Tuesday, March 31, 2009

Thiền trong cuộc sống


Ngày nay thiền đã trở thành phổ biến, ai cũng nói về thiền, sách báo nào cũng đề cập đến thiền, gần đây lại có chuyện du lịch thiền. Nhiều nhận định về thiền, nào là thiền là sự rỗng lặng, sự đào luyện tâm tỉnh thức, tâm từ bi, sự nhận chân về giả hợp và chân ngã... Thật vậy, trong cuộc sống mà con người luôn phải đối mặt với bao nỗi lo âu sợ hãi và bế tắc thì giáo lý đạo Phật được xem như một giải pháp khả dĩ đáp ứng những yêu cầu bức xúc của thời đại, nhằm tháo gỡ vướng mắc, khổ đau… đã được các triết gia, các nhà tư tưởng, nhà khoa học Đông Tây quan tâm. Thiền đã trở thành một phong cách sống tỉnh thức có thể áp dụng cho nhiều đối tượng, căn cơ khác nhau, không phân biệt truyền thống văn hóa tôn giáo, được phổ biến trên các phương tiện truyền thông và có phạm vi ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như thư pháp, thi ca, hội họa, âm nhạc, uống trà, cắm hoa... và cả kỹ thuật làm đẹp.

Ở ta, sau một khoảng lặng, thiền cũng đã rộ lên với sách, báo và các bài viết của các thiền sư Việt Nam, Trung Quốc, Tây Tạng... đã giúp nhiều người hiểu biết thêm về thiền, nhưng tiếc thay một số người cũng chỉ dừng lại ở “biết để mà biết”. Họ vẫn nghĩ thiền là lĩnh vực cao siêu thuộc thẩm quyền của các bậc thiền sư, các bậc thức giả có thiện căn hay ít ra cũng là các thiền sinh trong thiền viện, chứ không phải là thứ dành cho bất cứ ai, vội vã nhảy vào không khéo thì… tẩu hỏa nhập ma! Vả lại, khi nói đến thiền người ta cũng chỉ nghĩ đến ngồi thiền. Thật ra, thiền là một phong cách sống tỉnh thức trước thực tại và biểu hiện chánh niệm thường trực trong mọi uy nghi như đi đứng nằm ngồi ngủ nghỉ... mà truyền thống Thiền tông đã nói đến như thiền nhặt rau, bửa củi, giã gạo, lau nhà, múc nước...

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết trong cuộc sống hối hả như ngày nay, con người phải chịu nhiều áp lực, thiền không hẳn là việc ngồi tĩnh tọa trong am cốc, trong thiền viện, chùa chiền theo một thời khóa nhất định. Tất nhiên ngồi thiền có lợi thế để đạt trạng thái định cao. Ngày nay thiền đã đi vào cuộc sống, chẳng hạn khi đi xe máy, chỉ đơn giản là biết nương theo hơi thở để trở về với mình, cũng có thể niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát… thì đầu óc sẽ tỉnh táo, mắt tinh tường quan sát trước sau (không để tâm lang thang) tất sẽ hạn chế bất cẩn, tai nạn. Khi mới ngủ dậy, thay vì vội bước xuống đất ra ngoài, ta để năm mười phút hít thở, xoa đầu mặt, tay chân... hẳn sẽ tránh được trúng gió do sự thay đổi môi trường đột ngột hay trợt té dập đầu, gãy xương. Trước khi ngủ, nằm buông thư hít vào thở ra sâu chậm năm bảy lần, đưa tâm trở về tiếp xúc với mọi bộ phận cơ thể, ta sẽ ý thức được hoạt động không ngừng nghỉ suốt ngày đêm của lục phủ ngũ tạng, ta sẽ biết cách tránh tác hại do hít thở khói thuốc lá, bụi bặm ô nhiễm, thức ăn thức uống độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhấc máy điện thoại, trước khi nói hít thở sâu ba bốn lần, kéo tâm đang rong ruổi trở về giây phút hiện tại và nở nụ cười, người nghe bên kia ắt hẳn sẽ cảm nhận được niềm vui. Sau hai ba giờ làm việc mệt nhọc, căng thẳng ta đứng lên, cũng có thể ngồi tại chỗ vươn vai thở sâu năm bảy bận, đưa tâm trở về với thân, sự hưng phấn sẽ trở lại để tiếp tục công việc. Khi gặp chuyện tức tối hay bực bội, trở về với hơi thở ta sẽ nhận diện được cơn giận, cơn giận sẽ từ từ tan biến. Cũng thế, khi gặp chuyện bất trắc, thay vì vội vã đối phó bằng một thái độ giận dữ, ta thở sâu năm bảy lần, lấy lại bình tĩnh và tìm ra cách xử sự phù hợp.

