Đức Phật phóng quang, tạo thành sự an lạc cùng tột cho cuộc sống nhân gian. Những điều tốt đẹp khi có Phật ra đời thường được diễn tả là người câm nói được, người điếc nghe được, người mù thấy được, mùa màng bội thu, v.v… mà trong bài phục nguyện nói rằng “Phong điều vũ thuận”, nghĩa là gió thuận, mưa hòa, khác với bị hạn hán mất mùa, bị sâu rầy phá hoại mùa màng, bị bão lụt làm cho dân nghèo đói.

Nhưng tại sao lại bị hạn hán, bão lụt, sâu rầy, cho đến nạn trộm cướp và đao binh? Khi bị hạn hán, mất mùa, đời sống người dân trở nên đói khát thì thường dẫn đến nạn cướp bóc, cho đến chiến tranh, tất nhiên cuộc sống mọi người phải khổ đau lầm than.

Và những hiện tượng xấu như vậy được cho rằng phát sinh từ tình trạng đạo đức suy đồi, mà người ta thường quy trách nhiệm cho người tu thiếu đạo đức mới không tạo được ảnh hưởng tốt cho xã hội. Thực tế cho thấy 50 năm trước, nói đến nhà sư là người ta nghĩ đến những người bệnh hoạn, nghèo đói, thất học và chỉ có mặt ở các đám tang, nên họ sanh tâm xem thường, cho rằng đạo Phật mê tín dị đoan. Riêng tôi xuất gia tu học ở thời đó, nên tôi phấn đấu đi lên, không tự ái, nhìn nhận những điều họ chê là sự thật để mình sửa đổi; họ chê dơ thì mình tắm rửa sạch sẽ, họ chê dốt thì mình nỗ lực học cho giỏi.

Đức Phật Thích Ca ra đời, các Đức Phật khác gia bị, nên đất nước Ấn Độ thời đó thạnh trị, nhân dân được thái bình an lạc. Đạo lực siêu tuyệt của Đức Phật khiến mọi người đều kính trọng Ngài, điển hình là những người đứng đầu ngoại đạo nổi tiếng đương thời đã trở thành đệ tử Phật như Xá Lợi Phất, giáo chủ đạo thần lửa, Ca Diếp, giáo chủ đạo thần rắn… Đạo lực của Đức Phật quá mạnh tác động cho mọi người và cả xã hội đều được an vui. Hòa thượng Pháp Lan lúc sanh tiền đã làm hai câu đối nói lên ý này:

Pháp lực uy thần thiền định phóng quang ma khấu thủ

Sư đăng bảo tọa đàm kinh nhập diệu, thạch đê đầu.

Nghĩa là đạo lực của Đức Phật lớn mạnh đến mức thiên ma phải cúi đầu, ngoại đạo phải theo. Nhà sư lên tòa thuyết pháp thâm nhập yếu nghĩa kinh, đạt đến trình độ không chỉ giới hạn trong ngôn ngữ hoạt bát, mà sử dụng được tâm thanh tịnh tác động thẳng vào tâm người nghe, đến mức độ tượng đá cũng phải cúi đầu. Hai câu này nhắc đến năng lực thuyết pháp của đại sư Pháp Vân có sức thuyết phục, khiến vua Lương Võ Đế phải kính nể mà quy y Tam bảo và phát nguyện xây chùa. Vua thì không dễ tin Phật, nhưng đạo lực của ngài Pháp Vân chẳng những cảm hóa nhà vua một cách dễ dàng mà còn tác động đến ông phỗng đá trước cổng chùa cũng phải gật đầu.

Đạo lực rất quan trọng, còn cầu nguyện suông không có kết quả. Vì vậy, đọc câu phục nguyện, phải hiểu ý nghĩa sâu sắc để thể hiện trong cuộc sống.

Quốc thái dân an

Gia gia vô cơ cẩn chi ưu

Xứ xứ hưởng thái bình chi lạc

Nghĩa là nước thạnh dân an, nhà nhà không lo đói khát, mỗi nơi đều được an lạc thái bình.

Ở đất nước chúng ta, Phật pháp đã được hưng thạnh trong vòng hơn 30 năm nay, khi chiến tranh đã kết thúc, đao binh tai ách đã chấm dứt. Còn lúc đất nước đang có chiến tranh, số thanh niên đi lính bị chết, bị thương rất nhiều, ngày nào cũng có người chết, có than khóc khổ đau. Thời đó, người xuất gia cũng hiếm và sống trong hoàn cảnh khó khổ như vậy, tu cũng không được; vì lúc nào cũng nghe tiếng súng, nghe tiếng rên siết, nên tâm người tu luôn bị dao động, nên không đắc đạo, cũng không học hành được.

