Nay, trong hội Pháp Hoa, Xá Lợi Phất mới nhận biết được sự thật rằng Đức Phật ấn chứng cho họ là A la hán đồng với Đức Phật, thì chỉ là danh tự La hán mà thôi và đồng với Đức Phật là đồng nghĩa giải thoát, không đồng phước đức trí tuệ.
Thật vậy, Đức Phật đã trải qua vô số kiếp hành Bồ tát đạo cho đến khi thành tựu quả vị Phật, Ngài luôn mang nguồn vui và cứu khổ chúng sinh, cho nên họ đã thọ ơn Phật, nay gặp lại mới kính ngưỡng, phát tâm tu theo Đức Phật. Nói cách khác, Đức Phật khẳng định việc hành Bồ tát đạo, tức phải tu tạo phước đức và trí tuệ cho đến viên mãn là điều cần thiết nhất để thành tựu quả vị Phật. Còn các A la hán chỉ hướng đến giải thoát cho riêng bản thân, không quan tâm đến việc cứu khổ độ sinh. Với tâm ly trần, cách biệt chúng sinh như vậy, khó cảm hóa được người và không thể tạo công đức, nên không thể thành Phật.
Đức Phật dạy rằng Xá Lợi Phất đã đi qua đoạn đường thứ nhất, có tư cách thánh thiện của A la hán rồi, nên tiếp tục đoạn đường thứ hai, hành Bồ tát hạnh viên mãn. Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát không phai là ba con đường khác nhau dẫn đến ba điểm riêng biệt. Nhưng phải đắc A la hán vị, nghĩa là thân tâm thanh tịnh, diệt sạch kiết sử bên trong, hoàn toàn tốt lành, mới có khả năng hành Bồ tát đạo, vào đời cảm hóa người, mới thành tựu quả vị Phật. Vì những người không có khả năng tiếp thu nghĩa lý sâu xa của pháp phương tiện, không hiểu được yếu nghĩa “khai Tam thừa hiển Nhất thừa”, Đức Phật phải nói thêm thí dụ cho dễ hiểu.
Ý nghĩa của 9 thí dụ trong Kinh Pháp Hoa
* Thí dụ 1: Ba xe và nhà lửa trong phẩm Thí dụ thứ ba
Đức Phật phải dùng thí dụ ba xe để chỉ cho đại chúng hiểu tam thừa giáo là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. Ba xe chở người đi, giáo pháp cũng đưa người từ phàm phu lên hàng Hiền thánh, ra khỏi Nhà lửa tam giới.
Tam giới là ba cõi mà chúng sinh trầm luân sinh tử, gồm có Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dục giới chỉ cho thế giới còn lòng ham muốn. Ham muốn ít thì khổ ít; tham vọng nhiều chừng nào khổ nhiều chừng đó; không ham muốn thì không khổ. Nhưng ở Sắc giới, ta không có lòng ham muốn mà vẫn khổ. Nói cách khác, sống trong thế giới Dục, Sắc hay Vô sắc, ta không ham muốn vân bị sự ham muốn của người khác tác hại. Thí dụ phải sống chung với những người tham lam, hung ác, mê muội, họ tranh giành quyền lợi với nhau, rồi đốt nhà, chắc chắn ta cũng phải bị khổ lây.
Đây là tư tưởng đặc sắc theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, nhấn mạnh ý thức độ tận chúng sinh là rất cần thiết, không thể giải thoát một mình. Sở dĩ những giai đoạn trước, Đức Phật bảo các đệ tử Thanh văn an trụ Niết bàn giải thoát, vì lúc đó, thân tâm của các vị này còn nhiều khó khăn và phiền não, không tự lo được cho họ an vui, làm thế nào lo cho người khác. Nay tâm trí những vị Thanh văn này đã thanh tịnh, sáng suốt và có phước đức, Đức Phật mới triển khai yếu nghĩa lam cho người an vui chính là làm cho mình an vui.
Và cõi bất an thứ ba trong Nhà lửa là Vô sắc giới cũng là thế giới của tâm. Tâm ta không ham, nhưng người cũng tranh chấp với ta, thì ta trụ tâm, sống với tâm, không ai làm phiền được mình. Nhưng Đức Phật dạy rằng sống với tâm như vậy cũng không an ổn lâu dài được. Thật vậy, trải qua thời gian tu hành, tôi suy nghiệm lại, nhận thấy xã hội hoặc đoàn thể cũng thường tác động đến tâm lý mình. Nếu xã hôi tốt, lòng chúng ta tự cảm thấy nhẹ, hoặc nếu ở chùa còn nhiều người xấu, ta cũng dễ nặng lòng. Đó là áp lực tâm lý không thấy bằng mắt (Vô sắc giới) nhưng rất quan trọng hơn cả thế giới vật chất chúng ta sống. Người có đời sống nội tâm dễ nhận ra điều này. Đơn giản một việc nhỏ như sống chung trong một chùa, nếu tất cả cùng tu một pháp, ta cảm thấy nhẹ nhàng; nhưng nếu tu nhiều pháp khác nhau, có suy nghĩ khác nhau, chúng ta đã thấy khác.
