Saturday, November 8, 2008

Tứ chánh cần

Thích Đức Thắng

(Mục Lục)


(Catvāri prahāṇāni)

Tứ Chánh Cần là hành phẩm thứ hai trong bảy hành phẩm trợ đạo của ba mươi bảy phẩm đạo, là bốn phương tiện siêng năng tinh cần trong nổ lực hằng ngày qua hiện quán ngăn ngừa các việc ác tâm chưa phát sinh và, không tái phạm những việc ác lỡ đã phát sinh bằng vào ý nghĩ hay hành động tạo tác của thân hay miệng, cùng lúc hiện quán thực hành các việc thiện chưa phát sinh cho phát sinh và, việc thiện đã-đang phát sinh trong nổ lực tiếp nối tu tập theo luật tắc nhân quả qua việc chỉ ác hành thiện.

Tứ chánh cần, Sanskrit gọi là Catvāri prahāṇāni; Pāli gọi là Cattāri sammappadhānāni. Có chỗ gọi là Tứ chánh đoạn, Tứ ý đoạn, Tứ ý đoan, Tứ chánh thắng hay Tứ đoạn. Chữ cần và chữ đoạnở đây Theo Pāli có nghĩa là pahāna-padhāna (tinh cần để đoạn trừ) tức là dùng bốn pháp này trong việc siêng năng tinh tấn (cần) để có thể đoạn trừ (đọan) ác cùng mọi sự giải đãi biếng nhác của chúng ta trong việc hành thiện. Về chỉ ác thì dùng mọi sự siêng năng tinh tấn của mỗi chúng ta vừa nổ lực đọan trừ những việc ác mà chúng ta đã lỡ làm ra và dứt khóat không bao giờ tái phạm và, nổ lức siêng năng tinh tấn trong việc ngăn ngừa những việc ác chưa phát sinh ra ngay từ trong ý nghĩ, không cho chúng phát sinh ra trong tự ý (ý hành) và ngoài hành động của thân (thân hành) của miệng (khẩu hành) làm di hại tự chúng ta và cho người khác. Về hành thiện thì hành giả chúng ta cũng dùng siêng năng tinh tấn trong việc vừa khơi dậy những việc làm thiện chưa phát sinh ra trong ý nghĩ thì khiến cho chúng phát sinh ra trong tự ý và thể hiện ra ngoài bằng những hành động của thân mình và miệng mình, đồng thời cũng dùng siêng năng tinh tấn trong việc tiếp tục tiếp nối làm cho những việc làm thiện đã-đang phát sinh tăng trưởng ngày càng nhiều hơn trong việc lợi mình lợi người. Đó là ý nghĩa của Tứ chánh cần hay Tứ chánh đoạn trong việc chỉ ác hành thiện lợi mình lợi người trong cuộc sống.

Pháp Tứ chánh cần này được đức Đạo sư dạy cho môn đồ của mình rất nhiều cũng tùy theo trình độ căn cơ của hàng đệ tử mà Ngài chỉ dạy. Pháp này được ghi lại rải rác trong ba tạng giáo điển khởi nguyên cũng như phát triển sau này rất nhiều, như trong Trung A-hàm q . 21, q . 52; Tạp A-hàm q . 26, 30, 31; Tăng Nhất A-hàm q . 18. Ở đây chúng tôi xin ghi lại một số kinh luận tiêu biểu và thông dụng.

Căn cứ vào Pháp giới thứ đệ sơ môn (phần cuối của quyển trung) thì Tứ chánh cần được ghi lại như sau:

1. Vì muốn đoạn trừ những việc ác đã sinh, mà siêng năng tinh tấn.

2. Vì muốn khiến cho những việc ác chưa sinh không cho phát sinh, mà siêng năng tinh tấn.

3. Vì muốn khiến cho những điền thiện chưa phát sinh có thể phát sinh, mà siêng năng tinh tấn.

4. Vì muốn khiến cho những điều thiện đã phát sinh có thể làm tăng trưởng hơn lên, mà siêng năng tinh tấn.

Nhờ nổ lực một lòng siêng năng tinh tấn hành bốn pháp này cho nên gọi là Tứ chánh cần.

Nhưng theo Kinh Trung A-hàm 21 Hán tạng Kinh Thuyết Xứ 86, tương đương với Trung bộ kinh bên Pāli tạng M. 148 Chachikka-suttaṃ, đức Đạo sư dạy cho người đệ tử thân cận của mình rằng:

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn chánh đoạn, Tỳ-kheo đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì để đoạn trừ chúng nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, vì để chúng không phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện chưa sanh, vì để cho phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện đã sanh, vì để chúng kiên trụ, không bị quên lãng, không bị thoái hóa, được bồi bổ tăng tiến, được phát triển rộng rãi, được viên mãn cụ túc, nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. A-nan, bốn chánh đoạn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn chánh đoạn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.”

