Thursday, October 2, 2008

Ý nghĩa Phẩm Pháp Sư thứ 10

Trước khi nói kinh Pháp Hoa, Đức Phật chưa thọ ký cho ai thành Phật, chỉ có người đắc A la hán hay Bích Chi Phật, nghĩa là có sai biệt giới; nhưng đến đây quy về bản thể tu hành thì hàng Thanh văn và Duyên giác phải thành Phật, không thể thành quả vị gì khác. Ngoài ra, Đức Phật còn mở rộng sự thọ ký, kể cả hàng cư sĩ tu hành cũng thành Phật. Người tu trước thì đạt quả vị trước và ai tu cũng thành Phật. Ý này bắt đầu bằng phẩm Pháp Sư thứ 10, Đức Phật nói với Dược Vương Bồ tát: “Tất cả Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, thiên long bát bộ, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ tát hay cầu Phật đạo mà ở trước Phật nghe kinh Pháp Hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, ta đều thọ ký Vô thượng Bồ đề”.

Trước đó, Đức Phật chỉ thọ ký cho người xuất gia tu hành có đức hạnh như Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Tu Bồ Đề, A Nan, La Hầu La, v.v... Nhưng nay, Đức Phật thọ ký cho mọi thành phần, không phân biệt xuất gia hay cư sĩ, nam hay nữ và kể cả loài súc sinh. Khi họ chưa phát Bồ đề tâm thì chưa thành Phật được, nhưng nếu phát tâm Bồ đề và tu hành, chắc chắn cũng thành Phật. Tuy nhiên, đến đây còn loại trừ hàng nhứt xiển đề, họ không thể thành Phật.

Đó là ý quan trọng nhất của kinh Pháp Hoa rằng tất cả mọi loài, mọi người nghe kinh Pháp Hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ đều được Đức Phật thọ ký thành Phật. Trước kia, hàng Thanh văn, Duyên giác hướng về Niết bàn là thú tịch Thanh văn nên không thể thành tựu Phật quả. Vì vậy, đắc quả A la hán rồi, phải phát tâm Bồ đề, trọn vẹn Bồ tát đạo mới đạt đến quả vị Phật. Chúng ta thấy rõ ý này khi Đức Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất, Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, v.v... Ngài đều dạy rằng phải hành Bồ tát đạo đầy đủ tâm đại bi mới thành Phật được; không phải Đức Phật thọ ký là thành Phật liền, mà không cần tiến tu Bồ tát hạnh.

Chúng ta nghe kinh Pháp Hoa là học và thực hành pháp tu của Bồ tát hướng đến độ sinh. Một vị đắc A la hán đi vào sinh tử để thực hiện việc giáo hóa chúng sinh; nói cách khác là hành Bồ tát đạo đến khi trọn vẹn được công hạnh của Bồ tát thì sẽ đạt quả vị Phật. Ở giai đoạn tu Thanh văn một mình, nay phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo lấy giáo hóa độ sinh làm việc chính. Việc hành Bồ tát đạo của chúng ta cao hay thấp căn cứ ở thành quả giáo hóa chúng sinh. Độ được càng nhiều người sống theo pháp Phật, công đức chúng ta càng lớn. Như vậy, con đường đi đến Phật quả là phải thực hiện việc giáo hóa độ sinh, cho đến khi không còn người nào, loài nào mà ta không cảm hóa được thì mới thành tựu quả vị Phật.

Ở các giai đoạn trước, Đức Phật phải nói pháp Thanh văn dạy người hướng đến Niết bàn, là vì Ngài muốn độ những người sợ sinh tử. Nhưng nay, Đức Phật dạy phải thực hiện việc độ sinh theo tiêu chuẩn là Diệu Pháp Liên Hoa; nghĩa là giúp người trên nền tảng trí tuệ là Diệu Pháp và đạo đức là Liên Hoa.

Khi chưa tu, chúng ta không độ được người. Đến khi phát tâm xuất gia học đạo, rèn luyện pháp tu Thanh văn, chúng ta trở thành người đạo đức, tức không tham, sân, si. Từ mẫu đạo đức của Thanh văn, tiến sang bước thứ hai, thực tập pháp tu quán nhân duyên của hàng Duyên giác sẽ giúp chúng ta trở thành người trí thức có tầm nhìn thấy xa biết rộng. Quán 12 nhân duyên là mở rộng tầm hiểu biết về nhân duyên sinh diệt của tất cả các pháp, vì thấy nhân duyên là thấy pháp. Thật vậy, theo Phật, tất cả pháp đều do nhân duyên sinh, nên ta biết được nhân duyên là biết được tất cả pháp hữu hình, vô hình, hữu tình, vô tình. Nói theo ngày nay là phải thấy được sự việc ở mọi mặt về chính trị, văn hóa, xã hội, v.v...