Thế giới cộng tồn là tất cả mọi người cùng sống chung trong xã hội, cùng có mối tương quan tương duyên mật thiết, không thể an toàn riêng một mình. Thế giới cách ly là thế giới của người xuất gia, nhưng chắc gì chúng ta yên ổn được, nếu xã hội không yên, đại chúng không yên. Và sống trong thế giới vật lý và siêu vật lý (Sắc giới và Vô sắc giới), dù chúng ta từ bỏ vật chất, nhưng vẫn bị áp lực tâm lý. Có thể nói từ những việc không hòa hợp trong chùa cho đến vô số tranh chấp ngoài xã hội và rộng ra đến những sinh hoạt sai biệt của muôn loài trong Pháp giới, chúng ta khó thoát khỏi áp lực tâm lý của ba thế giới Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Đo chính là cái lý mà Đức Phật dạy rằng ở trong ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới ví như ở trong nhà lửa, không có chút nào an toàn. Bao giờ chúng ta độ tận chúng sinh mới thật sự thoát khỏi sự bất an. Nói cách khác, chúng ta tu hành được thanh tịnh, giải thoát, an lành và sử dụng thân tâm an lành đó để đóng góp cho an sinh xã hội cao hơn, thì chúng ta được an ổn hơn nữa.
Giáo pháp nhằm giúp chúng ta thoát ly Nhà lửa tam giới được ví như ba xe, ngầm nói rằng chúng ta tùy theo hoàn cảnh của từng người mà đóng góp lợi ích khác nhau cho đạo pháp và xã hội, không phải ai cũng giống nhau. Vì vậy, Đức Phật phải dùng phương tiện nói pháp Tam thừa cho phù hợp vơi căn tánh, hay yêu cầu của ba hạng người, thượng, trung và hạ. Người căn tánh thấp áp dụng theo người trình độ cao không được và ngược lại, người giỏi không thể sống theo cách của người trí kém.
Để hàng trung căn không bị châp vào Tam thừa giáo, Đức Phật phải dùng thí dụ ba xe và Nhà lửa. Cuộc sống trong cõi Sắc giới, Dục giới và Vô sắc giới không an ổn giống như ở trong Nhà lửa. Lửa này là lửa nghiệp và phiền não. Tất cả mọi người sống trên cuộc đời phải chịu đau khổ chỉ vì nghiệp và phiền não chi phối họ. Nghiệp chỉ cho định kiến của chúng ta. Định kiến là ta nghĩ và muốn điều gì, nhưng thực tế không như ta muốn. Khi Đức Phật tại thế, một số người tham chấp đi tu, tất nhiên không đạt được những gì họ tham cầu, nên phải khổ. Lửa nghiệp và lửa phiền não đốt chúng ta; nếu hết nghiệp và phiền não sẽ hết khổ. Vì vậy, Đức Phật nói rằng chúng sinh thấy Ta bà này cháy rụi, nhưng Tịnh độ của Đức Phật Thích Ca ở tại nơi đây vẫn hằng tốt đẹp và an ổn.
Nhà lửa dụ cho hoàn cảnh xã hội đầy phức tạp, nhiều phiền muộn khổ đau mà mọi người đang ở trong đó và Đức Phật đưa ra ba phương cách giải quyết vấn đề được ví dụ bằng ba xe. Mỗi người tùy hoàn cảnh của mình mà ứng dụng cách thích hợp mới giải thoát. Cách thứ nhất là tránh né, tức Thanh văn thừa. Việc tu hành của chúng ta là tránh đụng chạm với tất cả mọi người, đó là cách giải quyết của người còn yếu kém; vì không có khả năng mà chống lại thì tự chuốc họa vào thân. Vì vậy, hàng Thanh văn chỉ lo xây dựng đạo đức cho bản thân mình, không bị lửa phiền não, lửa nghiệp đốt chết; vì ho đã trì giới thanh tịnh, triệt tiêu được tham sân si, nên huệ sinh ra, mới không mắc phải cạm bẫy của thế gian. Còn kẹt tham sân si, nhất định bị đọa. Thành tựu 37 phẩm trợ đạo, thân tâm thanh tịnh, hàng Thanh văn ra khỏi Nhà lửa tam giới, đến giải thoát Niết bàn.
