Saturday, November 8, 2008

Căn Bản Pháp Hành Thiền

* Tính chất cốt yếu của pháp hành thiền Định (Samàdhi) là học hỏi nhằm hiểu biết cái tâm.
* Tâm hay biết và suy tư , nghĩ ngợi điều này rồi nhảy sang điều kia, quây quần theo những vấn đề khác nhau. Lơ đểnh buông lơi, lợi dưỡng trong giả tưởng và những ý niệm ấy là làm cho tâm luôn luôn khuấy động, không bao giờ ngừng nghỉ.
* Hay biết, theo dõi, ghi nhận cái tâm suy tư, được gọi là niệm (sàti).
* Thấu hiểu cái tâm đang suy tư là sampajanna, tức hiểu biết rõ ràng và sáng suốt.
* Chúng ta cần phải rèn luyện chú niệm (sàti) và hiểu biết rõ ràng (sampajanna) đủ bén nhạy để kịp theo dõi tâm.
Nếu chú niệm còn yếu ắt không đủ lanh lẹ để theo kịp cái tâm vốn phóng chạy đầu này, xẹt nhảy đầu kia vô cùng nhanh chóng, và do đó pháp hành vắng lặng (samàdhi) không thể tiến triển tốt đẹp, ta không thể gom tâm vào đề mục đã chọn, không thể chăm chú vào hơi thở-vào và thở-ra. Thay vì thế, tâm cứ tiếp tục trôi chảy theo con đường thiên nhiên của nó, niệm bị bỏ rơi lại, mãi chạy theo sau không bắt kịp. Chúng ta cố gắng đem nó trở về. Vừa gần đến nơi thì nó đã lẫn thoát nhảy vọt sang "Hoa Kỳ", và trong khi theo dõi, ta thấy nó đã về Thái… hoặc sang Đức. Chúng ta chỉ có thể đuổi chạy theo sau nhưng không bắt kịp vì niệm vẫn chưa được phát triển đầy đủ, chưa thuần thục. Niệm không theo kịp tâm. Đó là căn nguyên của những vấn đề khó khăn mà hành giả gặp phải trong khi trau giồi thiền vắng lặng (cũng gọi thiền định, hay thiền chỉ). Vì lẽ ấy, điều chánh yếu là phải gia công chuyên cần trau giồi niệm (sàti).
* Pháp hành nhằm phát triển chú niệm khởi đầu bằng cách hay biết oai nghi (tư thế) của thân trong giây phút hiện tại.
Đứng, hay biết mình đang đứng. Đi, hoặc nằm, ngồi, luôn luôn theo sát sự di chuyển và oai nghi của thân vào lúc ấy. Tắm, ăn, hoặc đi giải, luôn luôn hay biết đầy đủ những gì đang xảy ra. Sự hay biết không gián đoạn những tác động của thân đem niệm (sàti) và hay biết rõ ràng (sampajanna) lên hàng đầu.
Một khi chú niệm và giác tỉnh đã thuần thục, quý vị sẽ hay biết sự thay đổi oai nghi ngay vào lúc tác động xảy diễn: đang làm việc, giặt quần áo, rửa chén, đọc hay viết, may vá hay thêu thùa, bất luận việc gì mà quý vị đang làm, quý vị sống trong đó, ngay trong hiện tại, trong tác động. Ngay trong lúc đang làm, trong công việc đang làm. Không để phóng tâm, chớ nên lơ đểnh để tâm xẹt nhảy. Đó là phương cách trau giồi niệm trong cuộc sống hằng ngày.
Quý vị sẽ thấy rằng niệm trở nên nhanh nhẹn, sắc bén hơn, có thể nhận ra và bắt kịp cái tâm luôn luôn trôi chảy. Bất luận nơi nào mà tâm phóng đến, niệm sẽ theo sát và kịp thời đem trở về đề mục (cũng gọi là công án). Đã điêu luyện hơn trong pháp hành, quý vị có thể thành công gom tâm an trụ vào hơi thở-ra thở-vào. Mỗi khi tâm phóng, quý vị sẽ có thể bắt lại và đem trở về hơi thở.
