Wednesday, October 29, 2008

Ý nghĩa Phẩm an lạc hạnh thứ 14

Đọc phẩm An lạc hạnh, cần ghi nhớ rằng trên bước đường theo dấu chân Phật, chúng ta làm bất cứ việc gì không an lạc sẽ không giải thoát được. Noi cách khác, chúng ta có thể sử dụng tất cả các pháp như phương tiện hành đạo, nhưng phải nhớ phương tiện nào cũng phải dẫn đến thân tâm an lạc; vì đạo Phật lấy giải thoát là chính.

Đức Phật dạy thân khẩu ý an lạc và kinh điển Đại thừa khai triển thêm thệ nguyện an lạc, theo đó những gì chưa làm được, chúng ta phải để đó và nguyện đến khi có đủ điều kiện sẽ làm.

Theo pháp an lạc tu hành, thì không chán nản, không thoái tâm, không bỏ cuộc. Thật vậy, nhiều người chỉ vì quyết tâm phải thực hiện việc gì mà phải bị tan thân mất mạng hay bị tù đày, thân bại danh liệt. Vì làm chưa đúng lúc, không đúng chỗ, không đúng người, không thể thành công; hoa nở hay tàn cũng phải tuân theo quy luật tất yếu, không thể khác.

Câu nói nổi tiếng của Thiền sư Nhật là đúng lúc giáo hóa mới giáo hóa được. Trong kinh Pháp Hoa phẩm thứ 7 Hóa thành dụ cũng nói rõ ý này, Đức Phật Đại Thông Trí Thắng thanh đạo rồi cũng phải chờ 10 tiểu kiếp mới thuyết pháp giáo hóa.

Phần Tích môn nhằm dạy các Bồ tát sơ tâm như chúng ta. Chúng ta chưa thấy đúng, chưa thấy xa, nhưng thường nghĩ rằng người khác làm được thì mình cũng làm được. Điều quan trọng là khi nào làm được. Người làm được là người đã có chuẩn bị. Theo tôi, dịp may chỉ đến với những người có chuẩn bị. Thể hiện tinh thần này, Đức Phật nói Di Lặc Bồ tát là hàng Đẳng giác Bồ tát, thành Phật được; nhưng Ngài chưa hạ sinh trên cuộc đời vì quyến thuộc chưa thuần thục, dù bản thân Ngài đã trọn lành. Nói cụ thể, một mình ta tốt chưa đủ, còn cần người hợp tác với ta phải tốt. Quyến thuộc hay pháp lữ đồng hành xấu thì dễ phá hư việc của ta.

Sau khi nghe Đức Phật nói Ngài thành tựu hạnh kham nhẫn, khoan dung, từ bi đối với người ác xấu chuyên hại Ngài là Đề Bà Đạt Đa, giúp Ngài mau đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, thì các Bồ tát mới phát tâm thấy việc giáo hóa chúng sinh dễ dàng quá, hay quá, họ liền phát tâm hoằng truyền kinh Pháp Hoa không tiếc thân mạng. Nói cách khác, họ suy nghĩ hy sinh làm một việc nào đó, để được thiện pháp, để chuyển kiếp được tốt đẹp hơn, thì có mất mạng cũng không sao.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là bậc đại trí biết rằng những người mới phát tâm làm như vậy có hại hơn là lợi; vì nghiệp và phiền não sinh ra, họ sẽ vào ba đường ác, không thành Thánh, thành Phật được. Chỉ khi nào tâm hoàn toàn trong sáng và lòng từ bi bao phủ cả vạn vật mới đủ khả năng hoằng truyền kinh Pháp Hoa, tức làm những việc khó làm. Chưa đạt được tư cách và đạo lực như Phật và các vị đại Bồ tát mà đánh mất thân mạng này thì bị đọa. Thật vậy, nhờ có thân tứ đại như một công cụ giúp chúng ta tiến tu lên quả vị Hiền, Thánh, Phật; nhưng một phút sai lầm tan thân mất mạng, muôn kiếp trầm luân thì rất khó tu.