Trải qua pháp tu của hàng nhị thừa, đạo đức của chúng ta là không tham sân si và phát triển hiểu biết của chúng ta về khoa học tự nhiên và xã hội; kết hợp đạo đức và tri thức như vậy mới dấn thân theo tinh thần Pháp Hoa được. Như vậy, người hành trì Pháp Hoa không nhứt thiết mang hình thức nào. Điều kiện đòi hỏi là tin kinh Pháp Hoa và thực hiện tinh thần Pháp Hoa, tức nâng cao đạo đức và tri thức. Thử nghĩ các Bồ tát vào đời mà không hiểu chúng sinh, chúng sinh nghiệp, chúng sinh phiền não thì làm thế nào giáo hóa họ.

Nghe kinh Pháp Hoa tùy hỷ, được Đức Phật thọ ký, tức phát triển đạo đức và tri thức làm đẹp cuộc đời là được thọ ký; không cần phải là Tăng Ni. Ngoài ra, kinh dạy rằng những người là hành giả Pháp Hoa thật sự tức là người đã thành Vô thượng Đẳng giác vì thương nhân gian sinh lại đời. Ý này mở ra cánh cửa thứ hai để chúng ta thấy khác lạ hơn. Trước kia, chúng ta thấy chỉ có con đường từ đây đến thành Phật là từ nhân hướng quả. Nhưng đến yếu nghĩa Pháp Hoa thì từ quả hướng nhân, là vì thương nhân gian mà sinh lại cuộc đời. Điều này giúp chúng ta phân biệt được Bồ tát từ nhân hướng quả và Bồ tát từ quả hướng nhân.

Người tu lâu mà không làm được việc, thì biết họ mới tu đời này, đang từ nhân hướng quả. Người làm được việc lớn là Bồ tát từ quả hướng nhân, đời trước đã tu nên đời hiện tại tài giỏi vượt hơn nhiều người. Điển hình như Hòa thượng Thiện Hoa ra Huế chỉ học dự thính và viên tịch vào tuổi 55, nhưng đã để lại sự nghiệp lớn lao cho đạo pháp, vì đời trước Ngài đã là luận sư, nên hiện đời mới có tài đức như vậy. Hoặc Tổ Huệ Năng chỉ công quả, giã gạo, không được học, nhưng làm Tổ. Có thể hiểu vì đời trước Ngài đã là Tổ sư, nên tái sinh, Ngài thị hiện làm người tầm thường, không phải tầm thường thật.

Mới phát Bồ đề tâm tu hành, việc công phu tu tập của chúng ta còn nhiều khó khăn lắm. Biết như vậy, ta không phiền não, ganh tức với người; nếu không, ta dễ bất mãn, khinh khi rằng họ dở hay tu sau ta, thì bị tổn phước. Bồ tát từ nhân hướng quả tu hành vất vả cực khổ mà kết quả không được là bao, thậm chí nhiều khi còn bị kết quả xấu. Trái lại, Bồ tát từ quả hướng nhân sống đơn sơ, làm việc đơn giản mà thành quả không ai có thể sánh bằng, phải biết đó là người ngoại lệ.

Từ sự phân biệt được Bồ tát đang tu nhân hướng quả và Bồ tát từ quả hướng nhân, vì thương nhân gian sinh lại cuộc đời này, kinh Pháp Hoa khẳng định cho chúng ta thấy đời này tu, đời sau hưởng thành quả, hay mở ra cánh cửa cho thấy Đức Phật đời trước đã là Phật, nên đời này Ngài chỉ trải qua 6 năm thể nghiệm pháp là thành Phật ngay lập tức. Như vậy, tự biết chúng ta còn phải trải qua vô số kiếp nữa mới thành tựu quả vị Phật.

Nếu ai chê Bồ tát thương nhân gian sinh lại đời thì bị tội nặng còn hơn chửi mắng Phật trong một kiếp. Tôi nghiệm ý này thấy rằng nếu ta có học mà thua người không học thì phải tự xấu hổ, còn khinh chê họ là tự hại mình. Đừng chê những thầy có nhiều đệ tử, chê họ thì đệ tử họ ghét ta, chống ta. Trân trọng họ thì đệ tử họ cũng thương mình. Sinh trên cuộc đời, có người được quyến thuộc đông, người ít quyến thuộc; đó là do quá trình hành Bồ tát đạo đời trước. Nếu đời trước chúng ta học giỏi, nhưng tu hạnh viễn ly Thanh văn, Duyên giác, không giúp đỡ ai, nên đời này không ai theo ta. Thầy dở, nhưng người theo vì đã cưu mang họ. Học kinh Pháp Hoa phải nhớ lý nhân duyên. Theo duyên mà độ là làm đúng với sự phân công tự nhiên thì lòng ta luôn thanh thản.