Tuy nhiên, cách này không thể thích hợp cho tất cả mọi người. Đức Phật dạy thêm cách giải quyết thứ hai là Duyên giác thừa. Đối với hàng Duyên giác thông minh, Đức Phật dạy quán sát lý duyên sinh, thấy cuộc đời này là ảo mộng phù du, không tham đắm, nên không bị mê hoặc, cũng ra khỏi Nhà lửa.
Và cách thứ ba là Bồ tát thừa, nghĩa là những người có trí tuệ, có năng lực và đạo đức thì có thể dấn thân làm viêc lớn, cứu giúp được nhiều người. Đức Phật dạy họ áp dụng sáu pháp Ba la mật để trở thành người lãnh đạo, nhận biết người đáng độ, việc đáng làm, mới thành tựu công đức và được an vui giải thoát.
Phẩm Thí dụ mở ra cho chúng ta hiểu rằng Tam thừa giáo là phương tiện đưa đến giải thoát và nếu triển khai Tam thừa giáo sẽ có tám muôn bốn ngàn pháp môn tu. Ba pháp tu theo Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát để dẫn đến bãi đất trống, nghĩa là tâm chúng ta được thanh thản an vui. Ở trong Nhà lửa, tất cả mọi người đều bị đốt cháy, nhưng người tu theo Phật, dù tu pháp Thanh văn, hay Duyên giác, Bồ tát đều được giải thoát mà kinh ví như nước biển chỉ có một vị mặn. Va cần hiểu rằng ra khỏi Nhà lửa tam giới không phải là chạy đi nơi nào khác để được giải thoát, nhưng giải thoát ngay tại Ta bà này, nghĩa là không bị lửa tham sân si đốt cháy. Còn nghĩ từ bỏ thế giới này chạy đến chỗ khác được giải thoát cũng giống như đi tìm lông rùa sừng thỏ.
* Thí dụ 2: Cùng tử trong phẩm Tín giải thứ tư
Bốn vị Đại đệ tử là Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề và Ca Chiên Diên nhận được yếu nghĩa Đức Phật dạy về dụ ba xe va Nhà lửa, các Ngài liền hội ý với nhau để nói lên tâm trạng của các Ngài qua thí dụ cùng tử như sau. Có một người từ thuở nhỏ đã bỏ cha trốn đi, đến nơi khác làm lụng cực khổ, lang thang nghèo đói.
Khi cùng tử trở về gặp người cha giàu sang và quyền uy thì hoảng sợ phải bỏ chạy. Ý này nhằm nói đến hội Hoa Nghiêm mà Đức Phật nói pháp Vô thượng cho các vị Đại Bồ tát ở trong đại định, vượt ngoài sự nhận thức của con người tứ đại ngũ uẩn. Vì vậy, các vị đệ tử Thanh văn xa lánh cuộc đời, làm thế nào hiểu được pháp cứu đời dành cho các vị Đại Bồ tát như Văn Thù Sư Lợi, hay Phổ Hiền uy đức vô song, thường giáo hóa chúng sinh trong khắp mười phương với vô sô thiên long bát bộ thị tùng. Hàng Thanh văn hoàn toàn tuyệt phần trong pháp hội Hoa Nghiêm mà kinh diễn tả rất nặng là ví như người mù, người điếc không thấy không nghe được pháp của Bồ tát.
Ông trưởng giả sai hai người có uy đức đuổi bắt cùng tử và lấy nước tạt vào mặt cho tỉnh lại rồi thả cho đi đâu tùy ý. Ông trưởng giả chỉ cho Đức Phật, hai người có uy đức hầu cận Phật là Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền và cùng tử chỉ cho Thanh văn một thân một mình, phước đức và đạo lực còn quá kém, không thể nào làm việc lớn lao như Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền. Vì thế, ông trưởng giả thả cho cùng tử đi và anh ta đã đi đến xóm nghèo làm thuê mướn. Ý này nhằm nhắc nhở người tu thay vì làm công việc cao quý của trưởng tử Như Lai, lại đi làm thầy bói, thầy bùa... sống cuộc đời quá thấp kém.
