Saturday, November 8, 2008

Trao đổi với thầy Chánh Giác và chú Phạm Doãn

Link blog chú Phạm Doãn: http://vn.myblog.yahoo.com/phamdoan52/article?mid=784

Chánh Giác 09:35 04-11-2008
Chú Doãn đã tìm tài liệu dẫn đến Thánh Quả Dự Lưu chưa?

Phạm Doãn 11:34 04-11-2008

Căn cứ vào tiêu chuẩn của 10 kiết sử, nếu đã tiêu diệt được:
1. Ngã kiến tức liễu ngộ được tánh vô ngã (Anatta)
2. Nghi tức không còn nghi ngờ về những pháp ấn của Đạo Phật.
3. Giới cấm thủ tức giữ được các giới cấm.
Thì đã đạt được quả dự lưu (Sotapatti)!
Theo: Tăng Chi Bộ Kinh - Anguttara Nikaya
Quả dự lưu không tùy thuộc vào các loại Định chứng đạt được, tuy nhiên sức mạnh của định phải có ở mức độ nào đó để thực hành quán (vipassana) và liễu tri được những pháp ấn ví dụ như "chư hành vô thường chư pháp vô ngã...", nhờ vậy mới tiêu diệt được các kiết sử.
Khi vào được Định, các thiền chi hoặc các tâm sở hiển hiện trong trực giác, do đó muốn tiêu diệt các thiền chi hoặc bất thiện tâm nào hành giả cũng có thể thực hiện được. Ngược lại trường hợp khi đọc A tì đạt ma ta có cảm giác như không thể biết và nhớ nổi các loại tâm vương, tâm sở, mô tả phức tạp như rừng rậm!

Chánh Giác 09:35 04-11-2008
Phải chăng Chú Doãn tin rằng Kinh Nikaya (sau lần kết tập thứ VI tại Yangon, Myanmar năm 1954-1956) .. tuyệt đối không có vấn đề?
-----

Sai một li đi một dặm, chú đã kinh nghiệm rất nhiều về điều này.

Ở đây có 3 vấn đề cần xem lại, ngắn gọn như sau:

a) Nimitta, tức Định Tướng, "a mental sign". Tùy theo nghiệp của mỗi người nó thể hiện theo các dạng khác nhau, không nhất thiết là Quang Tướng. Bên cạnh đó, chữ Paṭibhāga-Nimitta dịch là Quang Tướng không chính xác. Hai vấn đề này chắc chắn chú tìm được nhiều tài liệu liên quan.

b) Phân chia Định làm 2 loại: Sắc & Vô Sắc. Chú ý một chút sẽ thấy ngay rất nhiều mâu thuẫn trong cách chia này. Sơ lược: Bốn tầng Thiền bị quy kết là "sắc giới" & thấp hơn "vô sắc giới", Phật Thích Ca Mâu Ni nhờ nó mà thành tựu Tam Minh, chứng A La Hán, trong khi bốn tầng thiền "vô sắc giới" không giúp ích gì cho Ngài trước đó. Với mâu thuẫn này, nếu bây giờ ta tu tập theo trình tự hiện nay, có phải "đảo ngược" trình tự Đức Phật đã đi qua? Ngoài ra, trong Kinh Sa Môn Quả (Kinh 02, Trường Bộ), Đức Phật không nói gì về Quang Tướng (đốm sáng) xuyên suốt 4 tầng Thiền.

c) Nếu 10 Kiết Sử không xuất hiện trong Trường Bộ, Trung Bộ, Tiểu Bộ, nghĩa là sẽ không xuất hiện trong Tương Ưng Bộ và Tăng Chi Bộ. Trái lại, nó xuất hiện trong Tăng Chi, vậy đây là điểm đáng nghi. Bên cạnh đó, khi đối chiếu 10 Kiết Sử với 5 Triền Cái (5 trở ngại hành giả phải vượt qua trước khi chứng Sơ Thiền) sẽ thấy ngay mâu thuẫn. Tham, Sân, Si, Trạo Cử, Hoài Nghi đều thuộc 5 triền cái, vậy cách sắp xếp Kiết Sử & Tứ Thánh Quả liệu còn hợp lý không?

Pham Doan

- Bản thân tôi không đọc hết các kinh điển nguyên thủy. Cần chỗ nào thì tra cứu chỗ đó. Do đó không nắm hết sự thống nhất của kinh điển hoặc không phát hiện được chỗ nào đáng ngờ hay không đáng ngờ. (Phải vài năm nữa mới hi vọng nắm được kinh điển…nếu chưa chết).

Cám ơn những ý kiến trợ giúp của Chánh Giác. Đừng ngại sự khác biệt, bởi vì Đạo Phật “ngoài kia” giống nhau y chác một khuôn cho nên có rất ít người giải thoát. Tôi có vào các forum tiếng Việt lẫn tiếng Anh disscuss về Jhana, về ten fetters v.v…, về các vấn đề cốt tủy của Đ.Phật.N.T, thì thấy các ý kiến đều sai khác “rất phong phú”. Chính vì vậy mới nói Đạo Phật thực sự ...đã die rồi, chính lúc này chúng ta cần chia sẻ với nhau nhiều ý kiến khác biệt để hi vọng tìm lại phần nào Đạo Phật nguyên bản. Lần nữa, rất cám ơn các bạn đã để lại comment thẳng thắn!

