Sunday, November 9, 2008

Đạo lộ thực hành thiền

Mục đích của Đạo Phật là làm chủ sinh tử, chấm dứt luân hồi.

Sakya Muni xuất hiện vì mục đích đó.

Khi đản sanh, huyền thoại kể rằng ngài bước đi bảy bước và nói:

Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sinh lão bệnh tử

Nghĩa tạm dịch:

Trên trời dưới trời

Chỉ ta vượt qua

Khắp trong thế gian

Sinh lão bệnh tử

(Chú thích: người đời sau vì ý đồ xóa đi mục đích của Đạo Phật cho nên cắt đi hai câu cuối khiến

cho câu "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" trở thành vô nghĩa!

Làm chủ sinh tử luân hồi không có nghĩa là không già không lão không bệnh không chết!

Mà có nghĩa là không đau khổ sợ hãi trong sinh tử, không tiếp tục đau khổ sợ hãi vì luân hồi!)

1/ Muốn đạt được TAM MINH để làm chủ SINH TỬ và chấm dứt LUÂN HỒI

......thì phải tu tập BẢY NĂNG LỰC GIÁC CHI.


2/ Muốn đạt được NĂNG LỰC BẢY GIÁC CHI

......thì phải tu tập TỨ NIỆM XỨ.


3/ Muốn đạt được TỨ NIỆM XỨ

......thì phải tu tập BA THIỆN HẠNH.

Ba Thiện Hạnh tức là ý hành thiện, khẩu hành thiện, thân hành thiện (Tứ Chánh Cần).


4/ Muốn đạt được BA THIỆN HẠNH

......thì phải tu tập CHẾ NGỰ CÁC CĂN.


5/ Muốn CHẾ NGỰ ĐƯỢC CÁC CĂN

.......thì phải tu tập CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC.


6/ Muốn đạt được CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

.......thì phải tu tập NHƯ LÝ TÁC Ý.


7/ Muốn đạt được pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý

.......thì phải có LÒNG TIN.


8/ Muốn có LÒNG TIN

.......thì phải được NGHE CHÂN PHÁP CỦA PHẬT.


9/ Muốn được NGHE CHÂN PHÁP CỦA PHẬT

.......thì phải THÂN CẬN BẬC TU CHỨNG ĐẠO, đã làm chủ sinh, già, bệnh, chết.

(Sưu tầm từ www.nguyenthuychonnhu.net)

Gởi Chánh Giác và các bạn đang quan tâm về thiền,

Khi nhận được comment của Chánh Giác nói rằng:

"Tứ Thiền này có liên hệ mật thiết với Tam Lậu Hoặc, Bát Chánh Đạo, hai Chánh Đạo cuối cùng, v.v. Tứ Thiền này đưa quả vị A La Hán, cứu cánh giải thoát, không giống Tứ Thiền có liên hệ với Nimitta. Tứ Thiền này muốn thành tựu phải đi theo Chánh Đạo, tức con đường chân chánh. Khác với "con đường sỏi đá" - con đường được làm từ sỏi và đá. Con đường chân chánh - là con đường được làm nên từ sự chân chánh.

Tức khắc tôi liên tưởng đến “bốn thánh định” hay “bốn thánh thiền”, khái niệm đã nằm sẵn từ lâu trong vô thức của tôi. Search trên Internet thì tiếng Việt chẳng có ai dùng chữ bốn Thánh Định này, ngoài thày Thông Lạc. Những người tu theo Đạo Phật nguyên thủy ở Vn, có bài viết trên Internet, như thày Viên Minh, thày Hộ Pháp cũng không dùng chữ này. Nhưng từ nhận xét rằng, có rất nhiều người đắc tứ thiền ở Myanmar, Thailand, Sri Lanca mà Đạo Phật lại bị suy vong thì quả là vô lý. Vì thế có thể các loại tứ thiền đó hoặc ít có hoặc không có liên hệ với thiền của Đạo Phật thực sự.

Khi Đức Phật đi tìm Đạo ngài đã từng tập bốn thiến tám định của ngoại đạo, điều này không ai có thể phủ nhận. Nhưng khi không thấy tứ thiền bốn định ngoại đạo đem lại giải thoát thì Đức Phật làm gì? Có ba khả năng:

- Ngài giữ nguyên bốn thiền tám định nhưng tiếp tục đi xa hơn nữa bằng Diệt tận định?

- Ngài phủ định bốn định vô sắc để giữ lại bốn định hữu sắc và đi vào Diệt tận định?

- Ngài thay đổi nội dung vi tế của bốn định hữu sắc để tạo ra một đạo lộ mới riêng cho Đạo Phật và bốn định hữu sắc này (không rơi vào tưởng uẩn) dẫn đến giải thoát mà Phật tử có thể gọi là bốn Thánh Định. Khi thành tựu xong bốn thánh định hành giả có thể nhập vào diệt tận định để thực hiện tam minh.