Để chỉ thành quả tu hành của tam thừa giáo là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát, Đức Phật lấy thí dụ đào giếng trên cao nguyên. Thanh văn đào giếng trên cao nguyên ngụ ý người khổ công tu, nhưng không gặt hái được kết quả bao nhiêu; vì cách Phật huệ quá xa, không thể thấy Phật. Phải nỗ lực đào đến đất ướt, đất bùn, mới gần được nước, chỉ cho chúng ta cố gắng tu tập nhiều mới có được thành quả. Hay nói ngược lại là người tu ít mà được thành quả nhiều là biết họ đang ở đất ướt, đất bùn rồi.

Trong phẩm Pháp Sư nói rằng người nghe kinh Pháp Hoa mà tin được và áp dụng trong cuộc sống thì được gần Phật, được Phật thọ ký. Hàng Thanh văn chưa nghe được kinh này, trong khi ta đã nghe rồi là biết ta đã tiến được một bước. Và người nghe kinh Pháp Hoa mà kinh nghi, sợ sệt là Thanh văn tăng thượng mạn hay Bồ tát mới phát tâm. Thanh văn tăng thượng mạn thì nhìn sai lệch, vì không hiểu đạo nên thường phê phán người được quần chúng ủng hộ, cho rằng họ dở, không học, không tu và ưa nói xấu họ, nên thường bị quả báo.
Người nghe kinh Pháp Hoa mà kinh sợ là Bồ tát mới phát tâm; điển hình như nhiều người thấy Ngài Huệ Năng bửa củi, giã gạo mà lại làm Tổ thì họ nghi ngờ, chê bai. Họ chỉ thấy việc bửa củi bình thường, đâu biết Ngài đang thể hiện tinh thần chẻ cây để tìm hoa hay phân tích thân ngũ uẩn để tìm Phật tánh bên trong là pháp tu của hàng thượng trí.

Nhà Như Lai, áo Như Lai, tòa Như Lai

Phẩm Pháp sư đưa ra ý quan trọng: nhà Như Lai, áo Như Lai, tòa Như Lai. Những ý này có liên quan đến vai trò của pháp sư, nên suy nghĩ và áp dụng trong việc truyền giáo. Nếu không sống đúng hướng này, không thể thay Phật thuyết pháp giáo hóa. Ngày nay, chúng ta thuyết pháp mà còn bị nhiều chướng duyên là biết mình không đủ tiêu chuẩn nói trên của kinh đưa ra.

Nhà Như Lai là tâm từ bi. Từ tâm tam muội là đến với người, mang niềm vui cho họ, không vì ta hay vì mục đích khác. Hành đạo và thuyết pháp theo tinh thần này mới không bị thọ quả báo. Hòa thượng Thiện Hoa thể hiện từ tâm tam muội qua lời phát nguyện rằng nơi nào chúng sinh cần thì Ngài đến.

Đức Phật dạy muốn thuyết pháp phải phát tâm đại từ bi. Bình thường chúng ta cũng có lòng từ bi, nhưng đối tượng của ta là người có phước và người tốt với ta thì ta dễ phát tâm từ bi. Như vậy, lòng từ bi hay tình thương của chúng ta có giới hạn. Đức Phật dạy phải nâng tâm từ bi lên mức độ cao là đại từ bi tâm. Đối với người chống đối vẫn thương được mới hoằng truyền kinh Pháp Hoa được; còn lúc vui thì thương, buồn thì bỏ là thương người theo kiểu chúng sinh.

Ngoài ra, từ bi mà còn phân biệt, khởi lên và biết được thì chưa phải là từ bi. Từ bi phải đưa vào tam muội là chánh định hay tận cùng đáy lòng ở Thiền định, nên khi phát ra ngoài, dù thuận hay nghịch cũng giáo hóa được. Nếu có tâm từ bi ở trong thế giới vô sai biệt mà làm đạo thì đối tượng là người tốt hay xấu, lòng ta vẫn thanh thản. Chính chúng ta muốn ban vui cứu khổ, nên phát xuất từ từ bi tâm tam muội nảy sinh ra vô số phương tiện độ người và thuyết pháp là vào được nhà Như Lai.