Trả lời Chánh Giác:

Trả lời câu a:

- Sau khi đọc được những giải thích rõ ràng về Nimitta (dịch là gì cũng được), tôi đang thử tự điều chỉnh trạng thái định của chính mình. Giáo phái T.H sử dụng Nimitta làm chiêu lừa tín đồ nhưng cũng không hiểu rõ Nimitta là cái gì. Vì thế rất nhiều người theo đạo T.H thất vọng khi không thấy ấn chứng này sau hơn 10 năm tu tập và nếu có thấy Nimitta thì cũng không hiểu nổi nó mang ý nghĩa gì. Bản thân giáo chủ T.H cũng không có khả năng dạy một kĩ thuật thiền đúng cho đệ tử (mà coi như hên xui trong việc tu hành hoặc đổ thừa cho là nghiệp). Nimitta chẳng qua là một Kasina bên trong tâm của hành giả, nó là một trong những phương tiện để điều chỉnh trạng thái jhana đi vào chánh định (appana samadhi). Ví dụ dùng Nimitta để nhận ra năm thiền chi. Có thể có những cách khác để đạt chánh định mà hiện giờ tôi chưa biết được. Và lúc này do trải nghiệm giới hạn nên chắc chắn tôi cũng không đủ tư cách để bàn .

Các định hữu sắc hay vô sắc đều là tài sản của Ấn giáo. Xá Lợi Phất vốn là một người Ngoại đạo tinh thông các loại Định, và nhờ thế mà chỉ cần tiếp xúc với Đức Phật một vài lần ông đã đắc quả vị tối thượng. Nimitta có lẽ là một phạm trù của các loại định ngoại đạo. Nimitta có những dạng như thế nào và có phải là ấn chứng cần thiết cho Jhana hay không? Vấn đề đó phải thực hành để kiểm chứng! và có lẽ đó là cách duy nhất.

Trả lời câu b:

- Các tầng thiền Sắc giới (Rupa) và Vô sắc giới (arupa) bao gồm tất cả Tam giới (triloka). Ai có khả năng, muốn dạo chơi chỗ nào thì tùy ý. Nhưng với Đạo Phật luôn đặt cứu cánh giải thoát... khỏi tam giới, thì việc thám sát các tầng trời là không cần thiết. Chỉ cần sức định của jhana để thực hành Vipassana: Trong quán cần có định. Các tài liệu về Đạo Phật NT đều không khuyến khích tu tập thiền vô sắc, có thày nói đó là ”tưởng định”, tưởng ở đây là thức.

Ý kiến riêng: Có người nào sau khi đi qua bốn thiền sắc giới, rồi lại lỡ lầm đi vào cả bốn thiền vô sắc giới thì ...cũng không sao, nếu người đó biết định hướng cứu cánh giải thoát Vô Ngã của Đạo Phật. Ai cũng biết người lỡ lầm đầu tiên trong lịch sử đạo Phật chính là Đức Phật!

câu C:

Đối với Đạo Phật, Sơ thiền chỉ là kĩ năng giúp sự tu tập, không liên hệ với tiêu chuẩn của thánh quả. Chứng sơ thiền chỉ cần vượt qua năm triền cái. (Nhưng đối với một số tôn giáo khác ở Ấn Độ, đắc toàn bộ tám định cũng có nghĩa là ấn chứng được toàn bộ tam giới.)

Muốn vào thánh quả Dự lưu nghĩa là muốn các tái sanh định hướng về giải thoát của Đạo Phật, cần vượt qua ba kiết sử , mà kiết sử tiêu chuẩn đầu tiên phải là liễu ngộ pháp ấn cốt tủy của Đạo Phật: Vô Ngã. Đạo Phật có nêu lên ba pháp ấn, nhưng thực chất ba cũng chỉ là một: Chư pháp vô ngã=chư hành vô thường= Niết bản tịch tĩnh).

Sau đó lần lượt vượt qua mười kiết sử để đến quả vị A La Hán.

Nhắc lại, Đạo Phật khác với các tôn giáo lớn ở khu vực Ấn Độ là ở triết lý Vô Ngã (Anatta). Bởi vì vô ngã cho nên mới vượt qua Tam giới (trong tam giới luôn hữu ngã dù là cõi dục, cõi sắc hay vô sắc)

Chánh Giác

Trong ba vấn đề:

a) Nimitta và bốn mức Định Sắc Giới
b) Sự gồm thâu, phân chia Định Sắc Giới & Vô Sắc Giới
c) 10 Kiết Sử, 5 Triền Cái, 4 Thánh Quả

Vấn đề (c) quan trọng hơn vì liên quan đến đường vào dòng Thánh.
-----

Đối chiếu 10 Kiết Sử và 4 Thánh Quả:+ Sơ Quả: Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ+ Nhị Quả & Tam Quả: Tham & Sân+ Tứ Quả: Sắc Ái, Vô Sắc Ái, Mạn, Trạo Cử, Vô Minh

NX1: Một vị chứng Sơ Thánh Quả, nội tâm trầm lặng, định tĩnh => không còn Trạo Cử. Đối chiếu 5 hạ phần kiết sử, ta thấy có Trạo Cử, chẳng khác nào nói Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả đều còn bị Trạo Cử? Đây là điểm vô lý thứ #1.

NX2: Trước khi bàn đến Thiền hay Thánh, hành giả phải hoàn toàn gội rửa thoát ly 5 chướng ngại, trong đó có: Tham, Sân, Trạo Cử, Nghi.

Tham & Sân đã được gội rửa thoát ly từ trước, vậy kiết sử Tham & Sân đối với Nhị Quả & Tam Quả ở đâu ra? (tương tự với Nghi và Trạo Cử) Đây là điểm vô lý thứ #2.