Vì vậy, cần suy nghĩ cân nhắc, nếu việc làm chúng ta đụng chạm quyền lợi của người khác, họ phải giết mình, việc có lợi cho họ, họ mới ủng hộ. Nhận thức như vậy, điều quan trọng nhất Đức Phật dạy chúng ta là phải sống vô hại đối với mọi người. Có thể khẳng định rằng thiện pháp nhỏ nhất chúng ta tu là phải không gây tổn hại cho bất cứ người nào. Sống ở đâu hay làm bất cứ việc gì, giúp được người thì làm, không giúp được thì thôi, chứ không làm hại người. Đôi khi chúng ta nghĩ làm việc lớn lao, nhưng lại gây tổn hại vô số chúng sinh; như vậy, Đức Phật khuyên thà đừng làm còn tốt hơn. Dù chúng ta làm không tiếc thân mạng, nhưng phải có lợi cho ta và cho người, hoặc chỉ lợi cho người thôi là cao quý.

Ngài Văn Thù Sư Lợi thấy Bồ tát sơ phát tâm thường nhiệt tình, nhưng chỉ nên nhiệt tình ở mức độ nào chấp nhận được. Không thể lấy phước đức và hoàn cảnh tốt đẹp của người mà tự đặt cho mình được; coi chừng sa chân lỡ bước, rớt xuống địa ngục, ngạ quỷ, khó trở lại làm người. Thí dụ người có phước báo đầy đủ như ông Cấp Cô Độc chuyên cúng dường, nghe pháp, không cần quản lý công việc, vì người làm của ông đều giỏi và hết lòng với ông. Ông bố thí liên tục một tuần, mở thí vô giá hội và càng cúng dường, bố thí, ông càng giàu thêm. Còn người khác bắt chước như ông mà sau trở thành nghèo khổ, buồn phiền thì họ đã rơi vào Địa ngục, không cứu được.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hiểu rõ điều này, Bồ tát lớn càng tạo công đức càng giàu có thì tại sao lại không làm; nhưng Bồ tát nhỏ mới phát tâm, nghiệp còn nặng, phước còn ít, chỉ cúng dường vài trăm ngàn đồng thì không còn tiền để sống, chắc chắn phiền não sinh ra. Vì vậy, Đức Phật khuyên người sức yếu đừng mang vác nặng vì không đi xa được; người mới tu cũng vậy, không làm nổi việc lớn. Đức Phật nói đến Bô tát Văn Thù, Phổ Hiền, thường ví như sức voi có khả năng chở nặng và đi ngược dốc mà không có loài thú nào ngăn cản được bước tiến. Trong khi Mục Kiền Liên là Thanh văn ví như sức con nai chỉ kéo được một chiếc xe nhỏ chơ được một người thôi. Chúng ta tự lượng sức mình, có chở nặng được không, có leo ngược dốc nổi không, nghĩa là có chống được thiên ma hay không. Hàng Thanh văn hầu hết phải tu xả ly, chưa nghĩ đến cưu mang người; vì tự biết nghiệp dày phước mỏng, không gánh vác được việc lớn, cho nên lo giải thoát cho mình là chính.

Đức Phật dạy rằng Bồ tát nhỏ làm việc nhỏ, nghĩa là làm việc phụ. Những người thông minh, khỏe mạnh, nhiều phước báo mới gánh vác việc lớn, thí dụ có khả năng xây chùa, bố thí, đào tạo người, vì họ có tiền nhiều, có nhân lực. Chúng ta làm những việc này không nổi, thì chỉ làm phụ như quét dọn chùa, bảo quản chùa, v.v... Và biết mình sức nhỏ, chúng ta phải tìm Bồ tát lớn để làm quyến thuộc, hợp tác với người có khả năng lãnh đạo để mình được đóng góp công sức, cũng có được chút phước; còn tự làm là chuốc họa vào thân. Điều quan trọng là tu tạo cho phước đức đầy đủ thì làm việc gì cũng được; không có phước đức, cố làm thì chẳng những việc lớn không thành mà việc nhỏ cũng không xong.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi biết rằng các Bồ tát sơ phát tâm chưa có kinh nghiệm, không lường trước được thực tế phũ phàng, nên Ngài thương xót họ mà hỏi Đức Phật rằng sau Phật diệt độ, phải làm thế nào để hoằng truyền kinh Pháp Hoa.