Ông trưởng giả bảo một người chột mắt và một người què chân sang xóm nghèo dụ dẫn cùng tử về. Người có mắt ví cho hàng Duyên giác có hiểu biết và người có chân ví cho hàng Thanh văn có đức hạnh. Ông trưởng giả dụ cho cùng tử trở về bằng cách hứa trả lương gấp đôi. Nghĩa là Đức Phật phải dùng pháp Nhị thừa mới độ được hàng Thanh văn và Duyên giác. Và hàng Nhị thừa Thanh văn Duyên giác phải làm công việc dọn dẹp phân nhơ, tức thanh tịnh hóa thân tâm theo 37 trợ đạo phẩm, chưa thể làm việc cao quý như Bồ tát là dấn thân vào đời cứu độ chúng sinh được. Tuy nhiên, nhờ chủng tánh Bồ đề, hay Phật huệ bên trong đã có sẵn và nương theo pháp Tứ Thánh đế, nương theo thầy hiền bạn tốt, họ cũng tiến tu rất nhanh. Những sở tu sở chứng của hàng Thanh văn khi tu theo Đức Phật thì lớn lao và tốt đẹp hơn nhiều so với cuộc sống khổ đau của họ trước kia còn theo ngoại đạo mà kinh diễn tả là cùng tử được trả lương gấp đôi.
Thanh văn và Duyên giác kết hợp tu hành với nhau, hay kết hợp hai phương tiện tri thức và đạo đức của Nhị thừa có công năng tẩy rửa trần cấu, làm cho thân tâm được thanh tịnh, giải thoát, trí tuệ được khai mở, thì hàng Thanh văn và Duyên giác cũng trở thành mẫu người phạm hạnh tiêu biểu cho đệ tử Phât.
Và qua thời kỳ thứ hai, Thanh văn Duyên giác đã phát huy được phước đức trí tuệ, có thể vào đời hành Bồ tát đạo, thay Đức Phật thuyết pháp giáo hóa độ sinh. Kinh ví như ông trưởng giả thấy người con mình đã tiến bộ mới giao công việc quản lý gia tài. Trải qua thời gian dài quản lý gia tài của trưởng giả, tâm trí của cùng tử sáng suốt và khi ông trưởng giả sắp chết, ông liền hội họp thân tộc và tuyên bố rằng cùng tử là con của ông và ông sẽ giao gia tài cho người con này. Cùng tử rất kinh ngạc và sung sướng vô cùng.
Bốn vị Thánh đệ tử bộc bạch với Đức Phật rằng tâm trạng của các Ngài cũng giống như người cùng tử được giao gia tài, lâu nay các Ngài chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ đạt được quả vị Phật, mà nay được Đức Phật thọ ký thành Phật, quả là được niềm vui chưa từng có. Nói cách khác, đó là tâm trạng hỷ lạc của người tu yểm ly, xa lánh cuộc đời, chuyển sang phát tâm Bô đề theo Đại thừa hướng đến quả vị Phật để phát huy tri thức và đạo đức đến viên mãn theo lộ trình Bồ tát đạo.
Sau khi bốn vị Đại đệ tử trình bày thí dụ cùng tử, Đức Phật xác nhận rằng suy nghĩ của các vị này rất đúng, rằng các vị Thanh văn đã thể hiện đời sống phạm hạnh, không còn lỗi lầm, xứng đáng thay Phật làm Phật sự.
* Thí dụ 3: Ba cỏ hai cây trong phẩm Dược Thảo Dụ thứ 5
Theo Thiên Thai Trí Giả, ba cỏ chỉ cho Tam thừa giao mà Đức Phật đã nói trong phẩm Thí dụ là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát nhân gian. Sở dĩ ví Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát với ba cỏ vì ba hạng người này tu hành còn ở trong sinh tử. Và hai cây chỉ cho các vị Bồ tát gồm có Bồ tát mười phương ví như cây nhỏ và Bồ tát Tùng địa dũng xuất ví cho cây lớn. Cỏ cũng có ba bậc, thượng, trung, hạ ví cho Bồ tát, Duyên giác và Thanh văn thể nghiệm Tam thừa giáo của Đức Phật. Và một lần nữa Đức Phật đã khẳng định rằng Tam thừa giáo chỉ là phương tiện của Ngài nhằm dẫn đến chân lý và chân lý chỉ có một. Nói cách khác, đã tu theo pháp Phật, dứt khoát phải thành Phật.