NX3: Bắc Truyền có Duy Thức Học, Nam Truyền có A Tỳ Đàm, trong đó nói về rất nhiều loại tâm, nhiều cõi trời sắc giới, vô sắc giới. Ở đây phải nói thêm: mặc dù A Tỳ Đàm (và Thanh Tịnh Đạo) ngày nay được xem thuộc Thượng Tọa Bộ ở Tích Lan, nhưng xuất xứ lại từ Bắc Truyền, do các vị "Đại Thừa" viết. Sự việc này là kết quả của lần kết tập cuối cùng năm 1954-1956 ở Myanmar => Ta rút ra được: (1) nội dung do người đời sau viết; (2) xuất xứ từ "Đại Thừa".

Vì sao phải đề cập những vấn đề này? Bởi vì mấy trăm loại tâm, ba mươi mấy tầng trời, .v.v. có thể "nói được", thì 10 Kiết Sử hay cách gồm thâu phân chia các loại Định như ngày nay, cũng đều có thể "nói được".

Tránh Bắc Truyền thì trong Nam Truyền vẫn có Bắc Truyền. Comment trước đề cập đến lần kết tập kinh điển cuối cùng, là với ngụ ý này.

-----
Giải thoát nghĩa là Từ bỏ. Methodology ở đây là "loại trừ" - bỏ đi những cái không cần thiết :)

Pham Doan

Khi Đạo Phật suy vong, không phải các vị A La Hán đều biến mất hoàn toàn ngay một lúc trên đất Ấn. Phật giáo Đại thừa “nguyên thủy”đã ra đời trên đất Ấn và những tinh hoa của Đại thừa “original” theo dòng thời gian lại bị tiếp tục biến chất đi. Giáo lý Đại thừa ta nhận được trong hiện tại có thể không phải là giáo lý Đại thừa lúc mới hình thành! Tốt nhất, nếu có thể, ta không nên làm nạn nhân cho sự rối rắm này. Trong tình huống bắt buộc phải sử dụng tham khảo, phương pháp vẫn nên là: đặt nghi vấn, chọn lọc, thực hành. Đối với Thiền, sự thực hành là Phép kiểm quan trọng nhất.

Nói như Đức Phật là tự thắp đuốc lên mà đi. Đức Phật đã lên đường ngay khi trong tay chẳng có một hướng dẫn nào, ngài không sử dụng kinh sách. Nhưng hình như đó lại là một lợi thế cho người tu hành, vì lúc đó hành giả không phải hoang mang vì những tiên kiến (prejudice) mà kinh điển đã tác động.

Trên con đường tâm linh, Đức Phật cũng từng lầm lẫn khi lựa chọn giữa những pháp tu (chắc những kẻ hậu sinh chúng ta cũng không thể tránh khỏi những việc như vậy). Nhưng với phẩm chất của con người tự tin, tin ở chính mình, không lệ thuộc người khác, ngài đã thoát ra khỏi những lầm lẫn không thể tránh và đạt được mục đích mà mình đã lựa chọn. Đây là tấm gương lớn để chúng ta học hỏi.

Tanlinh

Xin chào bạn Giác Chánh, mình không có dịp để đối chứng những sử liệu bạn đưa ra, nếu có thời gian mình sẽ nghiên cứu kĩ hơn về kinh điển và lịch sử Phật Giáo, phải nói mình rất thích cách nghiên cứu của bạn :) . Qua những nhận xét của bạn về các kiết sử tồn tại ở các tầng thánh, mình muốn góp thêm mấy ý kiến chủ quan của mình vào để mọi người rộng đường thảo luận.

1)Nếu có thời gian thực hành thiền hành giả sẽ nhận thấy rằng có những lúc triền cái được loại trừ, và đây là sự loại trừ tạm thời để giúp tâm nhập định, nếu không có sự loại trừ tạm thời này thì tâm hoàn toàn rối loạn, trí tuệ không thể phát sinh trong tình trạng tâm như thế, sự loại trừ tạm thời này có tác dụng như thuốc giảm đau mà bệnh nhân dùng trước khi hoàn tất việc giải phẩu chấm dứt căn bệnh( nếu không chắc bệnh nhân sẽ chết vì đau mất :D).

2) Việc đoạn trừ phiền não trong các tầng thánh là đoạn trừ cái khả năng tái phát của phiền não (cái này mình đọc trong bài viết của thiền sư nào quên mất rồi) và sự đoạn trừ này có nông, có sâu nên mới chia thành 4 tầng thánh quả.

3) Nếu hành giả có thể thực hành về quán tâm ( tâm quán niệm xứ) thì sẽ hiểu được tâm phức tạp như thế nào, và phiền não không phải chỉ vài danh từ mà diễn tả hết, không phải nói dứt là dứt, có lẽ chỉ vài ngộ nhận do cách dùng từ thôi

Chánh Giác

@tanlinh:
Tôi hiểu vấn đề bạn đã đặt ra.
Vấn đề nông-sâu trong quá trình tu tập, có xảy ra. Nhưng, không hời hợt và không nằm ở các Triền Cái hay Kiết Sử. Nó nằm ở Lậu Hoặc!
Tôi đã không đề cập đến Lậu Hoặc và các vấn đề tương tự, trong giáo lý, vì tôi muốn có những lập luận "hầu hết ai cũng có thể hiểu". Sau đây là phần chuyên sâu về giáo lý.