Đức Phật dạy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng phải trụ bốn pháp mới hoằng truyền kinh Pháp Hoa được. Bốn pháp an lạc đó là thân cận xứ, hành xứ, hạnh an lạc và phát khởi tâm đại từ bi.

Ngài Huệ Tư đại Thiền sư lý giải thêm hữu tướng an lạc hạnh và vô tướng an lạc hạnh. Vô tướng tức lìa tướng để trụ an lạc, nghĩa là không bận tâm việc thế gian, tâm thuần Phật pháp thì bên ngoài xảy ra bất cứ việc gì, mình cũng không để tâm đến. Như vậy, khi đã trụ vô tướng an lạc hạnh, việc xấu mấy cũng không bị ảnh hưởng, vì mình đã trụ Phật pháp và chắc chắn rằng ở trong nhà Phật pháp là an lành nhất. Được Phật pháp che chở, chúng ta không khởi tâm, không động niệm. Trụ vô tâm như vậy, việc gần chúng ta nhất là bạn nói gì, chúng ta cũng không thắc mắc buồn phiền; còn nghe còn khởi niệm là còn có vấn đề xảy đến cho mình. Dùng vô tâm, trụ vô tướng, sống trong Phật pháp và giáo hóa chúng sinh bằng công đức của mình. Những người có duyên, Đức Phật sẽ khiến họ đến và mình dạy họ hoàn toàn khách quan; đó là trụ vô tướng, nên thân và tâm hoàn toàn được an lành.

Tuy nhiên, chưa trụ được vô tướng an lạc hạnh, thì phải trụ hữu tướng an lạc hạnh. Nghĩa là chúng ta còn sống trên cuộc đời, còn sinh hoạt với sáu giác quan, tức còn ở trong hữu tướng là ở trong thế giới sai biệt, thì tùy theo sự sai biệt này mà tu hành. Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta nơi nào nên thân cận, nơi nào nên tránh; việc nên làm, việc không nên tham dự; người nên tiếp xúc, người phải tránh, kinh Pháp Hoa gọi là thân cận xứ và hành xứ.

Như vậy, hữu tướng an lạc hạnh là có sự chọn lọc, chọn thiện tránh ác để được an lành. Đức Phật dạy nên tiếp xúc với thiện tri thức, hay thầy hiền bạn tốt để hỗ trợ cho việc tiến tu của chúng ta. Đến học hỏi với người hiền, người tốt, vì gần họ, tánh xấu của chúng ta không khởi lên và tánh tốt của chúng ta được sinh ra. Người hiền, người tốt không hại ta mà còn cảm thông, an ủi ta, cho ta những lời khuyên chánh đáng để ta tự sửa mình và họ cũng không kể tâm sự của ta cho người khác nghe. Gần người hiền, người tốt chắc chắn chúng ta được an vui.

Hạng người ác xấu, hung dữ, lừa dối, nhiều chuyện, chúng ta không khinh dễ họ, nhưng không dám gần gũi họ, vì chúng ta phước mỏng và nghiệp nhiều, gần họ là lãnh thêm nghiệp của họ, chúng ta không gánh vác nổi.

Nói chung, gần gũi người mà thấy tâm mình được an lành, được sáng suốt, bớt phiền muộn, thấy mình gần Phật hơn, thì ta nên gần người như vậy. Gần người mà tâm mình bị khuấy động lên, bất bình với cuộc đời, thù hận nổi lên thì ta phải tránh.

Trước nhất, nói về thân an lạc, giáo sư Kubota kiến giải rằng đặt thân vô chỗ an thì thân được an. Hành giả Pháp Hoa phải biết rõ chỗ an là chỗ không tranh chấp, không có quyền lợi, không dính líu đến chính trị, kinh tế, xã hội. Sự an lạc này thường được diễn tả rằng “Cái thân ngoại vật là Tiên trên đời”. Chỗ nào có tranh giành, có quyền lợi thì ta không để tâm, không tìm đến là được an liền tức khắc. Đức Phật cũng nói rằng chỉ có đời tranh chấp với Ngài, Ngài không bao giờ tranh chấp với đời.

