Friday, November 21, 2008

Bảy tầng tháp báu


...Những kinh sách Phật giáo cổ xưa có nói về Bảy Tháp Báu, giống như các đạo sĩ Sufi (huyền bí của Hồi Giáo) nói về bảy Thung Lũng, và Ấn Ðộ giáo rao truyền về bảy Bánh Xe Luân Hồi.

Tháp báu thứ nhứt tượng trưng thuần vật chất.
Tháp báu thứ nhì là thân tâm hợp.
Tháp báu thứ ba biểu tượng cho tâm lý.
Tháp báu thứ tư là tâm - ý thức.
Tháp báu thứ năm là thuần tâm thức.
Tháp báu thứ sáu là vượt qua phần ý thức.
Tháp báu thứ bảy là siêu thức.

Tâm Kinh Bát Nhã thuộc về tháp báu thứ bảy; đó là sự thể nhập vào Siêu Thức, vào Chân Như Tuyệt Ðối, và đó cũng là ý nghĩa của Phạn ngữ "Prajnaparamita - Trí Tuệ đáo bỉ ngạn", trí tuệ rốt ráo cùng tột, trí tuệ siêu việt. Cái trí tuệ rốt ráo đó chỉ đạt được khi anh đã chuyển hóa được tất cả những nhãn hiệu, những giá trị, những bảng đánh giá cao thấp đúng sai; khi trong anh chỉ còn một ngọn lửa Tỉnh Giác Thuần Nhất, không pha tạp, không khói đen bám chung quanh. Ðó là lý do các tín đồ Phật giáo thờ kính tôn trọng quyển kinh nhỏ bé này, quyển kinh rất nhỏ này, quyển cốt lõi kinh điển này và đặt tên là Tâm Kinh - Kinh Trái Tim - là trái tim, là tinh túy, là cốt tủy Phật giáo.

Tháp thứ bảy, Siêu Thức, với biểu tượng bánh xe ngàn cánh sen (sahasrar chakra: sahasrar có nghĩa là ngàn cánh sen, chakra là bánh xe), là biểu tượng của dòng luân chuyển tuyệt đối: không có cái gì che dấu, tất cả đều được phơi bày trọn vẹn, linh động, đầy sức sống kín nhiệm, rạng ngời. Ngàn cánh hoa sen bừng nở, xông tỏa, cả bầu trời tràn ngập mùi hương vi diệu, toàn thái hư e thẹn chìm trong cái Ðẹp Tối Thượng, vũ trụ và chúng sanh đón nhận ân sủng giáng phàm đó. Con người cũng được ví như cái cầu thang có bảy nấc, và cái cầu thang đó bắc nhịp liên lạc thế giới này với thế giới khác; cái gạch nối giữa phần vật chất và thượng đế.

Thân xác là cái nấc thang thứ nhất. Nó sẽ tuyệt hảo nếu anh dùng nó để bước tiếp lên sáu nấc thang kia; nhưng nếu anh dừng lại ở nấc thang thứ nhất và tôn thờ đam mê cái nấc thang thân xác này, bỏ quên sáu nấc thang kia thì anh đã kẹt cứng ở đó, và tự anh đã tiêu hủy đời anh trong ô trược. Vì thế, những người theo chủ nghĩa Duy Vật đều bị kẹt cứng, họ luôn cảm thấy có cái gì thiếu thốn, có cái gì hụt hẫng. Họ bị chết cứng ở nấc thang thứ nhất, không tiến đi đâu được. Họ chạy lòng vòng, quanh đi quẩn lại một địa điểm. Họ cảm thấy mệt mỏi, chán chường và bắt đầu đi tìm cái chết để giải quyết vấn đề bức xúc tâm lý. Những sự nổ lực của họ đều vươn tới đi tìm "cái mới" nhưng thực ra, có cái mới nào đâu? Tất cả chỉ là những món đồ chơi, những món đồ giải trí.

Hãy nhớ là anh đang ở trong cơ thể anh, nhưng anh không phải là cái thể xác vật lý này, anh hãy để cho dòng ý thức tiếp tục hiện hữu trong anh. Anh sống với thể xác này, và nó là một chỗ cư trú tuyệt hảo. Tôi không bao giờ khuyên anh hãy chống lại thân xác, không bao giờ, dù chỉ là phút giây. Tôi không bao giờ nói anh hãy nhàm ghét ghê tởm thân xác như một số các nhà Tâm Linh Học, qua nhiều thế kỷ trước, đã từng khuyến cáo đệ tử phải chán bỏ thân xác. Các nhà Duy Vật quan niệm thân xác vật chất là tất cả; còn các nhà Duy Linh thì quan niệm ngược lại "Phải tiêu hủy thân xác này, vì đó là ảo ảnh, là mê lầm. Một khi thân xác tiêu, thì ảo ảnh trong anh sẽ tự động tiêu trừ." Trạng thái tiêu cực đó là phản ứng của các nhà Duy Linh Học. Họ đặt ra trò hề đó để phản bác lại các nhà Duy Vật Học, nhưng thực ra họ cũng là thành viên của một vụ buôn bán trao đổi, không có gì khác hơn hay khá hơn cả.