#1. Triền Cái: là 5 màn ngăn sự sáng suốt. Trước khi hành giả tu đắc Chánh Thiền hay Thánh Quả, hành giả tuyệt đối phải trừ sạch 5 màn ngăn này. Không có v/đ "nông sâu" ở đây. Phải chọc thủng hoàn toàn 5 màn ngăn này.

Đi sâu hơn về giáo lý (và cái thấy qua quá trình tu tập của tôi) 5 màn ngăn này đồng xuất phát chỉ từ 1 chữ Dục, tức là Muốn. Từ "Dục" sanh ra: Tham Dục, Oán Ghét, Phóng Dật Lo Âu, Hôn Trầm Dã Dượi, và Hoài Nghi. Như vậy, trước khi "ly dục ly ác pháp" chứng và trú Chánh Thiền thứ nhất, việc hành giả gội rửa thoát ly hoàn toàn 5 màn ngăn này, là việc tất nhiên - chứ không chỉ vì muốn có trí tuệ!

#2. Lậu Hoặc: Ở đây tạm thời tôi không nói về 5 Chi Thiền Tầm Sát Phỷ Lạc Trụ hành giả phải vượt qua, và lý do nào hành giả phải vượt qua. Sau khi hành giả vượt qua các Chi Thiền, chứng hoặc không chứng Ngũ Thông và Nhị Minh, nếu hành giả có Chánh Tâm * (Chánh Tri Kiến, ....) lúc ấy hành giả mới hướng tâm rà soát lại Dukkha. Đến chân đế thứ 4, hành giả nhìn thấy 2 Chánh Đạo cuối cùng * (tất cả 10 Chánh Đạo, 2 Chánh Đạo cuối cùng chỉ dành cho Bậc Thánh, và chỉ Bậc Thánh mới thấy) Hành giả nhìn ra các Lậu Hoặc *, gồm 3 loại: Dục Lậu, Hữu Lậu, Vô Minh Lậu. Nó là nguyên nhân cũa Dục, Hữu, và Vô Minh. Lúc này hành giả đã đủ khả năng để nhìn thấy chúng, và đủ khả năng diệt trừ chúng. Đồng thời đoạn diệt 3 Lậu này, hành giả được gọi là Bậc A La Hán.

#3. Tứ Thiền:
+ Hành giả phải hoàn toàn vượt qua 5 màn ngăn trước khi vào Thiền hay Thánh
+ Hành giả hoàn toàn ly dục và ác pháp để vào Sơ Thiền & chứng Sơ Quả
+ Hành giả hoàn toàn ly hữu sắc và vô sắc trong quá trình vượt qua 5 Chi Thiền
+ Sau khi vào Tứ Thiền, hành giả nhờ đủ Chân Chánh (qua Chánh Tri Kiến v.v.) nên hành giả thành tựu Chánh Đạo thứ 9, tức Chánh Trí (đối lập vô minh)

Nhờ Chánh Trí, hành giả nhìn thấy dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu; nguyên nhân và sự diệt trừ; con đường diệt trừ chúng.

Sau khi diệt trừ các lậu hoặc, hành giả thành tựu Chánh Đạo thứ 10, là Chánh Giải Thoát. Hành giả được gọi là bậc A La Hán.

Ghi Chú: Tứ Thiền này có liên hệ mật thiết với Tam Lậu Hoặc, Bát Chánh Đạo, hai Chánh Đạo cuối cùng, v.v. Tứ Thiền này đưa quả vị A La Hán, cứu cánh giải thoát, không giống Tứ Thiền có liên hệ với Nimitta.

Tứ Thiền này muốn thành tựu phải đi theo Chánh Đạo, tức con đường chân chánh. Khác với "con đường sỏi đá" - con đường được làm từ sỏi và đá. Con đường chân chánh - là con đường được làm nên từ sự chân chánh.

Ly dục, ly hữu, ly vô minh. Và cuối cùng đoạn tận sự rỉ chảy của nó, để được an tịnh tự nhiên. Việc này chỉ làm được khi tâm chân chánh có mặt.

** Bạn có muốn giải thoát không? vì sao bạn muốn giải thoát? Câu hỏi này sẽ cho thấy bạn có tâm chân chánh không, có đủ điều kiện bước trên con đường chân chánh không.

(Pháp Cú 83)

"Người hiền bỏ-tất-cả,
Người lành không-bàn-dục.
Dầu cảm thọ lạc khổ,
Bậc trí không-vui-buồn."

tanlinh 22:58 05-11-2008

Chào bạn Chánh Giác, xin lỗi vì comment trên mình ghi sai nick của bạn. Những gì bạn vừa nêu ra thú thật mình không hiểu rõ cho lắm và cũng rất mới lạ đối với mình vì mình chỉ biết có Bát Chánh Đạo nhưng vẫn còn lờ mờ chưa thật sự hiểu sâu sắc nay mình mới biết thêm còn 2 Chánh Đạo nữa mà bậc Alahán mới thấy ? Không rõ những gì bạn nói được trích từ trong kinh điển nào, mình chỉ muốn hỏi để làm rõ vấn đề thôi, còn với mình hiện nay thì hi vọng là thực hành được thường xuyên và chính xác đường lối của Tứ Niệm Xứ là mừng rồi, chưa có thời gian và ý định dành cho việc khảo cứu kinh điển tuy thỉnh thoảng vẫn tra cứu để tăng thêm hiểu biết và tinh tấn.

