Friday, November 21, 2008

Tự do

Buông xả là sự liễu tri nội tại rằng "Tôi không là gì hết." Thấy được "tôi không là gì hết, tôi là số không, tôi là Chân Không," thì sự buông xả thực sự lớn mạnh trong anh. Ðoá hoa "buông xả" mọc nhanh trên thân cây Chân Không; và nó không thể là mục tiêu hướng tới tầm cầu của anh.

Anh hãy thực sự sống trong phút giây này, ở đây. Bây giờ và Ở đây là hiện hữu duy nhất. Anh không cần phải bám víu ý niệm "tôi buông xả để được tự do" - vì anh đang tự do! Anh chưa bao giờ bị kềm kẹp, bị mất tự do cả, vì anh không hiểu thấu đáo được chính anh nên anh cứ cưỡng cầu đi tìm tự do, và cho rằng phải xả ly, phải buông bỏ thì mới có tự do - nhưng anh ơi, Tự Do Nội Tại Tuyệt Ðối vẫn luôn ở trong anh. Anh chỉ cần buông chính con người anh, buông tự ngã của anh thì anh sẽ thấm đượm được hương Tự Do Giải Thoát.

Tự do có nghĩa là tự do khỏi bản ngã, chứ không phải tự do của bản ngã. Ngay cái lúc nhà giam biến mất, tên tù nhân cũng biến mất, vì tù nhân chính là nhà giam. Cái lúc anh ra khỏi được nhà giam, anh không còn vướng mắc gì cả; chỉ có trời xanh, không gian trong lành. Không gian trong lành đó chính là Niết Bàn, là Giải Thoát.

Hãy cố gắng Hiểu hơn là cố gắng đạt tới mục đích.

Buông xả không mang lại tự do! Buông xả chính là tự do! Buông xả và Tự do đồng nghĩa với nhau, giống nhau và anh đang nhìn một sự việc dưới hai góc độ khác nhau. Do đó, không có sự buông xả nào cả. Không phải thực mà chẳng phải không thực. Không có buông xả gì cả mà cũng không phải là không có buông xả.

Thư giãn đi. Trong sự buông thả tâm thức - không có cái gì được quán chiếu và cũng không có ai là người đang quán chiếu - khi anh không bị chia cách làm đôi - một tính chất kiểm nghiệm khác thường đột khởi. Không có sự quán chiếu, chỉ là một sự Tỉnh Thức thụ động; tôi nói thụ động - hãy nhớ kỹ như vậy. Không có sự cưỡng bức tầm cầu trong đó. Quán chiếu rất năng nổ, công kích, vì trong sự quán chiếu, anh cần nổ lực, anh cần cố gắng, anh có sự cần cầu, mong đạt được; nhưng đúng ra, anh phải thoải mái, anh thư giản tâm trí đi, anh buông xả các cơ bắp đi. Anh hãy an nhiên ngồi xuống, không làm gì cả; anh chỉ cần có mặt, một sự có mặt đầy tỉnh thức - và mùa xuân đến, cây cỏ nẩy mầm. Ðó là tất cả giáo lý, đó là phương pháp tu học, đó là sự gia công hành trì của Phật giáo: tất cả những gì anh đang nổ lực làm sẽ gây tạo ra và tăng trưởng thêm tác nhân - quán sát, tư duy, buông xả cũng vậy. Tất cả những gì anh đang hành trì sẽ rập bẫy lại anh. Anh không cần phải làm gì hết. Anh cứ tự nhiên đi . . . hãy để vạn vật diễn tiến tự nhiên. Anh đừng gượng ép, cưỡng ép cần cầu phải thế này thế nọ; anh đừng nên tự ép bức anh hay ngoại giới phải thế này thế nọ.

Hãy để gió nhẹ thoảng qua mặt anh, mặt trời chiếu sáng trên đầu anh, hãy để dòng sống nhẩy múa, hãy để thần chết vui vẻ đến và anh cũng nhẩy múa hát ca đi, thật tự nhiên, thật an lạc, thật hạnh phúc.

