Friday, November 21, 2008

Nhập lưu

Một ẩn sĩ là người sống sâu xa trong tỉnh thức. Và nếu con người càng sống trong tỉnh thức thì thế giới càng tốt đẹp gấp trăm ngàn lần. Vậy cần gì đến văn minh tiến bộ? Văn minh chưa hiện khởi và cũng không cần phải có, vì ai ai cũng sống trong tỉnh thức giác ngộ, đâu cần phải có cải tiến, phải có những thay đổi tiến bộ văn minh để làm xã hội tốt đẹp hơn?

Vì thế phẩm chất đầu tiên của một ẩn sĩ là sự chứng nghiệm. Vị ẩn sĩ sẽ không quyết định gì trước khi vị ấy thực nghiệm. Vị ẩn sĩ sẽ không bao giờ quyết định trước khi chính mình đã kinh nghiệm...

Di ngôn của Ðức Phật cho các đệ tử là: "Hãy nhớ kỹ là . . ." và Ðức Phật đã nhắc đi nhắc lại câu nói ấy suốt cả cuộc đời Ngài, thông điệp cuối cùng cũng là - "Hãy nhớ kỹ, đừng tin gì ta nói. Không bao giờ tin bất cứ một điều gì trừ phi các ngươi đã chứng nghiệm nó."

Ðó là cái nhìn Vô tâm. Cái nhìn không phân biệt, không chấp trước, không vướng mắc đó có thể tạo ra nhiều phép lạ, vị ẩn sĩ mở rộng tâm hồn ra về tất cả.

Phẩm hạnh thứ hai của một ẩn sĩ là sống trong hiện hữu. Vị ẩn sĩ không sống với tư tưởng là: người ta phải sống thế này, phải sống thế kia, người ta phải cư xử như thế này, không được cư xử như thế kia. Ẩn sĩ không sống với những tư tưởng như vậy, vị ẩn sĩ sống nhiệt tình trong hiện hữu. Vị đó trả lời hiện hữu với cả tâm hồn, với cả con tim, dù dứơi bất cứ tình huống nào cũng an nhiên tự tại như vậy. Con người nội tại đó luôn hiện diện ở đây và bây giờ. Tự nguyện, giản dị, tự nhiên - đó là những phẩm chất của vị ẩn sĩ. Vị ẩn sĩ không sống một cuộc đời khuôn đúc sẵn. Người đó không vác mang những tấm bản đồ phải sống thế này hay không nên sống thế này, v.v. . . Người đó cho phép dòng sống trôi chảy một cách tự nhiên, dòng đời trôi đến đâu, vị ẩn sĩ về đến đó. Vị ẩn sĩ không phải là một người bơi lội, ẩn sĩ cũng không tìm cách lội đến tận nguồn. Ẩn sĩ chỉ trôi chảy xuôi dòng sống, theo trọn dòng sống. Ẩn sĩ xuôi chảy theo dòng sống thật trọn vẹn đến nỗi bằng cách này hay cách khác, ẩn sĩ không còn cách biệt là hai với dòng sống mà trở thành một, hòa nhập thành một với dòng sống.

Ðó là cái mà Phật gọi là Srotapanna - Tu Ðà Hoàn - vị nhập lưu - người đi vào dòng sống. Ðó cũng là sự bắt đầu của con đường Bồ Tát hạnh của quả vị Phật - người nhập lưu, ngươi bước vào dòng Thánh, người vừa đạt được sự an lạc trong hiện hữu. Người đó không vác mang những phẩm bình giá trị, những nhận xét phê phán, người đó không đánh giá gì cả.