Với câu hỏi của bạn " Bạn có muốn giải thoát không? vì sao bạn muốn giải thoát? Câu hỏi này sẽ cho thấy bạn có tâm chân chánh không, có đủ điều kiện bước trên con đường chân chánh không.". Mình xin trả lời là khởi đầu của việc bước vào tìm hiểu Phật Pháp của mình là do sự tò mò và thách đố của lý trí (cái này lúc còn nhỏ tuổi ) , sau một thời gian mình thì mục tiêu đó chuyển đổi, vì càng lớn mình càng ngày càng nhận ra những đau khổ không thể trốn tránh trong chính cuộc đời mình và muốn tìm một con đường để giải quyết nó, có lẽ hiện nay đó là mục tiêu chính để mình hành thiền

Chánh Giác

Cảm ơn chú Doãn.

Chào TanLinh. Bạn nói vẫn còn lờ mờ về Bát Chánh Đạo nên trước khi trích dẫn kinh điển tôi sẽ nói một chút, vài đặc điểm, về Bát Chánh Đạo.

+ Đặc điểm #1: Hành giả không thể thực sự hiểu Chánh Đạo thứ 2,3,4,.. khi chưa thực sự hiểu Chánh Đạo trước đó. Như vậy, phần lớn hiểu biết về Bát Chánh Đạo hiện nay chỉ y cứ theo từ-ngữ để phân tích (phân tích theo ngữ nghĩa của từ)

+ Đặc điểm #2: Khi hành giả tự thấy được Chánh Đạo 1,2,3,4... sẽ tự nhiên thấy được Chánh Đạo liền sau đó. Như vậy, tìm hiểu trước về Bát Chánh Đạo là việc không cần thiết, và cũng sẽ không có kết quả.

Liên hệ hai đặc điểm trên. Khi hành giả đi hết Bát Chánh Đạo, tự nhiên hành giả sẽ thắc mắc (...) và từ đó dần dần phát hiện ra hai Chánh Đạo còn lại.

Những điều viết ở trên, đều từ kinh nghiệm trước đây của tôi. Tôi tự đặt tên hai Chánh Đạo còn lại là Chánh Trí và Chánh Giải Thoát. Khi ấy tôi chưa biết nhiều về Tạng Kinh Nikaya. Một thời gian sau, trong quá trình nghiên cứu phân tích kinh điển và tình hình Phật Pháp, tôi bắt gặp hai từ trên trong một số bài Kinh. Đồng thời, tôi gặp được một số bài Kinh xác nhận lại những kinh nghiệm của tôi.

Từ thời điểm ấy cho đến nay đã khá lâu, tôi đã có nhiều thay đổi. Tôi tham gia ở đây vì một lý do. Sau đây là đoạn Kinh bạn hỏi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo chánh kiến đi hàng đầu. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là chánh kiến đi hàng đầu? Chánh tư duy, này các Tỷ-kheo, do chánh kiến, được khởi lên. Chánh ngữ do chánh tư duy được khởi lên. Chánh nghiệp do chánh ngữ được khởi lên. Chánh mạng do chánh nghiệp được khởi lên. Chánh tinh tấn do chánh mạng được khởi lên. Chánh niệm do chánh tinh tấn được khởi lên. Chánh định do chánh niệm được khởi lên. Chánh trí do chánh định được khởi lên. Chánh giải thoát do chánh trí được khởi lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần.

(Đại Pháp Môn Bốn Mươi - Kinh 117, Trung Bộ)

Xem xong đoạn Kinh trên, có lẽ bạn hiểu hai đặc điểm tôi đã nêu được rõ ràng hơn. Và như vậy, bậc hữu học chỉ biết Bát Chánh Đạo.

Quay trở lại hiện tại. Như tôi đã phân tích, việc tìm hiểu toàn bộ Bát Chánh Đạo (hay 10) là không cần thiết. Quan trọng hiện nay đối với bạn, và các đạo hữu ở đây, là làm sao nhận ra được, có được, Chánh Kiến.

Tan Linh

Rất cám ơn bạn đã đưa ra những dẫn chứng rất rõ ràng. Theo chỗ biết và suy nghĩ của mình thì Bát Chánh Đạo hòa trộn vào nhau cái này có mặt thì cái kia có mặt nên cũng khó nói cái nào duyên cho cái nào hay cái nào khởi trước cái nào khởi sau. Mình chỉ biết pháp hành Tứ Niệm Xứ, khi Chánh Niệm mình mạnh thì mình tự động thấy các việc làm đều rõ ràng, chính xác vì không còn bị tham sân chi phối, tâm và thân rất nhẹ nhõm nếu ngồi suy ngẫm lại theo lý thuyết thì có thể thấy cả Bát Chánh Đạo đều có mặt đồng thời, nhưng đó chỉ là kinh nghiệm và suy luận cá nhân mình cũng không thể đoan chắc là do Chánh Niệm trước hay Chánh Kiến, Chánh Định trước. Nếu nói thông thường thì do công phu thiền tập mà cuộc sống được an vui lợi ích không tạo ác nghiệp thì Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Kiến phát sinh trước , nhưng nghĩ theo tam học Giới Định Huệ thì người hành thiền phải giới trong sạch thì rõ ràng là do duyên Chánh Mạng, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp mà định tuệ phát sanh. Thật khó nghĩ bàn cho hết Phật Pháp, dù sao cũng cám ơn những chia sẻ nghiên cứu Phật Pháp của bạn, có lẽ mình sẽ dành thời gian suy ngẫm thêm.