...Ðó là định nghĩa của tôi về xả ly: không phải có một cái gì, một sự việc gì mà anh cần phải thực thi, nhưng khi anh buông xả được tất cả những gì anh đang làm đó, anh sẽ thấy được sự phi lý tột cùng của hành động, của cuộc đời.

Buông xả, không sở hữu, không tham chấp là con đường để sống một đời sống chân chính, là một đời sống thực thụ. Hãy để vạn vật tự nhiên trôi chảy, hiển hiện như nó đang là - và niềm An Lạc Giải Thoát đến trong anh tức thì, anh hãy nếm, hãy uống tận cùng chất ngọt của tâm xả ly - vì trong anh không còn sự gượng ép đắm nhiễm tầm cầu nữa. Bất cứ cái gì đến với anh, hãy đón nhận chào mời thật nồng nàn yêu thương. Không có thất bại, không có thành công. Cái trò chơi thất bại và thành công đó đã bị anh buông bỏ xuống rồi. Mặt trời buổi sáng mai đến, anh thức dậy tỉnh táo, mặt trăng tỏa chiếu trên anh vào buổi tối, anh thiêm thiếp giấc nồng. Ðói bụng, anh ăn, khát nước, anh uống, mệt mỏi, anh nghỉ ngơi v.v. . . Ðó là tinh túy của đạo mà các Tổ Sư thiền gia đã dạy: "Ðói ăn, khát uống, mệt ngủ khì." - không có gì phải làm.

Tôi không nói anh đừng hoạt động gì cả, chỉ im lìm như xác chết. Tôi không nói anh đừng đi làm kiếm tiền nữa. Tôi không nói anh từ bỏ cuộc đời; tôi không nói anh hãy sống ỷ lại nơi người khác. Tôi cũng không nói anh phải bùng nổ phản kháng gì cả.

Không, tôi chỉ nói anh đừng là tác nhân. Ðúng vậy, khi anh đói, anh cần phải ăn, và khi anh ăn, anh cần phải làm việc để sinh sống - nhưng anh hãy nhớ "chỉ có hành động mà không có người hành động, không có cái bản ngã nào trong con người mang tên A, B, X, Y nào đó làm cái hành động này, hành động kia . . ." Chỉ có cái đói đang làm công việc này, công việc nọ để kiếm tiền. Chính cái khát mang anh đến ngọn suối hay giếng mát kia để uống. Chỉ có cái khát chuyển động, chứ không có người khát. Hãy buông bỏ tất cả danh từ và đại từ xuống hết, chỉ có "động từ" di chuyển mà thôi.

Phật đã dạy: "Chân Lý là khi ngươi nhìn một vũ công đang nhảy múa, ngươi không thấy người vũ công mà chỉ có điệu vũ. Khi ngươi nhìn dòng suối, ngươi không thấy dòng suối mà chỉ thấy sự lưu chảy. Khi ngươi nhìn cây xanh kia, ngươi không thấy thân cây mà chỉ có sự phát triển của cây. Khi ngươi nhìn một ai đang cười, ngươi không thấy có người đang cười mà chỉ có nụ cười. Khi ngươi nhìn tình yêu, không có ai là người yêu mà chỉ có tình yêu!"

Ðời sống là một tiến trình! Dòngsống đang tuôn chảy! Nhưng chúng ta lại không làm được như thế, chúng ta không bỏ được bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; chúng ta luôn bám víu vào những danh từ sơ cứng, chúng ta quen nghĩ và sống trong những trạng thái tĩnh, chết - và thói quen đó đã tạo ra nhiều vấn đề, nhiều rắc rối. Không có cái gì sơ cứng; không có trạng thái tĩnh - tất cả là một dòng sống miên động đang tuôn chảy.