Dòng sống hiện hữu có nghĩa là từng phút giây được quyết định sống trọn vẹn chính nó. Cuộc đời là nguyên tử! Anh không dự định trước cái gì cả, anh không thao diễn, anh không chuẩn bị để phải sống thế nào. Mỗi một phút giây cuộc đời, mỗi một khoảnh khắc cuộc sống đến với anh, mang theo từng trạng huống, anh luôn có mặt tại phút giây đó để trả lời - anh trả lời. Thói thường, người ta sống một cuộc đời lạ kỳ. Nếu anh được gọi đi phỏng vấn, anh sửa soạn, anh suy nghĩ họ sẽ hỏi anh những gì và anh sẽ trả lời ra sao, anh phải ngồi thế nào và đứng thế nào. Mọi sự vật trở nên giả dối, dỏm bởi vì chúng đã bị anh thao tác diễn tập. Và rồi cái gì sẻ xảy ra? Khi anh ứng xử với sự thao tác diễn tập đó, anh hoàn toàn không bao giờ hiện hữu. Có người hỏi anh một cái gì đó và anh lục lọi tìm kiếm trong ký ức của anh, bởi vì anh đã vác mang sẵn những câu trả lời - mặc dù không biết là câu trả lời đó phù hợp hay không phù hợp, điều đó có làm được hay không làm đựơc. Anh tìm kiếm, tìm kiếm và anh đã lạc đường, đã mất dấu. Anh không hoàn toàn có mặt tai đây, anh không thể hoàn toàn sống trong giây phút này, anh cứ lẩn quẩn loanh quanh trong vùng ký ức. Và rồi lại thêm một sự kiện mới nữa: khi anh ra khỏi phòng thì anh lại nghĩ là đáng lẽ anh nên trả lời thế này: "Tôi phải trả lời thế này, tôi phải trả lời thế kia." Anh lại thông minh trở lại. Trước anh đã thông minh, sau anh cũng thông minh; nhưng ở đoạn giữa anh lại khác: chính ngay đoạn giữa hai đầu trước và sau đó, là dòng sống. Sự hiện hữu ở ngay dòng sống.

Phẩm hạnh thứ ba của một ẩn sĩ là sự tin tưởng vào cảm quan cơ thể của chính mình. Người ta thường tin tưởng vào những người khác, còn vị ẩn sĩ thì tin vào chính sự cảm quan. Thể xác, tâm trí, linh hồn, tất cả đều gồm đủ ở đây. Nếu người ẩn sĩ cảm thấy muốn yêu đương, người đó bơi lội an nhiên trong tình yêu. Nếu không muốn, người đó "xin lỗi, nói thẳng không muốn" - nhưng người đó không bao giờ hay giả dối.

Nếu anh đói, cứ nói là anh đói. Anh phải sống thật với cảm giác của chính anh, anh phải sống thực với giác quan của anh, anh phải tin vào giác quan của anh. Và anh sẽ rất ngạc nhiên khi nhận thấy là: anh càng tin tưởng vào chính mình bao nhiêu, trí tuệ của cảm quan sẽ hiện khởi rất rõ ràng cho anh, trong anh.

Thân tướng của anh có trí tuệ của riêng nó - nó mang trí tuệ hằng bao thế kỷ nay trong từng tế bào của nó. Cơ thể anh cảm thấy đói và anh lại đang tuyệt thực, bởi vì tôn giáo của anh đã định rõ là ngày đó anh phải nhịn đói - mặc dù cơ thể anh đang lên cơn đói. Anh không tin vào chính cảm giác của anh, anh đi tin vào cái kinh điển chết, cái kinh điển xơ cứng đó, bởi vì trong một cuốn sách, có ngừơi đã viết lại rằng, "Ngày hôm nay là ngày anh phải nhịn đói. Anh hãy nghe vào cơ thể của anh đi. Ngày nào cơ thể của anh yêu cầu anh tuyệt thực thì anh tuyệt thực - không cần phải nghe theo sách vở kinh điển. Thân xác anh là căn nhà trú ẩn, là đền thờ linh thiêng của anh, anh hãy tin vào nó, đừng lẽo đẽo đi theo những kinh điển đã chết cứng kia. Anh hãy tôn thờ kính trọng cơ thể anh vì nó chính là thân xác của anh. Anh là nó, anh sống trong nó, anh phải tôn trọng và tin tưởng vào nó. Ðừng áp đặt bất cứ cái gì lên thân xác anh cả, anh hãy tập nghe, hãy lắng nghe thân xác anh đang nói gì với anh. Và chính điều đó không những dạy anh hãy tin vào thân xác anh mà còn chỉ dạy cho anh tin vào sự hiện hữu - bởi vì thân xác anh là một phần của hiện hữu. Rồi thì niềm tin trong anh sẽ lớn nhanh lên, anh sẽ tin vào cây cối, trăng sao, mặt trời và đại dương: anh tin vào con người. Và sự bắt đầu của niềm tin tưởng đó chính là niềm tin vào chính giác quan của anh. Hãy tin vào chính con tim anh!

Nghĩa thứ tư của ẩn sĩ là tự do.