Chánh Giác

Chánh Niệm, hai chữ này tôi thấy rất nhiều người dùng. Nó mang ý nghĩa gì vậy? (câu hỏi tu từ)

Nhà Thiền, Nam Truyền lẫn Bắc Truyền, đều biết Chánh Niệm Tỉnh Giác là cảnh giới cận Sơ Thiền. Ngày nay, Phật tử lẫn Tăng Ni tập thở "Chánh Niệm ta hít vào, Chánh Niệm ta thở ra". Tôi thật không biết Chánh Niệm này là Chánh Niệm gì?

Mọi người đều có quyền có suy nghĩ riêng của mình. Cho đến Thầy mình cũng có suy nghĩ của Thầy mình. Suy nghĩ riêng, hay suy luận cá nhân, của mình và của Thầy, đều sẽ là Vô Minh nếu mình và Thầy còn Vô Minh. Mặc dù vậy, mọi người đều có quyền có suy nghĩ riêng của mình. Tôi chỉ tự hỏi: Vì sao người ta muốn Giải Thoát nhưng ngay cái suy nghĩ riêng đã không chịu bỏ, vậy làm sao bỏ những thứ khác? Mặc dù họ vẫn biết, suy nghĩ riêng ấy của họ trong vòng vô minh.

Trước đây khi chưa xuất gia, tôi đi thăm các Chùa và làm quen các Thầy trong vùng. Các Thầy dù khó tính và nghiêm đều thích tôi. Hầu hết do tôi tò mò xem Kinh và tự giải tự giảng khi Thầy vô tình hỏi đến. Cho đến một lần, gặp một Thầy, Thầy có vẻ hiểu tôi. Thầy nói: "Thằng này nhìn vậy chứ nó không tin cái gì, ai nói gì nó cũng không tin". Đúng vậy, dù thấu suốt và phân tích rành mạch, nhưng tự tâm tôi không tin bất cứ chuyện gì, ngoài đời lẫn trong Đạo. Tôi cũng không tin chính tôi, những suy nghĩ riêng của tôi. Cho đến giờ tôi chỉ tin một thứ, đó là Chân Lý.

Chân Lý luôn là như vậy, dù bạn và tôi tin hay không tin, hay nghĩ thế này thế kia.

Xin tạm biệt.

Pham Doan

Blog của tôi có một duyên đẹp khi Chánh Giác ghé vào đây!

Hôm nay tôi mới biết Chánh Giác đã xuất gia. Vậy lại là một duyên lạ và cũng là duyên đẹp nữa khi tôi lần đầu tiên trao đổi Phật học với một thày tu. Tôi vốn nghịch duyên với tôn giáo nên rất ít khi được nói chuyện "đạo pháp" với các thày.

Tất cả những comment, những chia sẻ của Chánh Giác ở đây rõ ràng là là sự tự nguyện với động cơ cao cả. Riêng tôi học được rất nhiều từ Chánh Giác, kể cả ở những điểm còn bất đồng.

- Tôi đang bắt đầu tìm cách phân biệt giữa Bốn Thiền (nói chung chung) và Bốn Thánh Thiền (của Đạo Phật thật sự?)

- Tôi đang phân biệt giữa phạm trù "Giới" của Đạo Phật và "Buông bỏ", một khái niệm mà Chánh Giác đã nói riêng với tôi.

Thay mặt bạn hữu trên blog, chân thành cám ơn Chánh Giác như một thày tu đáng kính! Mong rằng Chánh Giác vẫn tiếp tục ghé qua đây và cho những comments như mọi người đang mong đợi!


Chánh Giác

Tôi đang phân biệt giữa phạm trù "Giới" của Đạo Phật và "Buông bỏ", một khái niệm mà Chánh Giác đã nói riêng với tôi.
-----

Giới chính là Buông-bỏ và Buông-bỏ chính là Giới *

+ Một số người có tật mê ăn, không biết tiết độ trong ăn uống. Khi ngồi trước bàn ăn, tính tham ăn khởi lên liền buông bỏ, đó là buông bỏ, đó là Giới.

+ Một số người mê đánh bài, ghiền thuốc, nghiện rượu, ... cho đến những tính xấu thầm kín của mỗi cá nhân, xa lìa tính xấu chính là Giới, là buông bỏ.

Cho đến 250 Giới của bậc Sa Môn, là Giới của Bậc Hữu Học, cũng là sự buông bỏ. Tuy nhiên, Giới của Bậc Hữu Học chưa phải là Giới hoàn hảo, đúng nghĩa.

(nên nhiều người cảm thấy Giới là một gánh nặng, thật ra vì chưa nắm rõ nguyên nhân, mục đích chính khi thành lập Giới)

Bậc Vô Học: Một người bệnh có vết thương bị bưng mủ, chảy rỉ, đóng cục. Việc đầu tiên bác sĩ sẽ làm là cạo bỏ các cục mủ, sau đó tẩy rửa vết thương thật sạch - đó là Từ-bỏ hay Ly-xả, hướng về chỗ thanh tịnh trong sạch... Sau khi tẩy rửa vết thương, bác sĩ yêu cầu người bệnh phải giữ gìn vết thương - đó là giữ gìn sự trong sạch, thanh tịnh - Giới của Bậc Vô Học.

"Hướng về chỗ an tịnh, trong sạch, chân chánh, đó là Giới, biểu hiện qua sự ly xả, buông bỏ."

Ghi chú: Buông bỏ tức là giữ Giới; giữ Giới tức phải buông bỏ. Có buông bỏ xả ly, mới trở về chỗ an tịnh, bình an, không khổ, không lạc.

