Tôi mới kiếm ra được Bài Thơ " Chăn Trâu" mà những ai đi vào Thiền Ðịnh đã thường thấy hình con trâu “ Thập Mục Ngưu Ðồ” sẽ thích đọc để mà suy ngẫm về ý nghĩa thế nào là trạng thái “Con Trâu” ( = Tâm của mình ).
Bài thơ “Con Trâu” gồm có 10 đoạn thơ do Y Sa phóng tác về “ Thập Mục Ngưu Đồ “ ( 10 tranh chăn trâu ) của Thiền; không thấy tựa đề chung, nên tạm đặt là Chăn Trâu . 10 đoạn thơ này dựa vào bản thư họa do chính Y Sa thực hiện.
Tôi xin trích ra đây bài “Chăn Trâu” này với phần chú thích của một độc giả để quý vị thấy rõ nghĩa hơn.
Chăn Trâu
10 bài thơ nói đến 10 công năng tu tập. 10 giai đoạn Hành Thiền để được tĩnh tâm.
1. Tìm trâu
Đêm dài mỏi giấc chiêm bao
Vài con én nhỏ bay vào hư vô
Cuộc đi cuộc ỏ cuộc chờ
Hành nhân hiu hắt lững lờ nguồn cơn.
Người hành giả (tu thiền) bắt đầu muốn thiền là bắt đầu muốn tìm xem tâm mình ỏ đâụ. Lúc này chỉ thấy hư vô và tâm thì lững lờ chưa định hướng.
2. Thấy dấu
Người về tìm dấu chân xưa
Chiều nghiêng cỏ dại rùng thưa lá vàng
Người về cuộc mộng vừa tan
Bờ khe lạnh bóng mây ngang lưng đồi.
Sau một thời gian tĩnh tâm thì thấy đươc chút ít, như thấy được dấu chân trâu (thoáng nhận ra tâm mình).
Người này thấy được bờ khe và bóng mây mà khi xưa mình mải lo chuyện khác không thấy.
3. Thấy trâu
Tàn phai mấy độ phai tàn
Ngẩn ngơ cát bụi vỡ tràn chân không
Giật mình ta cuộc trùng phùng
Phút giây hư thực vô cùng thực hư.
Nhận ra được bản chất của mình, thấy được tâm mình là tìm được con trâu (Trâu đây là Tâm mình)
4. Được trâu
Đón đưa nhau chẳng bến bờ
Có không hồ dễ đợi chờ buồn vui
Bước chân đi giữa cuộc đời
Dang tay níu mộng môi cười thơ ngây.
Thiền định rồi sẽ thấy tâm của mình. Mình đã nắm được tâm nên
"Đón đưa nhau chẳng bến bờ"
Coi như đã biết nhìn vào nội tâm, biết mình là ai.
5. Chăn trâu
Có chi thường với chẳng thường
Bước chân như vẫn bên đường chân như
Không phù du - có phù du
Trăm năm vệt khói sương mù những đâu.
Nắm giữ thân tâm làm một. Không còn phân biệt thường hay không thường, phù du hay không phù du. Coi như thành công trong việc hiểu mình và hiểu các pháp quanh mình. Nhìn thấy mọi sự đều giống nhau.
6. Cưỡi trâu về nhà
Ta cùng thả bóng cùng ta
Trời bao xa - đất bao xa dặm này
Sau gì đây – trước gì đây?
Âm thầm núi biếc non mây rộn ràng.
Nắm bắt được thân tâm thì ung dung, tự tại.
Thân và tâm là một không còn phải lo chăn dắt nữa
7. Quên trâu còn người
Gió ngát rừng hương trăng nở hoa
Trời cao lồng lộng mấy yên hà
Một mình ngồi lại bên sông vắng
Mặc khách giang hồ lặng lẽ qua
Không còn phải chú ý đến tâm vì đã kiểm soát được tâm.
Chuyện gì cũng mặc không vướng bận. Thấy mình tự do thong dong.
8. Người-trâu đều quên
Biển xanh qua mấy muôn trùng
Trăng soi hờ hững - thuyền không hững hờ
Gặp nhau là chút tình cờ
Em ra trường mộng bài thơ vô đề.
Thiền định đến lúc thấy mình và tâm không còn nữa.
Không lo đến tâm cũng không lo đến mình
”Em ra trường mộng bài thơ vô đề”.
9. Trở về nguồn cội
Mênh mông bóng núi chân ngày
Vu vơ sóng cả đùa mây giang đầu
Lung linh bóng nhạn qua cầu
Lững lờ con nước một màu xanh xanh.
Trở về với cội nguồn.
Không lo mình, không lo tâm
Mọi sự đêu dễ dàng, nhẹ nhàng như không
10. Thõng tay vào chợ
Bóng vờn trên ngọn tủ sinh
Gậy khua đầu gậy - giật mình thiên thu .