Vị ẩn sĩ không phải chỉ được tự do mà chính họ là tự do. Ẩn sĩ luôn sống một cách tự do. Tự Do không có nghĩa là bừa bãi, phóng túng, vô kỷ luật, coi thường các nguyên tắc kỷ luật. Sự phóng túng không phải là tự do, nó phản kháng lại sự nô lệ và anh sẽ đi đến cực đoan. Tự do không phải là cực đoan, không phải là phản kháng lại. Tự do không phải là sự tiện nghi, thích hợp. Phải liều mạng đón nhận thử thách để được tự do. Tự do và vị ẩn sĩ sẵn sàng đón nhận thử thách nguy hiểm. Ðiều đó không có nghĩa là ẩn sĩ đấu tránh với mọi người và với nguy hiểm, cũng không có nghĩa là chống đối lại luật pháp, nhưng cũng không phải để mặc mọi người sai khiến ép buộc mình.

Ðối với những sự việc thiết yếu, vị ẩn sĩ sẽ luôn gìn giữ sự tự do của mình thật nguyên vẹn. Và bởi vì ẩn sĩ tôn trọng tự do, ông ta cũng sẽ tôn trọng tự do của người khác. Ông ta sẽ không bao giờ ngăn cản sự tự do của bất cứ người nào, là ai cũng vậy.

Tình yêu được tôn trọng đến mức nó cho người ta sự tự do. Và nếu tình yêu không phải làtự do, đó không phải là Tình Yêu thực thụ nữa, nó là một cái gì khác rồi. Vị ẩn sĩ tôn trọng tuyệt đối, tôn trọng hết mức sự tự do của chính mình, ông ta nâng niu cẩn trọng tự do của chính mình nên ẩn sĩ cũng gìn giữ cẩn trọng tự do của người khác. Ý thức về tự do đó cho ẩn sĩ một cá tính; ẩn sĩ không chỉ là một phần của cái khối tâm thức. Ẩn sĩ có một tính chất độc nhất nào đó - cách sống, lối sống, cá tính bản thân, tánh tình. Ẩn sĩ sinh hoạt một phương thức riêng, một lối sống riêng, ông ta thích bài hát của chính mình. Ẩn sĩ có ý thức về tính cá nhân của mình: ông ta biết mình là ai, biết rõ mình là ai, và không bao giờ thỏa hiệp, thuận theo cái gì cả. Ðộc lập, nổi loạn - là tánh chất của vị ẩn sĩ. Ðó là sự khác biệt rất lớn. Cuộc cách mạng không phải thực sự là cuộc cách mạng. Cách mạng có nghĩa là thay đổi, cái mới thay đổi cái cũ, nhưng thực ra cuộc cách mạng mới này cũng hoạt động một cách thức giống như cuộc cách mạng cũ mà thôi, một cấu trúc như nhau, một kiểu như nhau.

Phẩm hạnh thứ năm làsự sáng tạo. Cái đường lối ẩn tu ngày xưa thực không có nét sáng tạo gì mới cả. Người ta đã nghĩ rằng nếu một người nào đó thành một ẩn sĩ thì sẽ tìm đến một hang động trong rặng Hy Mã Lạp Sơn và tọa thiền ở đó, và đúng là sự việc đó thực hoàn hảo. Không còn cần gì nữa cả, như thế là đủ rồi. Anh có thể đi và thấy những lão đạo sĩ Kỳ Na giáo, họ ngồi trong các đền thờ, chẳng làm gì cả - tuyệt đối không sáng tạo gì, nhìn họ có vẻ ngu ngốc, ngờ nghệch, không có một chút tia sáng trí tuệ thông minh nào trên gương mặt. Thế mà thiên hạ lại tôn thờ lễ lạy và cúi mình đãnh lễ dưới chân những tên đạo sĩ này. Nếu anh hỏi, "Tại sao ông bạn lại chạm chân ông đạo sĩ đó?" thì họ sẽ trả lời rằng, "Người đàn ông này đã từ bỏ thế gian" - cứ thể như là cái sự việc "từ bỏ thế gian, xuất gia" đó là một giá trị gì ghê gớm lắm vậy. Nều anh hỏi tiếp, "Thế ông đạo sĩ đó đã làm được những gì?" thì họ sẽ trả lời, "Ông ta đã tuyệt thực. Ông ta đã tuyệt thực cả bao tháng trời và còn đang tuyệt thực đấy." - cứ thể như là cái việc tuyệt thực kia là một sự cố động trời lắm vậy. Nhưng nếu hỏi là ông đạo sĩ đó đã họa vẽ được những gì, đã sáng tạo ra nét đẹp gì cho cuộc đời, ông ta đã sáng tác ra bài thơ nào, đã thể hiện được bài hát nào, nhạc nào, điệu vũ nào, phát minh nào - ông ta đã sáng tạo được cái gì? - thì họ sẽ trả lời, "Ông nói cái gì vậy? Ông đạo sĩ này là một ẩn sĩ mà!" À, thế ra "ẩn sĩ" theo lối của những con người này suy đoán là "chỉ ngồi yên trong đền thờ và cho phép người ta đãnh lễ chạm chân, thế thôi, chỉ có thế thôi. Và đã có biết bao nhiêu người đã ngồi như thế đó ở Ấn Ðộ.