Ở đây, đức Đạo sư cũng đứng trên lập trường nhân quả ‘Chỉ ác hành thiện’ mà Ngài dạy cho chúng đệ tử của mình phương pháp nổ lực siêng năng tinh tấn đoạn trừ: Một mặt ác đã sinh và chưa sinh, đoạn trừ chúng bằng cách không được tái phạm cùng, nổ lực ngăn ngừa không cho phát sinh và, mặt khác siêng năng tinh tấn đọan trừ ma tâm biếng nhác, nổ lực phát huy nuôi dưỡng lớn thêm hơn, thành tựu những điều thiện đã phát sinh rồi và, nổ lực khởi phát những ước muốn, trạo điều kiện để cho những điều thiện chưa phát sinh xuất hiện trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi hành giả chúng ta, ngày càng hòan thiện hơn. Đây là bốn phương tiện được đức Đạo sư chỉ dạy cho tôn giả A-nan để dạy lại cho những Tỳ-kheo còn nhỏ tuổi một cách tổng quát được áp dụng hằng ngày trong hiện quán qua việc đoạn trừ ác pháp và nuôi lớn hành thiện.

Ở chỗ khác như trong kinh Tăng nhất A-hàm 18, tương đương Tứ chánh cần Pāli, D 33 Saṅgīti (R. iii.221) Cattāro Sammappadhānā. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo không phóng dật tu bốn ý đoạn, tu tập nhiều tứ ý đoạn. Những gì là bốn? Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên.” Trong kinh này tuy ngoài hình thức lời dạy có khác, nhưng về ý nghĩa thì cũng như các kinh trên nhằm lọai bỏ trước hết là ba nghiệp ác của thân khẩu ý trong tác nhân trực tiếp sinh ra quả khổ cho tương lai gần và xa theo nhân quả nhị nguyên và, mặc khác hòan thành tác nhân thiện cũng thuộc ba nghiệp thân khẩu ý trong việc hoàn thành quả vui gần hay xa trong tương lai dành cho những căn cơ còn lệ thuộc vào ba cõi sáu đường luân hồi sinh tử. Ở đây đức Đạo sư cũng đặt nặng vấn đề cần thiết của mọi sự nổ lực tinh cần đoạn trừ pháp ác bất thiện không cho sinh, nếu lỡ đã phát sinh rồi thì vẫn phải nổ lực ăn năng hối lỗi không tái phạm lại nữa, và canh giữ cái tâm của hành giả trong mọi ý nghĩ mọi hành động một các liên tục trong việc làm thanh tịnh hóa ba nghiệp ác và, hòan thành ba thiện nghiệp một cách đầy đủ cũng qua ba nghiệp thân khẩu ý.

Cũng theo Tăng nhất A-hàm 18 thì bốn chánh đọan nếu tu tập thực hành đầy đủ thì tâm ý không quên; tức là trong ý lúc nào cũng nhất quyết thực hành việc đoạn trừ ác pháp và thực hành thiện pháp. Cho nên gọi Tú ý đọan. Ngoài ra đối với trong ba nghiệp thân khẩu ý nó rất cần mọi sự nổ lực siêng năng đọan trừ trong việc chỉ ác hành thiện. Như vậy Tứ chánh đoạn là tối thắng, cho nên nó cũng được gọi là Tứ chánh thắng.

Và cũng như ý nghĩa của các kinh trên, nhưng tiến lên một bậc nữa, dức Đạo sư theo căn cơ của môn hạ mình dạy về bốn pháp này chi tiết hơn như trong kinh Tạp A-hàm 31 thuộc Hán tạng, tham chiếu S. 49.1-12. Gaṅgā-peyyāla, tương đương Cf. D. 33. Saṅgīti, của Pāli.thì bốn chánh đoạn này được đức Đạo sư dạy và có những cách đặt tên cho bốn hình thức này cùng mỗi ý nghĩa của chúng định nghĩa khác nhau trên hình thức khi Ngài dạy cho các đồ đệ của mình từ kinh 875-879. Trong năm kinh này về hình thức tên gọi của bốn chánh đọan này là nhất thống, nhưng trên mặt nhận thức và định nghĩa thì có khác nhau về mặt triển khai chi tiết và đi sâu hơn những kinh mà chúng tôi vửa đề cập đến.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”

“Thế nào là đoạn đoạn? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là đoạn đoạn.

