Saturday, November 8, 2008

Thái độ tâm lý căn bản nên phát triển

Một người tu hành phải xây dựng nhân cách của mình bằng những thái độ thế nào để có thể bộc lộ ra ngoài bằng những hành động đạo đức. Thái độ ấy là thái độ tri thức chân chính, một tiêu chuẩn chính xác để hành động. Đức Phật nhận thấy hành động bắt nguồn từ thái độ tri thức. Vì vậy một thái độ chân chính sẽ đưa đến một hành động đạo đức và ngược lại. Đó là lý do tại sao Ngài dạy chúng ta muốn trở nên đạo đức phải phát triển một số thái độ chân chính và phải loại bỏ những thái độ đối nghịch. Đôi khi chúng ta căn cứ vào những qui luật đạo đức bên ngoài để đánh giá trị thiện ác của một hành động, nhưng giá trị hành động tự nó mang sẵn tính chất đạo đức của thái độ bên trong. Một khi thái độ tri thức chân chính gắn liền với nhân cách con người thì điều thiện có thể thực hiện được một cách tự nhiên không phải cố gắng nữa. Đó là đạt đến chỗ chí nhân, chí thiện.

Vậy một tôn giáo có mục đích đưa con người đến chỗ toàn chân, toàn thiện phải đặt trọng tâm trong việc cải thiện thái độ trí thức.

Phật Ngôn đầu tiên trong kinh Dhammapada (Pháp Cú) đã chứng tỏ cho chúng ta tầm quan trọng của thái độ tâm lý đối với đi sống của mỗi cá nhân:

"Sự hiện hữu của chúng ta là kết quả của những tư tưởng. Nó được xây dựng trên tư tưởng và kết tinh bằng tư tưởng. Nếu một người nói hay hành động với tư tưởng sai lầm thì khổ đau sẽ theo người ấy như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe. Nhưng nếu nói hay hành động với tư tưởng chân chính thì hạnh phúc sẽ theo người ấy như bóng theo hình".

Tư tưởng sai lầm và tư tưởng chân chính là hai thái độ tâm lý mâu thuẫn nhau, mỗi thái độ đem lại một kết quả khác biệt. Một thái đội tâm lý gọi là sai lầm hay bất thiện khi nó mang bản chất Tham-Sân-Si. Trái lại thái độ chân chính hay thiện khi nó không bị ba trạng thái tâm lý (mental states) ấy chi phối.

Vậy muốn chuyển hóa thái độ sai lầm sang chân chính phải diệt trừ ba nhân bất thiện: tham, sân, si, và những yếu tố liên hệ với chúng.

Sau đây là một vài thái độ tâm lý căn bản được Đức Phật khuyến khích chúng ta nên phát triển.

1- Tín (Saddha): Đức tin có hai khía cạnh là tin tưởng nơi Tam Bảo và tự tin ở khả năng cải thiện của mình. Như có người muốn đi đến một nơi nào đó phải tìm một người hướng đạo kinh nghiệm, sáng suốt và từng hiểu rõ đâu là nơi ta muốn đến, phải tin tưởng nơi con đường mà người ấy chỉ dẫn cặn kẽ và hơp lý, phải noi gương người đi trước và tự tin là mình có đủ sức đi hết đoạn đường. Cũng vậy, muốn đạt đến chỗ toàn thiện chúng ta phải tin tưởng nơi Đức Phật là bậc thầy hướng đạo giàu kinh nghiệm đầy sáng suốt và đã trở thành bậc toàn thiện; phải tin ở Chánh Đạo mà Ngài chỉ dạy vì đó là con đường hơp lý, thực nghiệm; và phải noi gương chư Tăng, những người đi trước. Mặt khác chúng ta phải tự tin có thể đạt đến chỗ toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ.

Vậy Đức Tin là thái độ tâm lý đầu tiên hướng ta về điều thiện.

2- Tàm và Quý (Hiri-Ottappa): Tàm là thái độ tâm lý của một người biết hổ thẹn trước điều ác. Quý là thái độ tâm lý biết sợ hãi trước tội lỗi. Hai thái độ này liên kết với nhau thành một bức thành trì vững chắc ngăn chúng ta cới điều ác. Một mặt nhờ có Tàm ta biết hổ thẹn với lương tâm khi sắp làm một điều ác, lương tâm cảnh cáo ta không cho nhúng tay vào tội lỗi. Mặt khác nhờ có Quý ta biết sợ hãi khi phác họa ra trước mắt những hậu quả tai hại do việc ác gây ra cho mình và cho kẻ khác. Ví dụ một người sắp sát nhân, nhưng lương tâm anh ta không cho phép làm việc đó (Tàm), đồng thời cảnh tượng nạn nhân đau đớn quằn quại trên vũng máu, cảnh nheo nhóc, bi thảm của vợ con nạn nhân v.v. và cảnh tù tội của chính anh hiện ra trước mắt khiến anh dừng tay không làm tội ác sát nhân nữa (Quý).

Như vậy Tàm (hổ thẹn) và Quý (ghê sợ) là hai thái độ tâm lý cần thiết giúp ta không tái phạm điều ác.