Thứ hai là khẩu an lạc, cần biết những điều đáng nói và điều không nên nói. Khi hiểu biết chưa chính xác, lời nói chưa có giá trị, thì nên ít nói cho đến không nói. Ít nói ít lỗi và không nói điều không có, kể cả người có lỗi thật, chúng ta cũng không nói là khẩu được an. Không nhìn, không biết lỗi của người khác, vì biết quá nhiều cái xấu của người, thì mình khổ tâm trước. Và còn nguy hiểm hơn nữa là biết lỗi của ngươi, họ sẽ hại mình để “bịt đầu mối”; thậm chí mình không nói mà họ còn nghi mình nói, vì mình đã thấy biết tội lỗi của họ. Trong kinh Viên Giác cũng dạy rằng không nên nói lỗi của người.

Trên bước đường tu, những điều đáng nói là điều có lợi ích mà ta đã trắc nghiệm có kết quả tốt đẹp, thì nên dạy cho người; nhưng cần hiểu thêm rằng hoàn cảnh của ta, nghiệp của ta và của người không giống nhau. Vì vậy, cần cân nhắc có những điều tốt thật cung không nói vì nói phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Hòa thượng Trí Tịnh thường nhắc nhở rằng không phải thấy đúng là nói, phải có lợi cho mình và nhiều người mới nói. Đức Phật trên bước đường thuyết pháp giáo hóa thường quán nhân duyên xem người nghe áp dụng được thì Ngài mới dạy, không nói chơi. Và chưa đúng lúc nói thì phải chờ, vì nói không đúng lúc chẳng những họ không nghe còn chống lại. Điển hình cho ý này là Ngài Phú Lâu Na bị Ngài Duy Ma quở trách tại sao lại đem pháp “Vô thường, Khổ, Không” để giảng dạy cho những thanh niên còn đầy nhiệt huyết muốn vươn lên trong cuộc sống, muốn dấn thân vào đời giúp người. Như vậy giáo pháp đúng, nhưng còn phải có phương tiện huệ, nghĩa là biết rõ nói pháp đó thích hợp với đối tượng nào và nói lúc nào là tốt.

Thứ ba là ý an lạc, giữ tâm mình cho trong sạch, bằng cách luôn đọc tụng kinh điển và suy nghĩ sâu xa nghĩa lý của kinh, chắc chắn được an lạc. Mọi người thấy mình an trú trong công phu tu tập như vậy, họ không nói được. Còn mình đến người này chơi thì người kia sinh nghi mình.

Bên cạnh thân, khẩu, ý an lạc, còn có thệ nguyện an lạc rất quan trọng. Ví dụ thấy bạn sai, nếu không nói là mình ích kỷ, nhưng nói thì có chuyện. Vì vậy, thệ nguyện an lạc là không thể khuyên người được thì để đó, lúc nào thuận tiện nói được, nghĩa là họ phát tâm muốn sửa đổi, nói họ mới nghe theo. Thậm chí có những việc phải chờ đến lúc chúng ta thành Vô thượng Chánh đẳng giác, họ coi lời nói chúng ta có giá trị và thật sự muốn nghe, mới chỉ dạy được. Còn hoàn cảnh ta xấu hơn họ, làm sao họ nghe theo, hoăc học vị ta thấp thì khó nói cho người học vị cao nghe, ta nghèo không thể nói cho người giàu theo.

Tóm lại, kinh Pháp Hoa tiêu biểu cho những điều cao quý nhất trên thế gian và kinh này được thể nghiệm lợi lạc ngay cuộc sống thế gian. Vì vậy, hành giả sơ phát tâm muốn dấn thân vào đời hành Bồ tát đạo theo tinh thần Pháp Hoa cần phải an trụ trong bốn pháp an lạc được Đức Phật chỉ dạy rõ ràng, mới có thể có cuộc sống an lành, giải thoát mà tiến tu đạo nghiệp vững vàng, kiên cố trên bước đường tự hành hóa tha.

HT. Thích Trí Quảng