Đó là những gì tôi đã làm và chia sẻ với người thân, bạn bè và đã đạt được kết quả tốt đẹp, đến độ khi gặp ai đó có vấn đề bức xúc về gia đình con cháu hay đến thăm người bị bệnh, tôi cứ lấy làm tiếc rằng họ không biết sử dụng thiền và nôn nóng muốn vực họ dậy, bày họ thở! Như thế thiền, đúng với mọi nhận định trên, vì hơi thở không phải cố gắng nỗ lực mà kết quả tự nhiên đến! Cũng chính vì thế thiền, ngày càng được vận dụng trong mọi lãnh vực đời sống. Trong trường học, thiền giúp học sinh tăng khả năng chú ý, phát huy trí nhớ, óc sáng tạo. Trong bệnh viện, thiền giúp bệnh nhân làm chủ hơi thở, điều hòa nhịp tim và khí huyết, nhờ thế máu huyết tươi nhuận, tăng cường sức đề kháng. Trong trại cải huấn, thiền giúp trại sinh nương theo hơi thở để soi rọi lại mình, nhờ đó giảm căng thẳng, bớt bạo động, biết thông cảm và thương yêu. Trong trại cai nghiện, thiền giúp phát triển thái độ lạc quan, ổn định tinh thần, thấy được ý nghĩa cuộc sống. Nhờ đó cơ thể kích thích hóc-môn tăng cường hoạt động, chế ngự tác động của chất gây nghiện.

Đối với tôi thiền còn có một ý nghĩa đặc biệt, giúp cơ thể chuyển hóa được cơn bệnh “bất trị”. Hơn 10 năm trước, cơ thể gầy còm của tôi là nơi hội tụ nhiều chứng bệnh như rối loạn tiêu hóa, táo bón, lâu lâu lại cảm cúm, mụt nhọt nổi khắp mình mẩy, tay chân nhức mỏi... (có thể những triệu chứng này có quan hệ với nhau). Nhiều bác sĩ, qua xét nghiệm chẩn đoán đã kết luận “viêm đại tràng mãn” với lời giải thích do lao lực, lao tâm và khuyên tốt nhất nên an dưỡng tinh thần, bồi dưỡng thể chất vì bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Trong suốt ba bốn năm tôi đã gõ cửa nhiều thầy thuốc, nhiều bệnh viện, sử dụng nhiều thuốc Đông Tây y nhưng rốt cục đành chịu bó tay, chỉ nước chờ... chết (cũng có khi bớt nhưng chỉ thời gian ngắn hoặc giảm chứng này lại bày chứng khác). Nghe nói thiền có khả năng chữa được bệnh nan y. Tôi nghi ngờ, y học hiện đại còn bó tay thì liệu thiền có phép mầu nào! Nhưng “hữu sự vái tứ phương”, tôi nghĩ nếu không lành bệnh, ít ra cũng có hiệu quả nào đó, tỉ như cái chết an ổn! Tôi đọc sách, nghe băng đĩa hướng dẫn tập thiền của quý thầy... nhưng do khả năng hạn chế tôi chỉ vận dụng theo cách phù hợp, ngờ đâu kết quả bất ngờ thật đáng ngạc nhiên. Đơn giản chỉ là ngồi yên, theo dõi hơi thở ra vào, vào sâu biết vào sâu, ra chậm biết ra chậm, thế nhưng không giản đơn tí nào. Lúc đầu, đếm lộn lui lộn tới rồi bao nhiêu ý nghĩ khởi lên chẳng đầu đuôi thứ lớp gì. Ngồi chưa được bao lâu thì mắt ríu xuống, rồi ngứa ngáy rần rần như kiến bò trên mặt trên cổ... chân đau, thân mỏi như lúc nào cũng muốn kéo mình xuống! Nhưng kiên trì dần dần rồi cũng thuần thục và chừng năm sáu tháng sau, mọi thao tác trở nên nhuần nhuyễn và thành thói quen mỗi ngày hai thời. Mỗi thời 45-50 phút sáng tối đều đặn, bữa nào trở ngại gì đó không ngồi được cảm thấy như thiếu cái gì! Sau ba bốn tháng, mầu nhiệm thay bệnh viêm đại tràng (chứng bệnh chủ yếu) thuyên giảm và chừng một năm, các triệu chứng khác cũng dần biến mất! Sau gần mười năm kiên trì thực tập, giờ đây sức khỏe phục hồi mà không phải dùng đến bất cứ viên thuốc Đông Tây nào. Đó là sự thật, nhưng nếu ai hỏi tại sao ngồi thiền lại khỏi bệnh hay ngồi thiền lâu rồi có thấy gì không? Tôi chẳng biết trả lời ra sao khi thật sự không (hay chưa) thấy gì và cũng chẳng hiểu vì sao thiền lại chuyển hóa được bệnh tật! Điều có thể thấy rõ là sự thay đổi từ màu da sắc mặt trở nên hồng hào, rồi ăn uống biết ngon, ngủ sâu... trí nhớ phục hồi, đầu óc sáng ra. Và ngạc nhiên hơn là không dưng mà các mối quan hệ được cải thiện rõ rệt! Có thể rằng trong khi ngồi yên, thở ra thở vô, bỗng nhận ra rằng hơi thở là cầu nối giữa thân và tâm, vì thật ra lắm lúc thân có đó mà tâm rong ruổi đâu đâu. Trạng huống đánh mất tâm thường xảy ra đối với tất cả mọi người, mà ông bà xưa thường bảo nôm na là “ú ớ như ốc lộn hồn”. Và khi đem tâm trở về với thân, ta sẽ nhận diện được trạng huống ta đang phải đối mặt thì sự trục trặc, rắc rối sẽ biến mất. Hơi thở cũng giúp ta nhận diện được sự mong manh của đời người, còn thở ra, hít vào là sống, ngược lại là chết. Sống chết chỉ là một quá trình, không liên quan gì đến cái ta hay cái của ta. Thật sự không ai sống và cũng chẳng ai chết mà chỉ là vận hành của nhân và duyên, duyên hết thì kết thúc quá trình. Từ đó nhận ra sự nhất thể giữa ta và muôn loài, vô ngã! Nhờ thế ta biết chia sẻ và cảm thông với mọi người. “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều ta không muốn thì không nên làm cho người). Nhận thức đó có vai trò thật hết sức quan trọng, đã làm thái độ, hành vi, cử chỉ của ta trở nên nhẹ nhàng, cởi mở. Khi tâm không còn lo lắng, buồn phiền, sợ hãi thì thân khỏe ra, hết bệnh là hệ quả tất yếu. Và theo nghiên cứu của khoa học tâm lý trị liệu, bằng hơi thở sâu và dài, máu sẽ được biến đổi, tế bào não không ngừng được đổi mới và nếu cứ lặp lại đều đặn mỗi ngày cơ thể sẽ được làm mới, vô hình trung ta khai thác được nguồn năng lượng vô biên tiềm ẩn sẵn trong ta, tất mọi trục trặc sẽ được điều chỉnh, rối loạn sẽ được điều hòa. Và phải chăng, đó chính là quá trình chuyển hóa của nghiệp lực.