Anh hãy tuôn chảy đi với dòng sống, với cuộc đời, nhưng đừng biến mình thành tác nhân; ngay cả lúc anh đang hành động, anh đang làm một cái gì. Chỉ có dòng ánh sáng nội tri đó đang an định trong anh. Ngoài ra không có gì hết.

Giác ngộ không phải là mục đích mà anh phải đạt tới. Giác ngộ thật đơn giản, bình thường như cuộc đời anh đang sống, như vạn vật chung quang anh. Khi anh không còn tranh đấu giành giựt rong ruỗi tầm cầu nữa, cuộc sống bình thường đó trở nên càng tuyệt vời, diễm lệ hơn. Cây xanh thêm xanh, tiếng chim hót thêm ríu rít ngọt ngào, những viên đá cuội nhỏ cũng biến thành những viên kim cương lấp lánh. Anh hãy đón nhận đời sống bình thường này đi! Hãy buông bỏ cái ý niệm "tôi là người đang làm" và khi tôi nói hãy buông bỏ tác nhân, anh cũng không phải là người đang buông bỏ.

Hãy nhìn sự thật trong vạn vật. Hãy nhìn và kìa, tất cả đều vắng bóng, mất dạng.

*****

"Sự khác biệt giữa Tánh Không của một đứa trẻ trước khi bản ngã của nó thành hình và tánh chất tỉnh thức hoàn toàn trong sáng vô tư như một đứa trẻ của Phật là như thế nào?"

Có sự giống nhau và có sự khác nhau. Thực ra, đứa trẻ là một vị Phật, nhưng Phật tánh của nó, tánh giác ngộ của nó, sự ngây thơ vô tư của nó vốn là tự nhiên, vốn dĩ đã có, không phải là sự thâu hái gặt quả. Sự ngây thơ của nó là một tánh chất, là một loại vô minh, chứ không phải là sự thành đạt tu trì. Sự ngây thơ của nó không có ý thức - đứa trẻ đó không ý thức, không quan tâm chút nào về tỉnh thức. Sự ngây thơ của đứa trẻ vốn sẵn có, vốn đã hiện diện nhưng đứa trẻ đã lãng quên, vô ý thức. Nó sẽ đánh mất sự ngây thơ vô tư đó. Nó phải mất. Thiên đường tuổi thơ sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ bị mất; đứa trẻ đang đi trên con đường đánh mất tuổi thơ. Ðứa trẻ nào cũng đều đi qua những cửa ngõ đỗ vỡ, bất tịnh - đó là cuộc đời, là thế giới chúng ta đang sống.

Sự ngây thơ của đứa bé là sự ngây thơ của Adam trước khi bị trục xuất ra khỏi vườn Ðịa Ðàng, là sự ngây thơ trước khi Adam nếm thử Trái Cấm Tri Thức, là sự ngây thơ trước khi Adam có ý thức. Nó giống như bản năng của loài thú vật. Anh hãy nhìn vào mắt của bất cứ giống vật nào - một con bò, một con chó - anh thấy gì không? Ðó, ở đôi mắt con bò, con chó đó, có sự trong sáng, ngây thơ, cái tánh chất trong sáng ngây thơ vốn từng hiện hữu trong đôi mắt một vị Phật, nhưng duy có một sự khác biệt giữa nhau.

Sự khác biệt đó thật khác, thật xa nhau, khác hoàn toàn và mông mênh: đó là vị Phật đã "trở về nhà," còn loài vật thì "chưa rời khỏi nhà."

Ðứa trẻ vẫn ở vườn địa đàng, vẫn còn ở thiên đường. Nó sẽ mất thiên đường - bởi vì khi được một cái gì thì đổng thời ta sẽ mất đi một cái gì đó, bù lại.