Quan điểm của tôi về một ẩn sĩ là năng lượng, là tiềm lực của người đó sẽ sáng tạo, rằng ẩn sĩ đó sẽ đem đến cho đời thêm một chút đẹp, một chút tươi mát, một chút hoan lạc, một chút an vui, rằng ẩn sĩ đó sẽ tìm những lối mới cho âm nhạc, cho khiêu vũ, cho hát ca, rằng ẩn sĩ đó sẽ đem đến cho đời thêm nhiều bài thơ diễm tuyệt nữa. Ẩn sĩ sẽ sáng tạo một cái gì đó chứ không phải ngồi yên như khúc gỗ mục vậy. Cái thời của lối ẩn tu xa xưa đã hết rồi, đã qua rồi. Người ẩn sĩ thời nay là phải sáng tạo, vì có sáng tạo thì họ mới có thể hiện hữu trên cuộc đời này.

Ẩn sĩ cần và nên đóng góp, cống hiến cho đời một cái gì đó. Cứ giữ nguyên không sáng tạo được gì, trơ trơ như vậy là tội lỗi, bởi vì anh có mặt, anh góp mặt trong dòng sống và anh không cống hiến đóng góp được gì cả. Anh ăn, anh chiếm cứ lấy một khoảng không gian, thế mà anh không cống hiến cái gì cả. Những ẩn sĩ của tôi là những người sáng tạo. Và khi anh đi sâu vào sự sáng tạo là anh đã đến rất gần đến Chúa, đến thượng đế. Ðó là thực nghĩa của cầu nguyện, là thực nghĩa của thiền định. Chúa là đấng sáng tạo, thượng đế thần thánh là đấng sáng tạo, và nếu anh không là người sáng tạo, anh sẽ xa thượng đế, anh sẽ xa Chúa. Chúa chỉ biết có một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ của sáng tạo. Ðó là lý do khi anh sáng tác nhạc, khi anh đắm chìm trong dòng suối âm nhạc, anh hoàn toàn hút bóng vào trong âm nhạc, có một cái gì đó thật thiêng liêng, thật thánh thiện bắt đầu lan tỏa thoát ra từ con người anh. Ðó là niềm hoan lạc tuyệt vời của sự sáng tạo - đó là trạng thái xuất thần- svaha! tát bà ha!

Thứ sáu là óc hài hước, ngây thơ, ý nhị, dí dỏm, một sự chân thật không kiểu cách, không nghiêm túc vẽ vời quá đáng. Cái lối ẩn tu thời xưa thì sơ cứng, chết, ngờ nghệch, không cười vui sảng khoái gì cả. Người ẩn sĩ thời nay cần phải đem lại sự lạc quan, tin yêu vui vẻ, sống động cho chính bản thân mình, cho cuộc đời, cho mọi người. Vị tân ẩn sĩ phải là một ẩn sĩ vui tươi, khoáng đạt bởi vì chính nụ cười của anh là sự thư thái, là sự tịch diệt, là sự phóng khoáng, và nụ cười của anh có thể khiến cho ngừơi khác thư xả, khoan khoái hơn. Ngôi đền thờ hay chùa chiền phải là nơi chan hòa niềm vui, nụ cười, nhảy múa hát ca.

Ðối với tôi, cười là một phẩm chất tôn giáo, rất cần thiết. Cười là một phần của thế giới nội tâm người ẩn sĩ: là óc hài hứơc ý nhị, là cảm quan dí dỏm ngây thơ.