Thân tướng này thiệt đẹp, nó vốn thực hữu, sống động và tràn đầy cảm tính yêu thương. Nó cũng cần được chăm sóc, vỗ về, nâng niu. Thân tướng hợp thể đó là món quà của Thượng đế ban tặng cho loài người. Ðừng để một phút giây nào đối kháng lại nó, và cũng đừng khởi niệm một phút giây nào anh chỉ là thân tướng ngũ uẩn này. Anh phải đi xa hơn nữa, anh hãy sử dụng thân tướng này của anh như là một đòn bẩy, một bàn đạp búng anh lên cao và đi xa hơn nữa.

Tầng tháp thứ hai là phần Thân Tâm Hợp Nhất. Tâm lý học của Freud nằm gọn ở phần này. Tính chất phân tích của hệ thống tâm lý học của Freud có chút cao sâu hơn triết thuyết của Skinner và Pavlov. Freud tiến sâu, tiến thẳng hơn nữa vào những vùng bí mật của tâm lý con người, vượt qua trạng thái mộng tưởng. Freud không những chỉ là một nhà nhân cách học mà ông còn là một nhà phân tích nghiên cứu mộng tưởng con người. Mộng tưởng hiện hữu trong anh như là một ảo giác. Nó là một sự biểu thị, là một biểu tượng; nó là sứ giả của ý thức. Anh hãy biết cách ứng dụng mộng tưởng, nhưng đừng bao giờ bị biến hóa thành mộng. Anh không phải là mộng và cũng đừng ồn ào nhặng xị cả lên vì vấn đề mộng hay không mộng như Freud đã từng làm. Tất cả những nổ lực của các nhà phân tâm học đều như là phóng hút tới vùng thế giới của mộng tưởng.

Hãy ghi nhận kỹ như vậy, hãy nhớ kỹ như vậy; anh phải hiểu rõ ràng thông điệp của nó và thực ra anh không cần phải tìm tới bất cứ một người nào để phân giải mộng tưởng của anh. Nếu chính anh không hiểu nổi ước mộng của anh thì không ai có thể hiểu nổi, bởi vì ước mộng đó là "ước mộng của chính anh". Và ước mộng đó thật cá nhân đến nỗi không ai có thể mơ giống như anh cả. Không một ai ước mơ giống ai; mỗi người là một thế giới của riêng mình; mỗi người có mơ ước của riêng mình, không một ai có thể giải thích cho người khác hiểu vùng sâu mơ ước riêng tư đó - nónhư là một vùng cấm địa, một mảnh đất thiêng không ai có thể đặt chân vào ngoại trừ chủ nhân của nó. Vùng đất thiêng của anh, tôi có thể nhìn vào, chỉ đứng ngoài nhìn vào mà thôi, nhưng không đặt chân tiến vào cấm địa được.

Không cần phải phân tích giải nghĩa ước mơ: anh chỉ nên nhìn tổng thể ước mơ đó với sự sáng suốt, tỉnh thức sâu xa và anh sẽ nhận chân rõ ràng thông điệp của nó. Không cần phải tốn công chầu chực một ông bác sĩ tâm lý nào cả ba, bốn năm trời như vậy cả. Cũng như người đứng ở nấc thang thứ nhất quá chấp chặt vào thân xác vật lý; người thứ hai kẹt cứng vào tình dục, bởi vì tính chất xác thực nhất của nấc thang Thân Tâm Hợp là tình dục. Bất cứ những gì anh làm, anh đến hỏi Freud, thì ông ta sẽ giải thích cho anh qua từ ngữ và tính chất tình dục vọng khởi trong anh. Không có gì khác hơn trong lối nghiên cứu phân tâm của Freud. Nếu anh mang đến cho Freud một đoá hoa sen, ông ta nhìn hoa sen và liệt kê nó vào bùn rác ngay. Freud sẽ nói: "Cái này chẳng là gì cả, chẳng có giá trị gì cả, nó chỉ là bùn mục thôi. Nó sống trong bùn, lớn lên trong bùn, thì nó cũng chỉ là bùn thôi." Có nghĩa là, theo Freud, môi trường nào thì sản sanh ra loại đó. Nếu những phân tích nghiên giải của Freud là đúng và thành công thì đã không có Kalida, Shakespeare, Michelangelo, Mozart, Wagner. Mọi người đều bình thường nhưng Freud đã nhìn lệch lạc, đã bi quan hóa cuộc đời nên nhìn ai cũng cho là họ xấu xa, mắc bịnh tâm lý cả. Cái lối lập luận phân tích tâm lý đó của Freud đã làm tiêu mòn suy giảm đi tánh chất vĩ đại của con người.