Từ đó hành giả có thể vào chốn đông người, thị phi mà không bị vướng mắc. Không sợ sanh tử . Đã chứng ngộ
Đây là 10 giai đoạn kiểm soát Tâm và hướng đến sự Tự Tại .
Có khi mình đạt đươc. Nhưng sau khi đạt được rồi không có nghĩa là mình như thế mãi mãị . Vẫn phải giữ giới để tâm được yên như vậỵ .
Nếu mình không giữ giới thì tâm sẽ động lại, coi như con trâu xổng chuồng lại di phá làng, mình lại phải đi tìm trâu như bài thơ thứ nhất .
Ðọc xong 10 đoạn thơ này,, tôi xin mạn phép viết ra dưới đây những cảm nhận của cá nhân tôi về cuộc đời trong những chặng đường tôi đã đi qua . Xin gọi tạm bài viết này là
Tôi cũng đã có “Cái Có” rồi trở thành “Cái Không” của vật chất và tinh thần. Có, Không, Không,, Có …Tôi đi tìm một cái gì đó nhẹ nhàng, thanh khiết, an tĩnh ngay trên thế gian này . Tìm mà chưa thấy (hay chẳng bao giờ thấy?) cái mình muốn tìm. Tôi chỉ thấy một nỗi buồn khó tả và rất là “một mình” .
ĐỘC HÀNH
Một mình lặng lẽ
Ngồi nghe Kinh Phật.
Một mình sự thật
Theo ta vào đời.
Một mình sao rơi
Vào trong thế giới.
Một mình vời vợi
Ngóng đợi, ngóng trông.
Một đời lông bông
Ngóng trông chẳng thấy.
Cõi đời ai nấy
Bận rộn, lao đao.
Một mình đi dạo
Mặt đất, chân mây.
Một đời loay hoay
Đi tìm an lạc.
Dã tràng se cát
Lấp đổ biển đông.
Về trong cõi mộng
Ta tìm thấy ta.
Vô Không
September 1994
Tôi đi kiếm cái bình an cho tâm hồn bằng cách ngồi xuống đếm từng hơi thở của Vào Thiền để tập trung tư tưởng rồi nhẹ nhàng tránh được những động loạn trong tâm hồn:
THIỀN
Đêm khuya thanh vắng
Căn phòng im lặng
Ta ngồi ngay ngắn
Trên chiếc gối mềm
Đếm từng hơi thở .
Thế giới văn minh
Mặc cho quay cuồng
Thân ta tĩnh dưỡng
Trong khí thở vào.
Tình cảm rạt rào
Lắng theo hơi thở.
Cuộc đời đổ vỡ
Việc sở, việc nhà
Xin hãy trôi qua.
Hồn ta an tĩnh
Hiện tại là đây
Thở ra, hít vào.
Vô Không
April 1995
Có nhiêu đêm tôi đã không tài nào nhắm mắt mà ngủ được vì đầu óc tôi bị rối bời .
Tôi đã tự đặt rất nhiều câu hỏi “ Tại sao? “ cho riêng tôi mà chẳng tự mình trả lời được. Tôi đã bị dằn vặt vì những gì đã xẩy ra cho tôi. Tôi đã bị lôi cuốn vào những stress của công việc hàng ngày. Than thở với ai mà làm sao người khác thấu hiểu? Thân xác mệt mỏi rồi tôi chợt ngộ ra là chính tôi đã tự vật lộn với sầu , lo, ai oán … của Tương Lai, Hiện Tại và Quá Khứ của mình:
CHÁNH NIỆM
Dĩ Vãng đã qua mình ta biết,
Tương Lai chưa đến có ai hay?
Hiện Tại bình tâm ta đối diện,
Định Mệnh rồi đây sẽ phô bầy.
Quẳng gánh buồn đi, ta thiền, thở,
Sầu, lo, oán, giận được ích chi!
Hồn ta an trú Kinh, Sách Phật,
Dĩ Vãng, Tương Lai: xin chào mi!
Vô Không
August 1994
Tôi bắt đầu cảm thấy “at ease with myself” và ít hỏi
“Tại sao lại xẩy ra cho tôi như vậy?” nữa
Chắc là tôi bắt đầu “Thấy Trâu” của tôi rồi?
Sau những lần Thiền Ðịnh nửa đêm về sáng, tôi ngủ rất ngon, có lẽ là vì tôi đã chấp nhận là “Ðời là như vậy” rồi . Tôi đã bình tĩ nh“ngồi xem Ciné của cuộc đời mình” qua bài “Thấy Gì”:
THẤY GÌ
Tôi đi giữa giòng đời
Nghe tiếng nhiều người
Nói nói, cười cười.