Thứ bẩy là thiền định, là sự cô đơn, là tột đỉnh huyền bí kinh nghiệm xẩy đến trong anh. Khi anh sống một mình, khi nội tâm anh hoàn toàn cô đơn.

Ẩn tu khiến anh cô độc, không phải cô đơn, nhưng cô độc; không phải sự hiu quạnh một mình mà là niềm cô độc trọn vẹn lý thú tuyệt vời.

Anh có thể vui sống một mình, anh không còn lệ thuộc vào những người khác nữa. Anh có thể ngồi một mình trong phòng và anh hoàn toàn sung sướng hạnh phúc. Anh không cần phải đi câu lạc bộ, không cần phải đi xem chiếu bóng. Anh có thể nhắm mắt lại và anh để mình rơi vào hạnh phúc nội tại thiêng liêng: đó là thiền định, đó là chân nghĩa thiền định.

Thứ tám là tình yêu, là sự liên hệ, là mối tương giao. Hãy nhớ là, anh chỉ có thể liên quan với mọi người khi anh đã học sống cô đơn, không bao giờ anh tương giao được với một ai trọn vẹn nếu anh không học cách sống cô đơn, không bao giờ trước đó cả. Chỉ có hai cá nhân mới có thể tương giao với nhau. Chỉ có hai sự tự do mới có thể đến gần nhau và ôm choàng lấy nhau. Chỉ có hai chân không mới có thể thâm nhập vào nhau và hòa tan trộn lẫn vào nhau. Nếu anh không có khả năng sống một mình cô đơn tuyệt đối, anh không thể nào tương giao với ai được; mối tương giao của anh chỉ là giả dối. Ðó chỉ là cái mẹo vặt để anh tránh né sự cô đơn, mà thôi, không có gì khác cả.

Phẩm hạnh thứ bảy của ẩn sĩ là cô độc, và thứ tám là tương quan tình cảm.

Và đây là hai khả năng có thể xảy ra: anh có thể vui sống cô độc và đồng thời anh cũng có thể sống hạnh phúc với người khác. Có hai niềm hoan hỷ hạnh phúc cho con người. Anh có thể thiền định khi anh sống một mình và anh cũng vẫn có thể thiền định với một người khác, trong tình yêu sâu đậm của anh. Và cũng có hai loại người: người chuyên hướng ngoại tầm cầu sẽ thấy dễ dàng đạt tới mục tiêu tâm linh của mình khi sống tu tập với một người thân bên cạnh, và người chuyên hướng nội tầm cầu sẽ thấy an lạc thung dung đạt tới đỉnh cao trí tuệ khi sống một mình. Nhưng không ai cảm thấy đối địch với ai cả; cả hai đều có thể cùng bước chung với nhau, cùng hành trì tu tập chung với nhau.

Người ẩn sĩ của tôi là người tổng hợp cả hai hướng nội ngoại. Cả hai hướng nội ngoại đều cần thiết và bổ túc cho nhau, không có cái nào quan trọng hơn cái nào, không có cái nào cao hay thấp hơn cái nào cả. Cả hai đều có giá trị tu tập hữu ích cho tâm linh ngang nhau, như nhau.

Và phẩm hạnh thứ chín là sự chuyển hoá, là Ðạo của Lão Tử, là vô ngã, vô tâm, vô nhân, chân không, tất cả đều cùng một âm ba, một giai điệu, một tiết tấu như nhau, hòa hợp với nhau, trộn lẫn vào nhau, một là tất cả, tất cả là một, tiểu ngã trong đại ngã, cá thể trong đại thể . . . Tất cả là Một trong khối đại đồng vũ trụ hàm linh.

Ðó là toàn bộ thông điệp của Bát Nhã Tâm Kinh: yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha - qua đi, qua đi, vượt qua đi, vượt qua đi rốt ráo - hãy vượt qua cùng nhau, cùng nhau vượt qua bến bờ Sanh Tử. Ôi tuyệt vời thay! Ôi hạnh phúc thay! Alleluia!

Chuyển Hoá là phẩm chất cuối cùng và cao nhất của hạnh ẩn sĩ.

Trích - "Những Mẫu Pháp Thoại của Osho về Bát Nhã Tâm Kinh" - Thích Nữ Minh Tâm dịch