Giờ đây niệm (sàti) đã thuần thục và sắc bén, quý vị hãy đưa tâm cùng với chiều hướng suy tư của nó an trụ vào hơi thở cho đến khi cảm nhận luồng hơi thở ra vào. Vào lúc quý vị thật sự cảm nhận hơi thở, tâm cũng hiện hữu cùng với hơi thở. Nếu không thấy rõ ràng hơi thở, ắt tâm đã phóng đi đâu khác. Chừng khi đem tâm trở lại, quý vị phải có thể hiểu biết như vậy. Dầu sao, nếu không còn ở với hơi thở tâm sẽ phóng đi bất định và không còn hay biết.
Quý vị hành giả nào có thể gom tâm quán niệm ở hơi thở một cách tương đối dễ dàng sẽ thấy rằng tâm mình trở nên an tĩnh, vắng lặng, cùng với hơi thở-ra thở-vào. Có sự hay biết rõ ràng từng hơi thở-ra, thở-vào, nặng hay nhẹ, dài hay ngắn, luồng hơi này tiếp theo luồng hơi khác. Trạng thái hay biết như vậy chỉ rằng tâm đã cùng ở với hơi thở.
Nên hiểu biết như thế này: Nếu tình trạng gom tâm như vậy chỉ phát sanh yếu ớt và tồn tại trong một thời gian ngắn thì được gọi là "tạm định" (khanika samàdhi, định, samàdhi, một cách tạm thời, khanika). Tâm phóng đi, ta kéo về, quán niệm hơi thở trở lại. An trụ như vậy một thời gian, hơi thở hình như trở nên ngày càng vi tế hơn nhiều, hầu như không còn nữa. Quý vị không còn thấy hơi thở ở đâu hết ! Đến lúc bấy giờ vài người sợ chết, "Hơi thở của tôi đâu mất rồi? Vừa mới thấy ở đây tức thời mà!…", và rồi họ xuất thiền, ra khỏi trạng thái định (samàdhi). Họ xuất thiền vì sợ chết.
Không nên sợ và bỏ cuộc như vậy. Hơi thở vẫn còn đó, chỉ vì nó vô cùng vi tế, vô cùng tế nhị. Không cần phải tìm nó ở đâu khác. Hãy hướng chú niệm và giác tỉnh vào tâm, và đưa nó trở về đề mục. Hãy quán chiếu và khảo sát: "Một cách chính xác, tâm phát xuất từ căn nguyên nào? Những suy tư của tâm phát sanh từ đâu? Cảm giác thỏa thích và hạnh phúc được chứng nghiệm lúc bấy giờ như thế nào?". Ngay vào khoảnh khắc ấy quý vị tìm thấy tâm mình. Giờ đây, hãy hướng nó về trước ngực hoặc một điểm nào khác trong thân. Hãy đặt cảm giác thỏa thích mà tâm đang chứng nghiệm trên điểm ấy và giữ lại đó, cùng với niệm và giác tỉnh, hay biết rõ ràng. Giữ quán niệm của quý vị lại đó, để nó ở nơi mà "suy tư" phát sanh. Làm như thế ấy ít lâu sẽ phát triển một trạng thái vắng lặng thâm diệu và vững vàng sâu sắc hơn, dần dần cho đến khi tâm đạt đến "cận định" (upacàra samàdhi -- "upacàra" là gần kề).
Đến đây vài người có thể chứng nghiệm ánh sáng tỏ rạng (định tướng, nimitta). Nhưng nếu không có gì xảy ra, chớ nên nản lòng. Pháp hành thiền không hề liên quan đến ý muốn trông thấy bất luận hiện tượng nào. Quý vị chớ nên chế tạo những ấn chứng, trông chờ ánh sáng hoặc cái gì tương tợ. Không nên nghĩ đến điều gì có thể sắp xảy ra. Trạng thái vắng lặng sẽ tự nó phát triển theo đường lối của nó, và bất cứ gì xảy ra sẽ xảy ra. Không nên vọng móng, nóng lòng muốn thấy cảnh trời hay cảnh địa ngục, bởi vì chính loại suy tư có tánh cách ham muốn ấy sẽ gây trở ngại, chận đứng con đường dẫn đến vắng lặng.