Thật vậy, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy rằng sự thật duy nhất có một Phật thừa, tức những pháp tu theo Phật đều dẫn đến cứu cánh là quả vị Phật, không thể khác; nhưng Đức Phật dùng phương tiện nói ba thừa để thích hợp với trình độ và nghiệp lực của ba hạng người khác nhau. Đối với người trần lao nghiệp chướng nhiều, sợ sinh già bệnh chết và muốn ra khỏi sinh tử, đến Niết bàn, Phật nói Đạo đế, dạy họ thực hiện 37 trợ đạo phẩm. Đó chính là pháp tu của Thanh văn giúp họ xa rời tâm đam mê, chấp trước việc thế gian để bước vào cửa giải thoát: Không, vô tác, vô nguyện. Từ góc độ “Không”, nhìn cuộc đời không có gì thật sự hiện hữu lâu bền, cho nên tâm không nương vào đâu mà sinh tham đắm được. Và cắt đứt được vọng tâm tham đắm, liền chứng Niết bàn, ra khỏi sinh tử; đó là hàng Thanh văn ví cho loại cỏ bậc hạ. Trong kinh diễn tả tâm tu chứng này là đến được bãi đất trống nhờ nương vào Không quán.
Đối với hàng Duyên giác, Đức Phật dạy pháp tu giả quán, nghĩa là quán các pháp do nhân duyên sinh diệt, nhưng tâm hành giả an trụ ở bất diệt để quán sát sinh diệt, nhận chân rõ sinh diệt là giả, bất sinh diệt là thật. Quán chiếu mọi việc do nhân duyên sinh diệt như vậy, tâm lắng yên, thanh tịnh là đã ra khỏi Nhà lửa tam giới, đến bãi đất trống thì hàng Duyên giác cũng chứng được Niết bàn, ví cho cỏ bậc trung.
Thứ ba là Bồ tát ví cho cỏ bậc thượng cao hơn hàng Thanh văn, Duyên giác còn ở trong vòng nhị nguyên. Đối với Bồ tát nhân gian vào đời độ sinh, Đức Phật dạy lục độ ba la mật, vì đó là những người đã có điều kiện cứu đời, giúp người, nên mau đến quả vị Phật hơn. Bồ tát quán Trung đạo đệ nhất nghĩa hay Trung quán, thấy rõ sự thật nên nhìn đời thấy khác, thấy cuộc đời không xấu, không tốt; nhưng tốt xấu tùy ở tâm, tùy ở nghiệp. Bồ tát phát huy tình thương và trí tuệ bằng cách thực hiện pháp Lục độ Ba la mật để cứu độ chúng sinh, cũng đến được bãi đất trống, được an lạc giải thoát.
Và hai cây chỉ cho các vị Bồ tát ở ngoài sinh tử là Bồ tát mười phương ví như cây nhỏ và Bồ tát Tùng địa dũng xuất ví như cây lớn. Các vị Bồ tát này đến dự hội Pháp Hoa là Bồ tát siêu hình không phải là Bồ tát nhân gian, nên không thể thấy các Ngài bằng mắt, như Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Đại Thế Chí, v.v... Chư vị Bồ tát từ mười phương đến đông như vi trần, được biểu thị bằng con số nhị vạn, bát vạn, bát thập vạn ức na do tha. Tuy Bồ tát mười phương rất đông, nhưng không chướng ngại nhau, vì các Ngài không hiện hữu bằng thân tứ đại của con người, mà hiện hữu ở dạng tâm thức. Vì thế, Bồ tát mười phương được coi là cây nhỏ vượt cao hơn cỏ.
Và Bồ tát lớn là Bồ tát Tùng địa dũng xuất với trí tuệ và thần lực cao tột đến mức Di Lặc Bồ tát là người được Đức Phật thọ ký trong tương lai sẽ thành Phật và thay thế Đức Phật Thích Ca ở Ta bà để hóa độ chúng sinh, nhưng cũng không thấy biết Bồ tát Tùng địa dũng xuất và các vị Bồ tát này đến hội Pháp Hoa có đến lục vạn hằng hà sa.
*Thí dụ 4: Người làm đồ gốm trong phẩm Dược thảo Dụ thứ 5
Theo bản kinh Pháp Hoa của ngài Cưu Ma La Thập biên soạn và Hòa thượng Trí Tịnh phiên dịch, phẩm Dược thảo dụ thứ năm chỉ có thí dụ ba cỏ hai cây, không có hai thí dụ, người làm đồ gốm và người mù từ thuơ nhỏ. Hai thí dụ này có ghi trong bản kinh Pháp Hoa Népal. Có sự khác biệt này vì có thể ngày xưa, kinh được chép từng tờ trên lá bối, nên dễ bị rớt mất một số trang hoặc một số phẩm là việc bình thường. Theo tôi, phải co thí dụ người mù từ nhỏ được vị đạo sư cho bốn thứ cỏ thuốc chữa sáng mắt thì tên của phẩm kinh này là Dược thảo dụ mới hợp lý.