Hành Bồ tát đạo là cứu người, giống như thầy thuốc chữa bệnh cho người, họ bị đau đớn vì bệnh nhưng lại la mắng thầy thuốc cứu họ; ông ta vẫn vui vẻ là biết thầy thuốc này có tâm từ bi. Giáo hóa độ sinh cũng vậy, người làm gì cũng được, miễn ta độ thoát được họ thôi. Và cứu độ người chống đối, hại ta thì công đức lại lớn hơn, sau này, họ sẽ quý trọng ta nhiều hơn. Lịch sử về cuộc đời truyền giáo của Ngài Nhật Liên cho thấy có người tìm ra tận đảo nơi Ngài đang bị tù đày để giết Ngài. Lúc ấy, Nhật Liên Thánh nhân đang nhập từ tâm tam muội và tên sát nhân đứng bên ngoài hang tuyết chờ, bỗng nhiên lòng thù hận của ông bị tâm từ bi của vị Thánh Tăng này tác động, nên đã chuyển đổi từ tâm sát hại thành tình thương đối với Ngài. Và sau đó ông sám hối, xin làm đệ tử của Nhật Liên, trở thành người hầu cận sống chết với Ngài.

Đức Phật khuyên chúng ta trước nhất phải nhập từ tâm tam muội, nghĩa là vui từ trong lòng, nên gặp hoàn cảnh tốt xấu gì cũng vui, đối tượng nào cũng thuyết pháp được; còn buồn giận, bất mãn thì phải lo tu hành, thay đổi tâm tánh cho thanh tịnh. Nhập định, thương người, dù họ ở trước mặt hay ở xa, khi chúng ta khởi tâm đại bi trong Thiền định hay tam muội, họ vẫn cảm nhận được sự an lành. Người tu luôn giữ tâm đại bi và an trụ Thiền định, tâm đại từ đại bi phát xuất từ chánh định mang an vui, cứu giúp người thoát khổ.

Điều kiện thứ hai mà nhà truyền giáo cần có là tâm nhu hòa, nhẫn nhục được ví như áo Như Lai. Luyện tánh nhu là sẵn lòng mềm mỏng với người, người càng sân hận, ta càng trải tâm từ tiếp đón. Luyện tập tánh nhu hòa bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh người và dùng trí khôn theo Phật để giải quyết việc khó của người. Còn thuyết pháp nói những điều không dính líu gì đến cuộc sống thì không mấy tác dụng. Trang bị tâm nhẫn nhục, ta mang quyền lợi cho người, cực khổ về ta; có như vậy, mới được người thương quý dù thuyết pháp bằng lời nói hay hành động, là mặc áo Như Lai.

Điều thứ ba là ngồi tòa Như Lai vì biết các pháp trong thế giới sinh diệt như mộng huyễn bào ảnh. Mọi vật đều hoàn không, không có gì tồn tại mãi và ta nhắm mắt lìa đời cũng không đem theo được cái gì. Ý thức như vậy, chúng ta không bận tâm với nó, tất nhiên cũng không tham đắm nó, nên chẳng xảy ra vấn đề gì phải đối phó. Nếu chúng ta còn kẹt pháp hữu vi, mà không bảo vệ được điều mình thích thì phiền não nhân đó phát sinh và gây phiền phức với người. Chúng ta coi như mọi sự việc đều không có, nhưng ta sử dụng nó như phương tiện để cứu đời; không phải không có rồi buông tay thụ động, không làm việc lợi ích cho người thì uổng phí cuộc đời.

Thành tựu được ba đức tánh quan trọng: tâm đại từ bi, tâm nhu hòa nhẫn nhục và an trụ pháp Không thì Đức Phật cho biết rằng dù pháp sư ở chỗ vắng, Ngài cũng sai hóa nhân đến nghe thuyết pháp và cùng tu hành với pháp sư, không chống đối. Nếu có người muốn hại pháp sư, Đức Phật sẽ khiến bát bộ Thiên long che chở, bảo vệ. Và ai gần gũi pháp sư cũng được an lạc.

Nối gót theo Đức Phật, phải rèn luyện ta thành điểm tựa của người; xã hội bất an thì ta là người có khả năng mang an lành đến cho người, thay Phật giáo hóa chúng hữu tình. Dù Đức Phật không hiện hữu trên cuộc đời, nhưng có pháp sư thành tựu tinh thần cao thượng như vậy, làm lợi ích cho người, coi như Đức Phật vẫn hiện thân ở đời.

HT.THÍCH TRÍ QUẢNG