Phật đã trở về nhà . . . sau khi đi một vòng thật tròn đầy. Phật đã bỏ đi, đã lạc bước, đã thất lạc, Phật đã rớt xuống tận cùng hố thẳm của tội lỗi, của đói khát, khổ đau, của địa ngục. Những "kinh nghiệm sống sót" sau những lần rơi xuống đó là một phần của sự trưởng thành và khôn lớn. Không có những kinh nghiệm đau thương đó, bộ xương của anh sẽ không có cứng cáp đâu, anh sẽ oặt ẹo, không có xương sống; có nghĩa là anh không có cái cột trụ nào để chống đỡ cả. Không có những kinh nghiệm thăng trầm biến đổi đó, sự ngây thơ của anh rất mong manh, nó không thể chịu đựng nổi sóng gió, bão tố cuộc đời. Nó rất yếu, nó không thể sống sót được. Sự ngây thơ trong trắng của anh phải chịu đi xuyên qua ngọn lửa cuộc sống - anh sẽ mắc phải một ngàn lẻ một lỗi lầm, một ngàn lẻ một lần anh bị rơi tòm xuống hố, nhưng rồi anh sẽ ngóc cổ đứng dậy trở lại được. Tất cả những kinh nghiệm đó, từ từ, từ từ sẽ làm anh chín muồi, sẽ làm anh khôn lớn chững chạc, và anh sẽ trưởng thành.

Sự ngây thơ của Phật là sự ngây thơ của một người đã trưởng thành, hoàn toàn trưởng thành. Cái tánh chất trẻ con là một vòng tròn không có trọng điểm nào ở trung tâm cả. Phật tánh cũng là một vòng tròn, một chu vi nhưng trụ rễ lại ở ngay trung tâm. Tánh chất trẻ con là không tên, một nặc danh không có ý thức. Phật tánh cũng nặc danh nhưng có ý thức. Cả hai đều vô sắc, vô danh . . nhưng đứa trẻ thì chưa biết gì về hình thái và khổ đau của sự không tỉnh thức. Nó cũng giống như anh chưa bao giờ ở tù nên anh không hiểu được tự do là gì, tự do qúi báu như thế nào. Và rồi anh bị ở tù nhiều năm hay nhiều đời, và một ngày kia, anh được phóng thích . . . anh ra khỏi tù, anh nhảy, anh hát, anh ca; thật tuyệt diệu, ôi vô cùng tuyệt diệu! Và anh ngạc nhiên xiết bao khi anh thấy có người sống ở ngoài cửa ngục, đi đứng tự nhiên trên đường, đi đến sở làm, đến công xưởng, đến văn phòng . . . nhưng họ không hưởng thụ được tự do một chút nào - họ đã lãng quên, họ không biết rằng họ đang sung sướng được tự do. Làm sao họ biết được? Bởi vì họ chưa hề ở tù nên họ không biết cái đau khổ bị mất tự do; nền tảng của sự nhận thức của họ đã mất. Cũng giống như anh viết bằng phấn trắng lên trên bức tường mầu trắng - không có một ai có thể đọc được anh đã viết những gì. Anh sẽ nói gì với họ đây - bởi vì ngay cả chính anh, anh cũng không đọc được anh đã viết những gì.

Nếu anh viết bằng phấn trắng trên bức tường trắng, chính anh cũng không đọc được, nhưng nếu anh viết trên bảng đen thì tất cả những gì anh viết đều hiện rõ ràng - anh có thể đọc được. Ðó, sự tương phản cần có nhau để hiện khởi. Ðứa trẻ không có sự tương phản; đứa trẻ là dải lụa bạc trắng không có một đốm đen; tâm hồn đứa trẻ vô ý thức dưới bất cứ tình huống trạng thái nào; nhưng Ðức Phật là dãi lụa bạc trắng tinh trong vầng mây đen ám, tỉnh thức trong từng sát na mọi trạng huống thay đổi của tâm

Ban ngày, những ngôi sao đã có trên bầu trời, các ngôi sao không biến đi đâu hết, chúng không di chuyển nhanh dễ sợ vậy đâu, chúng không thể biến mất. Cả ngày chúng vẫn có ở trên trời, nhưng anh không thể thấy chúng. Nhưng đến ban đêm, anh thấy các vì sao rõ hơn bởi vì có màn đêm tương phản. Hoàng hôn càng dần thấp xuống, càng xuống thấp, những ngôi sao lấp lánh hiện rõ ra trên bầu trời.