Nấc thang thứ ba là phần Tâm Lý Học. Alfred Adler (một tâm lý gia và điều trị tâm lý người Áo 1871- 1937) sống trong thế giới tâm lý này, trong lãnh vực ý chí vươn tới năng lực. Thế giới tâm lý học của Adler thực ra cũng còn lẩn quẩn trong vòng cá nhân, tự ngã - nhưng ít nhất ra, nó cởi mở hơn thế giới tình dục của Freud. Nhưng vấn đề ở đây là như Freud quan niệm tất cả đều liên quan đến tình dục, thì Adler lại hạ giảm mọi sự việc xuống cấp thấp của sự phức tạp. Người ta cố gắng cho được tốt đẹp vì họ cảm thấy họ còn thấp kém. Một người đang nổ lực vươn tới sự Toàn Bích vì người đó tự cảm thấy mình còn thấp kém, và một người đang cố gắng để đạt giác ngộ, đó là một người đang đi trên con đường phát huy năng lực. Nhưng suy cho cùng, điều đó không hẳn đúng - Ðức Phật, Chúa Giê Su, Krishna - những con đường của các bậc siêu nhân này đi không phải là những con đường phát huy tự ngã. Khi Ðức Phật chứng đắc, Ngài không hề khởi lên ý niệm cao thấp, trên dưới gì cả. Hoàn toàn không. Phật không hề có ý nghĩ Ngài thánh thiện hơn anh, hoàn toàn không. Phật vẫn ung dung cúi mình xuống trân trọng chào toàn thể vạn vật vũ trụ đang hiện hữu xung quanh Ngài. Tất cả đều thánh thiện, ngay cả một hạt bụi cũng thánh thiện. Không, Phật không hề nghĩ là Ngài cao thượng hơn mọi chúng sinh khác, và Ngài cũng không hề khát khao đạt tới sự vượt thắng tha nhân đó. Phật không cảm thấy thấp kém cũng chẳng thấy cao tột gì. Ngài sinh ra là một thái tử, quyền uy giàu sang tột bực, đứng đầu thiên hạ . . . nhưng Ngài vẫn tự tại như không. Không có cái gì chi phối được Ngài. Nhưng Adler thì không. Ông ta không tin rằng mục đích con người đang tìm kiếm còn có cái gì cao hơn, khác hơn Tự Ngã. Adler suy nghĩ khá hơn Freud, khá hơn một chút. Tự Ngã cao hơn tình dục một chút thôi, chỉ một chút thôi.

Nấc thang thứ tư là tâm Ý Thức, trung tâm điểm. Carl Jung, Assagioli và vài triết gia khác lọt vào địa hạt này. Họ vượt cao hơn Pavlov, Freud và Adler; họ mở rộng ra nhiều trường hợp có thể xảy ra hơn. Họ chấp nhận thế giới vô lý phi nghĩa: họ không hạn chế họ vào lý luận. Họ có lý hơn nhiều người - họ chấp nhận cả sự phi lý. Sự phi lý không bị phủ nhận từ chối nhưng được chấp nhận. Ðó là tiêu điểm mà môn Tâm Lý Học dừng lại - ở nấc thang thứ tư, và nấc thang thứ tư là chặng giữa của cầu thang, bên này ba, bên kia ba. Môn Tâm Lý Học chưa phải hoàn toàn là môn khoa học. Nó bị kẹt ở giữa. Nó rung rinh, không vững chắc. Nó mang tính chất lập luận, giả thuyết hơn là kinh nghiệm, và vẫn còn bị tranh chấp.

Nấc thang thứ năm là Tâm Thức. ...Tất cả những tôn giáo có hệ thống tổ chức. . . đều kẹt cứng ở đây. Họ không tài nào đi xa hơn phần tâm thức. Họ chỉ đến đấy, mắc kẹt ở đấy.

Nấc thang thứ sáu là Vượt Qua Phần Tâm Thức - có thể đơn cử pháp Du Già thiền định và một số pháp môn tu tập khác. Trên khắp thế giới, trong vài thế kỷ qua, người ta đã khai triển và gặt hái khá nhiều kết quả trong các phương pháp thực nghiệm tâm linh này. Chúng không nặng tính cách giáo điều nhưng nghiêng hẳn về cách thức phát triển tâm linh. Anh phải thực tập cả thân và tâm; anh phải sáng tạo ra một sự hòa hợp tối thiểu nào đó trong anh để anh có thể lướt lên sự hòa điệu đó, cưỡi lên vầng mây hòa điệu đó và vượt qua vùng thực tại. Pháp Du Già có thể giúp anh hữu hiệu hóa sự phóng thể đó. Sự kiện ấy chính là nấc thang thứ sáu, phần vượt tâm thức.