Hầu như ai ai cũng sống vội?
Sâu thẳm từ đáy nội tâm
Tôi thấy
Trống vắng như một mầu tang.
Tôi lang thang
Trên đại lục trần gian
Để sống với cõi tục .
Tôi đã lớn lên
Sông sáo, nổi trôi
Với kiếp sống con người.
Bỗng chợt thấy trong tôi
Các khía cạnh cuộc đời
Lẫn lộn với cảm nghĩ riêng tư.
Bao nhiêu năm
Tôi đã lăn mình trong xã hội
Và đời sống văn minh máy móc.
Tôi đã cảm-nhận-thấy gì?
Thấy những người
Trần tục như tôi
Lăn mình như những hòn bi
Ít khi thực sự được nghỉ,
Ngày qua ngày vội vã,
Chứa chất đầy tham, sân, si!
Những đêm khuya tạm lãnh cuộc đời
Trong tĩnh lặng
Bằng thiền định hay giấc ngủ nhẹ nhàng,
Tôi thấy mình tôi
Chu du trong vũ trụ,
Bay trong không gian
Giữa các tinh thể
Nhiều sắc, nhiều mầu.
Tôi lơ lửng giữa bầu trời
Với trăng, gió và sao
Gặp cha, thăm mẹ
Và nhiều người đã qua đời
Hoàn toàn trong tĩnh lặng.
Du hành trong vũ trụ
Thật là thoải mái,
Khác xa với đời sống ban ngày!
Rồi buổi sáng thức giấc
Ngày qua ngày
Lại hụp lặn với đời sống quay cuồng
Và ban đêm quay trở về
Với thiền định, tĩnh lặng
Của riêng tôi.
Hoá ra ...
Cuộc đời là như vậy!
Vô Không
Tháng 11, 1997
Tôi thấy xung quanh tôi thiên hạ còn đang bị luôn cuốn vào những rằn vặt, ràng buộc, giận hờn, buồn phiền … Mà ngay chính tôi cũng vẫn thường vướng mắc vào những thăm, sân, si, hỷ, nộ, ái …Tôi đ ã “ghi lại vài dòng nhật ký” trong bài “Thân Tâm” dưới đây , như là một lời tự khuyên , tự cảnh tỉnh :
THÂN TÂM
Lắng tai nghe tiếng thở vào,
Thở ra khoan khoái, rạt rào niềm thương.
Chao ôi, nghiệp chướng, vô thường,
Cớ sao tâm động: Buộc, vương chuyện đời?
Sân, si như sợi tơ trời,
Để cho lơ lửng, bận đời làm chi!
Trăm năm đời sống có gì,
Khi thân nằm xuống, hồn đi về nguồn.
Vô Không
June 1999
Một người bạn đã tặng tôi một cái Cassette Tape “Nhạc Kinh Tây Tạng” và trên xa lộ tới trường nơi tôi dạy, tôi bỏ tape lên nghe. Tôi nghe tiếng sáo, tiếng khánh, tiếng tụng kinh Tây Tạng … Tôi mơ hồ thấy tôi trở về một cõi xa xôi nào đó. Ở nơi này, đời sống không còn có những stress, buồn bực, tranh đua, lo nghĩ … nữa mà chỉ thấy một khoảng Không Gian lồng lộng tuyệt vời. Sau khi nghe cuốn băng này nhiều lần, tôi đã ghi xuống những cảm nghĩ thư thái nội tâm trong bài “Nhạc Kinh Tây Tạng” dưới đây:
NHẠC KINH TÂY TẠNG
Nghe Kinh Tây Tạng
Hồn được trở về
Như một đứa trẻ
Từ lúc nằm nôi
Một cõi xa xôi
Ngồi trong lòng mẹ
Vỗ về âu yếm
Hồn tôi tan biến
Trong tiếng sáo chiều.
Tiếng Kinh đều đều
Hồn vào tâm thức
Nhạc Kinh Tây Tạng
Ru tôi rong chơi
Trong cánh đồng rộng
Với tiếng sáo chiều.
Nghe Kinh Tây Tạng
Tôi thấy gió thổi
Đời tôi thơi thới
Rong chơi biển khơi.
Nghe Kinh Tây Tạng
Trở về đồng hoang
Giã từ gian nan
Còn đâu ràng buộc.
Nhạc Kinh Tây Tạng
Ru tôi nằm yên
Thân này đã chết
Hồn tôi bay bổng
Về chốn bình an
Rời cõi trần gian
Nẻo về bên ấy.
Nghe Kinh Tây Tạng
Văng vẳng bên tai:
“ Này này này nẻo về bên ấy,
Mang mang theo cái tâm an lành!”
Nguyễn Đàm Duy Trung