3- Giác tỉnh (Sampajanna): Muốn biết rõ giá trị thiện ác của mỗi hành động ta phải có một thái độ sáng suốt. Giác tỉnh tức là biết rõ nhất cử nhất động của mình, vì vậy một khi đã giác tỉnh thì ta không hành động hồ đồ, vô ý thức.

Một người quá sân hận có thể sát hại đối thủ một cách hoàn toàn mù quáng. Đến khi nguôi giận anh ta mới biết mình hành động điên rồ. Sở dĩ như vậy vì hành vi của anh bị thúc giục bởi một xung đột tình cảm là sân hận chứ không được nhận thức rõ ràng bằng giác tỉnh, nghĩa là anh ta không kịp thời kiểm soát hành động của mình bằng một thái độ tri thức sáng suốt.

Giác tỉnh thương đi đôi với Niệm (Sati), tạo thành một thế liên hoàn để ngăn chặn điều ác và giữ cho điều thiện luôn luôn hiện hữu. Giống như một người lính canh gác, phải tỉnh táo thường xuyên (giác tỉnh) để nhận biết hành tung của kẻ địch bất cứ lúc nào (niệm).

Albert Camus tán đồng quan điểm này của Đạo Phật khi ông nhìn nhận tỉnh thức là thái độ tâm lý cần thiết để đối kháng với kẻ thù tham-sân-si.

4- Vô lượng tâm (Appamanna): Con người sở dĩ gây nên tội ác là do tính hẹp hòi, vị kỷ, chấp ngã, khinh mạn... Vì vậy muốn hướng thiện, đừng để lòng mình bị giới hạn trong lớp vỏ bản ngã, phải để cho tâm hồn phóng đạt, rộng rãi, bao trùm cả vạn vật chúng sinh.

Thái độ xả kỷ vị tha đó thường xuất hiện dưới bốn hình thức: Từ, Bi, Hỷ và Xả.

- Từ (Metta): Là lòng mong mỏi cho tất cả chúng sanh, không phân biệt chủng loại, được an vui hạnh phúc.

- Bi (Karuna) là lòng sẵn sàng hy sinh để xoa dịu đau khổ của tất cả chúng sanh.

- Hỷ (Mudita): là lòng vui mừng trước sự thành công hay hạnh phúc của bất cứ chúng sanh nào.

- Xả (Upekkha): là lòng bình đẳng, vô tư, không bị chi phối bởi những tình cảm yêu ghét, thích thú hay bất mãn.

Chúng ta không thể làm việc thiện nếu không có những thái độ tâm lý Từ, Bi, Hỷ, Xả. Vì bao lâu Tâm Vô Lượng chưa có thì ta còn bị những tình cảm sân, hận, đố kỵ tham dục chi phối; mà những tình cảm này là mầm mống của tội lỗi.

5- Chánh kiến (Sammaditthi): Nhận thức đúng đắn về bản chất của kiếp sống là thái độ cần thiết để hướng dẫn hành động.

Đức Phật dạy rằng có hai nhận thức sai lầm về vũ trụ và nhân sinh có thể dẫn con người đi sâu vào tội lỗi đó là Thường Kiến và Đoạn Kiến.

Nếu tin rằng bản ngã và thế giới là thường tồn bất biến (thường kiến) thì con người không cần phải cải thiện, vì nói đến cải thiện tức là nói đến đổi thay mà bản ngã và thế giới đã bất biến thì làm thế nào cải thiện được. Đó là thái độ nhận thức làm cản trở bước tiến hóa đến chỗ chí thiện.

Trái lại nếu cho rằng bản ngã và thế giới hoàn toàn hủy diệt sau khi chết (đoạn kiến) thì người ta sẽ bất chấp nhân quả, tội phước. Và vì thế trật tự xã hội sẽ rối loạn, con người sẽ rơi vào vực thẳm tội lỗi.

Để có thái độ nhận thức đúng đắn, ta phải biết nhận xét và phán đoán về thực chất của bản ngã và thế giới. Chánh kiến bao gồm tri kiến về Tứ Diệu Đế, trong đó có sự biện biệt nhân quả, thiện ác và yếu tính vô thường của giới hữu vi là Bản Ngã và Thế Giới .

Hành động của mỗi người đúng hay sai tùy thuộc kiến thức bên trong của người ấy chính xác hay không. Một vị bác sĩ hiểu biết thâm sâu về y dược, cách khám bệnh, đoán bệnh và giàu kinh nghiệm trong phương pháp trị liệu tất nhiên chữa bệnh có kết quả hơn ông lang băm không rành y học. Một cậu sinh viên không biết các định lý toán học, không biết chứng minh, không thuộc công thức thì làm sao tìm đáp số đúng cho một bài toán. Cũng vậy, muốn trở thành toàn chân, toàn thiện trước hết phải có chánh kiến tức là một thái độ tri thức nhờ đó ta hiểu được đâu là chân, đâu là giả.

Qua Tam tạng Kinh điển chúng ta tìm thấy rất nhiều thái độ tri thức được Đức Phật giới thiệu và khuyến khích bằng chính thái độ gương mẫu của Ngài. Trên đây chúng ta chỉ muốn đề cập đến một vài thái độ tri thức căn bản mà từ đó ta có thể phát triển những thái độ tâm lý chân chính khác hầu tự giải cứu mình ta khỏi thế giới giả vọng đến chỗ toàn chân.