Chia sẻ của một blog-friend

Con vẫn ghé Blog Chú hằng ngày.
Con cũng có nhiều thắc mắc,...
Con cũng đang đọc kinh Nguyên Thủy và cố gắng thực tập Thiền
Nhưng chưa ngồi được lâu!
chỉ mới được 30 phút, 45 phút tùy ngày , cuối tuần thì ngồi được lâu và ngồi được nhiều lần hơn ...
Con đường thực tập ngồi Thiền của con cũng "nhiều nước mắt" lắm.
Lúc trước thì trì Chú, niệm Phật,
từ ngày tiếp cận được với kinh Nguyên Thủy con quyết định bỏ hết những thứ trước đây ...và cố gắng thực tập Thiền.
Con học được nhiều từ Blog của Chú, con có cái lỗi là trước nay đọc kinh dễ tin chứ không có critical thinking.
Khi sang đây học thì con lẽ con học được Tư Duy của người Tây nên khi tiếp cận Kinh Nguyên Thủy con cảm thấy 1 luồng gió mới mà mình đi tìm cầu bấy lâu nay...và có lẽ nhiều kiếp rồi ...
Về lọat comments của Chánh Giác, con đang theo dõi (có những cái đồng ý, có những cái không đồng ý cả về mặt phân tích lẫn tra cứu lại kinh điển), con cũng đang mong đợi cuộc thảo luận tiếp tục để đi đến "gốc rễ".

Con cũng hy vọng Chú (và các blog friends) đi tiếp vấn đề đang thảo luận ...
Giống như comments bài Thiền của Thầy Viên Minh lần trước con có nói đại ý" sao một lọat phân tích, người đọc mong đợi tác giả đưa ra 1 kết luận, 1 đề nghị (dù là chủ quan), nhưng tác giả lại dừng ngang...."
Lần này cũng vậy : "Chánh Giác phân tích "bác" 10 kiết sử và đưa ra "Tam Lậu Hoặc" và nhắc tới Sơ Thiền - Sơ Quả nhưng lại không nói rõ Nhị Quả , Tam Quả thế nào mà chỉ nói "đọan tận lậu--->chánh trí, chánh giải thóat--->A La Hán".....
Tra cứu lại "Kinh Tất Cả Lậu Hoặc" thì con thấy có đọan rất hay "Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân, kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỳ Kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến đuợc đọan trừ".

Chánh Giác

Lâu rồi không gặp.
Chú rất vui vì con lại xuất hiện trong loạt thảo luận này.
Chú cũng giống con, giống hệt con ở cái tuổi đại học. Đọc kinh, tin kinh, trì chú, niệm Phật…Nhưng khác con, là thời đó không có Internet, không có YM, không có điện thoại, không có kinh điển nguyên thủy dễ dàng lấy từ trên mạng. Nhà nghèo, mà chú còn “chà đồ nhôm” để lấy tiền mua sách :p. Thời đó chú cứ tưởng những sách viết bởi những người giáo sư, những thày tu nổi danh là luôn luôn có giá trị, cần phải đọc và học hỏi. Chính vì quan điểm “thường tình” này, chú đã đọc và hấp thu không biết bao nhiêu là “rác văn hóa”.

Chú cũng mới tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy thời gian gần đây, later is better than never J. Công phu ngồi thiền của chú hiện giờ… cũng như con J. Trước đây có thời gian chú có điều kiện sống độc cư, ăn chay và ngồi thiền đầy đủ nhưng lại tiếc là lúc đó lại không hiểu biết về thiền cho nên… có đi mà không có đến!

Theo chú, Chánh giác và các bạn blog không đủ không gian và thời gian để diễn đạt trên diễn đàn nhỏ này, (YHplus giới hạn số chữ cho mỗi comment) cho nên từng những comment ngắn của các bạn được coi như chỉ là định hướng cho người khác!

Chánh Giác

Gửi đạo hữu đang theo dõi trang blog này của chú Doãn,

Đọc thư của đạo hữu tôi cười quá trời :D Tôi đến với blog của chú Doãn không phải để thuyết pháp (1), tranh luận (2), hay chứng minh (3), vì vậy tùy theo hoàn cảnh tôi đề cập một vấn đề rời rạc. Tôi lại không thích viết dài dòng và khuôn khổ comment cũng giới hạn, mỗi vấn đề tôi đề cập rất cô đọng. Bạn đọc phải dành thời gian suy ngẫm từng chỗ. * Một số vần đề đòi hỏi Thời Gian để trực-nhận ra.

Đạo hữu phải hiểu rằng: Nhìn ra được Chánh Pháp là tùy theo căn cơ, công đức của mỗi chúng sanh! Tức là: không phải ai cũng hiểu Tứ Niệm Xứ, cũng tu được Tứ Niệm Xứ; không phải ai nghe giảng xong cũng có được Chánh Kiến; ... Vì vậy người nói Pháp dù nói ít, người nghe có căn cơ nghe qua sẽ trực-nhận được liền. Trái lại, người nói Pháp cố nói cho nhiều, phân tích tận tường, người căn cơ kém cũng vẫn trơ ra đó.

Ngày nay, Phật Tử và Tăng Ni cùng học và hành Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo, ... Phật Pháp dễ thấy dễ hiểu đến thế sao? Khi Phật thành đạo, Ngài tự nghĩ "Pháp của ta rất sâu, rất kín, chúng sanh nhiều tham dục, không thể nghe hiểu". Ngài không hề muốn thuyết pháp!

