Friday, October 24, 2008

Một vài giá trị nền tảng cho một thế giới toàn cầu hóa

Hơn bao giờ hết, nhờ vào sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật truyền thông, mà tiêu biểu là hệ thống liên mạng toàn cầu, những luồng chảy thông tin và liên lạc làm con người khắp nơi trên thế giới xích lai gần nhau hơn qua những trao đổi về tư tưởng và văn hóa. Bên cạnh đó, thủ tục đơn giản hơn trong đi lại và giá thành chuyên chở thấp xuống nhiều so với những thế kỷ trước đã tạo nên một lượng di chuyển người và hàng hóa xuyên khắp các quốc gia ngày càng lớn.

Hai yếu tố trên cộng với khuynh hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, đã tạo nên một thế giới toàn cầu hóa có chiều sâu chưa từng có trong lịch sử loài người.
Sự tác động qua lại giữa các cá nhân và quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay đã đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực, chẳng hạn như sự giảm bớt xung đột nhờ vào sự tăng trưởng giao thương; sự phân bổ và sử dụng những nhân tô sản xuất (như nguồn tài nguyên thiên nhiên) một cách có hiệu suất hơn; và sự phơi bày, đẩy lùi dần những tư tưởng, chính sách lạc hậu, không phù hợp với lợi ích của con người. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều vấn đề mà con người trong thế giới ngày hôm nay phải đương đầu, chẳng hạn như tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa các nước và nội trong một nước; tình trạng ngày càng khan hiếm tài nguyên thiên nhiên để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của con người; tình trạng gây ô nhiễm và tác hại một cách báo động đối với môi trường tự nhiên do quá trình sản xuất gây ra; tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” trong các cuộc thương lượng quốc tế; và tình trạng lũng đoạn cua nhiều công ty đa quốc gia trong quá trình khai thác các thị trường đầu ra và đầu vào của chúng.
Tất nhiên là đã có nhiều thiện chí và nỗ lực để giải quyết các vấn đề nói trên ở mỗi nước và giữa các nước. Nhưng có rất nhiều những nỗ lực bị thất bại, những chính sách không thể thực hiện được, và những cuộc thương lượng không thành công. Suy cho cùng, lý do sâu xa của những thất bại này cũng đều nằm ở yếu tố con người. Pháp Phật là pháp chuyển đổi con người, giúp con người nhận ra sự thật của cuộc đời để rồi từ đó có những hành động thực tế để giúp mình và giúp đời. Hơn bao giờ hết, một thế giới toàn cầu hóa hiện nay cần có những giá trị mà ai cũng có thể chấp nhận được, dù đó là một nhà lãnh đạo hay thường dân ở bất cứ quốc gia nào, để làm nền tảng cho các hành động. Có ba giá trị hết sức thực tiễn trong Phật pháp mà chúng ta có thể ứng dụng và khuyến cáo mọi người khắp nơi cùng nhau chia sẻ nhằm giảm đi những vấn đề tiêu cực của thế giới hiện nay (một thế giới mà trong đó chuỗi liên hệ nhân quả của các hành động có thể lan tỏa khắp nơi nơi, không giới hạn ở phạm vi một địa phương hay một nước).

Niềm tin dựa trên hành động vì lợi ích thực tiễn của con người
Đạo Phật có rất nhiều pháp môn nhưng không ngoài mục đích là để diệt tham sân si. Phật tùy theo căn cơ của mỗi người để thuyết pháp, nhưng xuyên suốt vẫn là một thông điệp về cái hại của tam độc. Trong thực tế cuộc sống hằng ngày, pháp Phật có sức thuyết phục rất mạnh bởi vì sự ứng dụng của nó đem lại lợi ích rõ rệt, có thể kiểm nghiệm được, cho bất cư ai hành pháp. Phật không hề bắt ai phải tin những gì Phật thuyết; niềm tin sẽ được xây dựng trên cở sở sau khi thực hành đem đến lợi ích thiết thực. Ta hãy bình tâm mà chiêm nghiệm lời giáo huấn thật xác đáng của bậc đạo sư:
Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: "Các pháp này là thiện; các pháp này là không đáng chê; các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú!(1).
Đây là bài học đáng giá cho thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay áp dụng vào bài học chính sách về các vấn đề kinh tế và xã hội quan trọng, nó có thể cho chúng ta một kim chỉ nam để biết chính sách nào nên tin và thực thi. Ở đây, một chính sách cho dù được bắt nguồn từ một lý thuyết nổi tiếng hay một nhà hoạch định chính sách tiếng tăm nào cũng cần phải xét lại, không nên tin vào nếu sự thực thi chính sách đó không đem lại lợi ích thiết thực góp phần đưa con người đến cuộc sống hạnh phúc hơn(2).