Như thế - từ một pháp môn tu học trong thiền môn - thiền bước vào cuộc đời, phổ biến thành một phong cách sống tỉnh thức. Đấy cũng chính là quá trình tương tác qua lại nhân quả, quả nhân giữa thân và tâm, giữa tâm và cảnh, cảnh và thân do tác động bởi mức độ tinh tấn thực hành giới, định, tuệ và tự nguyện thực hiện tâm từ, bi, hỷ, xả theo hạnh nguyện bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Điều này giải thích lý do tại sao pháp Phật được gọi là lương dược và Đức Phật được gọi là bậc đại y vương. Và có thể liên hệ một số Tăng Ni, mặc dù sống đạm bạc nhưng hầu hết có sức khỏe tốt, đặc biệt các bậc cao tăng, các vị thiền sư có phong thái nhẹ nhàng, tuổi thọ cao nhưng trí tuệ mẫn tiệp, bền bỉ thuyết giảng, viết sách, dịch kinh...

Chưa nói đến mục tiêu đạt giác ngộ, giải thoát sinh tử, luân hồi là mục đích chính thiền nhắm đến mà lịch sử Thiền tông đã chứng tỏ. Trong cuộc sống đầy bất trắc và lo âu như hiện nay, thiền đã trở thành một phong cách sống tỉnh thức. Bằng hơi thở, thiền đưa ta trở về thực tại bây giờ và ở đây, ta sẽ nhận diện được trạng huống của tâm, nỗi khổ niềm đau sẽ được ôm ấp và hóa giải. Tâm sẽ được giải phóng khỏi mọi ràng buộc của tham sân si, thân sẽ biết cách tự đối phó với bệnh! Như thế phải chăng thiền quán hơi thở tỉnh thức mang lại cho con người hôm nay con đường giải thoát khổ đau! Và may mắn thay, một người đã từng bị bệnh, từng khổ sở vì bệnh, tôi mới nhận ra sự mầu nhiệm của Phật pháp. Và vô cùng biết ơn khi thiền giúp tôi trở về nhận diện được điều mầu nhiệm đó, tuy đơn giản nhưng quý giá biết dường nào!

Võ Văn Lân