Đức Phật được ví như người làm đồ gốm, tùy theo yêu cầu của người tiêu dùng, người thợ lam những đồ dùng cần thiết cho họ, từ vật dụng thiết yếu cho cuộc sống như bình đun nước, nồi nấu cơm, chén dĩa, v.v... cho đến những đồ chứa phân nhơ. Đức Phật giáo hóa chúng sinh cũng vậy, lịch sử đã ghi rõ trên bước đường hoằng hóa, Ngài cứu độ mọi người hoàn toàn bình đẳng, không phân biệt nghèo giàu, giỏi dở, quý tộc hay thường dân. Những người thuộc mọi thành phần xã hội đến với Đức Phật, Ngài đều có pháp tương ưng giúp cho họ thoát khổ đau, được an vui, giải thoát.
* Thí dụ 5: Người mù từ thuở nhỏ trong phẩm Dược Thảo Dụ thứ 5
Có một người bị mù mắt từ nhỏ, có một vị tiên nhân không lý luận vô ích để giải thích màu sắc cho người mù hiểu, ông vội lên núi tìm bốn thứ cỏ thuốc để chữa cho họ được sáng mắt. Điều này gợi cho chúng ta hiểu rằng không thể nói lý thuyết suông, phải áp dụng giáo pháp vào cuộc sống có kết quả tốt mới dạy người được.
Mọi người bị nghiệp chướng ràng buộc, lửa tham dục thiêu đốt, nên mù mắt tuệ, không thấy chân lý. Đức Phật chỉ dạy phương thức giải quyết khổ đau này. Bốn thứ cỏ thuốc ví cho pháp Phật dạy là Tứ Thánh đế, trong đó có 37 trợ đạo phẩm để chữa bệnh mù của chúng sinh. Thanh văn, Duyên giác nương theo giáo pháp này tu hành, phiền não lắng xuống, nghiệp tiêu trừ, được giải thoát, chân lý tự sáng tỏ.
Và Thanh văn Duyên giác thấy được sự thật của cuộc đời ví như người mù vừa được sáng mắt, vừa mới thoát khỏi sinh tử luân hồi, ra khỏi ngục tù tam giới, nên nghĩ như vậy là hoàn tất việc tu hành rồi. Vị đạo sư mới nói rằng tuy sáng mắt, nhưng mới thấy những gì trước mắt, còn những gì ở xa, hay cách tường, hoặc bên kia đường chân trời thì không thấy nổi. Muốn thấy biết những gì vượt ngoài con mắt thịt, phải tiến tu, chuyển từ Nhị thừa sang Bồ tát thừa, tu Bồ tát đạo để khai mở tri kiến Như Lai. Đừng an phân với quả vị A la hán, được giải thoát cho riêng mình, được cung kính cúng dường mà cho là đủ. Phải phấn đấu đi lên theo các vị Bồ tát, tu tạo phước đức trí tuệ viên mãn mới thành Phật.
Đức Phật nói những thí dụ này xong, bôn vị Thanh văn là Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên và Mục Kiền Liên thấm thía ý Phật dạy, mới phát tâm Bồ đề giáo hóa chúng sinh như Đức Phật đã từng thành tựu trong nhiều kiếp quá khứ. Vì thế, Đức Phật thọ ký cho bốn vị trưởng lão này sẽ thành Phật. Đức Phật dạy rằng xưa kia, các vị này tu pháp Thanh văn, Duyên giác, đã chuyển hóa tâm trở thành trong sạch, thì nên dùng tâm thanh tịnh giải thoát này mà độ sinh, sẽ có đầy đủ công đức, đều se thành Phật.
* Thí dụ 6: Hóa thành trong phẩm Hóa Thành Dụ thứ 7
Sau khi Đức Phật thuyết pháp, dùng thí dụ để đại chúng hiểu, nhưng vẫn không nhận được ý Phật dạy, Đức Phật nói thêm về nhân duyên nhiều đời giữa Ngài và đệ tử. Đức Phật Thích Ca khẳng định rằng vào thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng khi tiền thân Ngài còn là Sa di Bồ tát đã từng giáo hóa nhiều người, mà chính những người này ngày nay hiện diện ở hội Linh Sơn gồm có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di cho đến Thiên long bát bộ. Vì đã có nhân duyên đời trước với Đức Phật, nên trong hiện đời các vị đệ tử này mới cảm mến Đức Phật và tiến tu theo Phật dễ dàng, đạt được thành quả một cách nhanh chóng.