Trong phạm vi một nước, có đôi lúc một chính sách được giới thiệu và quảng bá là giải pháp hay cho việc phát triển đất nước, nhưng khi phân tích cặn kẽ ra từng cái hơn cái thiệt thông qua thực nghiệm thì nó đi ngược lại mục đích ban đầu. Ví dụ, một quốc gia vì muốn thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài nên có chính sách rất dễ dãi đối với nhà đầu tư bằng cách không ban hành hoặc thực thi các luật pháp bảo vệ môi trường và sức khỏe công nhân một cách nghiêm ngặt. Hệ quả lâu dài của việc này là tình trạng môi trường bị ô nhiễm và tình trạng sức khoẻ của công nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Trong phạm vi toàn cầu, chúng ta cũng thấy có một số tổ chức quốc tế, như Quỹ tiền tệ quốc tế, và một số nước phát triển khuyến cáo các nước đang phát triển nên tin và thực thi triệt để cơ chế thị trường tự do bằng mọi giá. Một trong hệ quả của quá trình này là sự bất bình đẳng giàu nghèo tăng lên vùn vụt, người nghèo trong xã hội lại càng khốn đốn hơn khi chính phủ thắt chặt ngân sách và cắt giảm chi tiêu xã hội để thúc đẩy cơ chế thị trường tự do(3). Qua hai trường hợp điển hình này, ta có thể thấy khi niềm tin và hành động không dựa trên lợi ích thực tiễn thì có rất nhiều người bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.
Ở phương diện cá nhân, sống trong một môi trường tương đối rộng mở ngày hôm nay, chúng ta được tiếp xúc với những lối sống và trào lưu tư tưởng mới ở mọi nơi và có cơ hội để so sánh đối chiếu với những định kiến và hành động của mình. Áp dụng lời Phật dạy theo tinh thần trên, ta nhất định sẽ có những quyết định đúng đắn cho riêng mình và làm ích lợi cho đời.

“Tri túc thiểu dục” là một bài toán cho một thế giới với nguồn tài nguyên giới hạn
Để có sự cân bằng trong đời sống, nhà Phật có lời khuyên về biết đủ và ít muốn để tránh bớt những đau khổ do sự ham muốn không kiềm chế được gây ra. Tinh thần này cần được đón nhận hơn bao giờ hết trong thế giới ngày hôm nay. Với sự phát triển chiếm ngự của hệ thống kinh tế thị trường trong nền kinh tế toàn cầu, lòng ham muốn tiêu thụ của con người luôn luôn được kích thích cao độ bởi các doanh nghiệp trong quá trình theo đuổi lợi nhuận của họ. Hơn bao giờ hết, nhờ vào sự phát triển vượt bậc của kỹ nghệ truyền thông, chúng ta hầu như lúc nào cũng được mời mọc quảng cáo rất nhiều món hàng mà đa số là không cần thiết cho cuộc sống. Một ví dụ điển hình là những hình ảnh quảng cáo đủ kiểu trên đủ loại phương tiện truyền thông của các hãng bia và nước ngọt đa quốc gia. Vô hình chung, người ta bị cuốn vào dòng tiêu thụ những thứ này bất kể hậu quả của việc dùng quá mức đem lại.
Rõ ràng là khi nhìn vào trào lưu sống hiện nay, ta có thể nhận ra rằng chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng bành trướng khắp mọi nơi. Giá xăng dầu trên thế giới tăng vùn vụt cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu này để phục vụ sản xuất và tiêu dùng đã vượt xa số cung hiện có. Thay vì có chính sách thúc đẩy tiết kiệm xăng dầu, một số nước hỗ trợ cho việc phát triển nguồn nhiên liệu mới được chế từ cây bắp. Hệ quả là giá bắp trên thị trường tăng nhanh, góp phần dẫn đến việc tăng giá hàng loạt các loại lương thực, thực phẩm khác, làm khốn đốn biết bao dân nghèo trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng các “bệnh nhà giàu” (như cao máu, mỡ trong máu, và tiểu đường) do ăn uống quá độ, đặc biệt là việc tiêu thụ thịt ngày càng lớn, đã làm ảnh hưởng tiêu cực lên ngân sách y tế của nhiều nước. Ăn thịt nhiều cũng làm giảm đi số lượng lương thực để cung cấp cho người dân ở những nước nghèo, bởi vì nuôi gia súc để sản xuất thịt theo phương thức công nghiệp đòi hỏi sử dụng rất nhiều lương thực cho đầu vào. Tình trạng tiêu thụ thực phẩm tràn lan đã gây sức ép không nhỏ lên môi trường tự nhiên, đưa đến những ảnh hưởng xấu cho môi trường sống trên toan thế giới.