Ðứa trẻ có sự ngây thơ nhưng không có một cái nền tảng, một cái phông gì cả. Anh không thể thấy sự ngây thơ, anh không thể đọc được sự ngây thơ, anh không thấy gì cả vì không có sự đối nghịch tương phản. Một vị Phật thì đã sống trọn cả cuộc đời, đã làm tất cả những gì cần làm - tốt và xấu - đã chạm đến cái cực điểm, đã là một người tội lỗi, một vị thánh. Hãy nhớ là, một vị Phật không phải chỉ là thánh nhân đâu nhé; Phật có thể là một người tội lỗi, và cũng đã là một vị thánh. Chân Như Phât Tánh là vượt qua cả thánh - phàm, tội lỗi - trong sạch. Và bây giờ, vị Phật đó đã "trở về." Hãy nhớ là, Phật có nghĩa là "giác ngộ, là thức tỉnh!"

Ðó là lý do Phật đã thuyết trong bản kinh ngày hôm qua: "Na jhanam, na praptir na - apraptih - Vô Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố . . ." Không có trí, không có đắc, không có cả cái không chứng đắc. Khi Phật chứng đắc đại giác, có người đã hỏi Phật, "Ngài chứng đắc gì vậy?" Phật đã cười, nói rằng, "Ta không chứng đắc gì cả - Ta chỉ khám phá cái gì đã tiềm tàng sẵn có trong ta. Ta chỉ đơn giản "trở về." Ta đã thấy cái gì luôn vẫn ở trong ta, chân thật là của ta. Ta không bám víu chấp thủ vào cái đó, Ta chỉ đơn giản nhận diện ra nó. Ðó không phải là sự khám phá, mà đó là sự nhận diện trở lại, sự tái khám phá. Khi nào ngươi đạt được qủa vị giác ngộ, ngươi sẽ thấy hiểu được điều đó - không có chứng đắc gì cả khi đạt qủa vị giác ngộ. Bất thình lình ngươi thấy đó chính là Bản Tánh uyên nguyên của ngươi. Nhưng để thấy được chân tâm thường hằng đó, ngươi phải lạc bước, ngươi phải xuống sâu tận cùng cơn trốt xoáy của dòng sống. Ngươi phải nhẩy vào tất cả những nơi chốn và không gian bùn lầy ô nhiễm, chỉ để thấy Tánh Trong Sáng Tuyệt Ðối của ngươi, Tánh Thanh Tịnh Vô Nhiễm của ngươi."

Bảy lớp cửa tự ngã đó không cách biệt và xa rời nhau, bảy lớp cửa đó chồng tréo lên nhau. Song rất hiếm thấy một người nào đó thấu đạt được tự ngã của họ qua bẩy lớp cửa đó. Nếu người nào thẩm thấu được, họ chính là một tự ngã toàn vẹn, là chân ngã, là đại ngã. Và chỉ có Ðại Ngã mới có khả năng biến mất, chứ không phải là tiểu ngã, một bản ngã không hoàn hảo. Khi một trái cây chín, tự nó sẽ rơi xuống, khi nó chưa chín, nó vẫn đeo trên cành. Nếu anh vẫn bám víu vào bản ngã, hãy nhớ - trái cây chưa chín, vì thế nó bám đeo lủng lẳng - cũng vậy, trái giác ngộ chưa chín, nó vẫn bám vào cành cây Chấp Ngã.

...

Trích - "Những Mẫu Pháp Thoại của Osho về Bát Nhã Tâm Kinh" - Thích Nữ Minh Tâm dịch