Vấn đề thứ hai trong phẩm Hóa thành dụ thứ 7 của kinh Pháp Hoa là phải vượt qua 500 do tuần đường hiểm; đây cũng là một vấn đề lớn. Đức Phật đưa ra thí dụ có một Đạo sư dẫn đoàn người đi tìm châu báu, nhưng mới đi được 300 do tuần, chúng nhân mệt mỏi, sợ sệt, không muốn đi tiếp mà xin quay về. Vị Đạo sư liền tạo ra một hóa thành có đầy đủ tiện nghi cho họ ở và khi họ nghỉ ngơi khỏe rồi, Ngài liền diệt bỏ hóa thành, bảo mọi ngươi tiếp tục lên đường, chỉ còn 200 do tuần nữa sẽ đến Bảo sở thì tha hồ hưởng an lạc.
Câu chuyện tuy đơn giản, nhưng chúng ta phải hiểu được nghĩa lý sâu xa ẩn chứa bên trong để có thể tiến tu đạo hạnh. Vị Đạo sư chỉ cho Đức Phật, dắt chúng nhân vượt 500 do tuần đường hiểm chỉ cho chúng xuất gia đồng hành với Đức Phật xưa kia hay chúng ta ngày nay. Đức Phật dạy phải vượt 200 do tuần đầu nhằm nhắc nhở trên bước đường tu thân cận với Đức Phật, thể nghiệm giáo pháp để chứng được quả vị của Thanh văn, Duyên giác.
Tu theo Đức Phật, đắc quả vị A la hán là quả ưng cúng, được người kính quý cúng dường, nghĩa là chúng ta đã vượt 100 do tuần đầu tiên của đường hiểm trên bước đường xuất gia học đạo. Thật vậy, nhờ được gần Phật, nghe pháp, tu hành, chúng ta phát huy đạo hạnh để cuối cùng đạt được đỉnh cao của hàng Thanh văn là Bát chánh đạo. Điều đó nói lên rằng chúng ta đã vượt được một giai đoạn khó khăn nguy hiểm, nhất là sự cám dỗ của vật chất, sự chi phối của xã hội và thiên nhiên.
Vượt tầng một, 100 do tuần đầu là hoàn tất Thanh văn thừa và tầng thứ hai phát triển tri thức, quán sát rõ nhân duyên giữa ta và người, chuyển đổi được nhân duyên xấu ác thành nhân duyên tốt đẹp. Đó là tu quán nhân duyên của Duyên giác thừa, vượt thêm 100 do tuần kế tiếp, nhận biết được người suy nghĩ điều gì, đáp ứng cho họ. Chính 500 vị A la hán theo Phật tu hành, đã vượt được 200 do tuần đường hiểm. Thật vậy, trước khi theo Phật, các Ngài nhìn đời mờ mịt, nhưng khi nhận được sự dìu dắt của Đức Phật, thể nghiệm pháp Phật chỉ dạy rồi, các Ngài trở thành người đạo đức được cung kính cúng dường và trí sáng ra, biết được mối tương quan tương duyên với chúng sinh.
Chúng nhân theo Đức Phật, chỉ còn trải qua 300 do tuần nữa là đến Bảo sở, tức thành Phật; nhưng nếu không tiếp tục đi mà quay trở về thì thật uổng phí công sức. Đức Phật vì thương xót họ, Ngài hóa ra một cái thành để họ tạm dừng chân nghỉ ngơi cho đỡ mệt nhọc rồi đi tiếp.
Hóa thành này của Đức Phật nhằm chỉ hai Niết bàn của hàng Nhị thừa là Thanh văn và Duyên giác tu được. Tuy nhiên giải thoát mà Thanh văn Duyên giác tu chứng thật sự là giải thoát do Đức Phật tạo ra, không phải bản thân họ tự tạo được. Trên bước đường tu, chúng ta thấy rõ những gì có được hôm nay như chùa chiền, trường lớp, vị trí của chúng ta trong xã hội, v.v... là do Đức Phật cho, không phải chúng ta tự tạo. Vì thế, người quay ngược lại thế gian, vào nhập cuộc với đời, rõ ràng không bằng ai. Tuy nhiên, nếu ở trong giáo pháp Phật, chúng ta vẫn được hơn người. Nếu không ý thức rằng mình chưa có phước đức, mà an phận hưởng thụ những gì Đức Phật cho thì Phật nhập diệt hay Phật không che chở nữa, chắc chắn cuộc sống khó được an lạc.
Để chúng nhân không ỷ lại vào Phật, Ngài diệt hóa thành, nghĩa là hành giả muốn đạt đến Vô thượng Bồ đề, tất yếu phải tự tiến bước lộ trình 300 do tuần đường hiểm còn lại. Đó chính là hành Bồ tát đạo trên nhân gian, tạo phước đức thật sự cho mình, tức làm người tốt và có ích cho đời, là đã vượt thêm 100 do tuần thứ ba. Và còn lại 200 do tuần cuối cùng thì đến Bảo sở là con đường của các Bồ tát Pháp thân ở Thường Tịch Quang đạt được quả vị Phật hằng hữu, bất sinh bất diệt.