Và nấc thang thứ bảy là Siêu Thức: đạo Lão, Thiền và Mật Tông. Sự thể nghiệm tâm linh của Phật là ở tầng tháp thứ bảy này - Bát Nhã Ba La Mật Ða, có nghĩa là Trí Tuệ Siêu Thoát, cái trí tuệ chỉ phát sáng nơi anh khi anh đã vượt qua thân ngũ uẩn và trong anh chỉ thuần còn một khối băng trinh, trong suốt, thức tỉnh nhậm lẹ. Sư sự, vật vật đều có thể xảy ra, nhưng phải xảy ra từ Tâm. Vì thế, quyển Kinh này mới mang tên là" Bát Nhã Tâm Kinh. Nói như thế, có nghĩa là trừ phi anh làm bất cứ chuyện gì với tình yêu rộng lớn, tính qủa cảm dấn thân, sự chân thành, lời cam kết chắc chắn, sự xác thực, anh làm với cả con người anh; nếu không, chẳng có sự cố nào xảy ra cho anh cả. Tâm Kinh Bát Nhã là một sự thay đổi lớn, một sự chuyển hóa cùng tột, là một cuộc cách mạng tâm hồn.

*****

Avalokita (Quán Tự Tại) là tên một vị Phật. Căn nguyên từ "Avalokita" có nghĩa là người đứng ở trên cao nhìn xuống. Avalokita- người nhìn xuống từ trên cao, bậc giác ngộ ở tầng tháp thứ 7, tầng tháp ngàn cánh hoa sen, tầng siêu ý thức, và từ nơi cao đó, bậc đạt đạo nhìn xuống thế gian. Lẽ dĩ nhiên, những gì anh thấy bắt đầu từ trung điểm anh đang đứng, từ không gian nơi chốn anh đang đứng. Nếu người nào đứng ở tầng thứ nhất - tầng vật chất - thì khi họ nhìn bất cứ vật gì hay sự việc gì, họ cũng nhìn từ góc độ họ đang đứng, tầng thứ nhất. Người sống theo vật chất thì khi họ nhìn anh, họ chỉ nhìn thấy xác thân anh mà thôi, họ không thể nhìn hơn tầm nhìn vật lý của họ được; cũng vậy, tầm nhìn sự vật của anh cũng tùy thuộc vào góc độ anh đang đứng, vào cái mà anh chú mục tới. Con người toàn bích là người có thể ứng hiện xuyên suốt bảy lớp tầng tháp đó một cách dễ dàng - đó là con người của Tự Do Nội Tại Tuyệt Ðối - con người không trụ vào bất cứ một điểm cố định nào, giống như cái vòng quay tròn: anh có thể điều chỉnh nó ở bất cứ góc độ nào. Người hoàn toàn tự do cũng như vậy, người đó có thể di động trên mọi phương hướng, trong mọi hoàn cảnh và không hề bị ngoại cảnh ảnh hưởng hay va chạm đến. Sự trong sáng chân thực của người đó không bao giờ biến mất, chân tánh đó mãi mãi tồn tại trong sự chuyển hóa.

*****

Phật dạy: "Thiền định có đủ năng lực để giúp chúng sanh giải hóa các rắc rối phiền tạp sẵn có, nhưng vẫn có một cái gì khiếm khuyết trong ấy - đó là lòng Từ Bi. Nếu Từ Bi được kết hợp với Thiền Ðịnh thì chắc chắn mọi vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa." ... Hãy thiền định với tình yêu, với thông cảm, với hiểu biết, với Tâm Kinh - đừng thiền định với lý luận và phương pháp hay hệ thống. Nếu anh đến với Tâm Kinh bằng trí năng, bằng hệ thống lý luận, anh sẽ giết chết sự tinh túy của tinh thần Bát Nhã. Ðừng mổ xẻ, phân tích chi ly Tâm Kinh. Hãy hiểu tinh thần "Bát Nhã y như nó là", và đừng đặt để cái trí năng, cái học thức, cái tri thức kệch cỡm của anh vào Tâm Kinh - cái tri thức đó của anh sẽ là sự quấy nhiễu cản trở tâm thức trong trinh, tinh khôi của anh vào thiên đường "Không" của Bát Nhã.

...

Trích - "Những Mẫu Pháp Thoại của Osho về Bát Nhã Tâm Kinh" - Thích Nữ Minh Tâm dịch