Những phản ứng của môi trường tự nhiên bị quá tải bắt buộc chúng ta phải nhận ra chuỗi liên kết nhân quả của những hành động tác hại đến môi trường ở khắp mọi nơi (vì tất cả chúng ta cho dù ở đâu cũng đều chia sẻ chung một trái đất). Tuy nhiên, vấn đề không phải dễ giải quyết khi có rất nhiều chính sách thúc đẩy việc tiêu thụ thay vì khuyến cáo giảm bớt tiêu dùng để sống hòa hợp theo khả năng cung cấp của môi trường. Nhìn vào chính sách kinh tế vĩ mô, như ở Mỹ chẳng hạn, mỗi khi có tình trạng kinh tế chậm tăng trưởng là người ta lăm le đến việc kích cầu mà thực chất là thúc đẩy việc tiêu thụ bất kể hậu quả của nó tác động lên môi trường. Ở những nước đang phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá để cố bắt theo các nước phát triển đã gây ra tình trạng ô nhiễm tràn lan mà hậu quả hầu như trút xuống người nghèo nặng nề nhất vì họ không có khả năng về tài chính và luật pháp để bảo vệ mình. Một ví dụ điển hình, không cần tìm lâu chúng ta có thể thấy ngay rằng nhiều người nông dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất khi những con sông từng đem lại nguồn sống cho họ bỗng nhiên chết dần chết mòn bởi những lượng thải từ các nhà máy hoạt động công nghiệp hoặc khai thác khoáng sản gần đó gây ra. Trong cái gọi là tăng trưởng kinh tế, có rất nhiều nước đã đánh đổi sự bền vững của môi trường thiên nhiên cho những lợi ích tức thời, bất kể hậu quả lâu dài.
Tất nhiên là tăng trưởng kinh tế không phải là điều ta không muốn. Tăng trưởng kinh tế là một chìa khóa để đưa nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để tăng trưởng và phát triển kinh tế mà không gây ra hậu quả tai hại lâu dài cho môi trường sống. Ở đây, chúng ta thấy tầm quan trọng của tinh thần tri túc thiểu dục trong sự phát triển kinh tế bền vững, hòa hợp với khả năng cung cấp và chịu đựng của môi trường tự nhiên. Khi ta tiêu thụ một cách vừa phải thì ta giúp chính mình trước vì tránh được những hậu quả tai hại do việc tiêu thụ quá độ gây ra, kế đến ta cũng góp phần giúp xã hội phân bố và sử dụng tài nguyên một cách bền vững và hiệu quả hơn. Ví dụ, khi các “bệnh nhà giàu” được giảm thiểu thì gánh nặng lên nền y tế sẽ được giảm rất nhiều, tạo điều kiện cho xã hội sử dụng tài nguyên cho những công việc khác, chẳng hạn như xây dựng thêm hạ tầng cơ sở ô nông thôn. Hơn nữa, khi chúng ta tiêu thụ ít lại và tiết kiệm nhiều hơn thì cũng tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng bên vững trong khi tránh bớt các biện pháp kích cầu thúc đẩy tiêu thụ nhất thời một cách không phân biệt(4).
Cũng xin được đề cập ở đây là tri túc thiểu dục trong cuộc sống đời thường không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ nhiều thứ và sống như một vị tu hành. Đòi hỏi như thế có lẽ là một điều không tưởng. Tuy nhiên, biết kiềm chế và ý thức liên hệ nhân quả của việc tiêu thụ của mình thì mỗi người trong chúng ta cũng đóng góp rất nhiều cho việc đóng góp duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn của trái đất này. Cuộc sống sẽ đẹp hơn, thế giới sẽ bớt đi những xung đột do sự tranh giành những nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt gây ra.

Hiểu và biến đổi dòng chảy vô thường thành mạch sống yêu thương
Có một giá trị mà khi đón nhận nó thì sẽ góp phần thúc đẩy con người thực thi hai giá trị đã nêu ở trên. Đó là giá trị về việc hiểu và ứng dụng khái niệm vô thường(5). Giáo lý vô thường của nhà Phật có lẽ là giáo lý đi vào lòng người một cách tự nhiên nhất. Vô thường hiện hữu trong từng khía cạnh của cuộc đời, buộc chúng ta phải dừng lại để ngẫm nghĩ cho riêng mình về sự thật của nó. Quy luật của vô thường sẽ không phân biệt một ai, bất kể ta đang đứng ở nấc thang nào trong xã hội. Hiểu và biết sống với vô thường sẽ là một phương pháp rất hữu hiệu để giúp ta tránh bớt những nhiêu khê trong cuộc sống. Khi luôn luôn nhắc nhở và biết rõ rằng những tham vọng, địa vị, của cải, và chính thân xác của ta có thể bị con sóng vô thường cuốn đi bất cứ lúc nào thì chúng ta sẽ bớt bám víu hơn vào chúng. Và như là một quy luật tự nhiên, ít đi sư tranh giành thì sẽ tăng thêm phần cảm thông và chia sẻ.
Thoạt qua, tưởng chừng như việc nhận ra chân giá trị của giáo lý vô thường không liên quan gì nhiều đến các vấn đề rộng lớn của xã hội. Nhưng thật ra nó liên quan rất nhiều, vì lối sống và làm việc của mỗi người là nhân tố tạo nên một xã hội. Con người sống trong xã hội và tạo ra xã hội, cho nên xã hội có tốt đẹp hay không cũng do con người mà ra. Ta có thể biến đổi dòng chảy vô thường thành mạch sống yêu thương vì lợi ích cho ta và cho đời.