Quý vị hành giả nào đã an trụ tâm dễ dàng, chắc chắn sẽ chứng nghiệm tình trạng thoải mái hoan hỷ ngay lúc tâm vừa an tĩnh và vắng lặng. Lần đầu tiên quý vị sẽ tự mình nhận thức hạnh phúc của an lạc là như thế nào. Tâm tự tại và thoải mái, vắng lặng và thỏa thích. Trạng thái này cũng bao hàm chi thiền "phỉ" (pìti), mặc dầu phỉ lạc có thể phát hiện dưới những hình thức khác nhau cho mỗi người. Tóc của quý vị có thể dựng đứng lên; hay quý vị chứng nghiệm một loại cảm giác már mẻ nhẹ nhàng trong tâm hoặc quý vị có thể nghe như có một lớp bông gòn mịn màn bao trùm cơ thể mình; hoặc thân người hình như nhẹ nhàng đến đổi tưởng chừng như có thể bay trôi như mây.
Vị Thiền Sư không thể điều khiển hay kiểm soát những loại chứng nghiệm tương tợ, được gọi là "thân an khinh", và "tâm an khinh". Tại sao tâm vắng lặng lại an khinh, tức nhẹ nhàng thơ thới, như vậy? Là bởi vì nó đã được phóng thích, nó đã phá vỡ mọi chướng ngại tinh thần (nìvarana, pháp triền cái) và đã đặt xuống mọi gánh nặng. Quý vị hãy cố gắng duy trì và bảo tồn trạng thái an khinh này.
Nơi đây Sư muốn phớt qua, không đề cập đến những âm thanh mà hành giả có thể nghe khi ở trạng thái này. Nghe văng vẳng như có tiếng nói trong điện thoại từ xứ xa đến. Có thể hình như quý vị thật sự nghe và thấy những cuộc đàm thoại, xa và gần, liên quan đến quý vị. Tuy nhiên, các âm thanh ấy chấm dứt liền khi tâm quý vị an trụ sâu hơn, hoặc rút ra khỏi từng lớp vắng lặng ấy. Cái tâm lúc bấy giờ chỉ tình cờ lọt vào đúng tần số. Vì lẽ ấy, chớ nên khoe khoang rằng mình đã có "thiên nhãn" hay "thiên nhĩ". Vài người có thể không thích chứng nghiệm những hình ảnh tương tợ, nhưng bất cứ gì xảy diễn cũng đều tùy thuộc nơi bản chất của tâm an trụ.
Khi hành giả để những ấn chứng kể trên trôi qua, và tiếp tục gia công chú niệm, hiểu biết rõ ràng, thì trạng thái vắng lặng càng thâm sâu, thâm sâu hơn từng giờ. Cơ thể vật chất hình như dần dần biến dạng. Không tay, hay không chân: quý vị cảm nghe như không còn tay, hay không còn thân mình. Đâu mất rồi? Quý vị nghe lòng thúc giục muốn mở mắt nhìn xem, nhưng rồi thôi, không màn để ý đến việc ấy. Hãy nhìn tận tường tâm mình, xem mình đã đặt nó vào điểm nào, và giữ nó lại đó. Một loại hạnh phúc phi thường phát hiện nổi bật rất linh động. Đó là trạng thái "nhập định" (apanà samàdhi, toàn định -- tức là tâm định kiên cố vững chắc, không lay chuyển), trạng thái tâm vô cùng an lạc, nhẹ nhàng mát mẻ và thơ thới, đã vượt qua mọi chướng ngại tinh thần. Không còn no hay đói, không còn ham muốn bất cứ gì ở ngoài, chỉ muốn ở lại trong tình trạng thỏa thích này mà trước đây chưa bao giờ chứng nghiệm. Hạnh phúc tinh thần này, mà hành giả thành đạt do nhờ tâm định, đẩy lui ra khỏi tâm tất cả những sự việc và những ham muốn của cuộc sống phàm tục hằng ngày.
Nếu tâm định tiếp tục tiến triển đến hạnh phúc cao cả tuyệt vời, buông trôi tất cả mà chỉ sống trong đó, thì đó là nhập Thiền (jhàna, thiền-na). Trạng thái tĩnh lặng này chỉ khác đôi chút với tâm xả (upekhà). Đến giai đoạn này những câu hỏi về người khác phát sanh đến hành giả: "Có ai khác chứng nghiệm giống như ta vậy không?". "Họ đã làm thế nào để đạt đến?". Đây là lúc mà hành giả phải cực kỳ thận trọng để khỏi rơi vào tình trạng khoe khoang sự hiểu biết của mình. Tới đây quả thật rất dễ sai lệch con đường chân chánh. Vậy, phải giác tỉnh, luôn luôn sẵn sàng tự cảnh giác trong vấn đề này. Nhiều người lạc lối và trở nên điên cuồng, khoác loác khoe khoang cùng tất cả mọi người, "Quả thật là hạnh phúc thật sự… Phải thực hành đi !… Hành như thế này !… như thế kia !". Quý vị hãy chú niệm, hiểu biết rõ ràng, và cẩn mật đề phòng. Chớ nên đi đầu nầy đầu kia để phô trương -- đến giai đoạn này quý vị chưa giác ngộ đâu !