Vì vậy tùy theo căn cơ và hoàn cảnh, tôi chỉ chỗ "dễ tiếp nhận" nhất, phù hợp nhất. Trừ khi tạm thời cần làm sáng tỏ một vài khúc mắc, tôi sẽ không nói những điều không cần thiết.

Chỗ dễ tiếp nhận nhất đó là cần chấp nhận sự thật này: "Phật Pháp khó nghe, khó thấy. Chánh Pháp rất sâu, rất kín. Những gì đạo hữu đã hiểu đã hành đều không đúng đắn, nhầm lẫn."

Sự thẳng thắn của tôi có lẽ làm đạo hữu và bạn đọc khó chịu. Nhưng đạo hữu ạ, Thật-Là-Chánh-Pháp tinh tế và sâu kín lắm... Không thể nào chưa vượt qua 5 Triền Cái đã có thể nói về 5 Thiền Chi. Không thể nào chưa vào Sơ Thiền đã có thể nói về Tam Thiền, Tứ Thiền. Việc làm đó là không cần thiết và cách hiểu chỉ-mang-tính-suy-luận. Bởi vì mải mê tìm hiểu nên mới có nhiều học giả.

Tôi dạy tọa Thiền theo phương pháp của tôi, cho 2 nhóm: một nhóm không phải Phật Tử, không hiểu giáo lý; và một nhóm là Phật Tử, biết rất nhiều giáo lý. Kết quả, ngay từ ngày thứ 2, nhóm thứ nhất đã ngồi ngon lành liên tục hơn 1 tiếng, không mệt mỏi và không tê chân. Sau khi xả Thiền, nhóm này có thể đứng ngay dậy không cần xoa bóp. Thân tâm khỏe mạnh hơn.

Trái lại, nhóm thứ 2 đã ngồi suốt nửa tháng vẫn không tiến bộ. Cho đến giờ, các đạo hữu ấy vẫn gắng gượng ngồi 30-45 phút. Thỉnh thoảng mới có cảm giác an lạc, thoải mái như nhóm thứ 1.

-----
"Này các Tỳ Kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến đuợc đọan trừ"." -- Câu Kinh này có nghĩa phải có Chánh Tri Kiến mới đoạn trừ được các lậu hoặc. Chánh Tri Kiến dẫn đầu trong 10 Chánh Đạo. Phật không muốn nói điều xa quá tầm người nghe, tức Chánh Trí, vì vậy, Phật chỉ "chỗ dễ tiếp nhận" nhất, tức Chánh Tri Kiến, để người nghe từ đó tiếp nhận và tu tập. Chánh Trí là kết quả tất yếu sẽ đạt. Cũng vì vậy, quả Dự Lưu có tính chất "Bất Thối Chuyển" - đã vào được dòng Thánh, không bị rớt trở ra nữa.

Kinh điển là phụ, tam sao thất bổn. Kinh điển chỉ dùng để đối chiếu. Chân lý, sự thật là chính.

Chú Doãn:

I discovered that the act “concentration“ in this case is not so right, If you want to keep your mind concentrate in the meditation, never try to concentrate, just relax, entirely relax, then after a while the concentration come itself naturally.

Sitting in quietness with all muscles relax give me the good sleep after that, just this, nothing else. But some months later I realize the feeling of calm, nothing in my mind, but it’s cute and bright. I realize the transparence of the space in front of my close eyes. I began experience a deep peace in my soul...
-----

Chú Doãn đã từng đi đúng đường, từng hành đúng những bước đầu tiên. Vì lúc ấy chú chưa có vector định hướng, chưa có direction, nên chú không biết đi tiếp như thế nào. Nếu bây giờ chú đã thay đổi phương pháp, nghĩa là chú đã lọt trở ra :-)

@Dành cho quí vị hành giả:

Tôi chia quá trình tu tập ra làm 3 giai đoạn, tương ứng 3 cấp độ. Giai đoạn 1 gần giống một trong những kinh nghiệm chú Doãn từng trải qua, tôi đã copy kinh nghiệm ấy của chú ở dưới, các đạo hữu có thể tham khảo. Tôi sẽ viết tổng quát 3 giai đoạn, và chi tiết giai đoạn 1, gửi cho chú Doãn. Chú Doãn sẽ trao đổi và hướng dẫn quí đạo hữu trong quá trình tu tập.

@Dành cho quí vị học giả (chấp vào kinh điển)

Trong những comments của tôi, có rất nhiều danh-từ tôi không đưa ra định nghĩa, tôi không nói rõ danh-từ ấy nên hiểu như thế nào, .v.v. (trừ "Triền Cái") Nếu đạo hữu muốn biết tôi hiểu những chữ này như thế nào, đạo hữu có thể liên lạc với tôi qua email, thông qua chú Doãn. Tuy nhiên, trước khi liên lạc, đạo hữu tìm trong tạng kinh Nikaya câu trả lời cho 2 câu hỏi sau: "Thất Giác Chi là gì? Vì sao nghe giảng về Thất Giác Chi, Phật và đệ tử Phật hết bệnh?"

Sau đây là giới hạn:
+ Không dùng suy luận cá nhân, không phân tích theo từ ngữ
+ Không dùng định nghĩa, phân tích từ tạng Luận hay các bài viết
+ Nói cách khác, chỉ tìm câu trả lời trong khuôn khổ tạng Kinh Nikaya

-----
Đây là comment cuối cùng của tôi. Kính chúc quí đạo hữu an lạc và tinh tấn.