Chỉ là mơ ước hay là điều có thể thực hiện được?
Qua sự gợi ý về ba giá trị thiết thực cho một thế giới toàn cầu hóa ở trên, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi liệu có hy vọng là chúng sẽ được đón nhận rộng rãi hay không? Câu trả lời là dù muốn dù không thì thế giới toàn cầu ngày nay rồi cũng phải nhận ra tầm quan trọng của những giá trị này. Điều cấp bách là ta cần phải giơi thiệu chúng và thực hành chúng trong hành động của ta để có thể khuyến khích người khác làm giống mình. Và chúng ta có quyền hy vọng. Nhìn vào thế giới ngày nay, ta có thể thấy những cố gắng của những tổ chức và cá nhân, chẳng hạn như tổ chức quốc tế phi chính phủ Oxfam, trong công cuộc bảo vệ môi trường và khuyến cáo chính phủ các nước phải có chính sách thiết thực để giúp đỡ người nghèo trên khắp thế giới. Ngay ở Mỹ trong thời gian gần đây, khi phải đương đầu với giá xăng tăng lên vùn vụt, nhiều bình luận gia đã kêu gọi người Mỹ phải biết tiết kiệm và kiềm chế việc tiêu thụ nhiên liệu như là giải pháp tốt nhất cho cơn sốt giá hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy ngày càng nhiều người Tây phương nhận ra ích lợi của những phương pháp tu tập, đặc biệt là thiền tập để giảm áp lực trong cuộc sống, do các nhà sư hướng dẫn ở rất nhiều nơi trên thế giới. Họ học hỏi và ứng dụng giáo lý vô thường một cách có hiệu quả rõ rệt ngay. Hy vọng rằng dần dần rồi đây sẽ có sự lan tỏa việc đón nhận giá trị này khắp nơi nơi.


Cuối cùng, tất nhiên là ba giá trị đã nêu không thể nào đại diện cho một rừng giáo lý vừa giản dị vừa uyên thâm của nhà Phật; và cũng có những nhóm giá trị khác ngoài nhà Phật không kém phần quan trọng. Tuy nhiên, chúng đặc biệt ở chỗ là ai cũng có thể chấp nhận được, vì chúng hợp lý trong giải thích và đem lại kết quả thuận theo lợi ích của con người một cách tốt đẹp trong ứng dụng. Tất cả các chính sách, từ cấp địa phương trong một nước cho đến cấp chính phủ giữa các quốc gia suy cho cùng đều xuất phát tư con người cá nhân. Mỗi một người trong chúng ta đều có thể làm tốt cho một thế giới toàn cầu cho dù chúng ta có nhận ra đều đó hay không. Chúng ta hãy thách thức chính mình trong việc ứng dụng những giá trị này để làm đẹp cho mình và cho đời.

TS. Trần Lê Anh

(1) Kinh Kàlàmà trong kinh Tăng Chi Bộ do hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Dòng in đậm là do tác giả bài viết nhấn mạnh. (2) Có người sẽ tranh cãi về định nghĩa của hạnh phúc. Nhưng có rất nhiều điều mà không ai có thể không chấp nhận là sẽ làm cuộc sống hạnh phúc hơn, chẳng hạn như việc xóa đói giảm nghèo và giảm thiểu bệnh tật. (3) Xin được hiểu thêm rằng điều này không có nghĩa là cơ chế thị trường tự do là không tốt. Nó tốt hay xấu là do chính sách ứng dụng có thích hợp với từng trường hợp cụ thể hay không, bởi vì thị trường cũng là do con người tạo ra, chứ không phải tự nhiên mà có. (4) Khi chúng ta tiết kiệm và gởi tiền vào ngân hàng thì tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng được vay vốn để đầu tư, dẫn đến nền kinh tế được tăng trưởng vì có đầu tư cao. Việc này kèm theo việc nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực đung đắn sẽ dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng bền vững. (5) Có nghĩa là mọi thứ luôn luôn biến chuyển, có lúc thì theo một trình tự, có lúc thì xảy ra một cách bất ngờ.