Đây phải là câu hỏi nên được đặt ra!

Thảo luận về và trên đạo lộ này không phải là xa vời và vô ích với người bắt đầu tu tập. Vì nếu ngay từ bước khởi đầu ta không xác định được đạo lộ mà Đức Phật đặt ra, thì trên đường tu chắc sẽ phải gặp bế tắc (ví dụ như đắc tứ thiền kiểu nào đó trong vòng vỏn vẹn vài tháng mà cuối cùng vẫn không chứng A La hán được!)

Từ lúc này tôi tin rằng việc nhập vào các mức thiền định chắc chắn phải là giai đoạn cuối, của một quá trình tu tập có tính hệ thống và nhất quán của Đạo Phật, như tu Giới, tu hơi thở, tu Tứ Niệm Xứ v.v…. Cách hiểu và cách tu đúng về Giới, về hơi thở, về Tứ Niệm Xứ v.v… cần phải được cân nhắc lại một cách đúng đắn. Vì không đúng đắn sẽ không mang lại kết quả mong muốn, nghĩa là sau đó không thể nhập vào bốn Thánh định được mà lại lạc vào các định ngoại đạo.

Các định ngoại đạo không phải là cái gì đó xấu xa hay kém cõi, nó rất cao và có đủ thần thông và công năng ghê gớm. Chỉ có một điều là… các định ngoại đạo không đưa đến giải thoát rốt ráo. Không giải thoát vì tâm vẫn ở trong Tưởng uẩn! Không giải thoát vì khi xuất định tham sân si vẫn không sạch hết! Không giải thoát nghĩa là vẫn tái sanh luân hồi trong tam giới! Nhiều đệ tử giỏi của Đức Phật vốn là những Bà La Môn ngoại đạo. Thậm chí khi trở thành đệ tử của Phật, họ được coi là những Đại đệ tử thân yêu nhất như ông Xá lợi Phất hay ông Ca Diếp.

Huyền thoại kể rằng Ma Ha Ca Diếp nhập vào các định rất cao, có nhiều thần thông công năng mạnh mẽ nên có ý không thần phục Đức Phật. Chẳng đặng đừng, để chứng minh với Ca Diếp, Đức Phật phải dùng thần thông mang Ca Diếp ra sông và nhận đầu Ca Diếp xuống nước. Chỉ có cách đó mới cho Ca Diếp biết rằng cái định do tưởng uẩn là vô dụng trước Thánh định của Phật!

Thày Thông Lạc là người phủ nhận tất cả các pháp tu của Đạo Phật nguyên thủy hiện nay vì thày cho là trong bước chuẩn bị ( tu hơi thở, Tứ Niệm Xứ) nhiều người đã vô tình để tâm bị ức chế quá nhiều nên lọt vào sức lôi kéo của tưởng uẩn, cuối cùng khi nhập vào bốn thiền thì đó lại là bốn thiền của định tưởng. Thiền sai phương pháp thì không thể tịnh chỉ hơi thở để vào Diệt tận định và cũng không thể thực hiện được tam minh. Do đó không sản sinh được các A La hán cho thời đại này!

Mặc dù thày Thông Lạc bị hầu hết mọi thày VN tẩy chay và nhục mạ, mặc dù pháp môn của thày ít người theo, tu viện Chân Như của thày vắng vẻ nghèo nàn, nhưng một sự thực là thày đã vào Diệt tận định từ lâu và lý luận cơ bản của thày chưa có ai chứng minh được là sai hay là ngoại đạo! Chủ yếu người ta chửi bới là vì không ai tin thày là người chứng đạo và thày là người phủ nhận toàn bộ các tông phái đạo Phật “ngày nay”. Tôi có tìm đến thày Thông Lạc vào khoảng năm 2002 tại tu viên Chân Như, may mắn lúc thày vừa xuất định (25 ngày). Tiếc rằng lúc đó vốn hiểu biết chưa đủ nên không hiểu được thày và tôi đã lướt qua các sách thày đã viết. Hiện giờ, tôi đang quay lại để tìm hiểu về ý nghĩa của bốn Thánh định, tức có thể là định của Đạo Phật nguyên thủy bị lạc mất sau hơn 2000 năm. Đồng thời cũng tìm hiểu về đạo lộ tu tập mà thày Thông Lạc đang sắp xếp lại.

Những tài liệu post lên Yahoo plus không phải nhất thiết là quan điểm của tôi, cũng không phải nhằm mục đích cổ súy cho trường phái nào. Tất cả chỉ là phổ biến tài liệu cho những người chưa biết. Các bạn quan tâm đến thiền sẽ có cơ hội phân biệt rất xít xao giữa rất nhiều trường phái thiền. Và đây là chuyện rất…nhức đầu!

Phạm Doãn