Hãy khảo sát và ghi nhớ từng bước tiến mà quý vị đã thực hiện để thành tựu mức độ định (samàdhi) này. Đến khi ngồi xuống, quý vị có thể lặp lại dễ dàng và nhuần nhã hơn. Hãy chú tâm hồi nhớ quý vị đã làm thế nào để củng cố chú niệm và hiểu biết rõ ràng, ngay từ đầu. Đặt cái tâm như thế nào? Cái gì đã được phát triển và cái gì đã được loại bỏ? Khi tâm đạt đến mức an trụ cao, làm thế nào để giữ tâm lâu dài ở mức ấy?
Mỗi khi hành thiền quý vị sẽ có thể đối phó với bất luận gì xen vào, gây trở ngại cho tâm định. Những phiền toái khuấy rối ấy cũng giống như trước và quý vị cũng khắc phục nó giống như trước, để củng cố trạng thái an trụ trở lại. Người đã thuần thục thực hành sẽ hành thích ứng trong mọi trường hợp, dầu đang đi xe, đi tàu hay đi phi cơ, bất luận ngồi ở đâu, hay đang ở xứ nào. Một khi đã tinh thông trong pháp hành thì hành giả có thể nhập thiền hay xuất thiền dễ dàng và nhanh chóng. Các pháp triền cái không còn gây trở ngại nữa.
Trích từ nguồn:
Căn Bản Pháp Hành ThiềnThiền sư Panyapatipo(Phra Acharn Plien Panyapatipo)Chiang-Mai, Thái Lan
Phạm Kim Khánh dịch Việt Seattle, Hoa Kỳ - 1994
Giới thiệu Tác giả:
Đại Đức Acharn PLIEN PANYAPATIPO ra đời vào ngày 16 tháng 11, năm 1933, trong gia đình Wongsachandra, quận Sawang-Dan-Din, tỉnh Sakon Nakorn, miền Đông Bắc xứ Thái. Lúc còn thơ ấu Ngài sống với ông bà, cho đến năm lên 11 tuổi thì trở về phụ giúp cha mẹ buôn bán tiệm trong làng.
Khi lên 18 Ngài tỏ ý muốn theo học ngành y khoa, do đó bắt đầu phụ tá cho vị bác sĩ trong xứ, vốn là người trong họ. Nhưng rồi Ngài gác lại dự định đi Bangkok học nghề y sĩ để vâng lời cha mẹ ở nhà phụ giúp gia đình.
Mặc dầu từ lúc thiếu thời lúc nào ý nguyện cũng hướng về đời sống tu sĩ nhưng mãi đến năm 1959 Ngài mới xuất gia tại Wat Dhat' Mechai, thuộc tỉnh Sakon Nakorn và sau đó ba năm, đậu bằng Giáo Pháp cấp Một.
Sau mùa An Cư Kiết Hạ năm ấy Ngài lên đường tìm minh sư để học pháp hành và gặp được nhiều vị Thiền Sư nổi tiếng vào thời bấy giờ tại miền Đông Bắc, miền Nam và miền Bắc xứ Thái, quan trọng nhất là Ngài Acharn Luang Pu Brohm Jirapunno, Acharn Luang Pu Thet Desaransi, Acharn Luang Pu Teur Achaladhammo và sau cùng Ngài Luang Pu Waen Suchino (theo Thái ngữ, danh từ "Acharn" -- Ajahn, A-chàn -- có nghĩa là Thầy. Luang Pu là Đại Đức Ông, hay Sư Ông, bao hàm ý niệm vừa tôn kính vừa quý mến).
Trong hiện tại Acharn Plien là Tăng Trưởng Wat Aranyavivake, trong quận Mae Taeng, tỉnh Chieng Mai, miền Bắc xứ Thái.
-- o0o --