* Thí dụ 7: Hạt châu trong áo, phẩm Ngũ Bá đệ tử thọ ký thứ 8
Đức Phật nói xong dụ Hóa thành gợi nhắc hàng Thanh văn nhớ lại kiếp quá khứ đã từng được Đức Phật dìu dắt tu hành cho đến quả vị Hiền thánh ngày nay. Các Ngài ngạc nhiên và vui mừng vô cùng. Dẫn đầu là Phú Lâu Na và 500 La hán hiểu được Niết bàn của các Ngài chứng đắc trước kia là nhờ uy lực Phật.
Thấy rõ khả năng thực tu thực chứng của các vị này, Đức Phật thọ ký cho Phú Lâu Na, Kiều Trần Như và 500 vị A la hán đều sẽ thành Phật. Các vị này mừng rỡ, nói lên tâm niệm của họ giống như người ngủ say được bạn cho viên ngọc vô giá cất vào trong áo mà không biết, vẫn phải sống nghèo khổ. Các vị đệ tử bạch Phật rằng họ cũng giống như người ngủ say. Đức Thế Tôn từng giáo hóa họ, nhưng vừa được hưởng chút phần Niết bàn đã tự cho là đủ, không cầu gì hơn. Nay mới biết mình thưc là Bồ tát, được thọ ký thành Phật, không còn gì vui hơn.
Ví dụ hạt châu trong áo cũng nhằm nói đến mục tiêu của Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này để khai mở cho chúng ta thấy Phật tánh tiềm ẩn trong tất cả mọi người. Ai cũng có bản tâm sáng suốt, nếu biết cách sử dụng, phát huy trí tuệ và đức hạnh cũng sẽ thành tựu quả vị Toàn giác như Đức Phật.
Kế đến, trong phẩm Thọ học vô học nhơn ký, Đức Phật thọ ký cho ngài A Nan, La Hầu La và 2.000 vị Thanh văn đang tu học. Điều này báo hiệu thời điểm Đức Phật nâng tầm nhìn mọi người cho tiếp cận chân lý mới phô bày sự thật.
* Thí dụ 8: Viên minh châu trên đỉnh đầu trong phẩm An Lạc Hạnh thứ 14
Đức Phật nói với Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thí dụ sau. Có một vị vua Chuyển luân Thánh vương sức lực rất mạnh, sau khi binh tướng thắng trận trở về, nhà vua liền ban thưởng cho viên minh châu trong búi tóc trên đỉnh đầu của ông. Đức Như Lai cũng vậy, thấy chúng Thanh văn đệ tử tu hành đã thắng được ma ngũ ấm, ma phiền não, phá được lưới ma, trừ sạch ba độc tham sân si, ra khỏi Nhà lửa tam giới, Ngài mới trao cho kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa là tạng bí yếu của các Đức Như Lai, là kinh tối thắng trong các kinh mà nay Đức Phật mới nói.
* Thí dụ 9: Lương y trong phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16
Trong phẩm Như Lai thọ lượng, Đức Phật thí dụ như có một ông lương y chữa được nhiều bệnh và có nhiều người con. Khi ông bận đi xa, các con ở nhà uống lầm thuốc độc. Lúc ông trở về, các con quỳ lạy xin cứu mạng. Người cha đưa thuốc cho uống. Những người con không mất bản tâm liền uống thuốc nên được lành bệnh. Những người con mất bản tâm không chịu uống thuốc. Người cha thương hại chúng mới dùng phương kế nói rằng ông đã già yếu sắp chết, các thứ thuốc hay ông để lại, nên giữ lấy dùng. Nói xong ông liền bỏ đi rồi cho người về báo ông đã từ trần. Hay tin ấy, các con mất bản tâm hoảng sợ lấy thuốc uống, tâm liền tỉnh ngộ. Sau đó người cha trở về cho các con thấy mặt.
Đức Phật kết luận rằng Ngài cũng ví như ông lương y. Ngài đã thành Phật từ ngũ bách ức trần điểm cho đến ngày nay vẫn ở thế giới Ta bà thuyết pháp giáo hóa chưa từng ngừng nghỉ, nhưng có người thấy Phật, có người không thấy. Vì thương chúng sinh nghiệp cấu nặng, không thấy Phật, sinh tâm buông lung kiêu mạn, Đức Phật mới dùng phương tiện nói có Phật ra đời và Phật Niết bàn. Sự thật Ngài vẫn thường trụ thế giới này giáo hóa độ sinh.