“Thế nào là luật nghi đoạn? Pháp ác bất thiện chưa khởi thì không cho khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là luật nghi đoạn.

“Thế nào là tùy hộ đoạn? Pháp thiện chưa sanh thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tùy hộ đoạn.

“Thế nào là tu đoạn? Pháp thiện đã khởi, khiến tu tập thêm ích lợi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tu đoạn.” Ở hình thức này tuy đức Đạo sư có đặt cho bốn chánh đoạn này mỗi pháp một tên riêng và, cũng theo đó mà ý nghĩa của chúng được xác lập theo ý nghĩa tên gọi của chúng.

Cách thứ nhất là đoạn đọan tức là không những đọan trừ những pháp ác bất thiện chúng ta đã từng lỡ tạo ra bằng cách không ăn năn hối cải và đoạn trừ không cho thân miệng ý tái phạm nữa. Cách thứ hai là luật nghi đọan ở đây cần siêng năng nổ lực giữ gìn tâm ý thân miệng mình không cho phạm phải những sai lầm chưa phát sinh bằng cách giữ gìn luật nghi đối với thân miệng ý không cho phát sinh. Cách thứ ba là tùy hộ đoạn, tức những pháp thiện thì hành giả phải nổ lực khiến cho sinh khởi bằng vào những ước muốn, bằng những nổ lực tinh cần tiến lên để đạt những ước muốn và nhiếp tâm giữ gìn. Cách thứ tư là tu đoạn, là những pháp thiện đã đuợc hành giả thực hành bằng vào ý nghĩ hành động của thân của miệng, không những chỉ thực hành tu tập một lần mà còn nổ lực tu tập, huân tập nhiều hơn nửa, để cho pháp thiện càng ngày càng tăng trưởng và hòan thiện hơn trong việc thực hiện hành thiện. Và bài kinh cuối cùng của loạt kinh trên đức Đạo sư dạy về bốn chánh đọan, được Ngài triển khai khác hơn một chút về cách phân chia cũng như tiến sâu và chi tiết hơn, trong những ý nghĩ cử chỉ hành động của hành giả. Ngoài những chi tiết về bốn phương tiện chỉ ác hành thiện trên, ở đây chúng còn tùy thuộc vào giới của các căn thuộc luật nghi và nhờ các đối tượng cảnh bên ngòai các tướng tam-muội chân thật khi định như tướng xanh bầm, tướng sình chướng, tướng mưng mủ, tướng hoại, tướng thú ăn chưa sạch mà khéo léo nổ lực bảo vệ hộ trì tu tập không cho thối thất. Và cuối cùng cách thứ tư được đức Đạo sư chỉ cho hành giả nào tu tập bốn niệm xứ tức là thực hành tu đoạn. Đức Phật dạy:

“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”

“Thế nào là đoạn đoạn? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp ác bất thiện chưa khởi, thì không cho khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp thiện chưa sanh, thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp thiện đã sanh, thì khiến cho tu tập thêm lợi ích, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là đoạn đoạn.

“Thế nào là luật nghi đoạn? Tỳ-kheo khéo phòng hộ căn con mắt, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng. Cũng vậy, đối với các căn tai, mũi, lưỡi, thân, ý, khéo phòng hộ, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng. Đó gọi là luật nghi đoạn.

“Thế nào là tùy hộ đoạn? Tỳ-kheo đối với mỗi một tướng tam-muội chân thật, như tướng xanh bầm, tướng sình chướng, tướng mưng mủ, tướng hoại, tướng thú ăn chưa sạch mà khéo bảo vệ hộ trì, tu tập, giữ gìn, không khiến cho sút giảm. Đó gọi là tùy hộ đoạn.

“Thế nào là tu đoạn? Tỳ-kheo nào tu tập bốn Niệm xứ, thì đó gọi là tu đoạn.”

Riêng bản kinh này bốn cách theo tên gọi được phân bố trở lại và thêm vào những chi tiết rõ ràng hơn trong mỗi chức năng của từng tên gọi không còn như trước nữa. Chức năng của đoạn đoạn nay bao hàm cả bốn công việc cùng lúc cho việc chỉ ác hành thiện nói chung và, vai trò của luật nghi đọan dành cho việc phòng hộ, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng của các căn mắt tai, mũi, lưỡi, thân và ý thuộc về giới, trong việc tiếp xúc các cảnh bên ngoài như sắc thinh, hương, vị, xúc và pháp. Trong khi cách thứ ba dành cho định để bảo hộ, giữ gìn trong việc thực hành lúc tu tập phải nhờ vào các tướng như tướng xanh bầm, tướng sình chướng, tướng mưng mủ, tướng hoại, tướng thú ăn chưa sạch, để hành giả quán mà đối trị các bệnh chấp về thanh tịnh của thân mà nhìn ra được những tuớng đó là như thật bất tịnh. Và cách còn lại là cách quán khi hành giả tu tập Tứ niệm xứ (trụ) với mục đích đề phòng và đình chỉ để đọan trừ tất cả những tạp niệm vọng tưởng khởi lên khi hành giả tu tập.