Trong kiếp đao binh, chúng ta khó tu và kèm theo đao binh luôn là thiên tai, vì có đánh nhau, có thả bom gây ra cháy nhà, cháy rừng là hỏa tai. Đối với một số nước khác, hỏa tai là nạn núi lửa phun. Từ hỏa tai, cháy rừng, gây ra thủy tai, lụt lội, thì không thể có mưa thuận gió hòa và nước không thạnh, dân không an vì còn lo chết, lo đói làm sao an nổi, làm thế nào thạnh được.

Ngày nay, chiến tranh chấm dứt và đất nước chúng ta từng bước phát triển. Các Phật tử về thăm quê hương thấy chùa Ấn Quang, hay chùa Phổ Quang rất trang nghiêm, có sức chứa đến hàng ngàn người. Một số Phật tử Việt kiều nói với tôi rằng mấy chục năm trước, chỉ có vài chục người nghe pháp ở giảng đường Thiện Hoa, chùa Ấn Quang; nhưng nay có cả trăm người thính pháp. Những việc tưởng không có mà được, đó là nhờ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tu hành trong Chánh pháp, nên phước sanh ra.

Bước theo dấu chân Phật, chúng ta thực hiện lời Phật dạy, diệt trừ sáu căn bản phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Mọi việc chúng ta xả bỏ, không cố chấp, nghĩa là bỏ nghiệp của mình, được giải thoát và nhận thức đúng đắn là tuệ sanh; nhờ tâm chúng ta trở nên trong sáng, thấy được sự thật, kinh gọi là thật tướng các pháp; còn trước kia thấy theo tham vọng, nên bụng chưa đói mà tâm thấy đói. Còn thấy bình thường, thực tế bụng đói thì thấy đói và tu cao, bụng đã đói, nhưng tâm không đói, biết đó là nghiệp đói của thân mà thôi. Thiền sư một tuần không ăn vẫn bình thường, còn chúng ta mới vừa ăn sáng, nhưng đã thấy đói liền, là biết nghiệp đói, nên mình khắc phục nghiệp này bằng cách đọc tụng kinh điển, tham thiền nhập định.

Trên bước đường tu, chúng ta xả bỏ mọi việc, không để tâm dính mắc bất cứ điều gì. Chúng ta xả bỏ cái gì trước? Phật tử phát tâm tu, việc đầu tiên là người vô tình hay cố ý gây khó khăn, làm thương tổn đến ta, ta không quan tâm việc này nên không buồn giận, vì ta chỉ quan tâm đến giáo nghĩa Phật dạy và an trú trong diệu pháp. Đối với chúng ta, ngày nào chưa đắc đạo, phải lo ra khỏi sinh tử luân hồi, lo diệt trừ nghiệp chướng còn đeo đẳng mình. Riêng tôi, có người vô tình xúc phạm, tôi cảm thấy vui, vì nhờ họ, tôi có điều kiện thực tập pháp hỷ xả cho đến mức lòng thấy thanh thản thì biết nghiệp mình nhẹ. Còn nghiệp nặng, cứ chấp nghiệp làm mình, nên nghiệp sanh thêm. Phải biết mình có nghiệp mới khiến cho người chọc phá.

Tu hành trong Chánh pháp, hưởng được Thiền vị thì nghiệp hết, phước sanh, người bắt đầu quý trọng ta. Nhưng lúc đó, coi chừng tâm chấp trước bắt đầu sanh khởi. Bị người miệt thị thì khổ, nhưng được khen ngợi thì sanh tâm chấp trước; như vậy, hết rơi vô khổ lại mắc vào chướng, tức là lẩn quẩn trong vòng nhị biên. Kinh Pháp Hoa dạy rằng, bị khinh chê hay được trời người cung kính cũng bình thường. Thành tựu pháp hỷ xả, tâm chúng ta an lạc sẽ thể hiện thành cuộc sống an lạc và thân tâm an lạc sẽ tác động những người sống chung cùng được an lạc.

Quý vị tu một ngày an lạc, không chấp khổ, không chấp vui, trụ ở tâm xả, thì về nhà, người thân trong gia đình có nói gì, quý vị cũng không buồn giận, chỉ nở nụ cười hoan hỷ. Giả sử họ nói mình là bà già khó tánh, không làm nhưng khó. Quý vị tập nghĩ đơn giản rằng mình không có gì cho con cháu thì có thể cho chúng nói một câu chọc phá như vậy để chúng vui, có sao đâu. Một người đến thưa với tôi làm sao cho bố mẹ con lên chùa tu, ở nhà tụi con chịu không nổi ! Tại mình khó tánh, muốn này nọ, nhưng thực tế nó làm không được như mình muốn. Nếu tiếp tục kiểu khó như vậy, cũng chẳng ích lợi gì, chỉ làm khổ mình và làm khổ cả người thân. Quý vị nên xả bỏ và khởi tâm thương xót con cháu mình còn kém cõi.

Chúng ta trụ tâm an lạc và thân an lạc, thì người gần gũi cũng an lạc theo. Chúng ta bực tức, tính toán, chắc chắn người thân cận cũng mất vui. Cần phải xây dựng bản thân mình an mới làm cho người xung quanh an được. Đức Phật cũng dạy rằng một người làm tốt ảnh hưởng cho nhiều người và cho cả xã hội cùng tốt. Tu đúng pháp, sự cầu nguyện của chúng ta mới trở thành hiện thực; còn chỉ đọc suông không thể có kết quả như ý. Mình an mới có thể làm cho người khác an, mình chưa an mà bảo người an là điều không tưởng. Ngày xưa Đức Khổng Tử đi bình thiên hạ suốt cả cuộc đời cũng không được; vì tâm ông chưa an.

Đức Phật tu hành và thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ đề, thân tâm Ngài hoàn toàn an lạc, từ đó trên bước đường hoằng hóa độ sinh, Đức Phật đi đến đâu thì người ta được an lạc đến đó. Đến Lộc Uyển, Ngài gặp năm nhà hiền triết ưa tranh luận, nghĩ rằng họ sẽ không tiếp chuyện với Đức Phật, nhưng khi Phật đến nơi, tâm an lạc của Ngài đã tác động tâm họ, khiến họ cảm nhận được sự an lạc kỳ diệu, liền chào hỏi Phật. Khi Phật chưa đắc đạo, Ngài uống bát sữa thì năm vị này cũng phê bình Ngài; nhưng nay Phật nói gì, các ông cũng nghe theo. Cho đến vua Tần Bà Sa La thấy dáng giải thoát của Phật và nghe lời nói nhẹ nhàng của Ngài, vua cũng phát tâm quy y và dâng cúng Phật vườn thượng uyển để Ngài thuyết pháp cho toàn dân nghe, vì vua muốn mọi người cũng được an lạc.

Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp thấy vua dâng cúng vườn thượng uyển cho Đức Phật, ông khởi tâm ganh tức, vì nghĩ rằng ông là quốc sư đã đóng góp nhiều công sức cho triều đại này, nhưng vua lại không nghĩ đến ông. Đức Phật bằng trí giác đã làm cho ông an, thể hiện đúng ý nghĩa cầu an. Muốn cầu an, phải biết tâm trạng họ nghĩ gì. Đức Phật đến với Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, ông liền có ý niệm ác là sa môn Cù Đàm tới số đến đây một mình. Nhưng nhân cách thánh thiện và tâm hồn giải thoát của Ngài đã làm ông phải nghĩ lại. Tâm Phật thanh thản nhẹ nhàng đi thẳng vào tâm của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp. Lời đầu tiên mà Phật nói với ông là vua ban cho tôi khu vườn thượng uyển rộng lớn, nhưng tôi không có người trông nom. Ngài có 500 đồ chúng có thể quản lý tốt khu vườn này, nên tôi giao lại cho Ngài. Thái độ cao thượng của Đức Phật đã làm ông thay đổi suy nghĩ ác thành thiện. Theo Phật, xóa bỏ hận thù là vậy. Còn thấy tôn giáo của họ phát triển hơn mình, chúng ta cố gắng làm hơn họ, là sai; tai họa gần nhất là ta và giáo phái của họ tranh chấp thì ta một mình, trong khi đồ chúng của họ đông, ta hiền, trong khi họ thủ đoạn, như vậy thử nghĩ ta có an nổi hay không.