Bản kinh này tương đương với bản Pāli: D. 33. Saṅgīti:

Đoạn đoạn: (pahāna-padhāna), tinh cần để đoạn trừ. ... Tham chiếu,

D. 33. Saṅgīti: katamañc’āvuso pahāna-padhānaṃ? Idh’ āvuso bhikkhu uppannaṃ kāma-vitakkaṃ nādhivāseti pajahati vinodeti ... ở đây, tỳ kheo, dục tầm đã khởi, không thừa nhận nó, đoạn trừ nó, tiêu diệt nó.

Luật nghi đoạn: (saṃvara-padhāna), tinh cần phòng hộ (chế ngự).

Tham chiếu, D.33: katamañ c’ āvuso saṃvara-padhānaṃ: Id ‘āvuso

bhikkhu cakkhunā rūpaṃ dsvā na nimittaggāhī hoti ..., Thế nào là tinh cần phòng hộ? Tỳ kheo sau khi thấy sắc bởi mắt, không chấp thủ tướng...

Tùy hộ đoạn: (anurakkhaṇā-padhāna), tinh cần thủ hộ.

Cf. D.33: katamañ c’āvuso anurakkhaṇa-padhānaṃ? Id’ āvuso bhikkhu

uppannaṃ bhaddaṃ samādhi-nimittaṃ anurakkahti... Thế nào là tinh cần

thủ hộ? Tỳ kheo thủ hộ định tướng (dấu hiệu của định) tốt đẹp đã khởi

lên...

Tu đoạn: (bhāvana-padhāna), tinh cần tu tập.

Cf. D.33: (...) Idh’ āvuso bhikkhu sati-saṃbojjhaṅgaṃ bhāveti ..., ở đây

tỳ kheo tu tập niệm giác chi...

Đó là những kinh mà đức Đạo sư đã tùy nghi vào căn cơ của môn đệ mà nói pháp được ghi lại. Ngoài ra chúng ta cũng tìm thấy bốn phương tiện này cũng được ghi lại trong các bộ luận như Đại Tỳ-bà-sa luận 96; Đại Trí Độ luận 19; Du-già-sư-địa luận 29, 57, 98 v.v…

Riêng ở đây Theo Đại Tỳ-bà-sa luận 141 ghi lại thì bốn phương tiện này có khả năng chính đọan trừ tất cả mọi thứ phiền não. Cho nên gọi là Tứ chánh đoạn. Cũng theo bộ luận này thì, hai phương tiện trước liên quan đến việc đoạn trừ phiền não chướng, và hai phương tiện sau có liên quan đến việc đọan trừ sở tri chướng. Ở đây tứ chánh đọan nếu theo vị của Tứ thiện căn thì bốn phương tiện này chủ yếu đang ở trong thời gian tu tập thuộc noãn vị, tức thuộc giai đọan phàm phu vị chuẩn bị tiến vào địa vị của các bậc Thánh. Đó là những gì chúng ta tìm thấy vị trí của bốn phương tiện tu tập hành giả chúng ta, nếu hòan thành bốn phương tiện này một cách rốt ráo thì nhân đây là hành trang để hội nhập Thánh vị.

Tóm lại, qua Tứ chánh đoạn này, hành giả nếu tu tập trong hiện quán theo chỉ ác hành thiện thì quả vị của các bậc Thánh đang nằm trong tầm tay của mọi hành giả qua việc thanh tinh hóa ba nghiệp thân khẩu ý. Đây là một phương pháp không có gì gọi là khó khăn cho lắm nếu hành giả nổ lực siêng năng tinh tấn trong việc kiểm sóat ý nghĩ, hành động của mình một các miên mật để đọan trừ mọi thứ tạp nhiễm của vọng và, làm chủ được ý nghĩa và hành dộng của chúng ta trong việc chỉ ác hành thiện. Vì vậy cho nên Kinh Tứ chánh đoạn này được đức Đạo sư liệt kê vào một trong bảy hành pháp của Ba mươi bảy phẩm trợ đạo cần thiết dành cho những hành giả muốn đi vào con đường Thánh đạo thật sự.