Đức Phật chỉ có lòng từ bi muốn làm cho người vui lòng, không muốn làm người bực tức đau khổ. Tâm từ bi của Phật đã chuyển hóa ý sát hại của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp thành tâm kính trọng Phật. Đức Phật có phước quá lớn vì tâm Ngài bao la, tâm Ngài an lạc vô cùng, tâm Ngài từ bi thật sự, mới rưới tắt được lửa hận thù. Ông đã quỳ lạy Đức Phật và xin làm đệ tử Ngài. Chỉ một lời nói mà Đức Phật đã chuyển tâm 500 người tu lâu theo tà đạo. Họ càng tu, lòng tham lam sân hận càng cao, tức muốn chiếm vườn thượng uyển thành sở hữu của họ để bành trướng thế lực. Còn thực tu thì phải có bốn tâm từ bi hỷ xả mà Đức Phật đã sử dụng để cảm hóa được giáo chủ đạo thần rắn và 500 quyến thuộc của ông.

Hơn một ngàn Phật tử tu tập trong đạo tràng này nên thực tập tâm hỷ xả trong việc đối xử với mọi người, sẽ thay đổi được tâm họ không còn xấu ác với mình. Nếu họ chưa thay đổi là vì chúng ta đang thực hành hạnh này, nhưng chưa chứng đắc. Chúng ta không buồn giận, nhưng còn ấm ức trong lòng, cần phải xả sự ấm ức này, để tâm chúng ta hoàn toàn trong sáng và trước khi làm Phật sự nào, chúng ta thường nhập từ bi quán, nghĩa là vào trong định để cho tâm từ bi sanh khởi rồi mới làm.

Chúng ta tu hành trong chánh pháp ảnh hưởng cho người kế cận an lạc và những người ngoài xã hội cũng được an, nên chính quyền đã có cái nhìn tốt đẹp đối với giới Phật giáo chúng ta. Kết quả gần nhất là năm nay, chúng ta mượn được sân vận động quân khu 7 để tổ chức Phật đản và càng vinh danh Phật thì sinh hoạt của chúng ta phải tốt hơn nữa, việc làm của chúng ta càng làm lợi lạc cho xã hội.

Ngoài ra, thành quả tu hành của Tăng Ni cũng đạt đỉnh cao, khi Giáo hội chúng ta đã đủ sức mở cuộc hội thảo quốc tế và tổ chức đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc với 70 nước tham dự thành công tốt đẹp. Tăng Ni và Phật tử cả vạn người tham dự đại lễ mà không có việc gì đáng tiếc xảy ra, chúng ta đã thể hiện tinh thần Phật dạy là tập họp trong sự đoàn kết, hòa hợp, thanh tịnh, sáng suốt theo đúng chánh pháp.

Muốn quốc thái dân an, tâm chúng ta phải an trước và bạn bè thấy điều tốt đẹp như vậy mới bắt chước làm theo. Ta không an mà muốn làm cho người khác an chỉ là điều không tưởng. Tôi khuyên người ăn chay được, vì tôi ăn chay hơn 60 năm mà sức khỏe vẫn tốt, đã 70 tuổi mà tâm trí vẫn sáng suốt, bác bỏ được quan niệm cho rằng ăn chay bệnh hoạn, không thông minh.

Có thể khẳng định rằng nếu chúng ta tu đúng chánh pháp, thực hành được kết quả đến đâu thì người khác sẽ nghe theo mình đến đó. Và tu đúng như Phật dạy chính là đóng góp lợi ích lớn lao cho cuộc sống, làm cho nước thạnh nhà an. Trái lại, cũng là đệ tử Phật, cũng tu, nhưng không làm đúng, tâm chúng ta bất an, chắc chắn hoàn cảnh không bao giờ tốt được.

Tôi mong tất cả Phật tử tham dự khóa tu này, tìm được một ngày an lạc cho đến trọn đời được an lạc. Tu hành theo Phật, quý vị cần luôn nhớ nghĩ đến hạnh đức của chư Phật, chư Bồ tát, để tạo cho mình tinh thần an lạc, thì chưa khuyên người khác, họ cũng noi gương mình mà làm theo, vì thân và tâm mình đã khuyên được họ. Và khi quý vị trải qua nhiều ngày tu an lạc, trở về gia đình, người thân cũng nhận thấy niềm an lạc tỏa sáng nơi lời nói và hành động của quý vị, họ phát tâm tu theo; còn về nhà, gây rắc rối, là tu sai pháp.

Cầu mong cuộc sống của các Phật tử luôn an lạc trong pháp Phật, làm nền tảng cho việc xây dựng nước nhà thạnh trị, nhân dân được thái bình an lạc.

HT.Thích Trí Quảng